Đề bài
Trả lời câu hỏi trang 84 SGK Tiếng Việt 5 Cánh diều
Dựa vào dàn ý đã lập ở tiết học trước, viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của em trước một sự việc hoặc một câu chuyện, bài thơ.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Dựa trên dàn ý lập trước đó để hoàn thành bài viết 3
Lời giải chi tiết
Một trong những tác phẩm đã mang tới những thông điệp đáng quý về lao động đối với không chỉ các bạn nhỏ mà còn cả với người đọc nói chung đó là bài thơ “Tiếng chổi tre”. Mở đầu bài thơ là khung cảnh vào mùa hè oi bức, trong đêm khuya tĩnh mịch, thậm chí ve đã ngủ không còn ca vang khúc ca mùa hè và âm thanh tiếng chổi tre của những người lao công đang quét dọn đường Trần Phú, tiếng chổi vang lên những âm thanh “xao xác” tận Hàng me. Không chỉ mùa hè, mà đến mùa đông rét buốt, trong thời tiết khắc nghiệt, những người lao công cũng không ngơi nghỉ tay, họ vẫn tích cực dọn dẹp đường phố. Nhà thơ đã miêu tả những chị lao công như “sắt”, như “đồng”, vì họ có thể chịu đựng được sự giá buốt mùa đông để làm tròn trách nhiệm công việc của mình. Vẻ đẹp của những chị lao công là vẻ đẹp của lao động, vẻ đẹp mạnh mẽ, khỏe khoắn của những người phụ nữ Việt trung hậu, đảm đang. Qua đó, chúng ta cũng thấy được lòng nhân ái, thương yêu mọi người của nhà thơ Tố Hữu. Khung cảnh tiếp theo là hình ảnh thật nổi bật và tràn ngập sức sống của những gánh hoa tươi, được người bán mang tới chợ hoa Ngọc Hà. Tác giả Tố Hữu dặn hoa cũng chính là lời nhắc nhở tới mọi người, rằng để có không gian sạch sẽ, thoáng mát cho hoa đi qua tỏa hương, cho hoa gọi người mua tới chính là nhờ vào tiếng chổi tre đêm qua của những người lao công làm sạch đường phố. Giống như những người lao công là đạo diễn sân khấu, tạo ra sân khấu đẹp nhất cho biểu diễn, tỏa sáng trên sân khấu vậy. Rồi từ lời nhắc nhở hoa, nhà thơ Tố Hữu nhắc nhở các bạn nhỏ, hay chính là người đọc phải biết ơn những người lao công với chiếc chổi tre làm sạch không gian sống cho mình, không kể đêm hè oi bức hay đêm đông buốt giá. Vậy nên chúng ta phải biết giữ gìn môi trường “sạch lề đẹp lối”, bảo vệ công sức lao động của người lao công cũng là bảo vệ chính ta. Bài thơ Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu với câu từ và nội dung thật đơn giản nhưng cũng thật ý nghĩa. Em cảm nhận được bài thơ là lời biết ơn tới những người lao công luôn âm thầm cống hiến cho xã hội, cũng là thông điệp mà nhà thơ Tố Hữu gửi gắm người đọc: Phải biết yêu thương con người, tôn trọng nghề nghiệp của mỗi người, góp sức mình bảo vệ thành quả chung của những người lao động, từ đó giúp xã hội ngày càng văn minh, phát triển hơn.