Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 7 - Kết nối tri thức

2024-09-14 06:56:28

A. NỘI DUNG ÔN TẬP

I. Phần đọc hiểu

1. Kiến thức về truyện

a. Đề tài và chi tiết

* Đề tài

- Đề tài là phạm vi đời sống được phản ánh, thể hiện trực tiếp trong tác phẩm văn học.

- Cách phân loại đề tài:

+ Dựa vào phạm vi hiện thực được miêu tả: đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh, đề tài gia đình,…

+ Dựa vào loại nhân vật trung tâm của tác phẩm: đề tài trẻ em, đề tài người nông dân, đề tài người lính,…

- Một tác phẩm có thể đề cập nhiều đề tài, trong đó có một đề tài chính.

Ví dụ: Đề tài của truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” (Tạ Duy Anh) là đề tài gia đình (xét theo phạm vi hiện thực được miêu tả) và là đề tài trẻ em (xét theo nhân vật trung tâm của truyện).

*Chi tiết: Chi tiết là yếu tố nhỏ nhất tạo nên thế giới hình tượng (thiên nhiên, con người, sự kiện) nhưng có tầm ảnh hưởng quan trọng đặc biệt trong việc đem lại sự sinh động, lôi cuốn cho tác phẩm văn học.

b. Tính cách nhân vật: Tính cách nhân vật là những đặc điểm riêng tương đối ổn định của nhân vật, được bộc lộ qua mọi hành động, cách ứng xử, cảm xúc, suy nghĩ; qua các mối quan hệ, qua lời kể và suy nghĩ của nhân vật khác.

c. Thay đổi kiểu người kể chuyện

- Trong một chuyện kể, nhà văn có thể sử dụng nhiều ngôi kể khác nhau. Có tác phẩm sử dụng hai ba người kể chuyện ngôi thứ nhất; có tác phẩm lại kết hợp người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba.

- Sự thay đổi kiểu người kể chuyện luôn thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. Mỗi ngôi kể thường mang đến một cách nhìn nhận, đánh giá riêng, khiến câu chuyện được soi chiếu từ nhiều chiều, trở nên phong phú, hấp dẫn, chứa đựng nhiều ý nghĩa.

2. Kiến thức về thơ

a. Thơ bốn chữ hoặc năm chữ

- Hình thức: Thơ bốn chữ và thơ năm chữ là những thể thơ được gọi tên theo số chữ (tiếng) trong mỗi dòng thơ. Số lượng dòng mỗi bài không hạn chế. Bài thơ bốn chữ và năm chữ có thể chia khổ hoặc không.

- Cách gieo vần trong thơ bốn chữ và thơ năm chữ: vần thường được đặt ở cuối dòng, gọi là vần chân. Vần có thể gieo liên tiếp (vần liền) hoặc cách quãng (vần cách), cũng có thể phối hợp nhiều kiểu gieo vần trong một bài thơ (vần hỗn hợp),...

- Thơ bốn chữ thường ngắt nhịp 2/2, thơ năm chữ thường ngắt nhịp 2/3 hoặc 3/2. Tuy nhiên nhịp thơ cũng có thể ngắt linh hoạt, phù hợp với tình cảm, cảm xúc được thể hiện trong bài thơ.

- Thơ bốn chữ và thơ năm chữ gần gũi với đồng dao, vè, thích hợp với việc kể chuyện, hình ảnh thơ thường dung dị, gần gũi.

b. Tình cảm, cảm xúc trong thơ:

- Tình cảm chính là cội nguồn làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ trữ tình. Gốc của thơ là tình cảm, nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc đời.

- Cảm xúc của nhà thơ trước cuộc đời thuộc thế giới tình cảm riêng, nhưng lại có những điểm đồng điệu với cảm xúc chung của nhiều người. Chính vì thế, người đọc đến với thơ để tìm sự đồng cảm, chia sẻ. Người đọc có thể cảm nhận như nhà thơ đang nói hộ nỗi lòng mình.

c. Hình ảnh trong thơ

- Hình ảnh là một yếu tố quan trọng trong thơ trữ tình, là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, tư tưởng. Hình ảnh trong thơ có nguồn gốc từ đời sống (con người, thiên nhiên,...) nhưng luôn mang dấu ấn của sự hư cấu, tưởng tượng, in đậm tình cảm, cảm xúc chủ quan của nhà thơ.

d. Nhịp thơ

- Nhịp thơ là phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật đặc thù của văn bản thơ. Người đọc có thể nhận biết nhịp thơ qua hệ thống những điểm ngắt, ngừng được phân cha trên dòng thơ hoặc giữa các dòng thơ, theo sự chi phối của nội dung cảm xúc và quy định riêng của từng thể thơ.

3. Tuỳ bút, tản văn

- Tuỳ bút là một thể loại văn xuôi thuộc loại hình kí. Điểm tựa của tuỳ bút là cái tôi của tác giả. Qua việc ghi chép về con người, sự kiện cụ thể, có thực, tác giả tuỳ bút thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của mình. Tuỳ bút thiên về tính trữ tình, có thể kết hợp trữ tình, suy tưởng, triết lí, chính luận. Bố cục bài tuỳ bút khá tự do, được triển khai theo một cảm hứng chủ đạo, một tư tưởng chủ đề nhất định. Tuỳ bút không nhất thiết phải có một cốt truyện cụ thể hay nhân vật hoàn chỉnh. Ngôn từ của tuỳ bút giàu hình ảnh, giàu chất thơ.

- Tản văn là thể loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc. Người viết tản văn thường dựa trên một vài nét chấm phá về đời sống để thể hiện tâm trạng, suy nghĩ, chủ kiến của mình. Tản văn khá tự do trong cách biểu hiện, có sự kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả, khảo cứu,... Ngôn từ của tản văn gần gũi đời thường, như lời chuyện trò, bàn luận, tâm sự.

2. Phần tiếng Việt

a. Nói giảm nói tránh

b. Số từphó từ

c. Từ ngữ địa phương

3. Phần làm văn

a. Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài

b. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ

c. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học

d. Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

e. Viết văn bản tường trình

B. BÀI TẬP

1. Phần đọc hiểu

*Đề bài

Văn bản Bầy chim chìa vôi

Câu 1: Điều gì khiến hai anh em Mên, Mon lo lắng khi thấy mưa to và nước đang dâng cao ngoài bãi sông?

A. Những con chim chìa vôi non có thể sẽ bị chết đuối

B. Những con cá bống của bố bị người ta bắt mất

C. Những con chim chìa vôi không thể bay về tổ

D. Những con cá bống của bố bị cuốn đi nơi khác

Câu 2: Đâu là tính cách của nhân vật Mên?

A. Có trách nghiệm, biết suy nghĩ

B. Biết quan tâm mọi thứ xung quanh

C. Yêu động vật, thiên nhiên

D. Tất cả đáp án trên

Văn bản Đi lấy mật

Câu 3: Nội dung chính của đoạn trích là gì?

A. Kể lại việc lần đầu An gặp tía nuô

B. Kể lại việc An gặp Võ Tòng

C. Kể lại việc An theo tía nuôi đi lấy mật ong trong rừng U Minh

D. Kể lại cuộc chạm trán với hổ của Võ Tòng

Câu 4: Theo nhân vật “tôi”, từ những thời xa xôi thuở con người ăn lông ở lỗ cho đến ngày nay, người ta vẫn đi tìm lấy mật rừng bằng cách nào?

A. Nuôi ong trong tổ nhân tạo

B.Theo dấu đường bay của những con ong về tổ

C.Dùng sào cắt tổ ong trên một cái cây bất kì

D.Trèo lên tổ ong trên một cái cây bất kì

Văn bản Ngàn sao làm việc

Câu 5: Không gian được miêu tả trong bài thơ Ngàn sao làm việc là?

A.Sông nước

B.Đồng quê

C. Sân vườn

D. Triền đê

Câu 6: Tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ Ngàn sao làm việc như thế nào?

A.Hối hả

B.Mệt mỏi

C.Phấn khích

D.Thong dong

Văn bản Đồng dao mùa xuân

Câu 7: Bài thơ Đồng dao mùa xuân viết về nội dung gì?

A. Viết về cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất nước của tác giả

B. Thể hiện lòng thành kính, biết ơn của tác giả với lãnh tụ Hồ Chí Minh

C. Viết về người nông dân của làng quê Việt Nam thời kháng chiến

D. Viết về người lính dưới góc nhìn chiêm nghiệm của một con người thời bình

Câu 8: Bài thơ Đồng dao mùa xuân chủ yếu gieo vần gì?

A.Vần tiếp

B.Vần cách

C.Vần lưng

D.Vần trắc

Văn bản Gặp lá cơm nếp

Câu 9: Bài thơ Gặp lá cơm nếp viết về nội dung gì?

A. Tình cảm nhớ thương của người con dành cho mẹ và đất nước

B. Tình cảm của người lính dành cho những người đồng đội của mình

C. Tình cảm nhớ thương của người cháu dành cho người bà

D. Tình cảm nhớ thương của con dành cho người cha nơi chiến trường

Câu 10: Hãy cho biết bài thơ Gặp lá cơm nếp gieo vần như thế nào?

A. Vần chân

B. Vần cách

C. Vần liền

D. Vần tiế

Văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Câu 11: Văn bản Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ kể lại câu chuyện của những nhân vật nào?

A. Hai mẹ con và hai bố con

B.Hai người bạn và hai anh em

C.Hai bố con và hai chú cháu

D.Hai bà cháu và hai chị em

Câu 12: Trong câu chuyện Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ, câu văn: “Những bông hoa chính là người đưa đường” đã cho ta hiểu điều gì?

A.Bông hoa là những vật đẹp đẽ nhất trên thế giới

B.Cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa nếu thiếu hoa

C.Thế giới chính là những điều thân thuộc, gần gũi với chính mình

D.Một món quà bao giờ cũng đẹp

Văn bản Người thầy đầu tiên

Câu 13: Truyện Người thầy đầu tiên được kể theo ngôi thứ mấy?

A.Ngôi thứ nhất

B.Ngôi thứ hai

C.Ngôi thứ ba

D.Ngôi kể thay đổi linh hoạt

Câu 14: An-tư-nai từng ước thầy An-tư-nai là?

A. Anh ruột

B. Em ruột

C.Bố

D.Bạn thâ

Văn bản Quê hương

Câu 15: Nhận định nào dưới đây nói đúng nhất tình cảm của Tế Hanh đối với cảnh vật, cuộc sống và con người ở quê hương ông?

A. Yêu thương, trân trọng, tự hào và gắn bó sâu sắc với cảnh vật, cuộc sống và con người của quê hương

B. Nhớ về quê hương với những kỉ niệm buồn bã và đau xót, thương cảm

C. Gắn bó và bảo vệ cảnh vật, cuộc sống và con người của quê hương

D. Tất cả đáp án trên

Câu 16: Nội dung của hai câu thơ sau là gì?

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông”

A.Giới thiệu vẻ đẹp của làng quê nhà thơ

B.Miêu tả cảnh sinh hoạt của người dân làng chài

C.Giới thiệu nghề nghiệp, vị trí địa lí của làng quê nhà thơ

D.Tất cả đáp án trên

Văn bản Mùa xuân nho nhỏ

Câu 17: Nhận định nào đúng khi giới thiệu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ?

A. Bài thơ với chất liệu dân gian với những hình ảnh thơ độc đáo đã ngợi ca ý nghĩa cuộc sống đối với mỗi người

B. Là tiếng nói thiết tha của người trọng bệnh đang khao khát được cống hiến cho cuộc đời

C.Là bài ca bất hủ gắn bó cùng những thăng trầm, gian khổ của chiến tranh

D.Tất cả đáp án trên

Câu 18: Trong đoạn thơ sau, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ chính nào?

   “Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

A. So sánh

B. Hoán dụ

C. Ẩn dụ

D. Nhân hóa

Văn bản Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt

Câu 19: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt là?

A. Miêu tả

B. Biểu cảm

C. Tự sự

D. Nghị luận

Văn bản Chuyện cơm hến

Câu 20: Không chỉ giới thiệu về một món ăn, Chuyện cơm hến còn có nội dung gì?

A. Khẳng định giá trị văn hóa tinh thần của món ăn

B. Giới thiệu về con người xứ Huế

C. Giới thiệu vùng đất du lịch Cố đô Huế

D. Tất cả đáp án trên

2. Phần tiếng Việt

a. Nói giảm nói tránh

Câu 1: Điểm giống nhau giữa nói giảm nói tránh với nói quá là?

A.Đều không đi thẳng vào vấn đề mà làm giảm đi tiêu cực

B.Đều phóng đại hay khoa trương một sự việc

C. Đều đối chiếu sự vật, sự việc, hiện tượng này với sự vật, sự việc, hiện tượng khác có nét tương đồng

D.Đều nói một cách không chính xác về sự việc đã xảy ra

Câu 2: Xác định biện pháp tu từ nói giảm nói tránh trong đoạn thơ sau:

“Mười, hai mươi năm

Anh không về nữa

Anh vẫn một mình

Trường Sơn núi cũ”

A.không về

B.một mình

C.núi cũ

D.hai mươi năm

Câu 3: Tác dụng của biện pháp nối giảm nói tránh trong câu sau là?

“Bác đã lên đường theo tổ tiên

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Bác đã lên đường theo tổ tiên

Mác – Lê nin, thế giới Người hiền”

A. Giảm cảm giác đau buồn

B. Tôn trọng người đối thoại với mình

C. Nhận xét một cách tế nhị, lịch sử, có văn hóa

D. Giảm cảm giác thô tục, thiếu lịch sự

b. Số từ và phó từ

Câu 4: Trong các câu sau, câu nào chứa số từ?

A.Tất cả các em học sinh khi đến trường đều phải mặc đồng phục theo quy định

B.Cô ấy đứng thứ nhất trong đợt thi khảo sát vừa rồi

C.Từng trang vở đều gợi lại những ký ức đẹp đẽ của thời học sinh

D.Những bông hoa ngoài vườn thật đẹp

Câu 5: Xác định câu không chứa số từ trong những câu sau:

A.Dân tộc Việt Nam là một.

B.Cô ấy đứng thứ nhất trong đợt thi khảo sát vừa rồi

C.Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống

D.Những bông hoa ngoài vườn thật đẹp

Câu 6: Ý nghĩa của phó từ trong câu sau là gì?

“Đêm khuya cháu vẫn cứ thổn thức không sao ngủ được”

A.Chỉ sự phủ định

B.Chỉ sự tiếp diễn

C.Chỉ kết quả

D.Chỉ mức độ

c. Từ ngữ địa phương

Câu 7: Thế nào là từ ngữ địa phương?

A.Là từ ngữ toàn dân đều biết và hiểu

B.Là từ ngữ chỉ được dùng ở một (một số) địa phương nhất định

C.Là từ ngữ chỉ được dùng duy nhất ở một địa phương

D.Là từ ngữ được ít người biết đến

Câu 8: Các từ in đậm trong đoạn thơ sau chủ yếu ở vùng miền nào?

Đồng chí nhớ nữa

Kể chuyện Bình – Trị - Thiên,

Cho bầy tui nghe

Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí

- Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ

Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri

A.Miền Bắc

B.Miền Nam

C.Đây là từ ngữ toàn dân

D.Miền Trung

Câu 9: Trong những trường hợp dưới đây, trường hợp nào được sử dụng từ địa phương?

A.Khi viết đơn từ, báo cáo gửi thầy giáo, cô giáo

B.Khi nói chuyện với người nước ngoài biết tiếng Việt

C.Người nói chuyện với mình là người ở địa phương khác

D.Người nói chuyện với mình là người cùng địa phương

Câu 10: Những từ ngữ ba, má, bạc hà, chả lụa thuộc từ ngữ vùng miền nào?

A.Từ ngữ địa phương Bắc Bộ

B.Từ ngữ địa phương Trung Bộ

C.Từ ngữ địa phương Nam Bộ

D.Từ ngữ toàn dân

3. Phần làm văn

a. Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài

Đề 1: Tóm tắt văn bản Bầy chim chìa vôi

Đề 2: Tóm tắt văn bản Người thầy đầu tiên

b. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ

Đề 1: Hãy viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Gặp lá cơm nếp

Đề 2: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nghĩ của em về nỗi nhớ thương mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp

c. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học

Đề 1: Em hãy phân tích nhân vật mà mình yêu thích trong truyện ngắn Bầy chim chìa vôi của tác giả Nguyễn Quang Thiều

Đề 2: Hãy phân tích vẻ đẹp của nhân vật mà em yêu thích trong đoạn trích Đi lấy mật của nhà văn Đoàn Giỏi

Đề 3: Phân tích nhân vật Đuy –sen trong truyện “Người thầy đầu tiên”

d. Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Đề 1: Viết bài văn trình bày cảm xúc đối với một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc.

e. Viết văn bản tường trình

Đề 1: Viết văn bản tường trình về việc mất xe đạp nơi gửi xe ở trường

Đề 2: Viết văn bản tường trình về việc lấy nhầm xe đạp của bạn học cùng lớp

C. LỜI GIẢI CHI TIẾT

1. Phần đọc hiểu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

A

D

C

B

B

D

D

B

A

C

C

C

A

A

A

C

B

C

D

A

2. Phần tiếng Việt

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

D

A

A

B

D

B

B

D

D

C

3. Phần làm văn

a. Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài

Đề 1: Tóm tắt văn bản Bầy chim chìa vôi

Mon tỉnh dậy lúc hai giờ sáng. Cả đêm, nó nằm lo lắng cho bầy chim chìa vôi làm tổ gần bờ sông. Mon liền gọi anh Mên dậy rồi tâm sự. Cả hai quyết định sẽ cùng ra bờ sông để đưa những chú chim vào bờ. Chiều hôm qua, nước đã dâng lên nhanh hơn. Nước dâng lên đến đâu, chim bố mẹ lại dẫn bầy con tránh nước đến đó. Chúng đã nhảy đến phần cao nhất của dải cát. Đến sáng, bầy chim đã bay lên. Bỗng, một con chim non đuối sức, nó rơi xuống như một chiếc lá. Chim mẹ chạy đến gần xòe đôi cánh lượn quanh đứa con và kêu lên như để cổ vũ cho nó. Đôi chân mảnh dẻ và run rẩy của con chim non chạm vào mặt sông. Đôi cánh của nó đập một nhịp quyết định. Tấm thân bé bỏng của nó vụt bứt ra khỏi dòng nước và bay lên cao. Mon và Mên đã tận mắt chứng kiến cảnh đó. Cả hai khóc lúc nào mà không biết.

Đề 2: Tóm tắt văn bản Người thầy đầu tiên

An-tư-nai mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cô phải sống với chú thím, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm. Thầy Đuy-sen đã giúp đỡ để An-tư-nai có thể đi học. Trong kí ức của An-tư-nai, thầy Đuy-sen là một người có tấm lòng nhân hậu, bao dung và giàu tình yêu thương. Khi thấy học sinh phải lội qua suối giữa mùa đông lạnh giá, thầy đã bế hoặc cõng các em qua suối. Thầy còn lấy đá và những tảng đất cỏ đắp thành các ụ nhỏ trên lòng suốt để bước qua cho khỏi bị ướt chân. Khi An-tư-nai bị ngã ở suối, thầy đỡ An-tư-nai lên lên bờ, lót chiếc áo choàng cho An-tư-nai ngồi, còn mình thì vẫn tiếp tục công việc. Cũng nhờ có thầy Đuy-sen mà An-tư-nai đã cố gắng học hành và trở thành một viện sĩ.

b. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ

Đề 1: Hãy viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Gặp lá cơm nếp

1. Mở đoạn

- Dẫn dắt, giới thiệu tác giả Thanh Thảo và bài thơ Gặp lá cơm nếp

- Ấn tượng, cảm xúc khái quát về bài thơ (lí do em muốn chia sẻ cảm xúc về bài thơ)

2. Thân đoạn

- Chia sẻ tình cảm của em về nội dung đề tài mà bài thơ phản ánh: Bài thơ viết về đề tài rất quen thuộc: mẹ và quê hương nhưng đã mượn hình ảnh và hương vị của loài cây thân thiết ở mỗi miền quê để gửi gắm tâm tư, tình cảm của thi sĩ: hình ảnh người lính gặp lá cơm nếp, nhớ về mẹ, nhớ về quê hương. Chính điều đó đã chạm vào trái tim mỗi người những rung động sâu xa.

- Chia sẻ tình cảm, cảm xúc về nghệ thuật đặc sắc được thể hiện trong bài thơ: Bằng việc sử dụng thể thơ năm chữ nhẹ nhàng, dung dị sâu lắng, bài thơ đã đem lại cho em nhiều cảm xúc. Những hình ảnh ẩn dụ: Phải mẹ thổi cơm nếp / Mà thơm suốt đường con / Ôi mùi vị quê hương… gợi lên trong lòng mỗi người cảm xúc nghẹn ngào.

- Bài thơ có ý nghĩa đối với đời sống con người: Mượn hình ảnh lá cơm nếp nhưng lan tỏa được tình yêu thương đến độc giả. Yêu mẹ, yêu quê hương chính là yêu những gì thân thuộc, gần gũi, giản dị nhất quanh chúng ta.

3. Kết đoạn

Mẹ và quê hương luôn dõi theo ta đi suốt cuộc đời, là suối nguồn cho ta tắm mát, là bến đỗ bình yên để ta neo đậu. Vì vậy, ta cần nâng niu trân trọng tình cảm ấy.

Đề 2: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nghĩ của em về nỗi nhớ thương mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp

Đi hết cuộc đời dài rộng này, chúng ta cũng không thể hiểu được hết công lao của mẹ cha. Bởi vậy, đã có biết bao sáng tác ra đời để ca ngợi công ơn trời bể ấy. Tác giả Thanh Thảo cũng viết về đề tài ấy, ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc trong bài thơ Gặp lá cơm nếp. Bài thơ đã ghi lại cảm xúc của người con tình cờ nghĩ đến hương vị của mùi xôi và nhớ về mẹ. Tác giả đã xa nhà nhiều năm, thèm một bát xôi nếp mùa gặt và nhớ về mẹ cùng những hương vị yêu dấu của làng quê. Trong tâm hồn các anh, người mẹ là hình ảnh lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất của quê hương. Với người lính, mẹ là suối nguồn của yêu thương, là ánh sáng diệu kì dõi theo con suốt cuộc đời. Câu thơ "Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương" như cảm xúc òa khóc trong lòng nhân vật khi nghĩ về người mẹ tảo tần và đất nước bình dị. Mẹ đã chịu một đời lam lũ, hi sinh để dành cho con những điều đẹp đẽ nhất. Những câu thơ giản dị, ngắn gọn mà vời vợi nỗi nhớ thương. Bài thơ "Gặp lá cơm nếp" được viết lên từ nỗi nhớ, tình yêu mà nhà thơ dành cho mẹ. Bài thơ đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả.

c. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học

Đề 1: Em hãy phân tích nhân vật mà mình yêu thích trong truyện ngắn Bầy chim chìa vôi của tác giả Nguyễn Quang Thiều

Nguyễn Quang Thiều rất am hiểu tâm lí trẻ thơ, ông đã rất thành công xây dựng hình tượng hai nhân vật Mên và Mon.

Là anh cả trong nhà, Mên tỏ ra  là cậu bé hiểu chuyện, lo lắng và quan tâm tới em trong cuộc sống, từ việc giải đáp những câu hỏi liên tiếp của Mon đến việc dặn dò Mon giữ bí mật về đàn chìa vôi. Mên thể hiện được phần trưởng thành hơn trong mọi quyết định. Ngay từ cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai đứa trẻ, ta thấy được sự lo lắng của hai anh em. Mên quan tâm và tỏ ra người lớn: “Một tia chớp phóng ra từ đâu đó và chạy lan trên trời như một cái rễ cây khổng lồ.

- Thế mà cũng nhìn – Thằng Mên bực tức – Cái bù nhìn buổi chim chứ người đâu mà người

- À đúng rồi!”

Rõ ràng Mên cũng sợ nhưng sự gan dạ, cùng với tình thương với lũ chim đã khiến cho Mên tiếp thêm sức mạnh để thoát khỏi sự sợ hãi trước sấm sét. Trong cuộc phiêu lưu, Mên như một người thuyền trưởng, chỉ đạo em vượt bão táp, mặc dù đối mặt với sợ hãi, nguy hiểm. Mên ý thức được trách nhiệm của người anh cả, Mên đã không khóc bởi em biết nếu em khóc thì Mon cũng sẽ khóc và Mên đã cố gắng bình tĩnh cùng em trai vượt qua nguy hiểm: “Thằng Mên hổn hển. Nếu không có em nó ở đó chắc nó đã òa khóc. Nó tháo chiếc mũ lá của mình đội cho đứa em và nói:

- Phải thả cái mái chèo mà chèo, không đò trôi mất.

Hai đứa trẻ nắm tay nhau lảo đảo đi trên những tấm ván cập kênh trong lòng đò xuống phía mái chèo. Phải rất vất vả chúng mới hạ được cái mái chèo gỗ to và nặng xuống nước. Mái chèo gặp nước xiết trở nên nặng khủng khiếp. Hai đứa bé không sao quậy nổi mái chèo. Mưa vẫn rầm rập. Dòng sông dâng lên nghiêng ngả. Trôi đến đoạn sông cách bến đò lang hai đứa bé chừng gần hai cây số con đò mới dạt được vào bờ”.

Đọc đến đây, chắc hẳn chúng ta ai cũng thầm cầu mong cho lũ trẻ ngây thơ vượt được cơn giông tố, bởi chúng cũng như đàn chim nhỏ bé kia có thể bị dòng nước hung tàn cuốn trôi. Đến khi, chúng dạt vào bờ là lúc ta “thở phào nhẹ nhõm”: bọn trẻ đã an toàn. Mên đã rất cố gắng để an ủi và bảo vệ em.

Hai anh khóc bởi xúc động, hai anh em đã mất cả đêm để lo lắng cho bầy chìa vôi, lo chúng sẽ bị dòng nước xoáy to nuốt chửng. Và chính chúng cũng không biết tại sao chúng khóc, bởi xúc động, bởi sự mong ngóng: “Hình như chúng nghe thấy trong ngực mình nhịp đập của những trái tim hối hả nhưng đều đặn. Cuối cùng toàn thể bầy chim non đã thực hiện được tốt đẹp chuyến bay đầu tiên kì vĩ và quan trọng nhất trong đời. Những đôi cánh yếu ớt đã hạ xuống bên một lùm dứa dại bờ sông.

 Hai anh em thằng Mên vẫn đứng không nhúc nhích. Trên gương mặt tái nhợt vì nước mưa của chúng hừng lên ánh ngày. Thằng Mên lặng lẽ quay lại nhìn em nó. Và cả hai đứa bé nhận ra chúng đã khóc từ lúc nào”.

Mỗi đứa trẻ đều cảm nhận thế giới theo một cách riêng. Nguyễn Quang Thiều đã mượn chính đôi mắt trong sáng của lũ trẻ để cảm nhận chính thế giới của chúng.

Đề 2: Hãy phân tích vẻ đẹp của nhân vật mà em yêu thích trong đoạn trích Đi lấy mật của nhà văn Đoàn Giỏi

An là cậu bé ham học hỏi: “Những điều má nuôi tôi kể, trong các sách giáo khoa không thấy nói. Khoa học tự nhiên ở trường chỉ mới cho tôi một khái niệm chung chung về xã hội loài ong, về những lợi ích của con ong, đại khái vậy thôi. Hiển nhiên từ những thời xa xôi thuở con người ăn lông ở lỗ cho đến ngày nay, người ta vẫn đi tìm lấy mật rừng bằng cách theo dấu đường bay của những con ong về tổ. Người ta phải khó nhọc lắm mới đưa được con ong rừng về nuôi thành con ong nhà, vì như thế, việc lấy mật sẽ dễ dàng và bảo đảm hơn”.

An ham học hỏi và ưa khám phá thế giới tự nhiên. Trước đó, trong khoảng thời gian sống cùng gia đình của ông bán rắn, An đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức chỉ có người dân ở đây lưu truyền với nhau, trong sách vở ở thành phố mà An theo học không hề nhắc đến. Trong những cuộc đi bắt rắn giữa An và gia đình, tác giả đã cho ta nhìn thấy được sự dũng cảm, sự kiên nhẫn của những người làm nghề này. Từng cách bắt mồi nhử, cách móc mồi, cách… đuổi muỗi, sự chờ đợi, kiên nhẫn và quang cảnh của rừng U Minh vào ban đêm đã được hiện lên thật sắc nét dưới từng con chữ của tác giả.

Còn trong những lần đi lấy mật ong, quyển sách đã mang lại cho ta những hình ảnh chân thật nhát về cách dựa vào hướng gió, địa điểm, thời tiết mà đoán chỗ ong mật làm tổ để gác kèo lấy mật. Qua đó, ta đã có thể phần nào hình dung ra sự hoang sơ, sự hoang dã của thiên nhiên rừng U Minh.

Đề 3: Phân tích nhân vật Đuy –sen trong truyện “Người thầy đầu tiên”

Người thầy đầu tiên là một truyện ngắn xuất sắc của Ai-tơ-ma-tốp kể về thầy giáo Đuy-sen qua hồi ức bà viện sĩ An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-va, vốn là học trò trước đây của thầy Đuy-sen.

       Hình ảnh một người thầy tuyệt đẹp và đáng kính là cảm nhận sâu sắc nhất của mỗi chúng ta khi đọc truyện ngắn này. Khi đến vùng núi quê hương của cô bé An-tư-nai. Thầy Đuy-sen còn trẻ lắm. Học vấn của thầy lúc đó chưa cao, nhưng trái tim thầy dạt dào tình nhân ái và sôi sục nhiệt tình cách mạng. Một mình thầy lao động hằng tháng trời, phạt cỏ, trát lại vách, sửa cánh cửa, quét dọn cái sân..., biến cái chuồng ngựa của phú nông hoang phế đã lâu ngày thành một cái trường khiêm tốn nằm bên hẻm núi, cạnh con đường vào cái làng nhỏ của người Kir-ghi-di, vùng Trung Á nghèo nàn lạc hậu

       Khi An-tư-nai và các bạn nhỏ đến thăm trường với bao tò mò “xem thử thầy giáo đang làm gì, ở đấy cũng hay” thì thấy thầy “từ trong cửa bước ra, người bê bết đất”. Thầy Đuy-sen “mỉm cười, niềm nở” quệt mồ hôi trên mặt, rồi ôn tồn hỏi: “Đi đâu về thế, các em gái”. Trước các “vị khách” nhỏ tuổi, thầy hiền hậu nói: “Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì? Còn trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi...?”

       Đuy-sen đúng là một người thầy vĩ đại, cử chỉ của thầy rất hồn nhiên. Thầy hiền hậu nói lên những lời ấm áp lay động tâm hồn tuổi thơ. Mới gặp các em nhỏ xa lạ lần đầu mà thầy đã nhìn thấy, đã thấu rõ cái khao khát muốn được học hành của các em: “các em chả sẽ học tập ở đây là gì?” Thầy “khoe” với các em về chuyện đắp lò sưởi trong mùa đông..., thầy báo tin vui trường học đã làm xong “có thể bắt đầu học được rồi”. Thầy mời chào hay khích lệ? Thầy nói với các em nhỏ người dân tộc miền núi chưa từng biết mái trường là gì bằng tất cả tình thương mênh mông: “Thế nào, các em có thích học không? Các em sẽ đi học chứ?”

       Thầy Đuy-sen quả là có tài, giàu kinh nghiệm sư phạm. Chỉ sau một vài phút gặp gỡ, vài câu nói nhẹ nhàng, thầy đã chiếm lĩnh tâm hồn tuổi thơ. Thầy đã khơi dậy trong lòng các em nhỏ người miền núi niềm khao khát được đi học.

       Với An-tư-nai, thầy nhìn thấu tâm can em, cảm thông cảnh ngộ mồ côi của em, thầy an ủi và khen em một cách chân tình: “An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?”. Câu nói ấy cùng với nụ cười hiền hậu của Đuy-sen đã khiến cho cô gái dân tộc thiểu số bé nhỏ, bất hạnh “thấy lòng ấm hẳn lại”.

       Đuy-sen là người thầy đầu tiên, người thầy khai tâm khai sáng cho An-tư- nai. Thầy hiền hậu, thầy yêu thương tuổi thơ. Thầy đã đốt cháy lên trong lòng các em ngọn lửa nhiệt tình khát vọng và khát vọng đi học. Đuy-sen là hình ảnh tuyệt đẹp của một ông thầy tuổi thơ. Con đường tuổi trẻ là con đường học hành. Trên con đường đầy nắng đẹp ấy, anh chị và mỗi chúng ta sẽ được dìu dắt qua nhiều thầy, cô giáo. Cũng như An-tư-nai, trong tâm hồn mỗi chúng ta luôn luôn chói ngời những người thầy, những Đuy-sen cao đẹp.

       Ai-ma-tốp đã viết nên một truyện ngắn dưới dạng hồi ức chân thực, cảm động. Hình ảnh Đuy-sen – người thầy đầu tiên và hình ảnh An-tư-nai, cô bé mồ côi khát khao được đi học, được tác giả nói đến với tất cả sự ca ngợi, với niềm thương mến bao la. Người thầy trong truyện ngắn là người thầy của tình thương đến với tuổi thơ, đem ánh sáng cách mạng làm thay đổi mọi cuộc đời. Ngọn lửa tình thương như toả sáng trang văn Ai-ma-tốp, mãi mãi làm ấm áp lòng người. Thầy Đuy-sen càng trở nên gần gũi trong niềm thương mến của tuổi thơ chúng ta.

(Sưu tầm)

d. Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Đề 1: Viết bài văn trình bày cảm xúc đối với một sự việc để lại cho em ấn tượng sâu sắc.

Giờ đây tôi đã là một học sinh lớp bảy của mái trường Trung học cơ sở thân yêu. Nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm của ngày tựu trường đầu tiên.

Đó là một buổi sáng mùa thu thật đẹp. Bầu trời cao vợi và xanh thẳm. Mẹ đưa tôi đến trường bằng chiếc xe đạp đã cũ. Hôm nay, tôi sẽ dự lễ khai giảng đầu tiên. Con đường đi học đã quen thuộc, nhưng tôi lại cảm thấy xôn xao, bồi hồi. Cuối cùng cánh cổng trường cấp một cũng hiện ra trước mắt tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn ngôi trường hôm nay thật khác. Các anh chị học sinh lớp lớn hân hoan bước vào trường. Tôi được mẹ dắt vào hàng ghế của khối lớp một. Xung quanh, bố mẹ của các bạn khẽ thì thầm trò chuyện với con mình. Cô giáo chủ nhiệm lần lượt đưa chúng tôi vào vị trí ngồi của mình. Hôm nay, cô thật xinh đẹp trong bộ áo dài thướt tha. Nụ cười của cô khiến tôi cảm thấy thật ấm áp. Buổi lễ khai giảng diễn ra thật long trọng. Tôi cảm thấy vui vẻ và tự hào vì mình đã là học sinh lớp Một. Lời phát biểu của cô hiệu trưởng đã kết thúc buổi lễ. Tiếng trống vang lên như một lời chào mừng năm học mới đã đến.

Buổi lễ khai giảng đã để lại cho tôi một kỉ niệm đẹp không thể nào quên. Những cảm xúc trong sáng, hồn nhiên ấy, tôi luôn để nó trong một góc của trái tim mình, để luôn nhớ về nó. Ngày đầu tiên đi học.

e. Viết văn bản tường trình

Đề 1: Viết văn bản tường trình về việc mất xe đạp nơi gửi xe ở trường

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

—-------------------------------

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2021

BẢN TƯỜNG TRÌNH

Về việc mất xe đạp nơi gửi xe ở trường

   Kính gửi: - BGH nhà trường

                    - Cô Dương Thu H, giáo viên chủ nhiệm lớp 9E

   Em là Nguyễn Văn A, học sinh trường THCS Vĩnh Tuy, xin phép tường trình với cô một việc như sau:

   Sáng 16 tháng 9 năm 2021, em đi xe đạp đến trường học như mọi ngày. Em đã lên lớp học và quên không khóa xe. Đến 17 giờ cùng ngày, em đã phát hiện chiếc xe đạp đã bị mất và không còn ở trong khu gửi xe của trường.

    Em xin cam đoan điều vừa tường trình là đúng sự thật. Em mong được BGH nhà trường và cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ trong việc tìm lại chiếc xe đạp bị mất.

Người viết tường trình

                                                                                                          (Kí tên)

                                                                                                            Nguyễn Văn A

Đề 2: Viết văn bản tường trình về việc lấy nhầm xe đạp của bạn học cùng lớp

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

…, ngày… tháng… năm 20…

BẢN TƯỜNG TRÌNH

Về việc lấy nhầm xe của bạn

Kính gửi: Phòng Bảo vệ Trường THCS…

Họ Tên: Hoàng Anh Thư

Ngày tháng năm sinh: …/…/…

Học sinh lớp…, trường THCS…

Sau đây, em xin phép tường trình lại việc sau: Chiều qua, ngày… tháng… năm…, do em vội về để đi học thêm, nên đã không nhớ được vị trí để xe của mình và lấy nhầm xe của bạn Nguyễn Thu Huyền. Đến khi đi học về, bác bảo vệ đã gọi điện để thông báo về sự việc. Sáng hôm sau, em đã mang xe đến trả lại Huyền.

Nguyên nhân của sự việc: Em và bạn Huyền có hai chiếc xe đạp giống nhau, từ hãng xe đến hình dáng, màu sắc, kích thước. Chiếc xe cũng không bị khóa nên có thể dễ dàng di chuyển.

Hậu quả của sự việc: Huyền ra về không thấy xe nên đã báo bác bảo vệ về việc bị mất xe. Sau khi tìm hiểu, bác bảo vệ đã biết em lấy nhầm xe của bạn và yêu cầu em viết tường trình.

Em xin cam đoan điều vừa tường trình là đúng sự thật và hứa lần sau sẽ không tái phạm.

Người viết tường trình

Đỗ Ngọc Hà

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"