Phân tích bài thơ Chạy giặc

2024-09-14 09:19:42

Dàn ý

I. Mở bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác: Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu viết bài Chạy giặc.

- Dẫn đề (ghi lại bài thơ).

- Chuyển mạch: phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

II. Thân bài:

1. Hai câu đề:

- Từ chính xác, gợi tả, hình ảnh thực, sinh động: tan chợ, vừa, tiếng súng Tây, cờ thế, phút sa tay.

- Tiếng súng của giặc Pháp đột ngột nổ vang, phá tan cuộc sống yên lành của nhân dân ta và đẩy nước nhà đến chỗ nguy nan, thất bại hoàn toàn.

- Cảm xúc mở đầu bài thơ: bàng hoàng, tuyệt vọng.

2. Hai câu thực:

- Biện pháp ẩn dụ, đảo ngữ, những trạng từ gợi hình ảnh loạn li, tan tác của nhân dân ta: lơ xơ, dáo dác.

- Cách ngắt nhịp chẵn - lẻ của thơ Đường luật thể hiện lời than thở xót xa:

Bỏ nhà / lũ trẻ / lơ xơ chạy,

Mất ổ / đàn chim / dáo dác bay.

- Nỗi khổ của nhân dân ta trong cảnh chạy giặc.

3. Hai câu luận:

- Biện pháp đảo ngữ được tiếp tục sử dụng, hình ảnh gợi tả: quê hương thân yêu Bến Nghé, Đồng Nai, bị giặc thiêu huỷ, cướp bóc, của tiền tan bọt nước, tranh ngói nhuốm màu mây.

- Sự tố cáo tội ác của giặc vừa cụ thể vừa khái quát bằng giọng thơ u uất, căm hờn.

- Tội ác dã man của giặc xâm lược.

4. Hai câu kết:

- Ngôn ngữ châm biếm sắc cạnh (rày đâu vắng, nỡ để dân đen), than oán triều đình nhà Nguyễn sợ giặc, bỏ mặc dân tình khổ ải.

- Nỗi cảm khái trước cảnh điêu linh của nhân dân.

III. Kết luận:

- Giá trị hiện thực: tái hiện cảnh chạy giặc của người dân trong những ngày thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ.

- Giá trị tư tưởng, tình cảm: biểu lộ lòng yêu nước, thương dân tha thiết, lòng căm thù giặc xâm lược bạo tàn.


Bài mẫu 1

Có những tác phẩm văn chương bất tử, khi nó trở thành chứng nhân lịch sử, gắn liền với nỗi vui, buồn của một dân tộc. "Chạy giặc" của Nguyễn Đình Chiểu là một bài thơ như thế. "Chạy giặc" là một trong những tác phẩm đầu tiên của văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX.

  Năm 1859, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định. Trước hoạ xâm lăng, Nguyễn Đinh Chiểu đã viết bài thơ "Chạy giặc". Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, phản ánh nỗi đau thương của dân tộc, căm thù lên án tội ác quân Pháp xâm lược và thể hiện lòng thương xót nhân dân:
      “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

    Một bàn cờ thế phút sa tay

    Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy

    Mất ổ đàn chim dáo dát bay.

    Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

    Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

    Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

    Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

  Hai câu đề nói lên tình cảnh bi thảm của đất nước lúc bấy giờ. “Tiếng súng Tây" rộ lên vào thời điểm tan chợ. Nghĩa là trước lúc súng nổ, chợ búa vẫn họp bình thường. Cuộc sống hoàn toàn thanh bình, yên ổn. Lúc tan chợ là lúc bắt đầu sự sum họp của gia đình. Những đứa em ngóng anh chị, con cái đợi cha mẹ, cháu chắt đợi ông bà, cảnh hạnh phúc đầm ấm đơn sơ sẽ diễn ra ở mọi nhà với những món quà giản dị của chợ vùng quê: củ khoai, tấm bánh đúc ngô, dăm ba gióng mía, mấy nắm bỏng rang trộn mật... Cả nhà sẽ xúm quanh mâm cơm thanh đạm có bát canh chua, khúc cá kho, hay giản dị hơn chỉ có “râu tôm nấu với ruột bầu"... Tiếng súng Tây nổ đúng vào lúc đó, bất ngờ, đột ngột, dữ dội vô cùng.

   Súng Tây thời ấy nổ ghê gớm lắm: “súng giặc đất rền". Nghe tiếng súng thì bọn giặc đã ở ngay bên cạnh. “Vừa nghe” thế mà cả bàn cờ thế đã hỏng “phút sa tay”. Thất bại ập đến nhanh quá. Thời gian ngắn ngủi càng tăng thêm tính chất đột ngột, bất ngờ, căng thẳng của tình thế. Và vì thế, thay cho cảnh sum họp đầm ấm là cảnh tượng lộn xộn sẻ nghé tan đàn, cảnh chạy giặc:

                                      “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,                                             

Mất ổ đàn chim dáo dác bay."

  Nhà thơ rất tinh tế khi chọn hai đối tượng lũ trẻ, đàn chim nhằm miêu tả cảnh chạy loạn của nhân dân khi giặc đến. Phép đảo ngữ đặt vị ngữ trước chủ ngữ để nhấn ý các chữ "bỏ nhà" và "mất ổ" tạo nên nỗi ám ảnh bi thương về cảnh chạy giặc của dân lành. Lũ trẻ - bỏ nhà, đàn chim - mất ổ. Những sinh linh bé nhỏ, yếu ớt cần được che chở, nâng niu bốc chốc đã bị đẩy một cách tàn bạo vào cuộc chiến khốc liệt. Những đứa trẻ non nớt lẽ ra phải trở về với mái ấm gia đình, mẹ cha, vậy mà chúng như bầy chim bay dáo dác bay, lơ xơ chạy hoảng loạn giữa bầu trời đầy khói lửa.

 Từ những đối tượng nhỏ bé, thân quen bên cạnh mình, nhà thơ khái quát cả không gian, thời gian cụ thể:

“Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước,

           Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây. ”

  Còn đâu Bến Nghé, Đồng Nai trù phú sầm uất của nước Nam. Của cải bị mất mát, nhà cửa bị thiêu cháy, con cái lạc cha mẹ, và chắc là sẽ không tránh khỏi sự chết chóc đau thương:

“Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ,

ngọn đèn khuya leo lét trong lều.

Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng,

cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.”

Ai ai cũng thật xót xa, đau lòng! Bởi vậy một tấm lòng yêu nước như Nguyễn Đình Chiểu ôm xót xa, đau đớn gấp ngàn lần. Ông cất lên tiếng hỏi và cũng là lời trách móc phê phán những người có chức, có quyền, có trách nhiệm của triều đình:

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?"

   Không phải chỉ là một câu hỏi gay gắt và lời phê phán nghiêm khắc những trang dẹp loạn của triều đình. Hình như câu thơ còn là một tiếng khóc nghẹn tràn đầy nước mắt của con người mù lòa hết lòng yêu nước thương dân mà không thể làm gì cho dân trong cơn loạn lạc.

   Một bài thơ nhỏ nhưng đã khái quát được cả một sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, đồng thời thể hiện được tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu.


Bài mẫu 2

Có những tác phẩm văn chương bất tử khi nó trở thành chứng nhân lịch sử, nó gắn liền với nỗi vui, buồn của một dân tộc. Bài thơ “Chạy giặc" là một bài thơ mang ý nghĩa như vậy.

   Năm 1859, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định. Trước họa xâm lăng, Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài thơ “Chạy giặc”. Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, phản ánh nỗi đau thương của dân tộc, căm thù lên án tội ác quân Pháp xâm lược và thể hiện lòng thương xót nhân dân:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

……………………………..

Nỡ để dân đen mắc nạn này?"

   Hai câu đề nói lên một cục diện bi thảm của đất nước ta hồi bấy giờ. Giặc Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định. Trận đánh diễn ra như “một bàn cờ thế" phút chốc thay đổi bất ngờ “phút sa tay". Thành Gia Định thất thủ, Đồng Nai, Bến Nghé rơi vào tay giặc, vần thơ cất lên như một lời than:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay. ”

            Các từ ngữ: "vừa nghe tiếng súng Tây", “phút sa tay" làm nổi bật thời gian, sự việc diễn ra bất ngờ, nhanh chóng và nói lên nỗi kinh hoàng của nhà thơ, của nhân dân khi thành Gia Định bị giặc Tây nổ súng đánh chiếm. "Một bàn cờ thế” là một ẩn dụ, cách nói ước lệ, hàm súc về một cục diện chiến trường, một tình thế chiến tranh hồi ấy ( 1859).

   Hai câu thực 3,4 tả cảnh chạy loạn, chạy giặc trong nỗi kinh hoàng của nhân dân. Các từ ngữ: “bỏ nhà", “lơ xơ chạy”, “mất ổ”, “dáo dác bay" đặc tả sự tan nát, hoảng sợ, hãi hùng. Nhà thơ lấy thế giới con người là “ lũ trẻ", lấy thế giới thiên nhiên là “đàn chim", hai hình ảnh ấy điển hình cho nỗi đau thương của nhân dân trước thảm họa đất nước quê hương bị xâm lược:

“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ đàn chim dáo dác bay. ”

   Phép đảo ngữ đặt vị ngữ trước chủ ngữ để nhân ý các chữ “bỏ nhà" và “mất ổ" tạo nên nỗi ám ảnh bi thương về cảnh chạy giặc của dân lành.

   Hai câu luận 5,6 đối nhau làm hiện lên hai cảnh tang thương điêu tàn nơi Bến Nghé và Đồng Nai. Gần 200 năm về trước, Bến Nghé đã là cảnh đô hội, sầm uất, trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập. Đồng Nai là vựa lúa miền Nam. Thế mà chỉ trong chốc lát đã bị giặc Pháp bắn giết, đốt phá, cướp bóc rất dã man. Tài sản của nhân dân ta bị chúng cướp phá sạch sành sanh “tan bọt nước” . Nhà cửa, phố phường, làng xóm của đồng bào ta bị quân xâm lược đốt tan hoang. Lửa khói ngút trời, bao phủ một vùng rộng lớn “nhuốm màu mây”. Nhà thơ tả ít mà gợi nhiều. Chỉ bằng hai hình ảnh so sánh rất chọn lọc: "của tiền tan bọt nước”, “tranh ngói nhuốm màu mây" đã căm thù lên tội ác tày trời của quân xâm lược. Nỗi đau đớn và căm thù chứa đầy vần thơ:

"Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây. ”

   Tội ác quân giặc không thể nào kể xiết! Nhà thơ tưởng như cất lời than uất hận trước tội ác ghê tởm của giặc Pháp:

                          “Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé,

Làm cho bốn phía mây đen;

            Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai,

Ai cứu một phường con đỏ ”

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

   Sau khi hạ thành Gia Định, giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kì. Cả một vùng rộng lớn của đất nước ta chìm trong máu lửa. Phan Văn Trị, người bạn thân của Nguyễn Đình Chiểu đã căm giận viết khi nghe tiếng kèn giặc:

   "Tò te kèn thổi tiếng năm ba,

Nghe lọt vào tai dạ xót xa.

            Uốn khúc sông Rồng mù mịt khói,

           Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa... ”

(“Cảm tác’)

   Hai câu kết, cảm xúc nghẹn lại bỗng trào lên, biểu lộ một tâm trạng đau đớn, lo âu. Lo âu cho tính mạng và tài sản của nhân dân ta đang bị giặc Pháp bắn giết, cướp phá dã man. Lo âu cho vận mệnh đen tối của đất nước. Câu hỏi tu từ thể hiện tình thương xót nhân dân đau khổ trước họa xâm lăng:

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

   “Chạy giặc” là bài ca yêu nước thể hiện sâu sắc lòng căm thù giặc Pháp và nói lên tình thương xót nhân dân trước họa xâm lăng. Những cảnh mà nhà thơ nghe thấy (tiếng súng Tây), nhìn thấy, cảm thấy (lũ trẻ lơ xơ chạy, đàn chim dáo dát bay, của tiền tan bọt nước, tranh ngói nhuốm màu mây) là những chi tiết nghệ thuật rất hiện thực mang giá trị lịch sử sâu sắc. Bài thơ “Chạy giặc” là một chứng tích về tội ác giặc Pháp trong những ngày tháng đầu chúng xâm lược đất nước ta.

   Ngôn ngữ hàm súc, nghiêm trang, chứa chan tình cảm, bài thơ thể hiện tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu. Nó cho thấy tính mẫn cảm chính trị của nhà thơ yêu nước “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Với ông, “thơ là súng là gươm". (“Đọc thơ Đồ Chiểu" - Lê Anh Xuân).

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"