Chuẩn bị
(trang 45, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Đọc trước văn bản Xa ngắm thác núi Lư; tìm hiểu và ghi chép lại những thông tin về nhà thơ Lý Bạch giúp cho việc đọc hiểu bài thơ này.
Phương pháp giải:
Đọc trước văn bản và tìm hiểu về tác giả.
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Lí Bạch (701-762), nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đời Đường, tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, quê ở Tam Cúc.
Lúc mới năm tuổi, gia đình về định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc Miên Châu (Tứ Xuyên) nên nhà thơ vẫn thường coi Tứ Xuyên là quê hương của mình.
Từ trẻ, ông đã xa gia đình để đi du lịch, tìm đường lập công danh sự nghiệp. Dẫu muốn góp phần cứu dân giúp đời song ông chưa bao giờ được toại nguyện.
Lí Bạch được mệnh danh là “Thi tiên”.
1
Câu 1 (trang 46, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Qua phần Dịch thơ, hãy xác định một số đặc điểm của thể thơ tứ tuyệt Đường luật của bài Xa ngắm thác núi Lư.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Bài có 4 câu và mỗi câu 7 chữ, trong đó các câu 1,2 hiệp vần với nhau ở chữ cuối.
2
Câu 2 (trang 46, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Có thể chia bài Xa ngắm thác núi Lư thành hai phần: câu đầu và ba câu còn lại. Hãy cho biết nhiệm vụ mỗi phần của bài thơ.
Phương pháp giải:
Đọc và chia bố cục cho bài thơ
Lời giải chi tiết:
Phần 1: Miêu tả khung cảnh núi Hương Lô.
Phần 2: Miêu tả khung cảnh thác nước núi Lư.
3
Câu 3 (trang 46, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Xác định vị trí đứng ngắm thác nước của Lý Bạch và cho biết lợi thế của việc chọn điểm nhìn đó để quan sát và miêu tả cảnh vật.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Cách 1
"Dao khan bộc bố quải tiền xuyên"
(xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước.)
Từ hai chi tiết trên xác định nhà thơ đứng ngắm thác từ phía xa và ở một vị trí thấp hơn nhiều so với chiều cao của thác. Thác núi Lư từ trên cao ba nghìn thước đổ xuống nên phải có điểm nhìn xa như thế mới thu được toàn cảnh. Trước mắt ông, thác treo (quải) lên như dòng sông dựng ngược.
4
Câu 4 (trang 46, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Vẻ đẹp của thác nước đã được Lý Bạch miêu tả như thế nào trong cả bài thơ? Hãy phân tích để thấy được vẻ đẹp đó.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Cách 1
*Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước:
Trong câu thứ hai: hình ảnh trung tâm của bức tranh là thác nước đã hiện lên ngay trước mắt chúng ta qua việc dùng từ “quải” rất thành công của tác giả: từ “quải” (treo) đã biến cái động thành tĩnh, vì đứng từ xa ngắm nên nhìn thác nước giống như một dải lụa trắng được treo giữa vách núi và dòng sông phía trước. Từ “quải” đã mang lại giá trị thẩm mĩ cao cho bài thơ, giúp cho hình tượng thác nước trở nên sống động và hùng vĩ.
Trong câu thứ ba: Tác giả đã miêu tả dòng thác chảy từ trên cao xuống “ ba nghìn thước” trong trạng thái động ở các phương diện:
+ Tốc độ dòng chảy: “phi” (bay) nhanh khủng khiếp
+ Độ dốc của thác: “trực há” đổ thẳng xuống thành đường thẳng đứng vuông góc với dòng sông
+ Độ cao: cao vời vợi tới ba nghìn thước
+ Câu thơ như mở ra một không gian ba chiều rộng lớn, một khung cảnh hùng vĩ và tráng lệ.
Trong câu thứ tư: Tác giả so sánh hết sức là độc đáo. Dòng thác như dải Ngân Hà tuột khỏi chín tầng mây. Sự so sánh đó làm cho thác nước không chỉ kì vĩ mà rất đẹp và huyền ảo.
5
Câu 5 (trang 46, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Em thích nhất hình ảnh nào trong bài thơ? Vì sao? Hãy chỉ ra biện pháp nghệ thuật mà nhà thơ sử dụng để khắc họa hình ảnh đó.
Phương pháp giải:
Chọn ra một chi tiết và lí giải
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Em thích nhất chi tiết:
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)
Dải Ngân Hà - một dải màu sáng nhạt với những vì tinh tú nhấp nháy, vắt ngang bầu trời những đêm mùa hạ, không phải là một dòng sông thực, mà chỉ là một dòng sông trong tưởng tượng. Nói cách khác, dòng Ngân Hà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, có tính trừu tượng. Việc nhà thơ mang một cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể đã làm cho cái cụ thể trừu tượng hơn.
6
Câu 6 (trang 46, SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Qua vẻ đẹp của cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em có thể thấy được những nét gì trong tâm hồn và tính cách của Lý Bạch?
Phương pháp giải:
Nêu cảm nghĩ cá nhân
Lời giải chi tiết:
Cách 1
Qua vẻ đẹp của cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em có thể thấy được Lí Bạch là có sự yêu mến, trân trọng, tự hào đối với vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước Trung Hoa. Người đọc cũng thấy được tài thơ điêu luyện, tâm hồn và tính cách hào phóng, mạnh mẽ của nhà thơ.
Bài đọc