Em hãy viết bài văn kể lại chuyến tham quan, dã ngoại của em
Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vào câu chuyện
Thân bài:
a. Nguyên nhân của chuyến đi
- Vì sao có chuyến đi đó?
- Thời gian?
- Địa điểm?
- Chuyến đi có những ai?
b. Diễn biến chuyến đi
- Cảnh vật trên đường đi như thế nào?
- Em cùng mọi người đã làm gì trên đường đi?
- Đến nơi, em cảm nhận như thế nào về cảnh vật?
- Tại điểm tham quan, dã ngoại, em và các bạn đã tham gia những hoạt động gì?
c. Kết thúc chuyến đi
- Khi chuyến đi kết thúc, mọi người trở về với tâm trạng thế nào?
Kết bài: Khái quát lại chuyến đi và nêu cảm xúc của bản thân
- Em có cảm nghĩ gì về chuyến đi này? Em có dự định quay lại đây không?
- Chuyến đi tạo cho em động lực gì để tiếp tục cố gắng?
Bài siêu ngắn
Dự tính đã lâu, nhưng mãi đến lễ 30 tháng 4, kỉ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng vừa qua, lớp em mới có dịp cắm trại tại công viên thị xã.
Hôm ấy, vì quá nôn nao nên mới năm giờ, các bạn đã đến trường, sớm hơn giờ hẹn. Các thứ như: cây, cọc, vải che lều, thức ăn, nước uống... đều mang theo đầy đủ như được phân công. Sau khi điểm danh, dặn đò vài điều cần thiết, cả đoàn đi bộ lên đường. Địa điểm cũng không xa lắm.
Đến nơi, chúng em chọn ngay một khoảnh đất trống thật mát dưới tàng cây me to để dựng trại. Các bạn trai năng nổ cắm cọc, các bạn gái quét dọn. Nhờ thế chẳng bao lâu, một căn lều, tuy đơn giản mà xinh xắn, đã hiện ra.
Lúc sinh hoạt là nhộn nhịp nhất. Tiếng hò hát vang vang cùng tiếng nhịp vỗ tay. Hoà vào đó là tiếng đệm đàn của thầy em. Ngồi giữa vòng tròn, em thấy thầy gần gũi và thân mật quá. Bạn Thống, thường ngày học giỏi, hôm nay lại hát hay nên mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Xen vào đó là những trò chơi: giành khăn, mèo bắt chuột, bịt mắt bắt dê... thật hào hứng. Nhiều lúc, tiếng reo náo nhiệt cả một vùng, làm cho mây người lớn, mấy em nhỏ đi qua đó cũng dừng lại đứng nhìn mà vui lây.
Trưa hôm ấy, sau khi tổ chức ăn uống, người thì ra ngồi gốc cây hóng mát, đọc sách, người thì đi dạo. Đến chiều sinh hoạt tiếp và khoảng ba giờ, lúc mặt trời hơi chếch về tây, thầy trò mới nhổ trại ra về.
Lần đầu tiên dự buổi cắm trại thật là lí thú. Tình thấy trò, tình bè bạn dường như gắn bó hơn. Cả lớp cứ nhắc mãi chuyện cắm trại vừa qua.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Trước khi anh Hùng được sang Thụy Điển học Đại học Lâm nghiệp, bố em đã tổ chức cho cả nhà đi tham quan và tắm biển Đồ Sơn. Tỉnh Hòa Bình quê em có sông Đà và nhà máy thủy điện, có Tu Vũ, dốc Cun, Kim Bôi... rất nổi tiếng, được nhiều người ở xa biết đến. Mẹ em, anh Hùng, em và bé Ngọc thì chưa biết biển như thế nào, nên ai cũng háo hức. Bố bảo: "Biển rộng mênh mông, nước biển mặn, trên biển có nhiều dảo nhô cao như núi, biển có nhiều tôm cá, ngọc trai, san hô. Cá voi to bằng cái nhà ta. Cá mập dữ hơn cọp. Rắn biển có đàn đông đến vài trăm con...". Nghe bố nói, bé Ngọc cứ ôm chật lấy mẹ. Nó nhát gan lắm.
Đi ô tô từ sáng sớm, qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương thì đến thành phố Hải Phòng. Con đường Năm, đường Cầu Rào - Đồ Sơn phẳng lì có hai làn xe chạy xuôi ngược. Đúng 10 giờ, cả gia đình đã đến bãi biển Đồ Sơn.
Sau khi thuê phòng trọ, thu xếp chỗ nghỉ ngơi, bố mẹ dẫn hai con đi xem bãi biển. Mặt biển mênh mông, bao la. Ở cuối chân trời, những cánh buồm nâu, buồm trắng, những tàu đánh cá ẩn hiện to bằng ngón tay, mờ dần rồi mất hút. Nước biển xanh biếc, lặng gió nên sóng nhẹ từng lớp từng lớp đuổi theo, nhau liếm lên bãi cát. Tiếng sóng rì rào, rì rầm vọng lên trầm hùng. Đồ Sơn được quây lại bởi chín ngọn núi tạo thành một bán đảo. Phía xa mờ là đảo Cát Bà, nghe bố nói ở đó có nhiều cảnh dẹp, có rừng nguyên sinh - rừng cấm quốc gia với nhiều loài chim, loài thú quý hiếm. Chếch về phía đông nam là đảo Hòn Dấu, nơi có ngọn hải đăng, vẻ đẹp của Đồ Sơn là những đồi thông xanh biêng biếc, tiếng thông reo vi vu êm đểm hòa cùng tiếng sóng biển.
Nắng trưa chói chang. Gió biển mát rượi. Khu Một, bãi biển thoai thoải, có nhiều cây dừa cao vút. Khu Hai, có nhiều khách sạn, nhiều biệt thự xinh đẹp ẩn hiện dưới tán cây xanh. Khu Ba có khách sạn Vạn Hoa và nhiều nhà hàng sang trọng - khu du lịch giải trí quốc tế. Đây còn giữ lại một số di tích lịch sử của "Đoàn tàu không số" của Hải quân anh hùng thời đánh Mĩ. Mẹ chỉ về một ngôi biệt thự màu vàng trên đồi thông và bảo đó là nhà nghỉ mát của vua Bảo Đại trước năm 1945.
Mãi đến chiều, bố mẹ mới thuê phao tắm, bố và em Ngọc một phao, em và mẹ một phao, anh Hùng một phao. Anh Hùng khỏe và bơi giỏi, anh đã bơi ra thật xa. Bố mẹ, em và Ngọc tắm gần bờ; sóng biển đu đưa đôi chân như quả lắc. Em lấy tay chấm nước biển đặt vào miệng hơi mằn mặn.
Sáng sớm và xế chiều, bãi biển Đồ Sơn lúc nào cũng đỏng nghịt người tắm mát. Có nhiều người ngoại quốc. Nhiều trẻ em, nhiều học sinh. Nhiều đứa bé bơi rất giỏi.
Lần đầu tiên mới nhìn thấy chim hải âu, to gấp đôi chim bồ câu, lông mốc xám. Hai ba con, năm bảy con, xòe rộng đôi cánh lượn sát trên mặt biển, như đưa võng để bắt mồi. Con chim hiền lành, cần mẫn, thỉnh thoảng lại cất tiếng kêu "chéc chéc" gọi bạn. Em đã thuộc câu ca dao nói về con dã tràng từ hồi học lớp Ba, hôm nay mới nhìn thây con vật bé nhỏ, màu đỏ sẫm nhanh nhẹn này. Vừa đi tìm vỏ ốc biển, em vừa nhẩm lại bài ca:
"Dã tràng xe cát biển đông,
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì ".
Chỗ cho thuê phao bơi, người ra vào tấp nập. Nhiều chỗ bày ghế cho thuê ngồi ngắm biển. Nhiều cô gái và em bé đi bán quà rong, bán hàng lưu niệm. Anh Hùng mua cho em Ngọc một cành san hô rất dẹp.
Sáng hôm sau, bố thức cả nhà dậy rất sớm, đi ra bãi biển ngồi chờ ngắm cảnh rạng đông. Chân trời đỏ rực, mặt trời to như một chiếc nong khổng lồ nhô dần lên ngấn biển xanh. Một cảnh tượng vô cùng chói lọi. Hàng trăm hàng nghìn con hải âu từ đâu bay túa ra kêu râm ran. Gió biển mát rượi. Thuyền đánh cá, thuyền câu lố nhố xa gần. Độ 7 giờ sáng, người đi tắm biển đã đứng đầy bãi biển, mép biển. Có đến mấy nghìn người.
Độ 10 giờ, cả nhà đã đi xe ô tô buýt vào nội thành Hải Phòng. Ăn cơm trưa xong bố bảo đường còn xa nên phải về sớm. Hơn 5 giờ chiều, mới về đến nhà. Mẹ nói khi nào anh Hùng đi học về, bé Ngọc lên lớp 6, cả nhà ta lại đi Đồ Sơn hoặc hạ Long nước da hai chị em như đen lại. Em mới hiểu thế nào là vị biển, và càng thấm thía câu nói dân gian: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn".
Bài tham khảo 2:
Hè vừa qua, trong chuyến ra thăm xứ Huế em đã được theo ba cùng đoàn tham quan đến khu lăng mộ triều Nguyễn.
Lần đầu tiên trong đời, em tận mắt thấy cảnh núi non trùng điệp trải dài đẹp như tranh vẽ, đến tận những rặng Trường Sơn xa mờ tít tắp.
Trước mặt em, lúc ấy, bóng dáng núi Ngự Bình hiện ra sừng sững. Ba em chỉ phía sau kia là cột cờ trước lầu Ngọ Môn. Ba bảo gọi tên là núi Ngự Bình vì núi như bức bình phong của kinh thành.
Xe cứ từ từ lên dốc, lăn bánh giữa những rặng thông xanh mướt. Mọi người trố mắt nhìn. Khu lăng mộ triều Nguyễn đây rồi. Phong cảnh nơi này thật đẹp. Trên đỉnh dốc nhìn xuống, một nhánh nhỏ sông Hương xanh ngắt trôi lững lờ. Trước hết, đoàn ghé Khiêm Lăng với đồi lớn đồi con bao quanh làm thành một bức tường vây bọc đầy bóng thông xanh. Tiếng gió thông vi vu, bất tận tạo nên một không gian tĩnh lặng thâm nghiêm cho nơi an nghỉ của vua Tự Đức.
Bước lên thềm cao, em cùng đoàn vào cổng lăng. Dọc hai bên sân rộng lót đá là hai hàng tượng trăm quan văn võ bằng đá bất chấp thời gian vẫn nín lặng đứng chầu. Qua sân là vào điện chính. Đó là một ngôi nhà nguy nga, dài rộng bên trong bày đủ các thứ bàn, giường, ghế sập gụ, tủ trà giát vàng khảm ngọc của vua dùng ngày trước.
Sau đó là khu mộ nằm trong một vòng tường thành cao ngất có hai cánh cửa đóng nặng nề. Rẽ sang phải là một dòng suối chảy ra từ lòng đá. Đẹp và thơ mộng nhất là nhà thuỷ tạ nằm trên hồ sen đầy hoa nở.
Người thuyết minh cho biết khu lăng mộ đã xây dựng mất rất nhiều năm, tốn biết bao công sức và tiền của của nhân dân. Chính chốn này là nguồn gốc phát khởi hai câu ca dao:
Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Đến đây, em mới thấy được khối óc và bàn tay tài hoa của những người lao động Việt Nam, thấy dược sự bóc lột tàn nhẫn của vua quan phong kiến và nỗi đau bất tận của dân lành thời ấy!
Bài tham khảo 3:
Lâu nay chỉ được nghe, cuối hè rồi, tôi mới được tận mắt thấy phong cảnh Đồng Tháp Mười khi cùng ba tôi tham gia đoàn tham quan tỉnh Đồng Tháp.
Hôm ấy, sáng sớm chúng tôi khởi hành từ thị xã Sa Đéc. Tiếng máy khởi động của chiếc thuyền khuấy động cả không khí êm đềm của thị xã xinh xắn trong lành. Chiếc thuyền từ từ rời bến. Một làn khói xám từ ống khỏi toả lên vẽ thành một vệt dài.
Rời khỏi đoạn kênh hẹp uốn khúc ngoằn ngoèo, chiếc thuyền bắt đầu đổ vào dòng sông lớn.
Trước mặt tôi, một dòng sông rộng mở ra, làn nước đục màu phù sa nhấp nhô gợn sóng. Hai bên bờ, một màu xanh trải rộng. Lần đầu tiên tôi được thấy tận mát bóng dáng cây tràm đầm chân trong nước, bóng dáng rặng trâm bầu, đặc biệt là bóng dừa xanh mát gợi lên một cảm giác thú vị về sự trù phú của đất nước và con người.
Hơn một giờ sau, chiếc thuyền lại bỏ dòng sông lớn, rẽ vào một dòng kênh ở bờ bên phải. Ba tôi bảo: “Đó là kênh Nguyễn Văn Tiếp”.
Thuyền chúng tôi đi giữa xóm làng ngập nước trắng xoá. Từng ngôi nhà mấp mé nước với đôi chiếc xuồng nhỏ buộc trước cửa. Thân thương nhất vẫn là hình ảnh từng rặng tràm xanh kiên cường chịu sóng gió, bám giữ đất đai.
- Mình về đây nhằm mùa nước nổi. Chớ về đây vào mùa khô, mình sẽ gặp nhiều đồng cỏ mênh mông, Ba tôi nói với tôi như vậy.
Chúng tôi đi ngang qua thị trấn Tháp Mười sầm uất với đầy đủ bệnh viện, cơ quan, cửa hàng, trường học, màu ngói đỏ au soi bóng bên ngã ba kênh.
Tôi thích thú nhất với hình ảnh nhiều chiếc xuồng nhỏ buộc xúm xít bên trường học. Giá như sống ở đây tôi sẽ được đến trường bằng xuồng. Còn gì thú vị hơn!
Gần đứng bóng, chúng tôi đến Tháp Mười ghé thăm tháp mười tầng và ngôi nhà xưa còn nhiều di vật của một văn hoá nào đó đã xa xăm.
Chúng tôi dừng lại khá lâu bên phần mộ Đốc Binh Kiều, một trong các lãnh tụ đầu tiên khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ. Lòng không khỏi bồi hồi nghĩ về một thời đắng cay của đất nước đã chìm sâu vào quá khứ.
Đoàn chúng tôi trở về lúc xế chiều. Vì mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi trong tiếng thuyền máy rầm rì, tiếng nước vỗ mạn thuyền ì oạp... Hình ảnh các dòng kênh, các mái nhà bên bờ nước với chiếc xuồng con buộc trước ngõ, đôi rặng tràm xanh ngát hiện lên trong giấc mơ thật đẹp của tôi...
Bài tham khảo 4:
Thế là, bằng đủ mọi cách, từ năn nỉ ỉ ôi, tôi dỗi cơm, dọa “tuyệt thực”, cả lớp cũng xin được một chuyến đi biển hai ngày. Chuyến đi mà để có được, nhiều đứa đã phải trả giá bằng cả máu và nước mắt.
Chứ còn gì nữa, thằng Hoàng, vì phải thức đêm nhiều lên mạng tìm tour cho lớp mà bị chảy máu cam. Cu cậu hoảng quá vì nghe đâu người ta bảo, chảy máu cam là dấu hiệu của máu trắng thời kì cuối. Hay như Dung lớp phó, xin được cho cả lớp đi rồi thì đột nhiên bố mẹ đổi ý 180 độ, không cho đi vì sợ "không an toàn”. Cả một đêm khóc lóc như mưa, bố mẹ buộc phải thay đổi “quan điểm lập trường” chỉ vì sợ nó làm ngập nhà. Cô nàng vác theo một cái kính râm to sụ để che hai con mắt sưng húp, hợp lạ lùng với cái miệng cười toe như bông loa kèn.
Làm lớp trưởng, tôi thấy thế là mãn nguyện. Gần 50 người rồng rắn, từ trẻ con (con cô chủ nhiệm), đến trẻ nhỡ (bọn tôi) được người lớn cho một chuyến đi Vân Đồn hai ngày, chính xác là đảo Quan Lạn, thế là ô kê rồi.
Lò dò đếm đi đếm lại trên xe, thiếu mất cánh tay của thằng Thắng. Nó từ chối chuyến đi vì một lí do “lãng xẹt”: “về quê”. Cả lớp đã phải gào lên với nó là “mày về quê lúc nào chẳng được”, nhưng thằng bé đầu cứng hơn quả trứng kia nhất mực từ chối. Không đi thì thôi, về sẽ phải hối tiếc đấy, với tư cách một thằng bạn thân, tôi tuyên bố thẳng thừng với nó như thế. Cũng chẳng thay đổi được gì, cứng đầu thế không biết. Thế là nó ở lại. Bọn trong lớp tùng chỉ kịp buồn một tẹo rồi thôi, hơi đâu, vắng mợ thì chợ vẫn đông mà. Duy chỉ có một đứa con gái là buồn nhất, nguyên “bí phở”: Tú Anh. Ừ, thì ngay từ hồi đầu năm lớp 11, cả lớp cũng lờ mờ đoán ra hai anh chị này chắc chắn có “cảm tỉnh” với nhau, nhưng chẳng đứa nào dám nói, Mà bố mẹ cô nàng này khó tính khủng khiếp. Để được đi chuyến này, cô bạn chắc cũng tốn không ít khăn giấy để lau nước mắt (chẳng kém cái Dung là mấy). Vậy mà thằng Thắng không đi! Mấy đứa thuộc tổ dưa lê của lớp thở dài ngao ngán. Nó mà không đi thì chẳng có cặp đôi nào để tác thành nhân duyên cả. Mang theo bộ mặt rất đỗi chân chính của mấy bà mai mối thất nghiệp, bọn con gái kéo nhau xuống cuối xe đánh bài quệt son. Còn tụi con trai ngồi soạn “văn tế” vá bàn trước “án tử” để khi nào về Hà Nội úp sọt thằng Thắng một trận.
Cả hội vui như tết, chỉ riêng Tú Anh là buồn. Xin thề có quỷ thần chứng dám là lúc này, mặt nó không còn dài như quả bí nữa mà dài không khác một cái bơm.
Tàu cập bến, cả hội 46 đứa cả nam lẫn nữ ào lên bờ, chẳng khác gì thực dân ngày xưa đi xâm chiếm thuộc địa. “Sóng di động mất hoàn toàn chúng mày ạ” - Thành reo lên như thể mới tìm ra châu Mỹ. Có nghĩa là mọi liên lạc với thế giới bên ngoài dứt hẳn, cũng có nghĩa là bước chân lên đảo này, chúng nó trở thành thổ dân thực sự. Và nếu không có bầy thổ dân nhí nhố này thì chẳng ai có thể đẩy được cái ô tô chở khách - là già số 1 của đảo – về với nhà nghỉ. Một đứa nào đấy bật cười (theo đúng cái kiểu ở lớp gọi là cười bố đẻ em bé): “Nhà nghỉ này tên là Robinson chúng mày ạ” “Hehe, nghĩa là bị tống lên hoang đảo thật à” – thằng Quân, tổ trưởng tổ “mùi” ré lên. Bọn con gái vừa say sóng mệt lử cả người cũng không thể kìm được vẻ phấn khích, nhất là khi biết rằng chúng nó là đoàn khách duy nhất trên đảo này. Tour này đáng đồng tiền bát gạo, thằng Hoàng vừa vuốt cái cằm lún phún mây sợi lông tơ của nó, vừa “cười ruồi” tự thưởng. Chỉ riêng Tú Anh, cô nàng vẫn buồn, nhưng mặt không còn dài bằng cái bơm nữa mà ngắn lại còn như quả bí .
Tối đốt lửa trại, bọn con gái hò hét khản cổ, cồ vũ cho bọn con trai thi kéo co. Một chú của đội A “khôn khéo” buộc dây vào cây thông, bọn đội B kéo mệt nghỉ mà không làm gì được. Trọng tài phát hiện ra thì đã hòa cả làng. Rồi đưa bóng về đích, ăn sữa chua, nhảy bao bố... Lần đầu tiên lớp mới vui thế này. Những đứa mà ở trên lớp cứ tưởng chỉ biết đâm đầu vào quyển sách thì bây giờ hò hét cũng chẳng kém gì ai. Thằng Vịt tranh thủ chạy ra “tán” bạn chuyên ngữ đi cùng đoàn, cái thằng đến lạ, cứ thấy con gái (mới đến) là lại “bì bà bì bõm”. Hải “cô” lon ton chạy theo mấy em gái ra biển ngắm sao. Biển đen thẫm, trời cũng đen thẫm nhưng sao thì dày đặc. Và “Bí phở” rất cỏ thể sẽ là nguyên nhân phá hỏng cuộc vui của cả lớp. Nó lại ngồi, trầm ngâm và nhớ thằng Thắng.
Sáng sớm, cả lớp ra biển tắm. Bất chợt, một đứa khựng lại, mặt thảng thốt. Thằng bé quay sang chỉ trỏ cho đứa bạn đi cùng. Thằng bạn lại gọi ngay hai đứa nữa cùng đứng xem. Rồi một đoàn rồng rắn đứng trên bờ phi lao nhìn xuống mà không ai dám bước xuống bãi cát. Tú Anh là người chạy ra cuối cùng. Và có thể ngờ được không, khuôn mặt cả một ngày dài không nặn nối nụ cười nào bỗng chợt mỉm cười. Trên bãi cát dài, bao nhiêu trái tim từ be bé đến to to xuất hiện chỉ với một dòng chữ: “Tú Anh - tớ mến ấy”. Không gian như chợt đặc quánh lại, và Mặt Trời phía xa cũng bắt đầu ửng hồng như khuôn mặt cô cựu bí thư lúc này. Một đứa nào đấy phá tan sự im lặng: “Chị Bí sướng nhé, được anh nào trong đoàn để ý” “Hay là Thắng nó gửi lời cho gió đến đây nhỉ” - có đứa còn thì thào. Chẳng cần biết lí do, với Bí, bất kể đó là ai, hẳn cô bạn đang sung sướng đến chết đi được. Nụ cười rạng rỡ trở lại sau 1 ngày “tu” kiếp bơm Bí, cô bạn chạy ra biển đầu tiên, đùa sóng và nhảy múa “hồn nhiên hơn cô tiên”. Cả một lũ chạy theo bắt chước, trong bao la bát ngát khí trời. Tiếng cười giòn tan hòa vào gió biển.
Thắng nhập đoàn chúng tôi muộn một hôm. Gãi đầu gãi tai, “thằng cu” bảo: “Nhớ lớp không chịu được!” “Nhớ lớp hay nhớ Bí thư?” Cả lũ nhao nhao- Mắt mũi các chị chuyên gia buôn - tám long lanh khác thường, hẳn là đứa nào cũng háo hức muốn “bán” cái tin mật về những con chữ tình cảm của “tình địch” bí ẩn với Thắng. Nhưng rốt cục, không đứa nào nói cả. Sự tình khó tin của cái đám loa phóng thanh ấy làm cả lớp bất ngờ dẫn đến khâm phục và xức động điên lên được. Dung thì thào với Vịt (trời ơi, mới sáng bảnh mắt mà cô nàng đã lại đeo kính râm to bự - đúng là đồ con gái điệu): “Đôi trẻ sau này mà thành là nhờ công lớp mình hùn hạp, mày nhỉ”. Trong lúc cả lớp sôi lên với những “âm mưu” và “thỏa thuận” bí mật, “đôi trẻ” vẫn chẳng hay biết tí ti. “Thằng cu” Thắng vẫn tươi tỉnh và bạn Bí thở thì, hừm, khỏi phải nói, tươi hơn cả chữ tươi.
Sau này về đến Hà Nội, nhắc lại cuộc đi chơi, đứa nào cũng kể lại câu chuyện ấy như kiểu một câu chuyện cổ tích. Riêng tôi, chỉ biết cười và nghe chúng nó huyên thuyên. Bởi vì có ai biết rằng, sáng hôm đấy, tôi cũng ra biển từ rất sớm. Và bắt gặp một cái dáng quen thuộc, đang khom lưng vẽ những hình trái tim trên cát với tất cả yêu thương, với cả kiểu chữ T hoa không nhầm lẫn với ai. Và tôi nhận ra nó, nhớ ra một điều “tai hại” rằng Tôi quên béng mất quê nội thằng bạn ở Quan Lạn. Rằng thì ra cái bất ngờ nó từng tuyên bố rồi mày sẽ biết là đây. Nhưng thôi, dù sao đây cũng là một bí mật tôi muôn giữ riêng cho mình. Hãy cứ đế Bí nhớ về những trái tim như kỉ niệm đẹp, để Thắng hài lòng với bí mật của nó. Chỉ như một món quà bất ngờ của biển thôi mà, phải vậy không?