Dàn ý chi tiết
1. Mở đoạn:
- Quan niệm và thái độ tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
- Vai trò của thầy và bạn trong học tập đều quan trọng như nhau.
2. Thân đoạn:
- Giải thích:
+ Đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh.
+ Thầy dạy cho học sinh những kiến thức cần thiết. Thầy là người dẫn đường chỉ lối, không chỉ dạy chữ mà còn dạy nhân nghĩa, đạo lí làm người.
+ Thầy nhiều khi còn quyết định đến cả việc tạo dựng sự nghiệp của học sinh
+ "Không tày": không bằng. Là cách nói nhấn mạnh ý: học hỏi bạn bè là điều hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi học sinh vì thầy chỉ dạy ở lớp, ở trường, còn phần lớn thời gian của học sinh là học tập với bạn bè.
+ Học ở bạn những điều hay lẽ phải. Trao đổi thêm với bạn bè để nắm vững thêm điều thầy dạy trên lớp mà mình chưa hiểu hết. Bạn tốt giúp đỡ nhau tận tình thì cũng có vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của mỗi người học sinh trong học tập, đời sống.
- Mối quan hệ giữa hai câu tục ngữ:
+ Hai câu tục ngữ trên khẳng định: học thầy, học bạn đều quan trọng như nhau và cần thiết để bổ sung ý nghĩa cho nhau, phản ánh quan niệm của người xưa về việc học.
+ Trong quá trình học tập, chúng ta cần khai thác thật mạnh mặt thuận lợi của thầy, của bạn để không ngừng nâng cao hiểu biết về mọi mặt.
- Bình luận: Vai trò của thầy và bạn đối với mỗi người trong quá trình học hỏi và phát triển đều vô cùng quan trọng.
3. Kết đoạn:
- Muốn giỏi thì phải học tập toàn diện: học thầy, học bạn, học trong sách vở, học trong thực tế đời sống quanh mình.
- Phải tôn trọng thầy cô, khiêm tốn học hỏi bạn bè để trở thành người trò giỏi, con ngoan, công dân có ích cho xã hội.
Mẫu 1
Trong dân gian, thường tồn tại những câu tục ngữ nghe qua thì có vẻ đối chọi nhau, nhưng thực ra là đang bổ sung cho nhau để hoàn thiện hơn về nội dung. Hai câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn là trường hợp như vậy.
Câu tục ngữ thứ nhất khẳng định tầm quan trọng của người thầy với sự thành công của mỗi con người. Từ “đố” đã góp phần khiến hình ảnh người thầy thêm cao lớn, trọng vọng. Bởi nếu thiếu đi thầy cô thì khó mà chúng ta công dành danh toại được. Ngược lại, câu tục ngữ thứ hai lại đề cao việc học từ bạn bè hơn cả thầy cô. Từ so sánh “không tày” đã đặt nặng cán cân về phía bạn học. Và vô tình có phần “xem nhẹ” việc học từ thầy cô. Tuy nhiên, cả hai câu tục ngữ này đều không sai. Mỗi câu đều đúng ở trong chính khía cạnh của mình. Khi đứng cạnh nhau, chúng bổ sung những điều còn thiếu cho nhau và từ đó giúp chúng ta hoàn thiện hơn trên con đường học tập.
Trong cuộc sống chính là vậy. Người thầy người cô dạy dỗ chúng ta tận tụy những kiến thức bổ ích ở lớp. Giải đáp cho ta những thắc mắc, nghi hoặc, gỡ rối và chỉ đường cho ta khi gặp những phân vân. Nhưng thầy cô không thể lúc nào cũng ở bên cạnh ta được, và cũng có những điều mà chúng ta thật khó để dãi bày cùng họ. Lúc này, chúng ta cần đến những người bạn. Việc có người bạn cùng lứa tuổi và thân thiết, có cùng cách hiểu, cách trình bày sẽ giúp chúng ta dễ đưa ra câu hỏi hơn. Việc nhờ bạn chỉ bài trong những lúc cấp thiết đôi khi sẽ tiện hơn là chúng ta chờ đến lớp để hỏi thầy. Đồng thời, có những điều mà chúng ta chỉ có thể học từ bạn, chứ không thể từ thầy cô. Tựa như cách chơi một môn thể thao, cách gấp hạc giấy, cách đi xe đạp… Những lúc ấy, bạn bè chính là người thầy tuyệt vời nhất của ta.
Từ đó, chúng ta hiểu được rằng, trên con đường học tập kia, việc học từ thầy cô là quan trọng, nhưng việc học từ bạn bè cũng quan trọng không kém. Chúng ta cần phải biết cân bằng và phối hợp giữa hai cách học này để đem lại những hiệu quả tốt nhất.
Mẫu 2
Từ xưa đến nay dân tộc ta đã gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo. Đã có biết bao câu ca dao tục ngữ để nói lên sự kính trọng dành cho người thầy như Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy... Chính vì vậy, có thể nói văn hóa dân gian đã khẳng định tầm quan trọng của người thầy trong việc học. Tuy nhiên bên cạnh đó lại có ý kiến cho rằng Học thầy không tày học bạn. Vậy ý kiến nào mới là đúng?
Nếu mới đọc qua, chưa suy nghĩ sâu sắc, chắc chắn có người cho rằng hai câu tục ngữ trên chứa đựng hai quan điểm trái ngược nhau. Thực tế không phải như vậy. Cả hai câu đều nói đến vai trò của người dẫn dắt là thầy giáo và bạn bè trong học tập.
Câu thứ nhất: Không thầy đố mày làm nên đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh. Trong khi đó câu thứ hai: Học thầy không tày học bạn lại đề cao vai trò của bạn bè. Chúng ta nên hiểu nội dung hai câu tục ngữ này như thế nào cho đúng?
Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò những tri thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường, chỉ lối, mở rộng, nâng cao hiểu biết cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy người. Người thầy dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp các em sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao người thầy quả là to lớn.
Vai trò của người thầy quan trọng như vậy nhưng trong quá trình học tập, vai trò bạn bè cũng quan trọng không kém nên người xưa cho rằng: Học thầy không tày học bạn (không tày ở đây có nghĩa là không bằng). Đánh giá như vậy sợ có thiên lệch chăng? Ở đây, mục đích của người xưa là dùng cách nói cường điệu để nhấn mạnh tác động của bạn bè đối với sự tiến bộ và hiểu biết của mối người. Kiến thức thầy giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, ta đem hỏi lại bạn bè. Bạn tận tình hướng dẫn cho mình, tức là bạn cũng đóng vai trò của người thầy cô trong chốc lát.
Hai câu tục ngữ trên bổ sung ý nghĩa cho nhau để phản ánh quan niệm của người xưa về việc học. Ngày nay, cách học tốt nhất là học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học trong thực tế cuộc sống hằng ngày. Muốn nên người, chúng ta phải có thái độ tôn kính thầy cô, quý mến, tôn trọng bạn bè và khiêm tốn trong học tập. Con đường đến với tri thức là còn đường gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy, thầy và bạn vừa là người chỉ lối , vừa là người đồng hành quan trọng biết bao đối với mỗi chúng ta.
Mẫu 3
“Học thầy không tày học bạn" câu tục ngữ được đúc kết từ quá trình sống và kinh nghiệm sống của cha ông ta, nhưng lại có hai lời khuyên. Vậy có mâu thuẫn hay không? Xin thưa rằng không: vì cả hai bổ sung cho nhau, giúp ta ta có sự học toàn diện hơn.
“Không thầy đố mày làm nên" khẳng định rõ ràng, dứt khoát về vai trò của người thầy dạy. Đã đi học là phải có hai đối tượng: người dạy (thầy (cô) giáo) và người học (học sinh). Và dù có sách trong tay, học sinh chúng ta vẫn rất cần sự chỉ bảo, hướng dẫn, uốn nắn của các thầy. Đó chính là phương pháp, là kĩ năng học sao cho tốt. Thầy đâu chỉ thực hiện chức năng "cầm tay chỉ việc" mà phải chỉ ra đường hướng, cách thức, kĩ năng…
Như vậy, thầy giáo là người đứng trên ta một bậc về tầm hiểu biết tri thức khoa học, đạo lí làm người và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Tôn sư trọng đạo luôn là bài học đạo lí và cũng là nét đẹp nhân văn truyền thống của dân tộc ta: "Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy" (ca dao). Còn câu "Học thầy không tày học bạn" có nghĩa là học thầy không bằng học bạn. Bạn ở đây là bạn bè, những người cùng trang lứa, cùng vào vai người đi học, cùng nhiều hoàn cảnh và điều kiện khác nữa.
Hai câu tục ngữ "Không thầy đó mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn" là hai lời khuyên chí lí, hai bài học có giá trị bổ sung cho nhau để đưa ta tới chân trời tri thức một cách hiệu quả nhất.
Mẫu 1
Từ thuở bé, ai trong chúng ta cũng đều được cha mẹ dạy rằng: “Không thầy đố mày làm nên” nhưng chắc hẳn chúng ta cũng đều không mấy xa lạ với câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn”. Với lớp nghĩa bề mặt thì hai câu tục ngữ này dường như mâu thuẫn với nhau nhưng chúng lại có chung điểm đến, đó là sự khẳng định vai trò của kiến thức nhà trường và thực tế được bó gọn trong hai chữ “học” và “hành”:
Câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” đã khẳng định vai trò của người thầy. Không có thầy dạy, không được tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức của thầy thì con người không thể làm nên sự nghiệp.
Trên cơ sở hiểu rõ ý nghĩa của câu tục ngữ, ta thấy nó khẳng định một chân lí đúng. Thầy, tượng trưng cho kiến thức của nhà trường hay những lí thuyết sách vở ban đầu. Con người từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành thì mọi yếu tố tác động của môi trường bên ngoài sẽ hình thành nên nhân cách và trí tuệ. Vì vậy, để có thể trở thành một con người có tri thức thì con người phải được giáo dục, dạy dỗ cẩn thận từ những điều sơ đẳng nhất. Chính vì thế, để đạt hiệu quả học tập, phải cần đến sự truyền đạt có hệ thống của người thầy. Thầy dạy bảo điều hay lẽ phải và rèn luyện học trò nên người. Quả thật, đây là một nhân tố vô cùng quan trọng đôi với việc học tập của mỗi con người. Lê-nin đã từng có câu nói bất hủ: “Học, học nữa, học mãi”, dường như cả kho kiến thức trời bể và bao la ấy để con người khai thác và tìm tòi cả đời mà chỉ bó hẹp trong vai trò của người thầy thì chưa đủ. Vì vậy mới có câu tục ngữ thứ hai:
Khác với câu tục ngữ thứ nhất, câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” khẳng định vai trò của bạn bè trong việc học tập. ơ đây, bạn bè mở ra một lớp nghĩa rộng: bạn bè trong cả cuộc đời, nó tượng trưng cho những kinh nghiệm được vận dụng và những kiến thức trong thực tế. Học thầy không tày học bạn – câu tục ngữ nâng cao vai trò của bạn bè trong việc học tập.
Dựa vào lớp nghĩa trên thì có thể nói câu tục ngữ không hề sai. Thực hành là sự vận dụng của lí thuyết và những kiến thức do thực hành là những kiến thức ta chỉ có thể tìm được trong cuộc sống, mà ở đây, nhân tố chủ yếu đóng vai trò quan trọng không phải ai khác ngoài bạn bè, những người cùng sống gần gũi bên ta. Thực hành cũng là một yêu cầu thiết yếu trong học tập.
Cả hai câu tục ngữ đều mang lí lẽ đúng đắn, nhìn về mặt ngữ nghĩa lại thấy chúng mâu thuẫn nhau nhưng thật ra sợi dây liên kết chúng là mối quan hệ mang tính chất bổ sung. Ta thường nghe: “Học phải đi đôi với hành”. Bởi “học” và “hành” trong hai từ ghép học tập và thực hành mang tính chất song song. Những lí thuyết cơ bản ban đầu là nền tảng, là cơ sở của việc thực hành về sau. Học để làm gì vậy? Nếu cứ học mãi thì cũng phải có mục đích chứ? Đơn giản chỉ vì học, tìm tòi, sáng tạo để vận dụng cái được học vào những công việc có ích, đóng góp cho bản thân và xã hội. Do đó mà càng thấy rõ được mối quan hệ gắn bó khăng khít và tính chất bổ sung cho nhau của hai câu tục ngữ.
Nếu chỉ cần kiến thức sách vở mà không khai thác tác dụng của nó thì dù kiến thức trong đầu nhiều đến mấy cũng sẽ bị tồn đọng và như một mớ sách vở tẻ nhạt, vô nghĩa trong trí óc, lại có thể mai một dần. Nhưng nếu không có kiến thức cơ bản bước đầu thì không thể biết cách thao tác thực hành để có thể làm việc được. Lúc đó công việc sẽ được thực hành một cách không có hệ thống và chi tiết. Do đó sẽ không mang lại hiệu quả công việc, đồng thời lại có thể gây nhiều thiệt hại và tổn thất. Nếu kết hợp bài học của cả hai câu tục ngữ tức là đánh giá cao vai trò của cả lí thuyết lẫn thực hành thì chắc chắn việc học tập sẽ đem lại kết quả tốt trong cả lao động trí óc lẫn lao động chân tay.
Hai câu tục ngữ khép lại đồng thời cũng mở ra một chân lí sâu sắc trong sự nghiệp học tập của cuộc đời mỗi con người. Phải luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí thuyết và thực hành để có thể làm được những công việc có ích cho xã hội. Con người chỉ có giá trị và giàu lên nhờ kho tàng tri thức là vì thế.
Mẫu 2
Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy...
Trong nhà trường, người thầy giữ vai trò rất quan trọng, vì thế dân gian đã khẳng định: Không thầy đố mày làm nên. Nhưng bên cạnh đó lại có quan điểm cho rằng: Học thầy không tày học bạn. Như vậy, xét về mặt ý nghĩa , hai câu trên có mâu thuẫn với nhau hay không?
Nếu mới đọc qua, chưa suy nghĩ sâu sắc, chắc chắn có người cho rằng hai câu tục ngữ trên chứa đựng hai quan điểm trái ngược nhau. Thực tế không phải như vậy. Cả hai câu đều nói đến vai trò của người dẫn dắt là thầy giáo và bạn bè trong học tập.
Câu thứ nhất: Không thầy đố mày làm nên đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh. Trong khi đó câu thứ hai: Học thầy không tày học bạn lại đề cao vai trò của bạn bè. Chúng ta nên hiểu nội dung hai câu tục ngữ này như thế nào cho đúng?
Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò những tri thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường, chỉ lối, mở rộng, nâng cao hiểu biết cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy người. Người thầy dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp các em sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao người thầy quả là to lớn.
Nhưng không phải người thầy thay thế được tất cả. Thầy hết lòng giảng dạy trò phải hết sức nỗ lực trong học tập, tiếp thu thì mới mong đạt được kết quả tốt. Như vậy, cố gắng của học sinh cũng là một phần đáng kể. Nếu phủ nhận mặt này, ý nghĩa của câu tục ngữ trên sẽ là nhận xét phiến diện.
Vai trò của người thầy quan trọng như vậy nhưng trong quá trình học tập, vai trò bạn bè cũng quan trọng không kém nên người xưa cho rằng: Học thầy không tày học bạn (không tày ở đây có nghĩa là không bằng). Đánh giá như vậy sợ có thiên lệch chăng? Ở đây, mục đích của người xưa là dùng cách nói cường điệu để nhấn mạnh tác động của bạn bè đối với sự tiến bộ và hiểu biết của mối người. Kiến thức thầy giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, ta đem hỏi lại bạn bè. Bạn tận tình hướng dẫn cho mình, tức là bạn cũng đóng vai trò của người thầy cô trong chốc lát.
Thực tế cho thấy bạn bè tốt giúp đỡ, hỗ trợ nhau rất nhiều điều có ích trong quá trình học tập, làm việc và xây dựng sự nghiệp. Bạn bè cùng trang lứa tạo ra sự thông cảm , gần gũi nên việc học hỏi cũng dễ dàng tiếp thu hơn. Vậy ta nên hiểu quan niệm học thầy, học bạn như thế nào cho đúng?
Mỗi học sinh phải chăm chỉ, cố gắng tiếp thu những điều hay lẽ phải do thầy dạy bảo , kết hợp với óc suy nghĩ, sáng tạo của bản thân để không ngừng nâng cao kiến thức. Luôn ghi nhớ truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc. Có kính trọng thầy thật sự thì mới có tâm thế trong sáng, nghiêm túc đón nhận lời thầy dạy bảo. Có điều gì chưa hiểu hoặc hiểu chưa kĩ, ta mạnh dạn hỏi lại bạn bè, tránh thái độ tự ti, giấu dốt, bởi đó là điều hoàn toàn bất lợi cho việc học hành. Học thầy, học bạn không chỉ về kiến thức mà còn học ở tác phong, đạo đức để trở thành con người hữu ích cho xã hội.
Hai câu tục ngữ trên bổ sung ý nghĩa cho nhau để phản ánh quan niệm của người xưa về việc học. Ngày nay, cách học tốt nhất là học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học trong thực tế cuộc sống hằng ngày. Muốn nên người, chúng ta phải có thái độ tôn kính thầy cô, quý mến, tôn trọng bạn bè và khiêm tốn trong học tập. Con đường đến với tri thức là còn đường gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy, thầy và bạn vừa là người chỉ lối , vừa là người đồng hành quan trọng biết bao đối với mỗi chúng ta.
Mẫu 3
Từ xa xưa dân tộc Việt Nam đã là một dân tộc hiếu học. Vì vậy có rất nhiều những câu nói về lễ nghi, cũng như cách học sao cho đạt được kết quả tốt nhất. Trong số đó thì hai câu nói quen thuộc được truyền qua nhiều thế hệ chính là “không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”.
Có rất nhiều người cho rằng hai câu nói trên mâu thuẫn với nhau. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng hai câu nói này bổ sung và hỗ trợ nhau chứ không hề mâu thuẫn với nhau. Riêng em thì cho rằng hai câu tục ngữ trên đều đúng, và chúng không hề mâu thuẫn với nhau.
Trước hết chúng hãy tìm hiểu từng câu một. Từ xa xưa, ông bà ta đã rất coi trọng việc học nên đối với những người truyền thụ kiến thức cho mình cũng được mọi người yêu quý và kính nể. Điều này được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ như: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy…
Vậy là qua những câu ca dao tục ngữ trên chúng ta có thể thấy thầy cô là những người giữ vị trí cực kỳ quan trọng đối với việc học của mỗi các nhân. Vì vậy mới nói “Không thầy đó mày làm nên”, câu nói là lời đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy người cô trong việc truyền tải kiến thức. Đây là những người dẫn đường chỉ lối sao cho chúng ta tìm đến những kiến thức nhanh và tốt nhất. Họ cùng là những người dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải hay kinh nghiệm trong cuộc sống hay công việc. Vì vậy, chúng ta cần tôn sư trọng đạo.
Nhưng việc “thầy” ở đây có phải là những người ở trường ở lớp? không theo ông cha ta “thầy” có nghĩa rất rộng. Họ không nhất thiết phải đứng trên bục giảng nhưng họ dạy cho chúng ta dùng chỉ là một chữ thì họ cũng là thầy của chúng ta. Dù họ chỉ truyền cho chúng ta một chút kiến thức, thêm hiểu biết họ cũng xứng đáng để chúng ta tôn trọng và ghi nhớ công ơn.
Chính vì điều này mà chúng ta thấy rằng thầy cô giáo sánh ngang với cha mẹ. Vì vậy, câu nói “Học thầy không tày học bạn” không hề hạ thấp vai trò của người thầy mà là câu nói chỉ ra phương pháp học tốt nhất. Thấy cô giáo là người dạy ta kiến thức, chỉ ra cho ta những con đường đi đến thành công còn chính chúng ta mới là người lựa chọn cách thức để hoàn thành con đường đi đó. Vì vậy, trên con đường đó thì những người đồng hành với chúng là những những người bạn. Và khi chúng ta học cùng bạn, chúng ta sẽ thấy dễ tiếp thu kiến thức hơn và gặt hái được nhiều thành công hơn. Nguyên nhân là vì sao vậy?
Đối với giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay những người thầy người cô luôn có một uy quyền đặc biệt như cha mẹ đối với con cái. Vì vậy, học trò kính nể thầy nên có nhiều kiến thức chưa hiểu chúng ta cũng ngần ngại chưa dám hỏi thấy. Hoặc là do số lượng học trò quá đông, sức thầy cô có hạn nên không thể sâu sát đến từng cá nhân học trò. Từ đó dẫn đến những thiếu sót về kiến thức cả thầy và trò đều không hề nhận ra. Thêm nữa, cách học một chiều cũng dễ dẫn đến sự chán nản và mệt mỏi cho người học vì vậy mà khả năng tiếp thu kém đi.
Ngược lại, học với bạn những người cùng trang lứa, cùng lối sống lối suy nghĩ tâm lý chúng ta thường thoải mái tự do. Trong học tập chúng ta không ai có kiến thức tuyệt đối nên dễ nảy sinh tranh luận, từ những tranh luận này chúng ta mới có những cách giải và sự sáng tạo mới. Đồng thời dễ dàng bổ sung những khuyếm khuyết của mình thông qua bạn. Rõ ràng là việc học tập cùng với bạn sẽ là một cách học thông minh và hiệu quả hơn là chỉ học với thầy.
Nhưng vậy, đến đây chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng hai câu tục ngữ này không hề mâu thuẫn với nhau, vì về bản chất là chúng đề cập đến các vấn đề khác nhau. Về thực thế chúng bổ sung, hoàn thiện cho nhau trong từ hoàn cảnh. Chúng ta học tập và tiếp thu kiến thức mới của thầy cô trên lớp trên trường còn ở nhà chúng ta rèn luyện bổ sung lại những kiến thức đó cùng với bạn bè để có thể nắm chắc những kiến thức đã học. Những người “thầy” và những “bạn” của chúng ta đều đáng quý và đáng trân trọng vì đó đều là những người đưa chúng ta đi đến thành công.