Đề thi
Phần I: ĐỌC – HIỂU (5 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
BÀI THUYẾT GIẢNG
Tại một ngôi làng nhỏ, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống, về đồng bào vào mỗi ngày chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi.
Nhưng đến một ngày chủ nhật nọ, một cậu bé, vốn rất chăm chỉ đến nghe nói chuyện bỗng nhiên không đến nữa. Nghe nói cậu ta không muốn nghe những bài nói chuyện tầm xàm và cũng chẳng muốn chơi với những cô cậu bé khác nữa.
Sau hai tuần, vị giáo sư quyết định đến thăm nhà cậu bé. Cậu bé đang ở nhà một mình, ngồi trước bếp lửa. Đoán được lý do chuyến viếng thăm, cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm. Vị giáo sư ngồi xuống nhưng vẫn không nói gì. Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa.
Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt riêng nó sang bên cạnh lò sưởi. Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc. Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần, cuối cùng cháy thêm được một vài giây nữa rồi tắt hẳn, không còn đốm lửa nào nữa. Nó trở nên lạnh lẽo và không còn sức sống.
Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đến thăm một người khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh lẽo và đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó bắt đầu cháy, tỏa sáng, lại một lần nữa với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó. Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông và nói:
- Cảm ơn bác đã đến thăm, và đặc biệt cảm ơn bài nói chuyện của bác. Tuần sau cháu sẽ lại đến chỗ bác cùng mọi người.
(Nguồn https://truyenviet.vn/bai-thuyet-giang)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Tự sự
D. Thuyết minh
Câu 2. Trong văn bản, nghĩa của từ “thuyết giảng” là gì?
A. Trình bày, giảng giải về một vấn đề
B. Bày tỏ cảm xúc về một vấn đề
C. Bác bỏ một ý kiến, vấn đề
D. Ép người khác phải nghe lời mình
Câu 3. Trước khi vị giáo sư đến thăm nhà, cậu bé là người thế nào?
A. Không hề muốn chơi hay làm bạn với bất kì ai
B. Lối sống khép kín, cá nhân
C. Cô độc
D. Tất cả đáp án trên
Câu 4. Vị giáo sư đã thuyết giảng cho cậu bé bằng cách nào?
A. Tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi
B. Lấy kẹp nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt bên cạnh lò sưởi.
C. Nói chuyện về cuộc sống, về đồng bào vào mỗi ngày chủ nhật
D. Tất cả đáp án trên
Câu 5. Theo em, cậu bé đã nhận ra được bài học thuyết giảng nào từ vị giáo sư?
Câu 6. Lời nhắn gửi đến mọi người từ câu chuyện trên mà em tâm đắc.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (5 điểm)
Phát biểu cảm nghĩ về một người thầy (cô) mà em yêu quý.
Đáp án
Phần I:
Câu 1 (0.5 điểm):
Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? A. Miêu tả B. Biểu cảm C. Tự sự D. Thuyết minh |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ và chú ý lời kể trong văn bản
Lời giải chi tiết:
=> Đáp án: C
Câu 2 (0.5 điểm):
Trong văn bản, nghĩa của từ “thuyết giảng” là gì? A. Trình bày, giảng giải về một vấn đề B. Bày tỏ cảm xúc về một vấn đề C. Bác bỏ một ý kiến, vấn đề D. Ép người khác phải nghe lời mình |
Phương pháp giải:
Dựa vào ngữ cảnh của văn bản để giải nghĩa
Lời giải chi tiết:
=> Đáp án: A
Câu 3 (0.5 điểm):
Trước khi vị giáo sư đến thăm nhà, cậu bé là người thế nào? A. Không hề muốn chơi hay làm bạn với bất kì ai B. Lối sống khép kín, cá nhân C. Cô độc D. Tất cả đáp án trên |
Phương pháp giải:
Trước khi nghe vị giáo sư thuyết giảng, cậu bé là người không hề muốn chơi hay làm bạn với bất kì ai, lối sống khép kín, cá nhân và cô độc.
Lời giải chi tiết:
=> Đáp án: D
Câu 4 (0.5 điểm):
Vị giáo sư đã thuyết giảng cho cậu bé bằng cách nào? A. Tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi B. Lấy kẹp nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt bên cạnh lò sưởi. C. Nói chuyện về cuộc sống, về đồng bào vào mỗi ngày chủ nhật D. Tất cả đáp án trên |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
=> Đáp án: B
Câu 5 (1.0 điểm):
Theo em, cậu bé đã nhận ra được bài học thuyết giảng nào từ vị giáo sư? |
Phương pháp giải:
Từ cách thuyết giảng của vị giáo sư rút ra bài học mà cậu bé nhận ra
Lời giải chi tiết:
Cậu bé đã nhận được bài học về sự hòa nhập: Khi ta tách riêng khỏi tập thể, cộng đồng sẽ trở nên vô ích và tự diệt. Chỉ khi hòa mình vào với mọi người để cùng nhau sống, cùng nhau cố gắng, đoàn kết, cá nhân mới tìm thấy niềm vui, phát huy được năng lực, sở trường, sức mạnh của chính mình.
Câu 6 (2.0 điểm):
Lời nhắn gửi đến mọi người từ câu chuyện trên mà em tâm đắc. |
Phương pháp giải:
Từ nội dung rút ra bài học, lời nhắn gửi mà em tâm đắc
Lời giải chi tiết:
Lời nhắn gửi tới mọi người thông qua câu chuyện: Khi sống đơn độc, lẻ loi, tách khỏi tập thể, cộng đồng, cá nhân sẽ đẩy mình đến chỗ tự diệt. Chỉ khi hòa mình vào với mọi người để cùng nhau sống, cùng nhau nỗ lực, cá nhân mới tìm thấy niềm vui, phát huy được năng lực, sở trường, sức mạnh của chính mình, mới thực sự sống và sống một cách có ý nghĩa.
Phần I (5.0 điểm)
Phát biểu cảm nghĩ về một người thầy (cô) mà em yêu quý. |
Phương pháp giải:
a. Mở bài: Giới thiệu người thầy (cô) và tình cảm của em đối với người ấy.
b. Thân bài
- Miêu tả những nét nổi bật, đáng chú ý: làn da, mái tóc, hành động,… của thầy (cô).
- Vai trò của người thầy (cô) trong gia đình, ngoài xã hội…
- Các mối quan hệ của người thầy(cô) đối với người xung quanh và thái độ của họ…
- Kỉ niệm đáng nhớ nhất giữa em và người thầy (cô).
- Tình cảm của em đối với người thầy (cô): Sự mong muốn và nổ lực để xứng đáng với người thầy(cô) của mình.
c. Kết bài
- Khẳng định vai trò của người thầy (cô) trong cuộc sống.
- Thể hiện lòng biết ơn, sự đền đáp công ơn đối với người thầy (cô).
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo:
Từ ngàn đời nay, truyền thống tôn sư trọng đạo đã trở thành một trong những nét đẹp quý báu của dân tộc. Nó nhắc nhở hàng triệu triệu thế hệ học sinh hãy khắc ghi tấm lòng cần mẫn và sự hi sinh của người người lái đò. Họ từng ngày, từng giờ miệt mài bên trang giáo án, thầm lặng cống hiến cho một phần thanh xuân của chúng ta, góp phần đưa chúng ta cập bến tương lai.
Thầy cô là những người cha, người mẹ, người bạn lớn mà cả cuộc đời bằng hành trang quý báu của mình họ tận tụy say sưa truyền thụ kiến thức cho chúng ta. Họ đến với nghề nhà giáo bằng một tấm lòng cao cả, một sự hi sinh và chẳng đòi hỏi gì nhiều ở đồng tiền lương ít ỏi. Điều họ cần và họ khao khát chỉ là nhìn thấy nụ cười và ánh mắt rực sáng của người học sinh qua bài giảng, và từ đó những “mầm xanh” ấy vững chãi vươn lên. Mỗi nghề có một vẻ đẹp và ý nghĩa riêng của nó, nhưng dưới ánh nắng mặt trời, người giáo viên nhân dân vẫn tỏa sáng lấp lánh. Bởi họ là những người cung cấp tri thức, là người định hướng và trao truyền vẻ đẹp của “chân - thiện - mỹ” để giúp thanh lọc và hướng thượng cho học sinh. Học sinh là những mầm non tương lai, là nguồn lực cốt cán, nền tảng căn bản và quan trọng nhất của xã hội, chính vì thế đào tạo ra một thế hệ học sinh giỏi chính là vấn đề có tính quyết định, quan trọng đến sự phát triển của đất nước. Nhờ đó, người giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng đến tương lai của đất nước, đến tương lai của cá nhân học sinh.
Không phải ai cũng có thể trở thành một người giáo viên được kính trọng, yêu quý. Họ phải đến với nghề, với đời bằng tấm lòng và một tình yêu mãnh liệt trong khát vọng cống hiến và sự hi sinh quên mình. Họ chính là những người thầm lặng hi sinh, nhỏ từng giọt mồ hôi xuống trang giáo án cho chúng ta những giờ học hay và bổ ích. Nếu những trang sách là ô cửa thần kì giúp ta tiếp cận thế giới phong phú muôn vẻ ngoài kia thì người thầy người cô chính là người giúp ta mở cửa và soi sáng cho ta trong suốt hành trình kì diệu vất vả mà gian lao ấy.
Chỉ tiếc rằng ngày nay nhiều học sinh và phụ huynh học sinh lại không thật sự hiểu đúng tấm lòng của người thầy người cố, lắm khi có những hành động phiếm nhã và bất lịch sự với giáo viên, đôi khi họ bị ràng buộc và áp đặt bởi những thứ vật chất tầm thường với lương tri người nhà giáo. Cũng có thể nhiều vụ việc liên quan đến cách hành xử của giáo viên thiếu thận trọng và tinh tế trong cách xử lý với học sinh, gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm sứt mẻ tình cảm thầy trò. Do đó, để có được sự tôn trọng và khẳng định cả người thầy và học trò cần phải biết cách ứng xử hợp lý, khéo léo.
Không ai là hoàn hảo, ngay cả những người giáo viên cũng vậy, nhưng tấm lòng của họ luôn sáng giữa bầu trời đêm, luôn rực rỡ như ánh mặt trời, họ là người bắc nhịp cầu cho ta đến với thế giới tươi đẹp này.