Cách làm đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ lớp 7

2024-09-14 06:54:54

Hướng dẫn phân tích đề bài

- Dạng bài: Ở lớp 6 em đã được tìm hiểu và thực hành cách viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ. Trong phần Viết của bài học này, em sẽ tiếp tục được học cách viết một đoạn văn như thế.

- Yêu cầu: 

+ Giới thiệu được bài thơ và tác giả; nêu được ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ. 

+ Diễn tả được cảm xúc về nội dung và nghệ thuật, đặc biệt chú ý tác dụng của thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ trong việc tạo nên nét đặc sắc của bài thơ.

+ Khái quát được cảm xúc về bài thơ.


Dàn bài chung cho dạng bài

1. Mở đoạn: Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.

2. Thân đoạn: Nêu cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Nêu cảm xúc về nội dung của bài thơ:

+ Ý nghĩa nhan đề trong việc thể hiện nội dung của bài thơ (nếu có)

+ Chủ đề của bài thơ

+ Phân tích một số từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ mà người viết cảm thấy ấn tượng.

+ Ấn tượng về tình cảm, cảm xúc mà nhân vật trữ tình bộc lộ trong bài thơ.

+ Nội dung tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm.

- Nêu cảm xúc về nghệ thuật của bài thơ

+ Thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ ngắn gọn, hàm súc.

+ Các biện pháp tu từ được sử dụng và hiệu quả nghệ thuật.

+ Cách gieo vần, giọng điệu và nhịp thơ có gì đặc sắc?

+ Các yếu tố miêu tả, tự sự được sử dụng như thế nào?

3. Kết đoạn: Khái quát cảm xúc về bài thơ


Ví dụ minh hoạ

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ “Đồng dao mùa xuân” trong Ngữ văn 7, tập một

A. Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu ý kiến khái quát về văn bản.

2. Thân bài: 

- Phân tích về nội dung

+ Đồng dao: khúc hát của trẻ con ra đồng.

+ Mùa xuân: mùa bắt đầu của một năm.

+ "Đồng dao mùa xuân": khúc hát về những người lính đang tuổi thanh xuân rời xa quê hương để cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Hình ảnh người lính ra trận:

+ "Đi vào núi xanh": người lính rời xa quê hương để tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, tham gia hành quân qua núi rừng.

+ "Những năm máu lửa": năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước vất vả, gian lao.

+ Đó còn là những người lính mang sự hồn nhiên vui tươi: "chưa một lần yêu", "cà phê chưa uống", "còn mê thả diều".

- Sự hi sinh của người lính:

+ "Một ngày hòa bình/ Anh không về nữa": khi đất nước đã được thống nhất, hòa bình lập lại trên toàn quốc, mọi người được quây quần, đoàn tụ bên gia đình thì người lính mãi mãi nằm lại nơi núi rừng Trường Sơn.

+ "Một lần bom nổ/ Khói đen rừng chiều": hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh với bom đạn, khói súng.

+ "Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo": dù hi sinh nhưng tinh thần chiến đấu bất diệt của anh luôn soi sáng cho đồng đội.

+ "Mười, hai mươi năm": thời gian cụ thể, dài đằng đẵng.

+ "Anh không về nữa": ẩn dụ cho sự hi sinh của người lính.

+ "Anh vẫn một mình/ Trường sơn núi cũ": người lính vĩnh viễn gửi gắm tuổi trẻ nơi núi rừng Trường Sơn.

+ "Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Làn da sốt rét/ Cái cười hiền lành": vừa diễn tả được hiện thực của cuộc chiến vì sốt rét rừng vừa mô tả được hình ảnh người lính xưa trong trí nhớ của đồng đội.

- Sự hóa thân của người lính vào đất trời:

+ Dáng ngồi lặng lẽ dưới cội mai vàng.

+ "Dài bao thương nhớ/ Mùa xuân nhân gian": đem đến hai cách hiểu: nỗi nhớ thương của những người lính và nỗi nhớ thương những người con anh dũng của nhân gian.

+ Vẻ mộng mơ của người lính với lí tưởng cao đẹp trong khổ thơ "Anh ngồi rực rỡ/ Màu hoa đại ngàn/ Mắt như suối biếc/ Vai đầy núi non...".

+ "Tuổi xuân đang độ/ Ngày xuân ngọt lành": tuổi trẻ người lính hòa vào mùa xuân đất nước.

+ "Theo chân người lính/ Về từ núi xanh": người lính hi sinh để lại tuổi xuân tươi trẻ của mình nơi chiến trường để mang đến mùa xuân hòa bình, độc lập cho dân tộc.

- Phân tích về nghệ thuật:

+ Thể thơ bốn chữ ngắn gọn.

+ Hình ảnh thơ trong sáng, bình dị.

+ Ngôn từ tinh tế.

3. Kết bài:

- Khái quát và khẳng định giá trị của tác phẩm.

B. Các bài văn mẫu tham khảo:

Bài văn mẫu số 1:

“Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc. Bài thơ giống như một câu chuyện kể về cuộc đời người lính từ lúc mới vào chiến trường, cho đến những năm tháng chiến tranh ác liệt. Và khi đất nước hòa bình, người lính ấy đã hy sinh, mãi nằm lại nơi chiến trường không thể trở về quê hương. Tác giả đã khắc họa hình ảnh người lính đầy chân thực, sống động. Khi mới vào vào chiến trường, họ là những chàng trai chưa một lần yêu; cà phê chưa uống; vẫn còn mê thả diều. Tuy tuổi đời còn rất trẻ, vẫn chưa có nhiều trải nghiệm, tính cách nhân hậu nhưng lại thật dũng cảm, có lí tưởng và giàu lòng yêu nước. Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi mạng sống của họ, nhưng tình cảm mà đồng đội và nhân dân dành cho họ vẫn còn mãi. Đối với đồng đội, người lính đã trở thành “ngọn lửa” để “bạn bè mang theo”. Họ luôn cùng sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Đối với nhân dân, người lính chính là những bậc anh hùng, đáng ngưỡng mộ và tự hào. Dù họ đã nằm lại nơi chiến trường, nhưng nhân dân vẫn luôn nhớ đến, trân trọng. Có thể nói, “Đồng dao mùa xuân” mang ý nghĩa biểu tượng chính là bài đồng dao về người lính, về sự bất tử của các anh đối với đất nước.

Bài văn mẫu số 2:

Bài thơ “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm đã giúp tôi hiểu hơn về hình ảnh người bộ đội cụ Hồ. Nhà thơ đã kể lại câu chuyện về người lính từ lúc mới vào chiến trường cho đến khi chiến tranh đã qua, họ đã hy sinh. Khi còn trẻ tuổi, người lính còn hồn nhiên, chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống - chưa một lần yêu, cà phê chưa biết uống. Nhưng họ có một trái tim nhiệt huyết, luôn tin tưởng vào cách mạng, nên đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc để lên đường đi chiến đấu. Cuộc đời của họ đã trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn - hành trang mang theo chỉ là chiếc ba lô con cóc, với tấm áo lính màu xanh; phải chịu căn bệnh nguy hiểm là sốt rét rừng nhưng vẫn giữ vững sự lạc quan, niềm tin vào tương lai. Điều này giúp tôi thêm khâm phục về tinh thần, nghị lực của những người thanh niên trẻ tuổi, trẻ lòng đó. Và rồi, chiến tranh khốc liệt đã khiến họ ra đi mãi mãi. Người còn sống vẫn nhớ về họ với tấm lòng trân trọng, yêu mến - đó là đồng đội, là nhân dân. Mùa xuân của người lính hay chính là mùa xuân của đất nước đã trở nên bất tử. Bài thơ đã mang đến cho tôi nhiều cảm nhận sâu sắc về một thế hệ con người đáng tự hào của dân tộc.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"