Tác giả
1. Tiểu sử
- Lưu Quang Vũ (1948 – 1988), ông sinh ra ở Phú Thọ, là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận.
- Năm 1954, gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội.
- Năm 1965 đến 1970, ông nhập ngũ và gia nhập Quân chủng phòng không – không quân.
- Năm 1970 – 1978, ông xuất ngũ là làm nhiều nghề để kiếm sống: làm ở Xưởng Cao su Đường sắt do Tạ Đình Đề làm Giám đốc, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp phích,...
- Năm 1978 – 1988, ông làm biên tập viên “Tạp chí sân khấu”.
- Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
Ông để lại di sản văn học đồ sộ gồm kịch, thơ và tiểu luận, với các tác phẩm như Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Hương cây, Tôi và chúng ta, Sống mãi tuổi 17, Nàng Xita, Ngọc Hân công chúa,...
→ Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng.
Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông
b. Phong cách nghệ thuật
Kịch của Lưu Quang Vũ thể hiện nhiều cách tân độc đáo; quan tâm thể hiện xung đột trong cách sống và quan niệm sống, bày tỏ khát vọng hoàn thiện nhân cách con người.
3. Vị trí và tầm ảnh hưởng
Lưu Quang Vũ là hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX, và cũng là nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật sân khấu năm 2000.
Sơ đồ tư duy tác giả Lưu Quang Vũ:
Tác phẩm
1. Tìm hiểu chung
a. Xuất xứ
- Trích vở kịch Bệnh sĩ: Nói về một làng quê nghèo mang tên Cà Hạ. Người dân ở đây hiền lành, chân chất nhưng ông Toàn Nha, chủ tịch xã lại háo danh, thích “sĩ diện”. Lẽ ra, phải đổi mới cách làm ăn để cuộc sống no đủ thì ông Nha chỉ quan đến việc đặt những cái tên sang trọng. Dưới sự chỉ đạo của ông, xã Cà Hạ và tất cả các tổ đội, ngành nghề lâu nay đều được đổi tên. Mọi người đều ảo tưởng với những cái tên rất đẹp nhưng không hề mang lại cho họ ấm no khi ruộng vườn bỏ không, chăn nuôi đình đốn,… Sau gần một năm phát động ồn ào, cái làm được của xã Hùng Tâm (tên mới của xã Cà Hạ) chỉ là một khu văn phòng với kiến trúc lộn xộn. Người dân Hùng Tâm đói nhưng không được phép nói là mình đói, vì sĩ diện, vì sợ bị quy kết tội làm “mất uy tín địa phương”. Nhiều điều dối trá được gọi là “sáng tạo, bứt phá”. Nhưng rồi, sau hàng loạt trớ trêu, bi hài, mọi người cũng nhận ra: “Tại sao không yêu quý những điều thật thà, mà lại ưa những thứ giả dối?”.
- Đoạn trích trong SGK là cảnh mở đầu, tái hiện lễ đổi tên xã Cà Hạ thành xã Hùng Tâm.
b. Bố cục:
- Phần 1 (Từ đầu đến…tiếng trống ngừng): Bối cảnh diễn ra cuộc họp.
- Phần 2 (tiếp theo đến…anh Văn Sửu và Ông Thìn): tuyên bố, phong các chức danh mới cho từng người trong xã.
- Phần 3 (phần còn lại): Tiếng cười của truyện.
c. Thể loại: kịch
d. Phương thức biểu đạt: ngôn ngữ trực tiếp (đối thoại, độc thoại) và hành động của nhân vật mà không qua lời người kể chuyện
2. Giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Giá trị nội dung
Văn bản đã nêu lên và phê phán một hiện tượng nhức nhối trong xã hội Việt Nam, đó là thích sĩ diện. Qua đó, phản ảnh thực trạng xảy ra ở nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức,
b. Giá trị nghệ thuật
Sử dụng từ ngữ giản đơn, gần gũi với người đọc, người xem giúp thể hiện yếu tố hài hước và nội dung vở kịch trọn vẹn.