Dàn ý
I. Mở bài
- Giới thiệu về thể loại truyện cười (khái niệm, đặc trưng, phân loại…)
- Giới thiệu về truyện cười “treo biển” (tóm tắt, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)
II. Thân bài
1. Chủ cửa hàng treo biển bán cá
- Tấm biển “Ở đây có bán cá tươi” của chủ cửa hàng có đầy đủ nội dung cần thiết của một tấm biển quảng cáo:
+ Vị trí, địa điểm: ở đây
+ Hoạt động của cửa hàng: bán
+ Loại mặt hàng được bán: cá
+ Chất lượng của mặt hàng: tươi
2. Các ý kiến góp ý và phản ứng của chủ cửa hàng
- Các ý kiến góp ý:
+ Ý kiến thứ nhất: bỏ chữ “tươi”
+ Ý kiến thứ hai: bỏ chữ “ở đây”
+ Ý kiến thứ ba: bỏ chữ “có bán”
+ Ý kiến thứ tư: bỏ chữ “cá”
→ Những lời góp ý tuy khác nhau về mặt nội dung nhưng đều cho thấy sự chủ quan, phiến diện khi nhìn nhận, đánh giá
- Phản ứng của chủ cửa hàng:
+ Thay đổi cái biển theo từng lời góp ý
+ Cất luôn cái biển
→ Không biết chọn lọc thông tin, không có chính kiến của mình
III. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:
+ Nội dung: phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe những ý kiến khác
+ Nghệ thuật: cách tạo tình huống truyện hấp dẫn, kết thúc bất ngờ, sử dụng nhiều yếu tố gây cười…
- Bài học cho bản thân: phải có suy nghĩ, chính kiến của bản thân…
Bài mẫu
Tiếng cười là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tất cả mọi người đặc biệt là những người lao động. Truyện cười chính là món ăn tinh thần cho nhân dân ta sau những ngày lao động mệt nhọc, vất vả. Trong kho tàng truyện cười Việt Nam ta không thể không nhắc đến câu chuyện Treo biển. Truyện vừa mang tiếng cười hài hước, vui vẻ vừa phê phán những người ba phải, luôn nghe theo những gì người khác nói mà không hề có sự suy xét.
Truyện kể về một cửa hàng bán cá, để giới thiệu cho mọi người biết sản phẩm nhà mình kinh doanh, cửa hàng đã làm một cái biển rất to đề chữ: “Ở đây có bán cá tươi”. Nội dung của biển rất đầy đủ bao gồm địa điểm (ở đây), hoạt động (bán), sản phẩm (cá) chất lượng (tươi). Những tưởng một chiếc biển với đầy đủ nội dung như vậy sẽ không bị ai góp ý hay bắt bẻ nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại.
Người thứ nhất đi qua bảo “Nhà này ngày xưa quen bán cá ươn hay sao mà giờ phải đề biển là cá tươi”; người kia lại góp ý “Người ta chẳng nhẽ ra hàng hóa mua cá hay sao, mà phải đề ở đây”; người thứ ba nói “Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là có bán”; người cuối cùng góp ý: “Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa”. Và mỗi một lần nghe lời góp ý của mọi người chủ cửa hàng lại bỏ bớt một chữ, cho đến cuối cùng ông đã cất luôn cả tấm biển.
Tiếng cười bật ra thật giòn giã khi thấy cách ứng xử của ông chủ cửa hàng với tấm biển của mình. Ông chủ quả là một người không có chính kiến, khi nghe bất cứ lời nhận xét, lời khuyên nào từ mọi người ông đều răm rắp làm theo mà không hề suy xét xem nó đúng hay sai, có cần bỏ đi hay là không. Đằng sau tiếng cười là tiếng nói phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét ý kiến khi người khác góp ý.
Truyện có kết cấu mạch lạc rõ ràng, ngoài lời văn giới thiệu chỉ thêm bốn lời thoại của người đi đường, khách mua cá, người láng giềng nhưng tiếng cười vẫn được bật ra giòn giã. Cười bởi sự ngẩn ngơ, bởi tính vội vã của người chủ cửa hàng, sẵn sàng nghe theo lời mọi người nhận xét. Ngoài ra, để tạo nên tiếng cười thì tình huống truyện đầy kịch tính cũng góp một phần không nhỏ.
Treo biển đem lại tiếng cười vui vẻ cho mọi người. Truyện còn lên tiếng phê phán một cách nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe ý kiến người khác.
Nguồn: Sưu tầm