Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu khái quát về sự việc
- Hoàn cảnh
- Thời gian
Thân bài:
- Diễn biến sự việc:
+ Việc làm đó là gì?
+ Việc làm đó xảy ra ở đâu?
+ Em thực hiện việc đó như thế nào?
+ Suy nghĩ của em khi làm công việc đó?
- Việc làm của em mang lại lợi ích gì?
Kết bài: Cảm nghĩ của em sau khi thực hiện công việc đó
Bài siêu ngắn
Ngày nào đi học, chúng em cũng đi qua chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia. Ngòi Thia chỉ rộng độ 15 mét, sâu hơn 2 mét, nhưng về mùa lũ nước cuồn cuộn đục ngầu.
Tháng 9 năm 2000, mưa to, lũ lụt lớn. Chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia chỉ một đêm bị lũ cuốn gần nhứ hết sạch các mảnh ván gỗ và lan can trên cầu.
Sáng thứ hai hôm ấy, mưa đã tạnh, nước ngòi dâng đầy cuốn băng băng Cầu đã bị trôi hết ván. Hàng mấy chục học sinh Tiểu học thôn Hạ và xóm Chừ đứng ngơ ngác nhìn ngòi, nhìn cầu. Bước vào năm học mới được 2 tuần, thế bọn chúng em phải quay trở về nhà.
Bác Chính sĩ quan công binh về hưu, là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Hồng Phong đã ra tay làm sống lại cây cầu. Bác đã vận động thanh niên và các cán bộ về hưu toàn xã đốn mấy chục cây bạch đàn to, dài trong vườn bác tập kết tại chân cầu. Mấy tay thợ mộc ở xóm Chùa được bác điều động đến giúp bác một tay. Mọi thứ vật liệu khác như đinh, móc sắt, dây thép và dây cáp vun chằng cầu bác đều tự bỏ tiền ra mua sắm. Là kĩ sư công binh thời chiến tranh, tất cả nên mọi khâu kĩ thuật, bác đảm đương hết. Các cô giáo trường Tiểu học xã phục vụ nước uống và cơm trưa. Đến nửa đêm thì cái cầu bắc qua ngòi Thia đã hoàn thành. Năm đó, em là học sinh lớp Một.
Đến nay, chiếc cầu đã trải qua năm năm trời sương gió nắng mưa, được phục thử thách qua ba cơn lũ lớn. Xe kéo công nông vẫn qua lại bình thường. Uỷ ban xã trả bác Chính 5 triệu đồng gọi là tiền gỗ bạch đàn, nhưng bác Chính nói là chiếc cầu tình nghĩa có là bao !
Từ bấy đến nay, chiếc cầu bắc qua ngòi Thia từ làng Hạ, xóm Chùa đi sang làng Thượng, làng Trung của quê em được bà con gọi một cách thân mật là cầu Ông Chính.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Bác Khánh ở xóm Đền là cán bộ về hưu. Hỏi đến bác thì thôn trong, xóm ngoài ai cũng biết.
Thời chống Pháp, bác đi bộ đội khi chưa biết chữ. Vốn là một thợ đúc đồng đúc gang lành nghề, bác được tuyển làm chiến sĩ công binh để đúc vỏ bom, mìn, lựu đạn cho bộ đội. Dần dần bác được bồi dưỡng văn hóa, được cấp trên cho đi học, về sau trở thành một kĩ thuật viên trung cấp sửa chữa xe pháo và vũ khí cho Giải phóng quân thời chống Mĩ. Bác về hưu với quân hàm trung tá nhưng ăn mặc giản dị như một lão nông chân quê.
Người bác to cao. Tóc bạc cắt ngắn. Cặp lông mày bạc trắng làm nổi bật đối mắt sâu đen láy, tinh nhanh của bác. Cùng tuổi với ông nội em - 75 tuổi - khi răng ông nội em đã rụng mất 6 chiếc thì răng bác vẫn còn nguyên. Có lúc bác nói vui: "Hàm răng trời cho để nhai bo bo, nhai bắp". Bác nói to, giọng lơ lớ, đi lại rất nhanh nhẹn. Lần nào đến chơi với ông em, bác cũng đòi xem sách vở: "Cháu Thìn đâu rồi, mang sách và ra đây cho bác tập đọc, làm cộng trừ nhân chia với...". Bác khen là con mẹ Nga viết đẹp, học giỏi và ngoan.
Bác góa vợ đã gần 30 năm nay, con cháu đều trưởng thành. Có lẽ vì thế mà bác là người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Bác tham gia Hội Cựu chiến binh xã. Bác làm Hội trưởng Hội Khuyến học xã. Bác đã vận động cán bộ về hưu, nhân dân toàn xã Hồng Phong đóng góp quỹ học bổng giúp con em các gia đình khó khăn, những em chăm ngoan, học giỏi. Bạn Lý và bạn Chung lớp em vào đầu năm học lớp 5, mỗi bạn nhận được suất học bổng 300.000 đồng. Bác vẫn thường xuyên đến thăm thầy trò Trường Tiểu học Hồng Phong. Nhờ bác và Hội Khuyến học mà trường em có nhiều cây xanh tỏa bóng mát sân trường: 4 cây bàng và 24 cây xà cừ.
Cách đây 5 năm, đường trong làng trong xã toàn là đường đất. Những hôm mưa bão, đường trơn như đổ mỡ, chúng em đi học, bà con đi chợ, đi làm thật vất vả. Trong Đại hội Đảng bộ xã năm 2000, bác đề nghị xi măng hóa các đường, xây dựng lại Trạm Y tế xã. Ý kiến của bác được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ xã, được bà con nhiệt liệt hưởng ứng. Riêng bác đã rút 20 triệu đồng tiền tiết kiệm của bác cho một số gia đình khó khăn ở xóm Đền Vay không lấy lãi để góp công sức làm đường. Điện đã về xã, đường đi lại được lát bê tông, bà con xã em ai cũng cảm phục và biết ơn bác Khánh.
Bác Khánh là người nông dân "ăn chắc mặc bền". Bác vẫn giữ nguyên bản chất tốt đẹp của "anh bộ đội Cụ Hồ". Học sinh Trường Tiểu học Hồng Phong vẫn coi bác như ông nội, ông ngoại kính yêu của mình. Mỗi lần bác đến thăm trường, thầy trò đều rất vui mừng đón chào bác.
Bài tham khảo 2:
Xã em ở ven biển có ba thôn: Hải Triều, Hải Ngư và Hải Khoa. Nghề chính của bà con xã em là đánh cá. Toàn xã hiện có trên 100 con thuyền, riêng thôn Hải Triều của em có 37 con thuyền trên mười tấn vừa chạy bằng máy vừa chạy bằng buồm.
Trước đây, làng xóm thật bình yên. Nhưng gần đây, xóm làng trở nên lộn xộn. Nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên. Bắt chó, trộm ti vi, lấy áo quần. Bọn nghiện hút, lưu manh từ thị xã lần mò tới, làm cho người ra khơi, kẻ đi chợ không yên tâm làm ăn. Hầu hết đàn ông, trai tráng trong làng đẽu đi khơi, đi lộng; có tàu thuyền ra khơi đánh cá sáu bảy ngày mới về. Ở nhà chỉ có ông bà già, các mẹ các chị đi chợ bán cá. Trẻ em, học sinh đi học cả ngày. Làng xóm trở nên vắng vẻ.
Trước tình hình đó, bác Chu 68 tuổi, Trung tá quân đội về hưu, đã bàn với xã cho lập tổ Dân phòng tự quản. Sáu vị trong Hội Cựu chiến binh, 14 cán bộ công nhân về hưu đều tích cực tham gia. Cổng làng được xây dựng, sửa sang lại. Bác Chu đã lập ra 6 chốt canh phòng ở đầu làng và cuối làng. Ban đêm có tổ chức tuần tra, có đánh mõ. Người lạ xuất hiện được theo dõi kiểm tra: gặp ai ? việc gì ? ở đâu đến ? v.v...
Các em học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở cũng là tai mắt của tổ Dân phòng. Học sinh Trung học phổ thông đều tham gia đi tuần cùng các bác, mỗi người hai đêm trong một tháng.
Chẳng có gươm giáo, súng ống gì, thế mà bác Chu và tổ Dân phòng đã theo dõi và mật phục bắt sống bốn tên đi xe máy ăn trộm chó, bắt giải lên xã
5 tên "đạo chích" lừng danh trong vùng. Có tên trộm trốn xuống giếng làng cũng bị bác Chu bắt sống ! Hai ba tháng nay, cuộc sống của thôn Hải Triều trở lại bình yên. Nghe nói, Hải Ngư và Hải Khoa cũng đã lập tổ Dân phòng tự quản do các cán bộ, công nhân về hưu đảm nhiệm.
Gặp ai, bác Chu cũng dặn: "Sắp đến Tết rồi. Tháng củ mật đó”. Bác vừa nói vừa cười. Cuối năm, thuyền đánh cá đi về tới tấp bến Triều Châu. Vụ cá năm nay, làng em thắng lớn. Cả làng đều vui. Hải Triều thật yên bình. Bác Chu nói với cô Sen Hiệu trưởng trường em: "Trật tự trị an kì nhiệm vụ của toàn dân. Ai cũng có thể tham gia. Các thầy cô giáo và học sinh là tai mắt của tổ Dân phòng tự quản”.
Bài tham khảo 3:
Cách đây 5 năm, anh Lý con bác Thuận, học lớp 8 Trường Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng bị đuổi học về tội chui vào kho của Trạm Nông nghiệp ăn trộm một bao phân đạm. Sự vụ đó ầm lên xóm trong, thôn ngoài.
Anh Lý vác bao đạm về giấu trong buồng; mẹ anh biết đã bắt anh phải đem trả lại Trạm Nông nghiệp. Nhưng thầy Hiệu trưởng vẫn đuổi học. Thầy nói: “Học sinh phải thật thà. Trộm cắp là một thói xấu. Phải đuổi học để làm gương!”. Bố mẹ anh Lý đến xin mãi, nhưng vẫn không được.
Dạo ấy, bác Hùng, sĩ quan Quân đội mới về hưu. Bác đã đứng ra thu xếp việc học cho anh Lý. Anh Lý phải làm bản kiểm điểm trước Ban Giám hiệu nhà trường. Bố mẹ anh Lý đưa anh Lý đi làm việc đó. Bác Hùng đã đề nghị thầy Quang, Hiệu trưởng, cho anh Lý được chuyển trường sang học trường Đồng Minh của xã bạn.
Một buổi sáng trời mưa to, bác Hùng đã dẫn anh Lý đi học trường mới. Chuyện anh Lý đã được bác Hùng báo cáo đầy đủ với thầy Hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm trường Đồng Minh. Nhưng bác xin các thầy cô giáo “giữ kín cho cháu, để cháu có điều kiện tu dưỡng”.
Anh Lý mang tiền đi nộp tiền học, không may bị mất. Số tiền là 80.000 đồng. Anh sợ bố đánh nên đã xảy ra chuyện tai tiếng đó. Bác Hùng đã phân tích, đã chỉ cho anh Lý thấy rõ khuyết điểm của mình, thường xuyên an ủi, động viên anh Lý tu dưỡng đạo đức và chăm chỉ học tập. Năm lớp 8, anh Lý được xếp đạo đức khá, đạt học sinh Tiên tiến. Từ năm lớp 9 đến lớp 12, anh Lý đều đạt học sinh có học lực Khá, xếp loại Tốt đạo đức. Kì thi đại học năm 2004 - 2005, anh Lý trúng tuyển vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Trước khi ra Hà Nội học, anh Lý đến chào bác Hùng, bác đã cho anh 100.000 đồng để mua sách. Vỗ vai anh, bác bảo: “Cháu cố học giỏi. Quê mình còn cần nhiều kĩ sư nông nghiệp nữa đó".
Xã em có chợ Bào, những hôm chợ phiên, bọn cờ bạc tụ tập, nhiều lần xảy ra xô xát, đánh nhau, làm cho cảnh chợ búa ồn ào, lộn xộn. Bác Hùng đã giúp uỷ ban xã tổ chức và quản lí lại chợ Bào ngày một khang trang, văn minh, không còn các tệ nạn như trước nữa.
Gặp ai, bác Hùng cũng vui vẻ. Cả xã em, ai cũng kính nể bác. Khi có việc gì khó khăn, cán bộ xã lại đến hỏi ý kiến bác.
Bài tham khảo 4:
Ông bà nội em sinh được bốn người con, ba người đi làm ăn xa, chỉ còn chú Út ở nhà với ông bà. Trước kia, nhà chỉ có ít ruộng nên thóc lúa không đủ ăn, mọi người phải làm thuê để kiếm sống. Chú Út sau khi học hết lớp 12 đã quyết định ở lại quê hương để tự khẳng định mình, ở xã bên có nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, chú đến xin làm ở đó. Chú chăm chỉ chịu khó nên được ông chủ tin yêu và truyền nghề. Sau mấy năm học tập và làm việc vất vả, chú đã thành thạo, được ông chủ cho phép về quê để tạo dựng cơ nghiệp. Chú cùng với mấy người bạn trong ấp lập một xưởng nhỏ chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công mĩ nghệ.
Hôm về thăm ông bà nội, bước vào sân, em đã thấy những khúc gỗ đủ mọi kích cỡ đặt la liệt khắp nơi. Dưới mái che bằng bạt, chú út đang say mê tạc bức tượng em bé cưỡi trâu thổi sáo. Lúc ấy, em thực sự bị cuốn hút vào công việc tỉ mỉ, khó khăn nhưng đầy thú vị. Chú út một tay cầm đục, một tay cầm chiếc dùi bằng gỗ, thận trọng gõ từng nhát một. Những miếng dăm gỗ nhỏ xíu rơi lả tả xuống đất. Chỉ một lát sau, hình thù cậu bé và con trâu đã hiện ra nhưng còn xù xì, đơn giản. Chú út lấy một con dao nhỏ thật sắc, gọt tỉa từng đường cong mềm mại. Mỗi động tác của chú đều toát lên sự cần mẫn, tài hoa lạ lùng.
Đến chiều, bức tượng nhỏ đã hoàn thành. Chú út lấy giấy nhám đánh cho nhẵn rồi thoa vẹc ni màu nâu bóng. Từng đường vân gỗ hiện lên thật đẹp. Chú Út nâng bức tượng ngang tầm mắt, ngắm nghía kĩ lưỡng và đôi môi chú nở nụ cười mãn nguyện. Chú bảo em muốn thành công trong mọi việc, phải có sự say mê và tính cần cù, chịu khó.
Nhìn bức tượng cậu bé đội chiếc nón lá đang thổi sáo, ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu mộng có cặp sừng cong vút, đầu cúi xuống như đang thong dong gặm cỏ, em càng mến phục tài nghệ của chú em và những người thợ có bàn tay vàng như chú đang góp phần làm đẹp cuộc đời.
Hàng của chú phần lớn bán ở các cửa hàng mĩ nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đời sống gia đình ông bà em nhờ có chú mà ngày càng khá lên. Chú đang có ý định mở rộng sản xuất, dạy nghề cho thanh thiếu niên trong xóm. Nay mai lớn lên, em sẽ nhờ chú truyền nghề. Trước mắt, em phải chăm chỉ và cố học cho giỏi.