PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
NGÔI NHÀ Ở LẠI
Mùa xuân như con tàu
Mang niềm vui của đất
Mầm non và lộc cây
Ngàn hoa cùng tiếng hát
Tàu đi, ngôi nhà em
Ở đây cùng với cát
Mùa hè như dòng sông
Mang trời xanh ra biển
Mùa quả cùng đi theo
Tiếng chim rồi cũng hết!
Riêng ngôi nhà của em
Ở đây cùng với bến
Mùa thu là ánh sáng
Toả vàng trên khắp nơi
Toả vàng trong nằng lá
Ánh sáng rồi cũng trôi!
Riêng ngôi nhà của em
Ở đây cùng với lá
Mùa đông là gió đen
Mang mây mù băng giá
Mang cả tuổi thơ em
Bay về quê của gió
Riêng ngôi nhà của em
Và mẹ em vẫn đó.
(Xuân Quỳnh - Trích trong cuốn "Chờ trăng" - NXB Hà Nội, 1981, trang 9)
Trắc nghiệm (3,0 điểm): Chọn phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi từ 1 đến 6 và viết chữ cái in hoa đứng trước phương án đó vào giấy làm bài thi.
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do.
B. Thơ lục bát.
C. Thơ bốn chữ.
D. Thơ năm chữ.
Câu 2. Bài thơ có cách ngắt nhịp chủ yếu nào sau đây?
A. 2/3;
B. 2/3; 3/2.
C. 1/4;1/2/2.
D. 3/2; 1/4.
Câu 3. Bài thơ là lời bộc lộ cảm xúc của ai?
A. Người mẹ.
B. Người con.
C. Bốn mùa.
D. Ngôi nhà.
Câu 4. Câu thơ nào dưới đây có hình ảnh so sánh?
A. Tàu đi, ngôi nhà em.
B. Mùa quả cùng đi theo.
C. Mầm non và lộc cây.
D. Mùa thu là ánh sáng.
Câu 5. Nhân vật "em" muốn nói điều gì trong hai dòng thơ sau?
(a) Tiếng chim rồi cũng hết!
(b) Ánh sáng rồi cũng trôi!
A. Tiếng chim cùng ánh sáng đã đem đến biết bao điều kì diệu, vui tươi cho ngôi nhà.
B. Tiếng chim hót vào mùa hè, ánh sáng chiếu rọi vào mùa thu.
C. Theo thời gian, nhiều điều trong cuộc sống sẽ không còn nữa.
D. Thiên nhiên rất buồn rầu vì không thể tồn tại mãi.
Câu 6. Vì sao trong đôi mắt "em", ngôi nhà luôn ở lại cùng "cát", "bến", "lá"?
A. Vì "cát", "bến", "lá" là những sự vật mang tính cố định, không biến mất.
B. Vì "cát", "bến", "lá" là những sự vật xuất hiện quanh ngôi nhà của "em".
C. Vì "cát", "bến", "lá" là những sự vật đặc trưng của các mùa trong năm.
D. Vì "cát", "bên", "lá" là những sự vật mà "em" vô cùng yêu thích.
Trả lời các câu hỏi sau (3,0 điểm):
Câu 7. (1,0 điểm) Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong khổ thơ sau:
Mùa xuân như con tàu
Mang niềm vui của đất
Mầm non và lộc cây
Ngàn hoa cùng tiếng hát
Câu 8. (1,0 điểm) Bài thơ "Ngôi nhà ở lại" đã góp phần bồi đắp trong em những tình cảm đẹp đẽ nào?
Câu 9. (1,0 điểm) Em sẽ làm gì để góp phần trau dồi những tình cảm được gọi lên trong bài thơ?