Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, em thích nhất điều gì? Nêu ý kiến của em về điều đó

2024-09-14 09:18:22

Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm.

- Dẫn dắt đến nhân vật em yêu thích nhất trong truyện.

II. Thân bài

- giới thiệu về nhân vật em yêu thích nhất:

+ Tên tuổi, hoàn cảnh xuất hiện trong truyện.

+ Hoàn cảnh sống, làm việc.

- Lý do em yêu thích nhân vật này:

+ Những phẩm chất của nhân vật khiến em yêu mến.

+ Công việc nhân vật làm đã góp phần làm đẹp thêm cho cuộc sống và Tổ quốc.

- Liên hệ với bản thân em: có thể học được điều gì từ nhân vật?

III. Kết bài

Cảm nghĩ của em với nhân vật.


Bài mẫu 1

Nếu như tác phẩm Làng đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc bởi nét tinh tế và sâu sắc qua việc miêu tả nội tâm nhân vật dưới ngòi bút của Kim Lân, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng gây xúc động bởi tình cha con sâu nặng thì Lặng lẽ Sa Pa cũng có những ấn tượng đẹp. Một trong số những điều đó là việc xây dựng hình ảnh nhân vật anh thanh niên dưới ngòi bút của Nguyễn Thành Long.

       Nhân vật anh thanh niên là nhân vật chính được tác giả giới thiệu rất tự nhiên. Anh đến với người đọc qua lời giao tiếp, chuyện trò của bác lái xe, rất giản dị nhưng đó lại là một cách vào đề ấn tượng.

       Những ấn tượng ấy mở đầu cho hàng loạt những nét đẹp của nhân vật anh thanh niên, những nét đẹp của tâm hồn. Người ta nhìn thấy vẻ đẹp ấy khi tác giả viết về hoàn cảnh sống của anh: một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Trong con mắt của bác lái xe, anh thanh niên là một người cô độc nhất thế gian. Có lỗ cái nhất ấy sẽ hứa hẹn một điều gì đó thật đặc biệt, đặc biệt ở chính công việc của anh. Nhưng có một điều đặc biệt hơn ở tác phẩm này, Nguyễn Thành Long đã để anh thanh niên nói về công việc của chính mình: "cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất phục vụ chiến đấu". Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Trong lời nói của anh thanh niên, đó là những vất vả, đó là những gian lao nhưng dường như có một cảm xúc nào đó của anh thanh niên về công việc ấy. Đó không phải là sự sợ hãi, cũng không phải là một lời than vãn kêu ca mà đó là một phong thái rất lạc quan, ung dung. Bởi với anh, đó là những công việc thường ngày mà anh yêu thích.

       Anh sống giản dị với những công việc ưa thích như trồng hoa, nuôi gà, đồ vật chỉ có cái bàn nhỏ và kệ sách con ở góc nhà. Với công việc, anh thanh niên với cái nhìn về cuộc sống rất tinh tế: Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được. Với anh, từ trong suy nghĩ cất lên thành lời nói thì cuộc sống của anh tưởng chừng như cô đơn mà lại không cô đơn, tưởng chừng buồn chán với công việc vất vả cứ lặp đi lặp lại mà lại là những niềm vui thực sự.

       Nguyễn Thành Long đã rất thành công với nhân vật anh thanh niên của mình. Không phải xây dựng được nhân vật đặc biệt ấy đã là thành công, mà thành công đó là tác giả đã khắc hoạ nhân vật như thế nào. Không phải là những nhận xét không có cơ sở. Đó là những lời nói Tắt tự nhiên từ chính cuộc sống hàng ngày.


Bài mẫu 2

       Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn khá thành công của Nguyễn Thành Long. Trong truyện, em cảm thấy thích nhất vẻ đẹp, sự hi sinh thầm lặng của những con người lao động trong cảnh lặng lẽ, êm đềm của Sa Pa mà nổi bật lên là hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng.

       Với cốt truyện đơn giản nhưng đậm chất trữ tình, Nguyễn Thành Long đã gây dựng nên một cuộc sống thu nhỏ trong thời kì xã hội chủ nghĩa, với những con người hăng say, cần mẫn lao động. Đầu tiên là phải kể đến anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao hai ngàn sáu trăm mét. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động đất,... Nhiều khi anh phải làm việc trong cái lạnh thấu xương của Sa Pa lúc một giờ sáng. Thế nhưng hoàn cảnh sống mới là một trong những trở ngại lớn nhất của anh. Bở lẽ quanh năm suốt tháng, anh luôn phải sống trong sự cô đơn, bốn bề chỉ có mây mù và sương sớm lạnh lẽo. Nhưng với lòng yêu nghề tha thiết anh luôn cố gắng vượt qua rào cản cô đơn và làm tròn nhiệm vụ của mình. Đối với anh công việc là bạn, công việc với mình là đôi, thế nên anh vẫn luôn yêu đời, vẫn luôn hăng say làm việc. Anh cho rằng công việc của mình tuy nhỏ nhưng có liên quan đến công việc chung của đất nước, điển hình là việc không quân ta hạ được phản lực của Mĩ cũng là nhờ công anh phát hiện ra đám mây khô.

       Bên cạnh anh thanh niên còn có rất nhiều con người khác cùng đang miệt mài lao động. Đó là ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa ngày ngày rình xem cách ong thụ phấn rồi tự mình thụ phấn cho hàng nghìn cây su hào. Đó là đồng chí cán bộ khoa học không lúc nào rời cơ quan để chờ sét. Tất cả họ, những con người bình dị này đang từng ngày cống hiến sức mình cho đất nước. Ước mơ của họ là dự báo chính xác thời tiết để phục vụ cuộc sống của nhân dân; là tạo ra giống su hào nhân dân toàn miền Bắc ăn ngon hơn, ngọt hơn; là lập được một bản đồ sét cho nước mình.

       Nguyễn Thành Long đã mang đến cho người đọc hình ảnh những con người luôn hăng say làm việc. Có thể coi đó là sự hi sinh thầm lặng, sự cống hiến hết mình cho Tổ quốc của những người con Sa Pa nói riêng và của toàn đất nước nói chung.


Bài mẫu 3

Trong mỗi tác phẩm luôn chứa đựng những tình cảm hay một lẽ sống mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc. Và với tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long cũng vậy, tác phẩm đã tạo cho người đọc một sự thích thú khi nhận ra vẻ đẹp trong tâm hồn và cách sống của những con người lao động. Cuộc sống ấy đã không hề lặng lẽ như tiêu đề của tác phẩm.

       Thoáng nghe cái tên Lặng lẽ Sa Pa như gợi lên trong ta một cảm xúc buồn, trầm lặng như cái không khí vốn có mà chúng ta biết về Sa Pa, chỉ có sương, có gió, núi cao,... Nhưng khi đọc đến tác phẩm ta lại thấy cuộc sống ở mảnh đất ấy không như vậy. Sau cái vẻ bề ngoài yên ắng, tĩnh mịch là một cuộc sống sôi động của những con người lao động, yêu ngành, yêu nghề bằng cả tâm huyết. Họ có những niềm vui riêng để họ không bao giờ cảm thấy cuộc sống ấy trầm lặng, buồn tẻ. Qua hình ảnh anh thanh niên ở một mình trên cao làm ở đài khí tượng thuỷ văn, ta có thể nhận ra một vẻ đẹp của con người lao động. Anh không hề chán ghét cái khung cảnh yên lặng mà núi, sương mang lại nơi đây mà anh lại cảm thấy yêu đời bởi chính lòng yêu nghề của mình. Ta vẫn tìm thấy trong anh nụ cười, sự hóm hỉnh hay những sự quan tâm khi anh gửi cho vợ bác lái xe củ tam thất. Đó không phải là một cuộc sống trầm lặng, nó vẫn tràn đầy sức sống, niềm vui giản dị như cái thú trồng hoa, nuôi gà của anh. Dần dần, chính anh thanh niên đã hoà nhập vào cuộc sống ấy. Anh yêu công việc của mình đến nỗi nếu cất nó đi cháu sẽ buồn chết mất. Đó là sự thích thú đầu tiên mà tác giả mang đến cho người đọc khi họ cảm nhận tác phẩm của mình. Họ nhận ra con người nơi đây tràn đầy sức sống.

       Không chỉ có thế, tác giả còn mang đến cho bạn đọc hình ảnh đẹp về ông kĩ sư trồng rau đang nghiên cứu giống su hào hay người đang cố gắng lập bản đồ sét. Họ cứ miệt mài làm việc và tìm thấy trong công việc ấy những thú vui để ngày này qua ngày khác, cái gọi là sự sống, tình yêu vẫn tiếp tục trên mảnh đất Sa Pa. Không chỉ hiện lên vẻ đẹp trong cách sống, những nhân vật mà tác giả Nguyễn Thành Long tạo nên còn có một vẻ đẹp nơi tâm hồn khi họ đang lặng lẽ cống hiến cuộc đời mình cho nước nhà. Là những người ở hậu phương giúp sức cho tiền tuyến, những con người ấy không xông pha trận mạc nhưng lại là những người quyết định, góp sức cho chiến thắng. Họ gửi gắm vào công việc một niềm tin, một sức sống khiến cho Sa Pa không lặng lẽ mà sôi động. Sôi động bởi vẫn có những con người ngày ngày nhịp nhàng làm việc dưới sự yên lặng. Và nếu nói Sa Pa lặng lẽ thì không phải trong cuộc sống mà muốn nói đến sự hi sinh của những con người thầm lặng cống hiến cho nước nhà. Họ không được nhiều người biết đến như những anh hùng, dũng sĩ nhưng những chiến công của họ cũng rất có ý nghĩa trong cuộc sống đời thường. Chính vì lí do đó mà Lặng lẽ Sa Pa đã có chỗ đứng trong lòng người đọc vì đến với tác phẩm người đọc có thể nhận ra còn có những con người nơi hậu phương hi sinh vì đất nước.

       Đến với tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, ta thấy cuộc sống của những con người ở đó không hề lặng lẽ mà chỉ có những người đang thầm lặng dâng hiến cuộc đời cho đất nước. Ta nhận ra ở nơi hậu phương cũng có những người yêu nước, hi sinh cuộc đời như nơi trận mạc. Để từ đó Lặng lẽ Sa Pa đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc vì nhờ nó họ mới hiểu thêm cuộc sống nơi hậu phương của thời kì kháng chiến gian khổ.


Bài mẫu 4

       Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là một câu chuyện hay nói về một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa một ông hoạ sĩ, một cô kĩ sư nông nghiệp với nhân vật chính anh thanh niên làm công tác khí tượng sống một mình trên đỉnh Yên Sơn. Và điều làm tôi tâm đắc nhất ở truyện ngắn này chính là đặc điểm tính cách của nhân vật này.

       Tôi yêu mến và cảm phục tính cách của anh có lẽ là do anh là một người trẻ tuổi nhưng đã ý thức sâu sắc công việc của mình, có cuộc sống ngăn nắp, mẫu mực và luôn chân thành quan tâm đến mọi người. Anh cũng là người có hiểu biết sâu sắc trách nhiệm của mình trong một công việc hoàn toàn tự nguyện, đầy khó khăn gian khổ và đơn độc.

       Sống một mình trên đỉnh Yên Sơn quanh năm vắng bóng người, bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo, anh thanh niên vẫn chủ động gắn mình với cuộc sống chung của xã hội bằng mọi hoạt động bình thường và dường như không thể thiếu được đối với cuộc sống một con người. Anh có đặc điểm là luôn gắn bó với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào bằng nhiệm vụ từng ngày, từng giờ, từng phút của anh như: đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất,... để mỗi ngày báo bốn lần bằng máy bộ đàm vào những giờ nhất định. Công việc không phải là không khó khăn nhưng anh vẫn hoàn thành chu đáo và vui vẻ với nhiệm vụ của mình. Bên cạnh việc chu toàn nhiệm vụ, anh còn biết tổ chức một cuộc sống nội tâm phong phú. Sống một mình nhưng anh không hề tuềnh toàng, cẩu thả như hoạ sĩ thầm nghĩ sai về anh. Anh có vườn hoa, có một chuồng gà, có vườn cây thuốc quý và đặc biệt là một giá sách được anh coi như một người bạn tinh thần. Bằng ấy công việc đủ để tạo cho anh một cuộc sống đầy hữu ích.

       Anh thanh niên cũng là một người biết quên mình và luôn quan tâm đến mọi người. Anh không muốn ông hoạ sĩ vẽ anh vì anh nghĩ còn có những người xứng đáng hơn anh. Với những người chỉ một lần ghé thăm, anh đã xem họ như bạn bè, người thân; anh không thấy nỗi gian khổ của mình mà lại thêm cái gian khổ của người khác (anh nghĩ làm khí tượng ở đỉnh Phan-xi-păng mới là lí tưởng). Đó là những đức tính phẩm chất tốt đẹp ở anh, khiến cho anh càng trở nên lí tưởng cho một bức chân dung mà ông hoạ sĩ già muốn vẽ.

       Anh cán bộ làm công tác khí tượng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa thật là một hình tượng đẹp về tấm gương lao động mà nhiều người cần học tập.


Bài mẫu 5

       Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một tác phẩm hay nói về vẻ đẹp của con người, mối quan hệ thân ái giữa người với người. Đó cũng là điều em thấy thích nhất, ở tác phẩm này.

       Trong truyện ngắn này, mọi nhân vật đều hiện lên với những nét đẹp rất riêng. Đầu tiên là anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn, quanh năm chỉ có mây mù. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây,... một công việc vất vả, gian khổ. Anh phải dậy từ sớm, giữa cái giá lạnh của núi cao, tính toán số liệu gửi về trung tâm. Anh phải đối chọi với cả gió tuyết và cái im lặng lạnh lẽo. Nhưng vượt lên tất cả, anh luôn yêu công việc của mình, mặc dù biết đó là công việc gian khổ, vất vả. Anh cũng vẫn nói rằng cất nó đi, cháu buồn đến chết mất! Sau anh thanh niên là ông hoạ sĩ già cố gắng đi thực tế lần cuối để vẽ tranh, là bác lái xe niềm nở, nhiệt tình, là cô kĩ sư mới ra trường, hăm hở đến nơi vùng núi cao ngút ngàn này để nhận công tác. Có hai nhân vật. không trực tiếp xuất hiện, nhưng cũng gây ấn tượng mạnh, đó là ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, ngày qua ngày cần mẫn quan sát, thay con ong đi lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào, để củ su hào nhân dân miền Bắc ăn được to hơn, ngọt hơn. Và một người cán bộ khoa học miệt mài làm bản đồ sét cho đất nước: nửa đêm mưa gió rét buốt, mặc, cứ nghe sét là đồng chí choáng choàng chạy ra.

       Ở những con người đáng quý ấy còn có một phẩm chất cao đẹp, đó là tình người. Họ gắn kết với nhau bằng mối quan hệ thân ái, nhiệt tình, chân thành và niềm nở. Điều ấy được thể hiện từ cách anh thanh niên tặng củ tam thất cho bác lái xe và bác lái xe mua sách hộ anh, cách anh thanh niên trao bó hoa tươi cho người bạn gái chưa hề quen biết. Cuối cùng, anh thanh niên lại tặng cả một giỏ trứng cho người hoạ sĩ già, tiễn họ tiếp tục cuộc hành trình,... Tất cả những điều đó làm nên nét đẹp của con người nơi đây, giữa họ có thứ tình cảm tin cậy, mến phục và thương yêu nhau như cùng sống trong một gia đình.

       Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa để lại cho bạn đọc rất nhiều những tin yêu ở cuộc sống, một cuộc sống mà con người sống với nhau chan hoà, thân ái. Đó là nét ấn tượng đặc sắc nhất của tác phẩm này.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"