Dàn ý chi tiết
1. Mở đoạn:
Nhựa là một trong những chất liệu tiện dụng nhất mà con người từng phát minh. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa từ chính thứ chất liệu này gây nên.
2. Thân đoạn:
- Giải thích:
+ Nhựa plastic (hay chất dẻo) là các hợp chất cao phân tử, thành phần chủ yếu là các polyme hữu cơ.
+ Trong lịch sử, chất liệu nhựa nhân tạo đầu tiên được sản xuất chính là vinyl clorua năm 1838.
+ Với tính bền, nhẹ, khó vỡ, tiện dụng và màu sắc đa dạng, nhựa được dùng làm túi nilon, chai lọ, ống nước,… len lỏi vào khắp nơi của cuộc sống hiện đại.
+ Khi mới xuất hiện, nhiều người coi đây là một phát minh quan trọng cho cuộc sống. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng đã gây ra hàng loạt tác hại lâu dài đối với môi trường và sức khỏe con người.
- Hiện trạng và hậu quả:
+ Lượng tiêu thụ rất lớn.
+ Rác thải nhựa đang bị con người vứt bừa bãi, trôi nổi khắp nơi trên thế giới, cả trên đất liền và trên biển, đặt ra một thách thức về vấn đề môi trường.
+ Câu hỏi được đặt ra là, vậy phần lớn rác thải từ nhựa sẽ đi đâu? (tái chế, đốt hay nằm trong những bãi rác hoặc bị vứt bừa bãi khắp Trái đất, cả trên đất liền và trên biển).
+ Trên đất liền, sự tồn tại của rác thải nhựa trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây trồng. Rác thải nhựa bị vứt bừa bãi xuống ao hồ, sông ngòi gây ra tắc nghẽn, ứ đọng, ổ bệnh.
+ Trên biển, rác thải, phế phẩm từ nhựa như chai, lọ, túi nilon theo các dòng hải lưu mà trôi dạt khắp nơi. Điều này đang đặt ra một thách thức về vấn đề môi trường, đe dọa biến Trái đất trở thành “Trái nhựa” theo đúng nghĩa đen.
+ Ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người và sinh vật.
+ Rác thải từ nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống của các sinh vật, trên đất liền và cả trong lòng đại dương.
+ Ngoài ra, do thời gian phân hủy rất lâu nên khi rơi xuống biển, rác thải nhựa phủ lên bề mặt và giết chết các quần thể san hô, gây biến dạng hệ sinh thái dưới đáy biển.
+ Không chỉ đặt ra mối đe dọa đối với đại dương, rác thải nhựa còn tác động xấu tới sức khỏe con người.
+ Làm nghiêm trọng hơn tình trạng nóng lên của Trái Đất.
+ Nhựa rất khó phân hủy và tái chế, dù là đốt hay chôn dưới lòng đất.
- Giải pháp:
+ Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần.
+ Tại các nước Châu Âu, người ta tự mang túi của mình và sử dụng lại túi vải khi đi siêu thị để giảm thiểu lượng túi nilon không cần thiết.
+ Tái chế: Thay vì vứt chúng ra bãi rác, chúng ta có thể tái tạo không ít thứ thành vật dụng trong nhà. Hoặc tối thiểu, bạn hãy chú ý đến việc phân loại rác để thuận tiện cho việc tái chế chúng tại các cơ sở sau này.
+ Nhằm khuyến khích người dân gom nhựa lại để tái chế, tại Thổ Nhĩ Kì, rác thải nhựa có thể dùng để đổi lấy vé tàu.
+ Vật liệu thay thế: Đầu tư vào nhựa sinh học để thay thế cho nhựa plastic cũng đang là một hướng đi mới của con người, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững,
+ Ngoài ra, nhà nước cũng có thể ban hành các đạo luật nhằm hạn chế việc sử dụng nhựa của người dân như áp thuế cao hoặc ban hành lệnh cấm sản xuất, sử dụng nhựa plastic, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần.
- Mở rộng vấn đề: Liên hệ với thực tế.
3. Kết đoạn:
Chúng ta phải quan tâm hơn đến hành tinh này trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Hãy cùng chung tay hành động, bởi “Việc thay đổi không đơn giản dựa vào một vài cá nhân. Số ít không thể tạo ra sự khác biệt nhưng khi 100 triệu người quyết định cùng hành động, đó mới thực sự mang đến những tác động mạnh mẽ” (Chris Jordan).
Mẫu 1
Nhựa là một loại chất liệu mới trong xã hội hiện đại có sức phổ biến vô cùng rộng rãi, Cùng với sự “thống lĩnh mạnh mẽ” của loại vật liệu này, trong xã hội bắt đầu dấy lên những bàn tán xung quanh vấn đề lợi ích và tác hại của nhựa.
Trước hết là lợi ích của nhựa. Thật hiển nhiên, yếu tố đầu tiên làm nên sự phổ biến rộng rãi của loại chất liệu này, chính là giá thành rẻ. Các đồ dùng làm từ nhựa không chỉ rẻ hơn các chất liệu khác, mà còn nhẹ nên dễ sử dụng. Đã vậy lại còn có màu sắc và kiểu dáng đa dạng vô cùng. Nhờ vậy, mà nhựa được sử dụng vô cùng rộng rãi, xuất hiện ở mọi nơi, mọi ngành hàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, loại vật liệu này cũng có rất nhiều tác hại đi cùng. Trước hết là nhựa rất khó để phân hủy, vì vậy khi bị thải ra môi trường nó sẽ tồn tại mãi, gây nguy hiểm cho các loài động vật, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, nhựa sẽ sản sinh ra các chất gây hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa tìm được một loại chất liệu nào có nhiều ưu điểm như nhựa. Nên thay vì tẩy chay nó, chúng ta nên có các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa tác hại của nó. Chẳng hạn như không sử dụng đồ dùng làm từ nhựa để đựng thực phẩm, nước nóng. Vứt các đồ vật làm từ nhựa đúng nơi quy định để bên thu gom phân loại và tái chế nó.
Như vậy, nhựa có hại hay có lợi, đều là do ý thức sử dụng của con người quyết định. Chỉ cần chúng ta là những người tiêu dùng thông minh và có ý thức, thì mặt lợi ích của nhựa sẽ luôn lớn hơn rất nhiều so với tác hại của nó.
Mẫu 2
Nhựa là một chất liệu đánh dấu sự phát triển quan trọng của cuộc sống hiện đại. Nó nhanh chóng len lỏi vào các ngành sản xuất và cho ra đời rất nhiều đồ dùng làm bằng nhựa được sử dụng rộng rãi. Kéo theo đó, là những tranh cãi về lợi ích và tác hại của chúng.
Trước hết, chính là những tiện ích mà đồ dùng bằng nhựa mang lại. Đó là một điều hết sức hiển nhiên mà ai cũng nhận ra và công nhận. Các đồ dùng được làm bằng nhựa luôn rất đa dạng về màu sắc, với đủ tông màu, mức độ đậm nhạt tùy thích. Hơn nữa, chất liệu nhựa còn rất dễ xử lí và tạo hình nên có thể cho ra đời rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã cho cùng một món đồ. Chúng cũng có một ưu thế hơn so với các đồ dùng làm từ kim loại, là rất nhẹ, nên dễ sử dụng và di chuyển. Đồ dùng bằng nhựa còn khá bền, không bị hen rỉ khi để ở ngoài trời hay môi trường nước lâu ngày. Quan trọng nhất là các món đồ dùng làm từ nhựa luôn có giá thành rẻ hơn nhiều so với các món đồ làm từ chất liệu khác như gỗ, sắt, thép, đồng… Với tất cả những ưu điểm vượt trội đó, đồ dùng bằng nhựa đem đến rất nhiều tiện ích trong cuộc sống. Vì vậy, nó đã len lỏi và có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, cùng với những tiện ích đó, đồ dùng bằng nhựa cũng đem đến những tác hại khiến người ta phải đau đầu. Đó là đồ dùng bằng nhựa không thể chịu được nhiệt độ cao, nên khi bị sử dụng để đựng các đồ còn nóng như thức ăn, canh, trà… dễ gây bệnh cho người sử dụng. Nhưng do giá thành rẻ lại đa dạng mẫu mã, nên nhiều quán ăn vẫn sử dụng đồ làm từ nhựa để đựng thực phẩm nóng. Không chỉ vậy, đồ dùng bằng nhựa còn rất khó để phân hủy. Nó cũng như túi nilon có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hiện nay, dù là trong đất, nước, không khí, trong cơ thể động vật đều có xuất hiện nhựa. Đó là một hiện trạng hết sức đáng buồn. Vì vậy, đã có nhiều phong trào vì bảo vệ môi trường đã đứng lên kêu gọi ngưng sử dụng các loại đồ dùng làm từ nhựa dùng một lần.
Đồ dùng bằng nhựa vừa đem lại nhiều tiện ích nhưng cũng ẩn chứa nhiều tác hại. Hai yếu tố đó tồn tại song song với nhau. Hiện nay, vẫn chưa có một chất liệu nào có thể thay thế được nhựa, vì vậy chúng ta khó mà từ bỏ các đồ dùng làm từ chất liệu này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và môi trường bằng các biện pháp tích cực. Như không dùng đồ làm từ nhựa để đựng thực phẩm nóng. Hạn chế sử dụng đồ dùng làm từ nhựa một lần, mà ưu tiên các loại có thể tái chế được. Khi không sử dụng nữa, thì đem phân loại, vứt đúng nơi quy định để chúng được đưa đến nhà máy xử lí. Như vậy, thì các đồ dùng làm từ nhựa sẽ giảm đi phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta.
Mẫu 3
Trong thời đại hiện nay, vấn đề rác thải nhựa đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường toàn cầu. Mặc dù những sản phẩm nhựa mang lại sự thuận tiện, nhưng chúng cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và sức khỏe con người. Tình trạng ô nhiễm từ rác thải nhựa đang đạt đến mức đáng lo ngại, đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp cụ thể để giảm thiểu rác thải nhựa, nhằm bảo vệ hành tinh xanh, sạch và đẹp.
Danh sách sản phẩm và dụng cụ làm từ nhựa ngày càng đa dạng, bao gồm ly nhựa, túi nilon, hạt nhựa, chai, hộp nhựa, hộp đựng thức ăn, ống hút, và nhiều loại khác. Với tính tiện dụng, giá thành rẻ, dễ gia công, sử dụng và tái chế, các sản phẩm nhựa được ưa chuộng và sử dụng phổ biến trong cuộc sống và sản xuất.
Rác thải nhựa có tuổi thọ rất cao, lên đến gấp 10 lần so với thời gian sử dụng của chúng. Những sản phẩm như túi nilon, ống hút, ly nhựa, được sản xuất nhanh chóng, sử dụng chỉ trong vài phút, nhưng có thể tồn tại trong môi trường từ 20 năm, 50 năm đến 10 thế kỷ. Đặc biệt đáng lo ngại là chúng không bị phân hủy hoàn toàn khỏi môi trường.
Mặc dù nhựa mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó cũng là nguồn gốc của nhiều vấn đề độc hại đối với sức khỏe và môi trường. Lượng rác thải nhựa từ sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và từ các điểm du lịch đang gia tăng, biến rác thải nhựa thành một vấn nạn lớn trong xã hội.
Để xây dựng một cuộc sống phát triển văn minh và hiện đại, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa. Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần và túi nilon, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về vấn đề rác thải là những bước quan trọng. Chúng ta cần sống theo tinh thần "Mình vì mọi người, mọi người vì mình," để môi trường sống trở nên xanh, sạch, đẹp, và Trái Đất thực sự trở thành ngôi nhà chung của tất cả chúng ta.
Mẫu 1
Trong xã hội hiện đại, đồ dùng bằng nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện ích và sự phổ biến của chúng là hàng loạt tác hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Bài viết dưới đây sẽ đi vào chi tiết về cả tiện ích và tác hại của đồ dùng bằng nhựa, từ đó đề cập đến hiện trạng sử dụng và những thách thức mà chúng ta đang đối diện.
Nhựa là một loại polyme hữu cơ, có đặc tính nhẹ, bền và dễ tái chế. Chúng được sử dụng rộng rãi để sản xuất nhiều loại vật dụng trong đời sống hàng ngày như túi nilon, chai lọ, đồ dùng gia đình, đồ chơi, đồ đựng thực phẩm, và nhiều sản phẩm khác.
Nhựa thường có độ bền cao, khó vỡ, đồng thời cũng rất nhẹ, giúp cho việc sử dụng và di chuyển dễ dàng. Sản phẩm từ nhựa thường có nhiều màu sắc và thiết kế đa dạng, phù hợp với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng. Quá trình sản xuất đồ dùng từ nhựa thường tiết kiệm chi phí hơn so với các vật liệu khác, điều này làm cho chúng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn đối với mọi người.
Bên cạnh những lợi ích, nhựa cũng mang tới vô vàn những hạn chế nhất định đối với cuộc sống con người. Rác thải nhựa gây ra nhiều vấn đề cho môi trường, từ việc ô nhiễm không khí, nước, đến sự tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Một số chất hóa học có trong nhựa có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khi tiếp xúc lâu dài, như vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, và thậm chí là nguy cơ ung thư. Đặc biệt, nhựa cần rất nhiều thời gian để phân hủy, làm cho rác thải nhựa trở nên một vấn đề lớn trong việc xử lý và tái chế. Rác thải nhựa được vứt bỏ một cách không kiểm soát, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và thách thức lớn cho việc xử lý rác thải.
Trong khi đồ dùng bằng nhựa mang lại sự tiện ích và đa dạng cho cuộc sống hàng ngày, thì tác hại mà chúng gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người cũng không thể bỏ qua. Việc tìm kiếm giải pháp thay thế và xử lý rác thải nhựa trở thành một ưu tiên cấp bách, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Mẫu 2
Nhựa là một vật liệu tiện ích vô cùng trong cuộc sống hiện đại. Đồ dùng làm từ nhựa mang lại sự tiện lợi và linh hoạt trong sử dụng, từ đồ gia dụng đến đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, em đồng tình rằng sử dụng quá nhiều đồ dùng nhựa cũng gây ra nhiều tác hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Việc sản xuất và xử lý nhựa tạo ra lượng lớn khí thải và chất thải nhựa, góp phần vào vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các chất độc hại từ nhựa có thể chảy ra khi tiếp xúc với thức ăn và nước uống, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Do đó, việc giảm sử dụng đồ dùng nhựa và thúc đẩy các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường là cần thiết để bảo vệ hành tinh và sức khỏe con người trong tương lai.
Túi nilon, mặc dù tiện lợi, nhưng lại gây ra nhiều vấn đề cho môi trường vì tính khó phân hủy của nó. Khi túi nilon bị vứt bỏ, chúng có thể gây tắc nghẽn và ô nhiễm nước, đe dọa sức khỏe con người và sinh vật dưới đại dương.
Hiện nay, con người quá phụ thuộc vào các vật dụng nhựa dùng một lần, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Tính khó phân hủy của túi nilon khiến cho chúng tồn tại trong môi trường rất lâu, gây ra nhiều vấn đề cho đất đai và nước trong dài hạn.
Khi túi nilon bị vứt bỏ vào môi trường, chúng gây tắc nghẽn và ô nhiễm nước, đe dọa sức khỏe con người và sinh vật dưới đại dương. Việc sản xuất và sử dụng túi nilon cần được kiểm soát để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của túi nilon, cần hạn chế sử dụng loại túi này bằng cách dùng túi có khả năng tái sử dụng và phân hủy sinh học khi mua hàng. Không nên sử dụng túi nilon rẻ tiền, đặc biệt là để đựng thực phẩm nóng hoặc có hương vị chua. Sau khi sử dụng, cần phân loại và gửi đến các công ty xử lý môi trường theo quy định.
Mỗi cá nhân nên nâng cao ý thức trách nhiệm và tham gia tích cực vào các hoạt động chống ô nhiễm nhựa thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể. Thay đổi thói quen, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa một lần và túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày bằng cách chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như phân loại, tái chế và tiết kiệm nguyên liệu và nhiên liệu.
Mẫu 3
Cuộc sống hiện đại yêu cầu sự nhanh chóng, và đồ dùng nhựa là một phần không thể thiếu. Việc nhận biết về lợi ích và hậu quả của chúng là cần thiết để sử dụng chúng một cách hợp lý.
Nhựa, hay còn gọi là plastic, là một vật liệu linh hoạt được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Sự đa dạng trong cách phân loại đã khiến cho nhựa trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất đồ dùng sinh hoạt.
Đồ dùng nhựa mang lại sự tiện lợi và dễ sử dụng, nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường và sức khỏe con người. Sử dụng đồ dùng nhựa dùng một lần ngày càng gia tăng đã gây ra vấn đề rác thải nhựa vô cùng nghiêm trọng. Việc xử lí rác thải không hiệu quả có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho môi trường và sức khỏe con người.
Mỗi phút trôi qua, hàng triệu chai nhựa được bán ra trên toàn cầu, và mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và nilon, gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái, đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Lượng rác thải nhựa và túi nilon ngày càng tăng lên, gây ra một gánh nặng không nhỏ cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa được gọi là ô nhiễm trắng. Ô nhiễm nhựa gây ra thiệt hại lớn cho môi trường và hệ sinh thái, bao gồm cả việc bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loài sinh vật bị chết do vướng vào lưới đánh cá, bị bỏ lại trên biển hoặc ăn nhầm nhựa, đồng thời, các hạt vi nhựa trong nước biển hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ và có thể gây nên nhiều bệnh lý cho con người và các loài sinh vật biển khác.
Bên cạnh những vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà con người đang phải đối mặt. Vì vậy, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ ba tháng 9 hàng năm) đã được Liên Hợp Quốc khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực loại bỏ ô nhiễm nhựa bằng cách tăng cường tuyên truyền và giáo dục nhận thức về hậu quả của rác thải nhựa, xây dựng các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa. Đồng thời, các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại cũng đang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để giảm lượng rác thải nhựa dùng một lần và đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm thay thế.
Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động chống lại rác thải nhựa thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể. Thay đổi thói quen, từ chối sử dụng các sản phẩm nhựa một lần và túi nilon bằng cách mua sắm, sinh hoạt, làm việc hàng ngày; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường là biện pháp quan trọng. Tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi cư trú thông qua việc phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu; lên án các hành vi gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.