Trả lời câu hỏi bài tập 1 SBT trang 10 Ngữ văn 7 Kết nối tri thức, tập 1
Đọc lại bài thơ Đồng dao mùa xuân (từ “Ba lô con cóc” đến hết) trong SGK (tr.40-41) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Nhận xét về đặc điểm hình thức của đoạn thơ trên các phương diện như số tiếng trong mỗi dòng thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp
Phương pháp giải:
Đọc kĩ nội dung bài thơ trong SGK trang 40 – 41, chú ý đến đặc điểm hình thức của bài thơ và đưa ra nhận xét của bản thân về đặc điểm hình thức của bài thơ qua số tiếng, cách gieo vần, ngắt nhịp.
Lời giải chi tiết:
+ Số tiếng: Bài thơ viết theo thể thơ bốn chữ, mỗi câu thơ có 4 tiếng
+ Cách gieo vần: gieo vần chân: xanh - lành, vàng - gian, ngàn - non, lành - xanh,...
+ Nhịp thơ: ngắt nhịp 2/2
Câu 2
Qua miêu tả của nhà thơ, hình ảnh người lính hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ và chỉ ra đặc điểm của người lính được tác giả miêu tả trong bài thơ.
Lời giải chi tiết:
Người lính được miêu tả trong bài thơ là người lính trẻ ở độ tuổi đôi mươi, đầy mơ mộng, khát khao cống hiến cho đất nước, có lòng yêu nước sâu sắc. Hành trang của anh chỉ có một ba lô con cóc, tấm áo màu xanh. Khi tham gia vào kháng chiến, anh mang trên mình một làn da xanh xao, nhợt nhạt vì những cơn sốt rét rừng, phải sống một cuộc sống gian khổ, khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng những điều đó không làm anh mất đi lý tưởng chiến đấu của bản thân.
Câu 3
Em cảm nhận như thế nào về tình cảm nhà thơ dành cho người lính?
Phương pháp giải:
Trình bày cảm nhận của bản thân về tình cảm nhà thơ dành cho người lính
Lời giải chi tiết:
Nhà thơ dành cho người lính tình cảm yêu mến, quý trọng, thương nhớ, biết ơn và dành cho anh sự ngợi ca sâu sắc trước những cống hiến vĩ đại của anh dành cho Tổ quốc.
Câu 4
Trong hai dòng thơ sau, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:
Mắt như suối biếc
Vai đầy núi non…
Phương pháp giải:
Đọc kĩ 2 dòng thơ, xác định biện pháp tu từ được tác giả sử dụng và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Lời giải chi tiết:
Nghệ thuật so sánh: “mắt như suối biếc”.
Tác dụng: Cho người đọc hình dung đôi mắt của người lính trong ngần như suối, một đôi mắt đầy hồn nhiên, mơ mộng. Qua đó phản ánh tâm hồn trẻ trung, yêu đời, khao khát tự do của người lính luôn trường tồn mãi với núi sông. Mặc dù hiện tại người lính đã hy sinh nhưng tất cả dáng hình của người lính trẻ thì mãi hòa vào tổ quốc, làm nên đất nước đẹp tươi muôn đời.
Câu 5
Tìm các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng của chúng
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn thơ và tìm ra những từ láy được tác giả sử dụng. Sau đó nêu tác dụng của những từ láy đó.
Lời giải chi tiết:
+ Các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ: “lặng lẽ”, “rực rỡ”
Tác dụng: Các từ láy đã giúp người đọc hiểu được những cống hiến lặng thầm của người lính cho tổ quốc. Tất cả những cống hiến và sự hy sinh của người lính làm nên vẻ đẹp rực rỡ của anh, khiến hình bóng anh không bao giờ phai nhạt mà như hòa vào sông núi để trở thành một phần của tổ quốc đẹp tươi.
Câu 6
Giải thích nghĩa của từ ngọt lành trong dòng thơ Ngày xuân ngọt lành
Phương pháp giải:
Đọc khổ thơ cuối cùng trong sách giáo khoa, giải nghĩa từ “ngọt lành” được sử dụng trong khổ thơ đó.
Lời giải chi tiết:
“ngọt lành” có nghĩa là tốt đẹp, ngọt ngào, hạnh phúc