Câu 1
1. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề bạo lực học đường thông qua tác phẩm Bắt nạt.
2. Thân bài:
a. Hiện trạng
"Bạo lực học đường" là việc sử dụng những hành vi bạo lực, là cách ứng xử thô lỗ, thiếu đạo đức của học sinh trong trường học.
Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều ở các trường học.
→ Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.
b. Nguyên nhân
- Chủ quan:
Suy nghĩ lệch lạc; ảnh hưởng từ các chương trình, trò chơi bạo lực.
Mong muốn thể hiện "sức mạnh", cá tính và cái tôi cá nhân.
- Khách quan: Sự "hời hợt" trong việc giáo dục, quản lí của gia đình và sự giám sát chưa sát sao của nhà trường.
c. Hậu quả
- Làm mất đi hình ảnh trong sáng, tốt đẹp nên có ở mỗi học sinh.
- Bạo lực học đường là một con dao hai lưỡi:
Gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần cho nạn nhân.
Ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện nhân cách, đạo đức, gây ra những suy nghĩ lệch lạc, sai trái ở những kẻ "đi bắt nạt"
d. Giải pháp:
Cố gắng học tập, tạo dựng những mối quan hệ bạn bè, thầy trò tốt đẹp
Gia đình và nhà trường cũng cần quan tâm và có những phương pháp giáo dục hiệu quả để các bạn học sinh có những nhận thức đúng đắn.
3. Kết bài:
Bài học nhận thức và hành động đối với thế hệ trẻ về vấn đề bạo lực học đường.
Câu 2
Vấn nạn bạo lực học đường đã được nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh khéo léo đề cập tới qua bài thơ "Bắt nạt". Có thể nói, đây là một vấn nạn gây bức xúc trong dư luận và được cả xã hội quan tâm.
Đầu tiên, để có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này, ta phải tìm hiểu "bạo lực học đường" là gì. Bạo lực học đường là việc dùng hành vi ngang ngược, thô bạo trong lời nói hoặc hành động để xâm phạm người khác. Những hành động này thường diễn ra trong môi trường học đường và gây nên những tổn hại về tinh thần, thể chất. Ngày nay, hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng ở các em học sinh có độ tuổi 15- 18. Ta có thể bắt gặp nhiều video, clip lan truyền trên mạng internet về việc đánh đập, chửi rủa của các cá nhân hoặc nhóm học sinh. Và một tình trạng đáng buồn là nạn bạo lực học đường thường xảy ra nhiều hơn ở phía nữ sinh. Có thể nói, bạo lực học đường đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những em bị bạo lực phải chịu những thương tổn về tâm hồn và thể xác cùng các thay đổi trong tâm lý. Bên cạnh đó, vấn nạn bạo lực học đường còn gây ra tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh và xã hội. Những hậu quả nghiêm trọng này lại bắt nguồn từ phần lớn các bạn học sinh. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm lý mới lớn, bồng bột, thiếu suy nghĩ của các bạn trẻ hoặc những ảnh hưởng tiêu cực từ người thân, bạn bè xung quanh. Ngoài ra, một nguyên nhân không thể thiếu là do gia đình chưa có sự quan tâm tới con em, nhà trường chưa quản lý chặt chẽ học sinh. Để vấn nạn bạo lực học đường không trở thành "điểm đen" của giáo dục, mỗi người cần tự ý thức trau dồi, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp khi ngồi trên ghế nhà trường. Các bạn học sinh cần phải giữ vững lập trường, quan điểm của bản thân trước hành vi sai trái này. Cha mẹ và nhà trường cần quan tâm, theo dõi sát sao để nắm bắt và giải quyết kịp thời các tình huống.
Như vậy, xã hội và cộng đồng cần ý thức được những hậu quả mà bạo lực học đường đem lại, từ đó có những hành động kịp thời trong việc xây dựng môi trường giáo dục văn minh, thân thiện và lành mạnh.
Câu 3
Qua bài thơ "Bắt nạt", nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn nạn bạo lực học đường - vấn nạn được xã hội quan tâm.
Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là bạo lực học đường? Theo cách hiểu đơn giản, bạo lực học đường chính là việc dùng các hành vi cùng lời nói thô bạo để tấn công người khác, làm ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Ngày nay, vấn nạn bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng và diễn ra dưới nhiều hình thức. Chúng ta có thể bắt gặp vô vàn các video quay lại cảnh học sinh đánh chửi nhau, xúc phạm nhau trên mạng xã hội. Đó là những video phát ngôn lăng mạ nhằm chà đạp danh dự, nhân phẩm các cá nhân. Hay còn là những hành động đánh đập, tra tấn, làm tổn hại về thể xác và sức khỏe đối phương. Tất cả những hành vi xấu xa này để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Người bị đánh đập phải chịu tổn thương về tâm lý và thể xác. Một số người thì mang theo cú sốc tâm lý đến hết cuộc đời. Vậy, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này bắt nguồn từ đâu? Đầu tiên, chúng ta phải kể đến nguyên nhân xuất phát từ phía học sinh. Học sinh do tiếp xúc với môi trường bạo lực từ những người xung quanh, từ phim ảnh hay do nổi loạn "tuổi mới lớn" nên có nhiều cư xử không đúng chuẩn mực.Bên cạnh đó, bạo lực học đường còn đến từ sự vô tâm của bậc phụ huynh và cách quản lí chưa được sát sao của nhà trường. Để bạo lực học đường không còn là nỗi ám ảnh của nhiều người, mỗi chúng ta cần tự ý thức bản thân về hành vi xấu này. Nhà trường nên kết hợp với cha mẹ học sinh trong việc giáo dục, dạy bảo học sinh.
Có thể nói, bạo lực học đường đã rung những hồi chuông báo động cho toàn xã hội và là những trăn trở trong việc xây dựng môi trường học đường văn minh, tốt đẹp. Mỗi người chúng ta hãy tựu ý thức và cùng chung tay xây dựng một xã hội không có bạo lực học đường.
Câu 4
Thông qua bài thơ "Bắt nạt", nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã khéo léo bày tỏ suy nghĩ của mình về một vấn nạn tiêu cực trong môi trường giáo dục - bạo lực học đường.. Bạo lực học đường chính là việc sử dụng những hành vi và lời nói thô lỗ, thiếu đạo đức, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người khác. Hiện nay, các hình ảnh, video, clip học sinh túm tóc, chửi bới, đánh đập nhau không còn mới mẻ nhưng vẫn thu hút một lượng lớn người quan tâm. Điều này đã cho thấy vấn đề bạo lực học đường vẫn đang là vấn đề báo động. Đặc biệt hơn, tham gia vào các cuộc ẩu đả thường là những học sinh có độ tuổi từ 15-18. Với độ tuổi tâm sinh lý đang có sự thay đổi, các em dễ vì một xích mích hay mâu thuẫn nhỏ mà dẫn đến hậu quả đáng tiếc.Đó là những vết thương về thể chất như xây xát cơ thể hoặc gãy tay, gãy chân, chấn thương não,... Thậm chí, có bạn phải chịu hoảng loạn về tinh thần. Ngoài ra, bạo lực học đường còn tác động trực tiếp tới tâm lý phụ huynh và các học sinh khác. Nguyên nhân gây nên những hậu quả không đáng có trên xuất phát từ phần lớn bản thân các em học sinh. Học sinh có thể bị ảnh hưởng lối cư xử bạo lực từ những người xung quanh hoặc do suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ thích thể hiện, thích "ra oai". Hay đó còn là do nhà trường và phụ huynh còn chưa quan tâm sát sao các em học sinh, dẫn đến những hành vi không đúng đắn và thiếu đạo đức. Vậy để khắc phục tình trạng bạo lực học đường, chúng ta cần làm những gì? Trước hết, bản thân mỗi người cần rèn luyện đạo đức, xác định mục tiêu học tập rõ ràng. Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh nên phối hợp hơn nữa trong công tác giáo dục học sinh.
Tất cả hãy chung tay xây dựng môi trường học đường luôn văn minh, lành mạnh và không còn hiện tượng bạo lực học đường.
Câu 5
Người ta vẫn thường nói vui với nhau rằng "trường học là ngôi nhà thứ hai của em", thế nhưng hiện nay tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ở mức báo động khiến cho nhiều em nhỏ sợ đến trường. Vậy trước vấn nạn này chúng ta cần phải làm gì?
Bạo lực học đường là những hành vi gây hại đến tinh thần, thể xác của bạn mình bằng nhiều cách như sử dụng lời nói khiếm nhã hoặc tệ hơn là có những hành động bạo lực với bạn của mình.
Bạo lực học đường là một vấn nạn rất đáng được quan tâm hiện nay. Với từ khóa "bạo lực học đường", chỉ trong 0.57 giây chúng ta đã tìm được 28.200.200 kết quả về những vụ việc nghiêm trọng xoay quanh vấn đề này. Con số trên quá đủ làm minh chứng cho tình trạng báo động của hành vi này hiện nay.
Vậy bạo lực học đường từ đâu mà có? Trước hết, nó xuất phát từ những mâu thuẫn, sự ghen ghét đố kỵ của những em học sinh. Trong một tập thể, chỉ cần có bạn giỏi hơn mình hay đơn giản là xinh hơn mình đã có thể dẫn đến sự đố kỵ và có những lời lẽ làm tổn thương đến bạn mình. Sâu xa hơn, bạo lực học đường xuất phát từ sự nhận thức, từ cách giáo dục con nhỏ của gia đình, của nhà trường. Những hình ảnh như cô giáo đánh học sinh hay cha đánh mẹ... tác động vô cùng lớn đến nhận thức của trẻ nhỏ. Sách báo, phương tiện truyền thông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Bạo lực học đường gây ra những hậu quả vô cùng lớn đến người bị hại và cả người gây ra bạo lực. Tôi đã từng đọc vô số bài báo về những đứa trẻ không dám đến trường do bị bạn bè ghẻ lạnh, cười chê và thậm tệ hơn là bị đánh đập. Những tổn thương đó khiến các em trở nên tự ti, trầm cảm và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong. Cũng không ít những trường hợp học sinh bị đuổi học, phải chịu hình phạt của pháp luật khi còn ở tuổi rất trẻ chỉ vì những hành động thiếu suy nghĩ của mình. Cả những nạn nhân của bạo lực học đường và cả những người gây ra bạo lực học đường, tương lai của các em sẽ đi về đâu khi còn quá nhỏ mà đã phải mang trong mình tâm lý sợ hãi, còn quá nhỏ mà đã phải chịu những "vết dơ" không bao giờ có thể xóa nhòa? Điều này cũng sẽ khiến các bậc phụ huynh mất đi lòng tin vào môi trường giáo dục, rồi họ sẽ phải gửi gắm con mình ở đâu mới là tốt nhất?
Bạo lực học đường đã không còn là chuyện của một, hai cá nhân của một, hai trường học nữa mà nó là vấn đề của toàn xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, nhà trường và gia đình cần có những biện pháp giáo dục hợp lý dành cho con trẻ, thậm chí là những hình phạt nặng tay để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc của bạo lực học đường. Và là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, các bạn học sinh nên có những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn, không nên tiếp tay cho những hành động xấu và cần phải bảo vệ những người bạn của mình.
"Trường học là ngôi nhà thứ hai của em" hãy để trường hợp được trở về đúng nghĩa là một ngôi nhà mà các em học sinh muốn đến, muốn về, muốn nhớ tới chứ đừng biến trường học trở thành nỗi ám ảnh với bất kỳ ai.
Câu 6
Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường đang trở thành một thách thức đáng kể với xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe của học sinh mà còn đặt ra câu hỏi lớn với giáo dục nói chung. Để giải quyết hiện tượng xấu này, chúng ta cần có nhận thức sâu sắc về nguyên nhân, hậu quả để từ đó đề xuất những giải pháp thích hợp để xóa bỏ nó.
Bạo lực học đường có thể bao gồm nhiều hình thức như lăng mạ, đánh nhau, đe dọa, lan truyền thông tin xấu hay bất kì hành động nào gây tổn thương tâm lí và vật lí cho nạn nhân. Điều này có thể xảy ra trực tiếp trong các cơ sở giáo dục hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Những hành vi bạo lực này khiến nạn nhân cảm thấy bị cô lập và không an toàn trong môi trường giáo dục.
Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Có thể là tâm lí lứa tuổi học sinh muốn thể hiện bản thân nhưng lại lựa chọn con đường bạo lực để thể hiện sức mạnh, quyền uy của bản thân. Áp lực học tập, áp lực từ phía thầy cô, gia đình cũng có thể gây đến bạo lực học đường. Sự thờ ơ của nhà trường, việc phụ huynh chưa quan tâm, sát sao với con cái cũng dẫn đến những khiếm khuyết về tâm lí, tính cách, suy nghĩ sai lệch dẫn đến hành động cực đoan của các em.
Khi bạo lực học đường diễn ra, các học sinh sẽ trở nên kém tập trung, lo âu, kết quả học tập giảm sút. Lâu dài, các em sẽ mất niềm tin vào giáo dục và có thể mắc các hội chứng trầm cảm, tự kỉ, sợ giao tiếp xã hội,... Vấn nạn này không chỉ tác động đến tâm lí, tinh thần của học sinh mà còn gây hậu quả lớn về mặt xã hội. Nó tạo ra môi trường học tập không an toàn, lành mạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện của học sinh.
Để đối mặt với vấn đề này, chúng ta cần thực hiện các biện pháp nhất quán và đồng bộ từ nhiều phía khác nhau. Trước hết, hệ thống giáo dục cần thiết lập các chương trình đào tạo và hoạch định giáo dục tâm lí, giúp học sinh xây dựng kĩ năng kìm chế cảm xúc và giải quyết xung đột. Gia đình và nhà trường cũng cần kết hợp chặt chẽ để giáo dục con em về những tác hại, hệ quả xấu của nạn bạo lực học đường. Các bạn học sinh là người trực tiếp tiếp xúc với bạo lực, cho dù có nghe, nhìn hay là nạn nhân của vấn nạn này, các bạn cũng phải dũng cảm lên tiếng để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh. Ngoài ra, các cấp quản lí và xã hội cũng cần tạo ra các cơ chế xử lí công bằng đối với các trường hợp bạo lực học đường.
Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của trường học mà còn là thách thức đối với toàn xã hội. Tất cả mọi người cần chung tay xây dựng một môi trường học tập an toàn, tích cực để giúp học sinh phát triển toàn diện về cả kiến thức và tâm lí. Từ đó, mầm mống bạo lực sẽ dần được loại bỏ, trường học sẽ thực sự là “ngôi nhà thứ hai” đầy hạnh phúc của học sinh.
Câu 7
Từ thời kì hồng hoang đến đêm trường trung cổ, xã hội loài người đang ngày càng trở nên văn minh hơn. Nhưng một trong những yếu tố cản trở sự phát triển toàn diện của xã hội ở mọi thời đại chính là các tệ nạn xã hội. Trong thời đại thế giới phẳng ngày nay, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng đặc biệt là ở giới trẻ cụ thể hơn là tuổi trẻ học đường - lứa tuổi còn chưa vững vàng về tâm lý và sự hiểu biết.
Tệ nạn xã hội là các hiện tượng phổ biến trong xã hội có giai cấp và cấp độ. Chúng thường được biểu hiện ở những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật, gây hậu quả xấu về mọi mặt với đời sống xã hội, cản trở tiến bộ xã hội.
Có nhiều tệ nạn xã hội, ví dụ như: nghiện ma túy, cờ bạc, tham nhũng, bạo lực học đường (gia đình), mê tín dị đoan, trộm cắp, lừa đảo, nghiện game không lành mạnh… Trong đó bạo lực học đường trong những năm gần đây đang trong tình trạng đáng báo động.
Trong quá trình nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những quan điểm khác nhau về khái niệm bạo lực học đường. Mặc dù, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất trong giới nghiên cứu, tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu: bạo lực học đường là những hành vi cố ý, sử dụng vũ lực hoặc quyền lực của học sinh hoặc giáo viên đối với những học sinh, giáo viên hoặc những người khác và ngược lại. Đó có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ, những bắt ép về tài chính hoặc những hành vi khác có thể gây ra những tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể xác cho người bị hại. Bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn. Tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh. Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau...
Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Xã hội thờ ơ, dửng dưng, buông xuôi, chưa có sự quan tâm đúng mức, những giải pháp thiết thực, đồng bộ, triệt để. Đa số học sinh cho rằng bạo lực học đường là sai trái nhưng không dám lên tiếng vì sợ liên lụy, sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo, vì thế mà không dám báo với thầy cô hay chính quyền địa phương. Một bộ phận học sinh khác thì thờ ơ, dửng dưng, im lặng, hoặc thậm chí cổ vũ, đồng tình với bạo lực.
Nếu tệ nạn xã hội nói chung ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và đạo đức con người, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, rối loạn trật tự xã hội, suy thoái giống nòi, dân tộc, văn hóa suy đồi, làm mất tư cách của một người công dân, gây ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn lao động trẻ khi đất nước Việt Nam đang trong đà đi tới hội nhập và phát triển thì bạo lực nói chung và học đường nói riêng cũng để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Nó gây tổn thương về thể xác và tinh thần người bị hại, đến gia đình, người thân, bạn bè người bị hại. Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Cùng với những ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống của xã hội thì hành vi bạo lực chốn học đường cũng đã là một phần không nhỏ làm mất trật tự xã hội. Với người gây ra bạo lự thì con người phát triển không toàn diện, đi ngược lại tính “người”, mất dần nhân tính. Đó là mầm mống của tội ác mất hết tính người sau này. Có khác gì người gây ra bạo lực tự làm hỏng tương lai của chính mình, gây nguy hại cho xã hội. Bị mọi người lên án, xa lánh, căm ghét.
Để hạn chế rồi chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, thiết nghĩ xã hội cần có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ giáo dục con người trong gia đình, nhà trường, trong toàn xã hội, coi trọng dạy kĩ năng sống, vươn tới những điều chân thiện mỹ. Chúng ta cần có thái độ quyết liệt phê phán răn đe, giáo dục cải tạo, có biện pháp trừng phạt kiên quyết những người gây ra bạo lực làm gương cho người khác. Nghiêm cấm các game bạo lực. Xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân học sinh. Tình thương, trách nhiệm là phương thuốc hiệu nghiệm nhất ngăn chặn bạo lực học đường.
Mỗi học sinh chúng ta – thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước cần tránh xa bạo lực học đường. Mỗi người cần mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực đừng vì e ngại cái xấu và cái ác mà lựa chọn cách im lặng. Im lặng chẳng khác gì tiếp tay cho cái xấu, cái ác. Bên cạnh việc học tập và rèn luyện thì hành trang cần thiết mà chúng ta cần cho mình là hình thành những quan niệm sống tốt đẹp, cư xử với mọi người bằng tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia.