Đề thi
Môn: Ngữ văn lớp 8; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản:
CẦN HIỂU ĐÚNG TINH THẦN BÀI THƠ “NAM QUỐC SƠN HÀ” CỦA DANH TƯỚNG LÝ THƯỜNG KIỆT
(Nguyễn Thị Thọ)
Cần hiểu đúng tinh thần bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt
Khi nhà Tống ráo riết chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đại Việt, nắm được ý đồ của chúng, Lý Thường Kiệt bố trí kế hoạch cho các lực lượng vũ trang địa phương, các thổ binh, hương binh ở vùng núi phía bắc làm nhiệm vụ kiếm chế và tiêu hao địch trên các con đường tiến vào của chúng. Đồng thời ông cho tập trung xây dựng phòng tuyến chính của quân ta dựa vào sông Như Nguyệt (sông Cầu), có rào giậu nhiều tầng, chạy dài trên 200 dặm từ chân núi Tam Đảo sông Lục Đầu. Với phòng tuyến này, quân ta nắm chắc khả năng chặn địch, bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và cả một vùng trung châu rộng lớn, trù phú của đất nước.
Cuối năm 1076, đại quân Tống chia làm nhiều hướng vượt biên giới tiến ào ạt vào Đại Việt. Ngày 18-01-1077, các cánh quân Tống tiến được tới bờ bắc sông Cầu. Nhưng đến đây, chúng đã bị chặn đứng. Phòng tuyến sông Cầu sừng sững như một bức tường thành, vững chãi, uy nghiêm và đầy thách thức. Đặc biệt, vào lúc cuộc chiến đang diễn ra vô cùng quyết liệt, Lý Thường Kiệt đã viết “Nam quốc sơn hà” - một bài thơ bất hủ để cổ vũ tinh thần binh sĩ. Theo sách Việt điện u linh tập thì: “Đang đêm nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tổng sợ, không đánh cũng tan”.
Bài thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định chân lý hùng hồn: Nước Nam là một quốc gia lãnh thổ riêng, cương giới rạch ròi, quyền độc lập tự chủ của dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Bài thơ thể hiện khí phách hào hùng về ý chí gang thép của dân tộc, cảnh cáo nghiêm khắc kẻ ngoại xâm, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ quân dân ta hăng hái chiến đấu, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi hoàn toàn. Đi vào lịch sử, bài thơ được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta sau hơn một ngàn năm bị phong kiến nước ngoài đô hộ. Bài thơ đã được đưa vào chương trình Ngữ văn của nhiều bậc học, cấp học, nhưng đối với phần phiên âm và dịch thơ đều có nhiều điều mà chúng tôi muốn đề cập, trao đổi để chúng ta hiểu đúng hơn về tinh thần của bài thơ.
Xin được nói lại cho rõ rằng, đây là một bài thơ tứ tuyệt vô đề của Lý Thường Kiệt. “Nam quốc sơn hà” chỉ là bốn chữ đầu trong bài thơ tứ tuyệt đó được ta lấy làm tiêu đề. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 28 chữ, nhưng rất tiếc là suốt nhiều thế kỷ qua đã có nhiều người đọc không đúng và hiểu không đúng.
Trước hết là về cách hiểu đối với câu thơ thứ nhất: Nam quốc sơn hà Nam Đế cư. Câu này được hầu hết sách giáo khoa dịch là: Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Theo nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Khắc Thuần, chữ Đế mà dịch là Vua thì không đúng bởi trong lịch sử dân tộc, các bậc nắm quyền điều khiển vận mệnh quốc gia xưa kia của chúng ta thường xưng là Hoàng đế (gọi tắt là Đế) và coi đó như là một sự đối trọng với triều đình phương Bắc. Hoàng đế là ngôi cao nhất, ngôi có quyết phong cho nhiều người làm Vua, nhưng Vua thì không bao giờ có quyền phong cho ai làm Hoàng đế. Vì sự tế nhị trong quan hệ bang giao và nhất là vì sự an bình của đất nước, các triều đại xưa của ta thường chấp nhận sự tấn phong của thiên triều phương Bắc. Tuy nhiên, đó hoàn toàn chỉ là chuyện hình thức, là bề ngoài và là sách lược bang giao. Cái gọi là “thiên triều” phương Bắc bao giờ cũng chỉ phong cho đáng ở ngôi cửu trùng của nước ta đến ngôi cao nhất là An Nam quốc vương nước An Nam). Do vậy, dịch Đế là Vua cũng có nghĩa là chưa thấy hết niềm tự tôn và tự tin rất mãnh liệt của tổ tiên.
Câu thứ hai của bài thơ là “Tuyệt nhiên phân định tại thiên thư”, nhưng đa số sách lại chép là “Tuyệt nhiên định phận tại thiên thử”. Không giống nhau chỉ có hai chữ (định phận và phân định) nhưng ý nghĩa thì rất nhiều khác biệt. Định phận mang hàm ý là được trời ban, được thừa hưởng một ấn huệ tự nhiên nào đó; ngược lại, phân định mang ý nghĩa chủ yếu là phản ánh năng lực tự xác lập và khẳng định, phản ánh một nội lực vươn lên rất rõ ràng. Là một tác phẩm đặc biệt (được xem như là bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc) nên việc tôn trọng nguyên bản là rất có ý nghĩa. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỉ, quyển III, tờ 9-b- bản được khắc in năm Chính Hòa thứ 18: 1697) phiên âm là: “Tuyệt nhiên phân định tại thiên thử” (chứ không phải là “Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư”). Vậy, với ý thức tôn trọng nguyên bản, lời tạm dịch thơ có thể là: “Sông núi nước Nam, Nam Đế ở/Rành rành phân định ở sách trời/Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
(baodaklak.vn)
Lý Thường Kiệt vốn thuộc họ Ngô, tên thật là Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban
quốc tính (được mang họ nhà vua), nên gọi là Lý Thường Kiệt. Từ nhỏ Lý Thường Kiệt đã tỏ ra người có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ, từng nghiên cứu về binh pháp. Ông chính là một trong những vị tướng có công rất lớn trong việc giữ gìn vững chắc miền biên ải của đất nước trước họa xâm lăng của phong kiến phương Bắc – trong có chiến công oanh liệt trên sông Như Nguyệt (1077) với dấu ấn của bài thơ Thần nổi tiếng “Nam quốc sơn hà”
Chọn đáp án đúng:
Câu 1: Luận đề văn bản là gì, đứng ở vị trí nào của văn bản?
A. Cần hiểu đúng tinh thần bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt; thể hiện ở nhan đề văn bản.
B. “Nam quốc sơn hà” là bài thơ của danh tướng Lý Thường Kiệt: suy luận ra từ toàn văn bản.
C. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định chân lý hùng hồn: Nước Nam là một quốc gia lãnh thổ riêng…;đứng ở phần đầu văn bản.
D. Bài thơ đã “Nam quốc sơn hà” được đưa vào chương trình Ngữ văn của nhiều bậc học, cấp học; nằm ở cuối luận điểm 1.
Câu 2: Nhan đề Cần hiểu đúng tinh thần bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt đã cung cấp cho độc giả những thông tin gì?
A. Phạm vi bàn luận của văn bản.
B. Quan điểm của người viết.
C. Đối tượng, phạm vi bàn luận của văn bản.
D. Nội dung sẽ triển khai trong bài viết.
Câu 3: Văn bản có mấy luận điểm, luận điểm nào đóng vai trò trọng tâm của văn bản
A. Bốn luận điểm; luận điểm 2 là trọng tâm.
B. Ba luận điểm; luận điểm 3 là trọng tâm.
C. Bốn luận điểm; luận điểm 4 là trọng tâm.
D. Ba luận điểm; luận điểm 3 là trọng tâm.
Câu 4: Dòng nào nói lên nội dung của luận điểm 1?
A. Trận đánh trên sống Như Nguyệt.
B. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà.
C. Bối cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc.
D. Tài năng quân sự của tác giả Nam quốc sơn hà.
Câu 5: Dòng nào nói lên vai trò của luận điểm số 2 đối với toàn văn bản?
A. Dẫn dắt vào nội dung chính của luận đề.
B. Giới thiệu luận đề.
C. Khẳng định tầm quan trọng của luận đề.
D. Mở rộng phạm vi của luận đề.
Câu 6: Dòng nào sau đây nói lên phạm vi của luận đề?
A. Bài thơ đã được đưa vào chương trình Ngữ văn của nhiều bậc học, cấp học.
B. Phần phiên âm và dịch thơ đều có nhiều điều mà chúng tôi muốn đề cập.
C. Chúng ta hiểu đúng hơn về tinh thần của bài thơ.
D. Bài thơ được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta.
Câu 7: Đoạn sau đứng ở vị trí nào của văn bản? Có vai trò thế nào đối với luận đề
“Xin được nói lại cho rõ rằng, đây là một bài thơ tứ tuyệt vô đề của Lý Thường Kiệt. “Nam quốc sơn hà chỉ là bốn chữ đầu trong bài thơ tứ tuyệt đó được ta lấy làm tiêu đề. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 28 chữ, nhưng rất tiếc là suốt nhiều thế kỷ qua đã có nhiều người đọc không đúng và hiểu không đúng.”
A. Cuối luận điểm 2, liên kết 2 luận điểm.
B. Mở đầu luận điểm 3; làm rõ cấu trúc của bài thơ.
C. Luận điểm 3; Nêu biểu hiện của vấn đề (luận đề).
D. Mở đầu luận điểm 3; Nêu lí do cần bàn luận (luận đề).
Câu 8: Hình thức của luận điểm 3 có gì đặc biệt so với các luận điểm khác?
A. Có nhiều đoạn nhỏ (gồm nhiều luận cứ).
B. Có duy nhất một đoạn (một luận cứ).
C. Có 3 đoạn (ba luận cứ).
D. Có 4 đoạn (ba luận cứ).
Trả lời câu hỏi/thực hiện yêu cầu:
Câu 9. Đọc đoạn văn bản (ở luận điểm 3) từ “Trước hết là về cách hiểu đối với câu thơ thứ nhất”…đến “và tự tin rất mãnh liệt của tổ tiên” và cho biết (1đ)
a. Xác định lí lẽ, bằng chứng khách quan tiêu biểu nhất?
b. Xác định ý kiến chủ quan của tác giả? Nhận xét mối quan hệ của chúng với bằng chứng lí lẽ khách quan
Câu 10. Hãy so sánh bản dịch cũ với bản dịch mới của tác giả Nguyễn Thị Thọ sau đây và cho biết em thích bản dịch nào hơn, vì sao? (0.5đ)
Sông núi nước Nam, Nam Đế ở
Rành rành phân định ở sách trời
Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
II. VIẾT (4 điểm)
Vận dụng kiến thức ở phần đọc hiểu, viết bài văn thể hiện suy nghĩ của em về ý thức tự cường dân tộc trong Nam quốc sơn hà (bài có độ dài 1-1,5 trang)
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0.5đ) | Câu 2 (0.5đ) | Câu 3 (0.5đ) | Câu 4 (0.5đ) | Câu 5 (0.5đ) | Câu 6 (0.5đ) | Câu 7 (0.5đ) | Câu 8 (0.5đ) |
B | A | C | B | A | B | A | B |
Câu 1 (0.5 điểm)
Câu 1: Luận đề văn bản là gì, đứng ở vị trí nào của văn bản? A. Cần hiểu đúng tinh thần bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt; thể hiện ở nhan đề văn bản. B. “Nam quốc sơn hà” là bài thơ của danh tướng Lý Thường Kiệt: suy luận ra từ toàn văn bản. C. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định chân lý hùng hồn: Nước Nam là một quốc gia lãnh thổ riêng…;đứng ở phần đầu văn bản. D. Bài thơ đã “Nam quốc sơn hà” được đưa vào chương trình Ngữ văn của nhiều bậc học, cấp học; nằm ở cuối luận điểm 1. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về luận đề
Lời giải chi tiết:
Luận đề của văn bản: Cần hiểu đúng tinh thần bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt; thể hiện ở nhan đề văn bản.
→ Đáp án: A
Câu 2 (0.5 điểm)
Câu 2: Nhan đề Cần hiểu đúng tinh thần bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt đã cung cấp cho độc giả những thông tin gì? A. Phạm vi bàn luận của văn bản. B. Quan điểm của người viết. C. Đối tượng, phạm vi bàn luận của văn bản. D. Nội dung sẽ triển khai trong bài viết. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý những thông tin được tác giả đề cập
Lời giải chi tiết:
Văn bản cung cấp thông tin: Đối tượng, phạm vi bàn luận của văn bản
- Đối tượng: Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt
- Phạm vi bàn luận: Tinh thần bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt
→ Đáp án: C
Câu 3 (0.5 điểm)
Câu 3: Văn bản có mấy luận điểm, luận điểm nào đóng vai trò trọng tâm của văn bản A. Bốn luận điểm; luận điểm 2 là trọng tâm. B. Ba luận điểm; luận điểm 3 là trọng tâm. C. Bốn luận điểm; luận điểm 4 là trọng tâm. D. Ba luận điểm; luận điểm 3 là trọng tâm. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về luận điểm
Lời giải chi tiết:
Văn bản có ba luận điểm; luận điểm 3 là trọng tâm
→ Đáp án: D
Câu 4 (0.5 điểm)
Câu 4: Dòng nào nói lên nội dung của luận điểm 1? A. Trận đánh trên sống Như Nguyệt. B. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà. C. Bối cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc. D. Tài năng quân sự của tác giả Nam quốc sơn hà. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý luận điểm 1 và rút ra kết luận về nội dung
Lời giải chi tiết:
Nội dung của luận điểm 1: Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà
→ Đáp án: B
Câu 5 (0.5 điểm)
Câu 5: Dòng nào nói lên vai trò của luận điểm số 2 đối với toàn văn bản? A. Dẫn dắt vào nội dung chính của luận đề. B. Giới thiệu luận đề. C. Khẳng định tầm quan trọng của luận đề. D. Mở rộng phạm vi của luận đề. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý luận điểm 2 và rút ra vai trò đối với toàn văn bản
Lời giải chi tiết:
Vai trò: Dẫn dắt vào nội dung chính của luận đề
→ Đáp án: A
Câu 6 (0.5 điểm)
Câu 6: Dòng nào sau đây nói lên phạm vi của luận đề? A. Bài thơ đã được đưa vào chương trình Ngữ văn của nhiều bậc học, cấp học. B. Phần phiên âm và dịch thơ đều có nhiều điều mà chúng tôi muốn đề cập. C. Chúng ta hiểu đúng hơn về tinh thần của bài thơ. D. Bài thơ được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý luận đề
Lời giải chi tiết:
Phạm vi của luận đề: Phần phiên âm và dịch thơ đều có nhiều điều mà chúng tôi muốn đề cập
→ Đáp án: B
Câu 7 (0.5 điểm)
Câu 7: Đoạn sau đứng ở vị trí nào của văn bản? Có vai trò thế nào đối với luận đề “Xin được nói lại cho rõ rằng, đây là một bài thơ tứ tuyệt vô đề của Lý Thường Kiệt. “Nam quốc sơn hà chỉ là bốn chữ đầu trong bài thơ tứ tuyệt đó được ta lấy làm tiêu đề. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 28 chữ, nhưng rất tiếc là suốt nhiều thế kỷ qua đã có nhiều người đọc không đúng và hiểu không đúng.” A. Cuối luận điểm 2, liên kết 2 luận điểm. B. Mở đầu luận điểm 3; làm rõ cấu trúc của bài thơ. C. Luận điểm 3; Nêu biểu hiện của vấn đề (luận đề). D. Mở đầu luận điểm 3; Nêu lí do cần bàn luận (luận đề). |
Phương pháp:
Đọc kĩ đoạn văn và toàn văn bản
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn Mở đầu luận điểm 3; Nếu lí do cần bàn luận (luận đề)
→ Đáp án: D
Câu 8 (0.5 điểm)
Câu 8: Hình thức của luận điểm 3 có gì đặc biệt so với các luận điểm khác? A. Có nhiều đoạn nhỏ (gồm nhiều luận cứ). B. Có duy nhất một đoạn (một luận cứ). C. Có 3 đoạn (ba luận cứ). D. Có 4 đoạn (ba luận cứ). |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý luận điểm 3 và đưa ra so sánh
Lời giải chi tiết:
Hình thức luận điểm 3 có 3 đoạn (ba luận cứ).
→ Đáp án C
Câu 9 (1.0 điểm)
Câu 9. Đọc đoạn văn bản (ở luận điểm 3) từ “Trước hết là về cách hiểu đối với câu thơ thứ nhất”…đến “và tự tin rất mãnh liệt của tổ tiên” và cho biết (1đ) a. Xác định lí lẽ, bằng chứng khách quan tiêu biểu nhất? b. Xác định ý kiến chủ quan của tác giả? Nhận xét mối quan hệ của chúng với bằng chứng lí lẽ khách quan |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản và yêu cầu
Nhớ lại kiến thức về lý lẽ, bằng chứng
Chú ý ý kiến của tác giả
Lời giải chi tiết:
a. Lý lẽ, bằng chứng khách quan: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Câu này được hầu hết các sách giáo khoa dịch là: Sông núi nước Nam, vua Nam ở
b. Ý kiến chủ quan: Do vậy, dịch Đế là Vua cũng có nghĩa là chưa thấy hết niềm tự tôn và tự tin rất mãnh liệt của tổ tiên
- Mối quan hệ: Lí lẽ, bằng chứng khách quan hỗ trợ, tăng sức thuyết phục cho ý kiến chủ quan cùng hướng đến mục đích của luận điểm: để chúng ta hiểu đúng hơn về tinh thần của bài thơ
Câu 10 (1.0 điểm)
Câu 10. Hãy so sánh bản dịch cũ với bản dịch mới của tác giả Nguyễn Thị Thọ sau đây và cho biết em thích bản dịch nào hơn, vì sao? (0.5đ) Sông núi nước Nam, Nam Đế ở Rành rành phân định ở sách trời Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời |
Phương pháp:
Đọc kĩ 2 bản dịch
Đưa ra lựa chọn cá nhân và lý giải hợp lý
Lời giải chi tiết:
Gợi ý: nên dựa vào 2 căn cứ chính (nội dung: thể hiện tinh thần tự cường của dân tộc; đảm bảo vần, điệu, âm hưởng cho bài thơ)
PHẦN II –LÀM VĂN (4 điểm)
Vận dụng kiến thức ở phần đọc hiểu, viết bài văn thể hiện suy nghĩ của em về ý thức tự cường dân tộc trong Nam quốc sơn hà (bài có độ dài 1-1,5 trang)
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn
Lời giải chi tiết:
Viết bài văn thể hiện suy nghĩ của em về ý thức tự cường dân tộc trong Nam quốc sơn hà | ||
Phần chính | Điểm | Nội dung cụ thể |
Mở bài | 0,5 | - Giới thiệu về tác phẩm (nhan đề, tác giả) - Nêu vấn đề nghị luận |
Thân bài | 2 | 1. Hoàn cảnh ra đời, nội dung tác phẩm (ngắn gọn) 2. Ý thức tự cường trong 2 câu đầu - Câu nêu ý kiến - Dẫn chứng (bằng chứng khách quan từ ý kiến của người khác liên quan đến luận đề đang bàn luận) - Bình luận (đánh giá chủ quan của người viết) 3. Ý thức tự cường trong 2 câu sau: - Câu nêu ý kiến - Dẫn chứng (bằng chứng khách quan từ ý kiến của người khác liên quan đến luận đề đang bàn luận) - Bình luận (đánh giá chủ quan của người viết) Lưu ý: - Biết sử dụng trích dẫn một số nhận định khách quan từ văn bản đọc hiểu - Tránh sao chép nội dung của văn bản đọc |
Kết bài | 0,5 | - Khẳng định vai trò của ý thức tự cường dân tộc trong các hoàn cảnh của đất nước - Nhận thức, hành động của cá nhân thể hiện ý thức tự cường |
Yêu cầu khác | 0,5 | - Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (nghị luận) - Thể hiện rõ quan điểm cá nhân (ý thức, hành động) - Dẫn chứng tiêu biểu phù hợp với lí lẽ, ý kiến |
[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]