Nước Đại Việt ta (Nguyễn Trãi) 8

2024-09-14 09:16:06

Tác giả

1. Tiểu sử

- Nguyễn Trãi (1380 – 1442), hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê.

- Gia đình: cha là Nguyễn Phi Khanh, vốn là một học trò nghèo, thi đỗ thái học sinh (tức Tiến sĩ) đời Trần. Mẹ ông là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, dòng dõi quý tộc. Nguyễn Trãi quê ở làng Ngái (Chi Ngại) huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

- Từ nhỏ, Nguyễn Trãi đã tỏ ra thông minh hơn người. Năm 1400, ông đi thi lần đầu, đỗ ngay Thái học sinh. Sau đó, ông được bổ làm quan Ngự sử đài chánh chưởng. Khoảng cuối năm 1401 đầu 1402, cha ông cũng ra nhận chức quan Học sĩ Viện hàn lâm, sau thăng đến Tư nghiệp Quốc tử giám của triều Hồ. Năm 1407, giặc Minh xâm lược Đại Việt, cha con Hồ Quý Li và các triều thần bị bắt đem về Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi muốn giữ tròn đạo hiếu, cùng em trai là Nguyễn Phi Hùng theo theo xe tù của cha. Đến ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi quay trở về tìm cách “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, thì mới là đại hiếu”. Nguyễn Trãi nghe lời cha quay trở về, nhưng vừa đến Đông Quan thì bị giặc Minh bắt giam. Trong thời gian bị giam ở Đông Quan, Nguyễn Trãi đã suy nghĩ về con đường cứu nước phục thù.

- Trốn khỏi Đông Quan, Nguyễn Trãi tìm theo Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách (tức Kế sách đánh đuổi quân Minh) và được Lê Lợi tin dùng và trở thành quân sư số một của lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn. Ông cùng Lê Lợi bàn mưu tính kế, giúp Lê Lợi soạn các loại văn thư, chiếu lệnh, góp công lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước.

- Đuổi xong giặc nước, một năm sau (1429), Lê Lợi nghi ngờ Trần Nguyên Hãn mưu phản, truy bức, khiến vị danh tướng này phải nhảy xuống sông tự vẫn. Vì Trần Nguyên Hãn là cháu nội quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi cũng bị bắt, sau lại được tha nhưng không được tin dùng nữa. Nguyễn Trãi xin cáo quan về Côn Sơn, mấy tháng sau vua Lê Thái Tông lại vời ông trở lại triều làm việc nước.

- Đang hi vọng vào một cơ hội mới được cống hiến cho đất nước thì chỉ ba năm sau; khi vua Lê Thái Tông đi tuần thú duyệt võ ở Chí Linh về ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, lúc ra về đến Lệ Chi Viên (Trại Vải), huyện Gia Bình, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, nửa đêm đột ngột qua đời; ông cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ bị vu cho mưu giết vua. Nguyễn Trãi phải nhận án tru di tam tộc (bị giết cả ba họ). Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi.

- Năm 1980, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hoá thế giới.

2. Sự nghiệp

- Là một nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh với Đại Việt.

- Với tài năng lỗi lạc, Nguyễn Trãi đã để lại cho nước nhà một di sản to lớn về các mặt quân sự, văn hoá và văn học. Các tác phẩm về quân sự, chính trị, Nguyễn Trãi có Quân trung từ mệnh tập và Đại cáo bình Ngô – một áng “thiên cổ hùng văn”, là những tác phẩm tiêu biểu. Về thơ ca, ông có Ức Trai thi tập – tập thơ chữ Hán và Quốc âm thi tập – tập thơ Nôm đánh dấu sự hình thành nền thơ ca tiếng Việt. Ngoài ra ông còn có các tác phẩm về lịch sử như Lam Sơn thực lụcVăn bia Vĩnh Lăng và tác phẩm Dư địa chí – một tác phẩm có giá trị cả về địa lí, lịch sử và dân tộc học.
- Trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất. Với Quân trung từ mệnh tập và Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã thể hiện nổi bật tư tưởng nhân nghĩa mà thực chất là tư tưởng yêu nước, thương dân. Văn chính luận của Nguyễn Trãi đạt đến trình độ nghệ thuật mẫu mực.

Sơ đồ tư duy tác giả Nguyễn Trãi:


Tác phẩm

1. Tìm hiểu chung

a. Hoàn cảnh sáng tác

Bình Ngô đại cáo (1428) do Nguyễn Trãi soạn, nhân danh vua Lê Thái Tổ tuyên cáo với thiên hạ về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh, được viết theo thể “văn tứ lục”.

b. Thể loại: cáo

Thể loại cáo Cáo là một thể loại văn bản hành chính của nhà nước quân chủ, thường được dùng cho các phát ngôn chính thức, hệ trọng của vua chúa hoặc thủ lĩnh, nhằm tổng kết một công việc, trình bày một chủ trương xã hội chính trị cho dân chúng biết.

c. Bố cục: 3 phần

- Phần 1 (2 câu đầu): Tư tưởng nhân nghĩa.

- Phần 2 (8 câu tiếp): Nêu chân lí độc lập dân tộc.

- Phần 3 (còn lại): Trình bày kết quả.

2. Giá trị nội dung và nghệ thuật

a. Nội dung

Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập: Nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử; kẻ xâm phạm là phản nhân nghĩa, nhất định thất bại.

b. Nghệ thuật

- Áng văn chính luận với lập luận chặt chẽ

- Chứng cứ hùng hồn giàu sức thuyết phục

- Lời thơ đanh thép thể hiện ý chí của dân tộc

- Lời văn biền ngẫu nhịp nhàng.

Sơ đồ tư duy văn bản Nước Đại Việt ta:

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"