Câu 1
Bài tập 1 (trang 45, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Luận đề của văn bản Đọc văn – cuộc chơi tìm ý nghĩa…
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản để xác định luận đề.
Lời giải chi tiết:
Luận đề của văn bản Đọc văn – cuộc chơi tìm ý nghĩa là quá trình đi tìm ý nghĩa của văn bản thông qua hoạt động đọc.
Câu 2
Bài tập 2 (trang 45, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Em hãy chỉ ra các luận điểm trong văn bản. Các luận điểm đó có tác dụng làm rõ những khía cạnh nào của luận đề?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản để xác định luận điểm và chỉ ra tác dụng của các luận điểm đó.
Lời giải chi tiết:
Các luận điểm trong văn bản:
- Văn học có một đặc điểm quan trọng là mang ý nghĩa tiềm ẩn.
- Có nhiều phương pháp khác nhau để nắm bắt ý nghĩa văn bản.
- Ý nghĩa của văn bản có mối liên hệ mật thiết với cuộc đời.
- Thưởng thức văn học cũng cần tuân theo quy luật để không làm phương hại tới tính toàn vẹn của tác phẩm.
- Tác phẩm văn học và đọc văn là một hiện tượng diệu kỳ.
- Đọc văn là nền tảng của học văn.
→ Các luận điểm trên làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, cũng như các khía cạnh khác nhau liên quan đến luận đề.
Câu 3
Bài tập 3 (trang 45, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Tác giả cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học thường không cố định. Câu văn nào trong văn bản giúp em hiểu rõ về vấn đề này?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản để đưa ra câu văn làm rõ vấn đề đưa ra.
Lời giải chi tiết:
Tác giả cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học thường không cố định. Câu văn trong văn bản giúp em hiểu rõ về vấn đề này là: Ý nghĩa của văn học không chỉ nằm trong văn bản mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản và cuộc đời.
Câu 4
Bài tập 4 (trang 45, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Trong văn bản, các từ ngữ như chơi trò, trò chơi, ú tim, chơi được lặp lại nhiều lần. Với những từ ngữ đó, tác giả lí giải như thế nào về việc đọc văn?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản đưa ra lí giải về việc đọc văn.
Lời giải chi tiết:
Trong văn bản, các từ ngữ như chơi trò, trò chơi, ú tim, chơi được lặp lại nhiều lần. Với những từ ngữ đó, tác giả lí giải việc đọc văn cũng như một trò chơi, khi tham gia vào trò chơi thì cần tuân thủ những luật chơi nhất định.
Câu 5
Bài tập 5 (trang 46, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Luận điểm “cuộc đi tìm ý nghĩa không có hồi kết thúc” ở đoạn (3) đã được tác giả làm sáng tỏ như thế nào? Em hãy bổ sung một số bằng chứng lấy từ trải nghiệm đọc của chính mình.
Phương pháp giải:
Lấy từ trải nghiệm bản thân để bổ sung một số bằng chứng.
Lời giải chi tiết:
* Luận điểm “cuộc đi tìm ý nghĩa không có hồi kết thúc” ở đoạn (3) đã được tác giả làm sáng tỏ thông qua các lý lẽ và dẫn chứng như:
- Ý nghĩa văn bản nằm trong mối liên hệ nhiều mặt với cuộc đời.
- Văn học không ngừng biến động, lớn lên.
- Tác phẩm có nhiều tầng nghĩa.
- Mỗi lần đọc, mỗi cách đọc lại mở ra một cách hiểu khác nhau.
- Tác phẩm giàu có lên trong tình yêu văn học của mọi người.
* Bổ sung bằng chứng từ trải nghiệm đọc của mình:
- Mỗi lần đọc lại tác phẩm Tôi đi học của tác giả Thanh Tịnh, trong tâm hồn em lại khơi lên những cảm xúc khác nhau. Trước kia thấy thật bình thường, giản dị. Bây giờ đọc lại thấy ngày đầu đi học bỗng thiêng liêng và ý nghĩa biết bao. Cách dùng từ, đặt câu của tác giả cũng thật tài tình, tạo ra một cảm giác dịu nhẹ, tựa như những ký ức trong quá khứ đang ùa về qua làn gió thoảng mùa thu.
Câu 6
Bài tập 6 (trang 46, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Trong đoạn (4) có câu: “Thưởng thức văn học cũng có quy luật”. Câu văn đó nhắc nhở em điều gì?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ câu văn để đưa ra điều nhắc nhở.
Lời giải chi tiết:
Trong đoạn (4) có câu: “Thưởng thức văn học cũng có quy luật”. Câu văn đó nhắc nhở em khi đọc văn bản cần dựa trên cấu trúc và những quy luật nhất định của “trò chơi” tìm hiểu ý nghĩa văn bản.
Câu 7
Bài tập 7 (trang 46, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Đọc đoạn (5) và cho biết vì sao tác giả quan niệm tác phẩm văn học và đọc văn là một hiện tượng diệu kì. Giọng văn trong đoạn (5) có gì khác với những đoạn còn lại?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ toàn bộ văn bản để xác định giọng văn đoạn (5) khác biệt như thế nào với đoạn còn lại.
Lời giải chi tiết:
- Trong đoạn 5, tác giả quan niệm tác phẩm văn học và đọc văn là một hiện tượng diệu kì vì khi chưa đọc thì tác phẩm chỉ là một khách thể nhưng khi đã đọc thì khách thể biến mất, nhường chỗ cho thế giới hình tượng và chuyển vào bên trong nội tâm của người đọc.
- Giọng văn đoạn (5) nhẹ nhàng theo hướng chia sẻ, tâm tình với bạn đọc. Để dẫn dắt người đọc vào những liên tưởng riêng, tập trung suy nghĩ cho vấn đề được nêu ra.
Câu 8
Bài tập 8 (trang 46, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Em hãy chỉ ra mối quan hệ giữa đoạn (5) và đoạn (6). Mối quan hệ đó làm rõ ý nghĩa gì của việc đọc văn?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ toàn bộ văn bản để chỉ ra mối quan hệ giữa đoạn (5) và (6).
Lời giải chi tiết:
Đoạn 5 và đoạn 6 có mối quan hệ logic và bổ sung cho nhau. Mối quan hệ đó làm rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc văn, khi đọc đúng và hiểu được những tầng ý nghĩa sâu xa, ta sẽ thấy được sự diệu kỳ của tác phẩm văn học.
Câu 9
Bài tập 9 (trang 47, vở bài tập Ngữ Văn 8, tập hai):
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) và trả lời câu hỏi: Vì sao có thể nói “không ai có thể đọc tác phẩm một lần là xong”?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ toàn bộ văn bản để viết đoạn văn trả lời cho câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Không ai có thể đọc tác phẩm một lần là xong. Bởi lẽ, ẩn sau mỗi tác phẩm văn học là những bài học đa tầng có mối liên hệ đa dạng với nhiều mặt khác nhau của đời sống. Nó có thể được thể hiện một cách trực tiếp nhưng cũng có thể được thể hiện một cách gián tiếp qua những câu chuyện, lời nói, những câu văn, câu thơ hay từng dấu câu được tác giả sử dụng. Đọc một lần, chúng ta có thể nắm khái quát được nội dung của của tác phẩm nhưng không một ai dám khẳng định mình hiểu sâu, hiểu kỹ từng chi tiết, dụng ý của tác giả ẩn sau những câu văn, câu thơ... Vì vậy mà khi đọc một tác phẩm bất kì nào đó, chúng ta phải đọc nhiều lần, ngẫm nghĩ thật nhiều để cảm nhận được hết cái hay, cái thú vị ẩn sau mỗi tác phẩm. Từ đó, dần hình thành và bồi đắp nhân sinh quan, thế giới quan, hiểu hơn về chính mình và thế giới xung quanh.