Dàn ý chi tiết
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tên bài thơ, tác giả (nếu có), cảm nghĩ chung về bài thơ.
2. Thân đoạn:
- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ.
+ Ví dụ: về nội dung, bài thơ viết về đề tài gia đình thân thuộc, về tình cảm yêu thương gắn bó giữa mọi người…; về hình thức, bài thơ sử dụng thể lục bát quen thuộc, gần gũi, có cách ngắt nhịp và gieo vần phù hợp với việc thể hiện nội dung tình cảm gia đình…
- Nêu lên các lý do khiến em yêu thích.
+ Ví dụ: về nội dung, bài thơ cho em những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc thân thương về ông, bà, cha, mẹ... ; về nghệ thuật, tác giả đã sử dụng các từ ngữ, hình ảnh rất sinh động, gợi cảm; các biện pháp tu từ và cách gieo vần, ngắt nhịp độc đáo của thơ lục bát…
3. Kết đoạn:
- Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về ý nghĩa của bài thơ.
Mẫu 1
Một trong những tác phẩm hay của Y Phương là “Con là…”. Nội dung của bài thơ là tâm sự của người cha dành cho con, từ đó thể hiện tình phụ tử thắm thiết. Bên cạnh đó, tác giả còn muốn khẳng định về vai trò và ý nghĩa thiêng liêng của con cái trong cuộc đời của mẹ cha. Nhờ có đứa con, mọi nỗi buồn đều được xua tan đi, mọi niềm vui đều trở nên mãnh liệt. Không chỉ vậy, con còn là sợi dây gắn kết giữa ba mẹ, để hạnh phúc mãi lan tỏa trong ngôi nhà yêu thương. Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi ý nghĩa của những đứa trẻ nói riêng và ý nghĩa của mỗi người nói chung trong cuộc sống. Những hình ảnh giản dị, giọng thơ nhẹ nhàng đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm gia đình thiêng liêng.
Mẫu 2
Bài thơ “Con là” của Y Phương là tâm sự của người cha dành cho con, từ đó thể hiện tình phụ tử thắm thiết. Bài thơ có ba khổ, mỗi khổ thơ đều được bắt đầu bởi cụm từ “Con là” với “nỗi buồn”, “niềm vui”, “sợi dây hạnh phúc”. Chúng ta có thể hiểu rằng, chính con đã giúp cha cảm thấy nỗi buồn dù có “to bằng trời” cũng sẽ được lấp đầy, niềm vui dù chỉ “nhỏ bằng hạt vừng” nhưng chẳng bao giờ ăn hết. Không chỉ vậy, con còn là “sợi dây hạnh phúc” gắn kết giữa ba mẹ, hai con người không có máu mủ trở nên gắn bó, giữ gìn tổ ấm của mình. Bài thơ ngắn gọn, nhưng khi đọc lên người đọc có thể cảm nhận được tình cảm gia đình ấm cúng.
Mẫu 3
“Con là…” là một bài thơ giàu cảm xúc của Y Phương viết về tình mẫu tử. Lời người cha nói với con chứa chan tình cảm yêu thương, ấm áp. Tình yêu của cha được cụ thể hóa qua hình ảnh “to bằng trời”, “nhỏ bằng hạt vừng”, “sợi tóc”. Không chỉ vậy, nhà thơ còn nói lên vị trí, tầm quan trọng của mỗi đứa con trong gia đình. Con là sợi dây hạnh phúc dù mỏng manh, nhưng lại có sức mạnh to lớn để buộc đời cha với mẹ. Sợi dây gắn kết hai người không có máu mủ, để họ cùng nắm tay nhau vượt qua những sóng gió, chông gai của cuộc đời và xây dựng mái ấm hạnh phúc. Nhờ có bài thơ, chúng ta thấy được giá trị của tình cảm gia đình. Từ đó, mỗi người thêm ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với cha mẹ, đó là sự yêu thương và trân trọng.
Mẫu 1
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã khắc họa bức chân dung về tình mẫu tử bằng những nét bút vô cùng trong sáng, mộc mạc nhưng vẫn vô cùng ấm áp, chân thành qua bài thơ Lời con. Lời con được viết bởi thể thơ tự do, bởi vậy cuộc trò chuyện của hai mẹ con trong bài thơ trở nên tự nhiên và thoải mái, giống như một điều hết sức bình thường và hiển nhiên. Ở hai khổ thơ đầu, bài thơ là lời người con kể cho mẹ về thế giới mà mình “nhìn thấy”. Qua lăng kính ngây ngô của người con, thế giới xung quanh sinh động và thú vị vô cùng. Tác giả Thanh Nhàn khéo léo sử dụng các hình ảnh so sánh để khắc họa lại những sự vật thật ngộ nghĩnh. Từ đó tạo nên hơi thở trong sáng, ngây ngô cho vần thơ của mình. Bước sang khổ thơ thứ hai, thế giới lại trở về với sự tẻ nhạt, bình đạm, nhạt nhẽo của mình. Bởi nó được viết lại từ lăng kính của mẹ - một người trưởng thành đã va vấp với nhiều sóng gió. Đối với mẹ, tivi là tivi, cái cây là cái cây, không có gì đặc biệt. Nhịp thơ cũng bởi vậy mà chùng xuống. Nhưng rồi, thế giới nhạt nhẽo trong đôi mắt của người mẹ ấy đã được tưới lên vô vàn những sắc màu bởi sự xuất hiện của người con. Khổ thơ thứ ba đã kéo nhịp thơ lên cao lại với những vui tươi, nhí nhảnh. Không phải vì con khiến mẹ thay đổi nhận diện về các đồ vật xung quanh mình. Mà đơn giản bởi chính con là sự hiện diện của niềm vui, của sắc màu, của sự hạnh phúc. Thế giới có con không còn tẻ nhạt, buồn chán nữa mà trở nên rực rỡ vô cùng. Điều làm nên sự diệu kì ấy chính là tình yêu của mẹ dành cho con. Cảm nhận được điều ấy, em càng thêm trân trọng những phút giây bên cạnh mẹ của mình. Chắc chắn, em, cũng sẽ làm được như bạn nhỏ trong bài thơ, đem đến niềm vui và hạnh phúc cho mẹ của mình.
Mẫu 2
Tình cảm sâu sắc mà người cha dành cho đứa con của mình đã được tác giả Y Phương thể hiện đầy khéo léo qua bài thơ "Con là...". Tác phẩm của ông đã đem đến cho em niềm rung cảm mãnh liệt và sâu sắc. Bằng những hình ảnh hết sức quen thuộc, gần gũi như "to bằng trời", "nhỏ bằng hạt vừng", "sợi tóc", người cha đã định nghĩa sự quan trọng của đứa con đối với bản thân mình. Tình yêu vô bờ mà người cha dành cho con cũng được thể hiện qua từ ngữ diễn tả các cung bậc trạng thái cảm xúc khác nhau: "nỗi buồn", "niềm vui", "hạnh phúc". Nỗi buồn ấy thật đặc biệt khi to bằng trời còn niềm vui lại bé xíu như hạt vừng. Thế nhưng điều quan trọng là nỗi buồn ấy sẽ mau chóng qua đi trong khi niềm vui lại được nhân lên gấp bội lần nhờ sự xuất hiện của con trên cuộc đời. Con cũng chính là sợi dây gắn kết giữa cha và mẹ. Dẫu cuộc đời có thăng trầm thì cha và mẹ vẫn luôn bên nhau để yêu thương, chăm sóc, bảo vệ con. Bằng những hình ảnh hết sức giản dị, gần gũi, từ ngữ trau chuốt, tinh tế và biện pháp tu từ so sánh "Con là nỗi buồn của cha/ Dù to bằng trời", "Con là niềm vui của cha/ Dù nhỏ bằng hạt vừng", điệp cấu trúc, tác giả đã ca ngợi tình cảm thiêng liêng mà người cha dành cho đứa con thân yêu của mình. Có thể nói, "Con là..." là bài thơ hay và đặc sắc viết về đề tài gia đình.
Mẫu 3
Bài thơ "Con là..." do Y Phương sáng tác là một tác phẩm vô cùng xuất sắc. Bằng những dòng thơ ngắn gọn, cô đọng mà tràn đầy xúc cảm, tác giả đã cho độc giả thấy được suy nghĩ, tâm tư của một người cha gửi đến con mình. Đầu tiên, hình ảnh người con được so sánh với "nỗi buồn của cha". Vì mái ấm, vì đứa con thơ, người cha đã không ngần ngại vượt qua, "lấp đầy" những khó khăn, áp lực, nỗi buồn "to bằng trời" trong cuộc sống. Tiếp theo, người cha so sánh con mình với "niềm vui". Nó có thể bé nhỏ, không đáng kể, chỉ như "hạt vừng" nhưng đối với cha, đứa con hay chính niềm vui ấy lại vô cùng quan trọng, là một thứ vững bền, bất diệt. Và cuối cùng, người cha đã ví con mình với "sợi dây hạnh phúc", thứ đã "buộc cuộc đời cha vào với mẹ". "Sợi dây" ấy tuy "mảnh hơn sợi tóc" nhưng lại vô cùng bền chặt, chắc chắn. Nó là thứ đã kết nối hai mảnh ghép cuộc đời của cha mẹ, kéo cả gia đình lại gần nhau hơn. Sự kết hợp giữa biện pháp tu từ điệp ngữ cùng so sánh đã giúp cho người con hiện lên thật nổi bật. Với lời thơ chân thành, tha thiết cùng ngôn từ đơn giản, gần gũi, tác giả đã đem đến cho người đọc những xúc cảm chân thành nhất về tình phụ tử. Đó là tình yêu lớn lao nhưng lại rất đỗi dung dị. Qua đây, ta lại càng thêm trân quý, yêu thương gia đình, biết ơn công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ.