Mở bài
MB 1
Ngược dòng lịch sử, chúng ta hãy cùng nhà văn Xéc-van-téc đến với đất nước Tây Ban Nha cách đây khoảng hơn ba trăm năm (Thế kỷ XVI-XVII) để chiếm ngưỡng người anh hùng hào hiệp của xứ Man-tra Đôn Ki-hô-tê và giám mã Xan-chô Pan-xa trong một cuộc phiêu lưu mạo hiểm của họ. Đó là việc Đôn Ki-hô- tê đánh nhau với những chiếc cối xay gió, một trận đánh kỳ quặc. Với tài năng của mình Xéc-van-téc đã thành công trong việc khắc họa tính cách của hai nhân vật qua trận đánh.
MB 2
Xéc-van-tét là một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng lớn nhất với nền văn học Tây Ban Nha. Một trong những tác phẩm nổi tiếng và làm nên tên tuổi của nhà văn ấy là cuốn tiểu thuyết có nhan đề Đôn Ki-hô-tê. Tuy đã ra đời từ rất lâu, thế nhưng những giá trị mà nó để lại còn lưu giữ đến tận bây giờ, được nhiều độc giả yêu thích. Một trong những cảnh ấn tượng và đáng nhớ nhất của tác phẩm phải kẻ đến cảnh Đôn-ki-hô-tê, đồng thời là nhân vật chính của tiểu thuyết, đánh nhau với cối xay gió.
MB 3
Xéc-van-téc nhà văn nổi tiếng người Tây Ban Nha. Khi nhắc đến văn hào này, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm nổi tiếng nhất trong văn nghiệp của ông là Đôn-ki-hô-tê. Đây là cuốn tiểu thuyết đồ sộ, một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thời đại phục hưng. Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió được rút ra từ phần II của cuốn tiểu thuyết này thể hiện tư tưởng của tác giả cũng như thành công nghệ thuật của tác phẩm.
MB 4
Hình như có một giai thoại kể rằng: có một lần nhà vua xứ Tây Ban Nha từ trên cao nhìn xuống quảng trường thấy một người đàn ông đang ôm bụng cười ngặt nghẽo một mình. Nhà vua lấy làm lạ, rồi cùng mấy viên cận thần lại gần hỏi: “này tên kia, nhà ngươi có chuyện gì mà cười lăn lóc đến vậy”. Người kia trả lời: “Dạ thưa bệ hạ, bề tôi đang đọc truyện Đôn Ki-hô-tê ạ”. Nói xong người đàn ông dâng quyển sách cho vua xem để chứng minh lời nói của mình. Quả không ngoa, toàn bộ câu chuyện Đôn Ki-hô-tê từ đầu đến cuối là một chuỗi cười sảng khoái nhờ tài năng nghệ thuật tuyệt vời của nhà văn. Trên hành trình phiêu lưu hành nghề hiệp sĩ của lão Đôn Ki-hô-tê với nhiều sự cố thú vị, trận đánh nhau với cối xay gió là một trong những sự cố tiểu thuyết và thú vị nhất.
MB 5
Xéc-van-tét (1547-1616) là một nhà văn lớn, yêu công lí, đã thể hiện những giá trị nhân văn cao quý, nhà văn nổi tiếng có tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê làm say mê bao thế hệ người đọc trên thế giới, Đôn Ki-hô-tê cũng là nhân vật chính trong tác phẩm, đặc biệt là nhân vật ấy, một nhân vật vừa đáng cười chê, lại vừa đáng thương yêu, khâm phục. Đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” là đoạn trích tiêu biểu góp phần làm nổi bật tính cách nhân vật chính: nhân vật Đôn Ki-hô-tê, một con người có lí tưởng tốt đẹp nhưng vì mê muội bởi những tác phẩm tiểu thuyết kiếm hiệp lỗi thời nên hành động mê muội, đáng cười.
Kết bài
KB 1
Đôn Ki-hô-tê có khát vọng cao cả, Xan-chô Pan-xa chi có ước muốn đời thường. Đôn Ki-hô-tê mong giúp ích cho đời, Xan-chô Pan-xa chi nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Đôn Ki-hô-tê mê muội, Xan-chô Pan-xa tỉnh táo. Đôn Ki-hô-tê hão huyền, Xan-chô Pan-xa thực tế. Đôn Ki-hô-tê dũng cảm, Xan-chô Pan-xa nhút nhát. Tính thực dụng quá đáng của bác giám mã nông dân góp phần tô đậm thêm đầu óc hão huyền của lão hiệp sĩ dòng dõi quý tộc. Hợp nhất hai nhân vật này lại, ta sẽ có bức chân dung hoàn chỉnh về tính cách con người, kể cả mặt tích cực và tiêu cực. Thiên tài của nhà văn Xéc-van-tex chính là ở đó.
KB 2
Cho dù những hành động trong thực tế mang tính điên rồ ảo tưởng song lí tưởng vị tha mà Đôn Ki-hô-tê theo đuổi lại rất đáng trân trọng, bởi lẽ anh là người hiệp sĩ chân chính đi tìm tự do, khi Tây Ban Nha tự do bị bóp nghẹt, quyền sống bị chà đạp; ở đó bọn khổng lồ, bọn yêu tinh có mặt khắp nơi, hoành hành mọi nẻo. Ở đó cái ác đang tồn tại và vì vậy cũng cần tới những hiệp sĩ chân chính để phò nguy cứu khổ, để tiêu diệt cái ác. Đó là nhân vật của ước mơ, của khát vọng của những người dân lương thiện ở Tây Ban Nha trong thời kì Phục hưng.
KB 3
Hai nhân vật trong câu chuyện được dựng lên từ những hình tượng hoàn toàn đối lập, tấn công lẫn nhau, Đôn Ki-hô-tê tuy ảo tưởng và điên rồ nhưng lại có những phẩm chất đáng quý, còn Xan-chô tuy tỉnh táo, tốt bụng nhưng lại hướng về những thứ tầm thường, không có hoài bão ước mơ. Đó chính là những mặt tích cực và tiêu cực trong mỗi con người, chúng đã được Xéc-van-tét chia đôi thành hai nhân vật thật thú vị, dễ khiến người đọc liên tưởng và ghi nhớ, đồng thời cũng học được nhiều bài học trong cuộc sống thực tế.
KB 4
Đoạn trích đã xây dựng lên cặp nhân vật tương phản bất hủ trong văn học thế giới: Đôn-ki-hô-tê và Xan-chô bên cạnh những mặt tốt, còn có những mặt hạn chế, hai nhân vật bổ sung cho nhau. Qua đoạn trích tác giả đã chế giễu tàn dư lí tưởng hiệp sĩ lỗi thời, phê phán thị hiếu tầm thường, thực dụng, bày tỏ khát vọng hướng đến những giá trị nhân văn cao cả.
KB 5
Cảm ơn nhà văn vĩ đại Xéc-van-téc đã đưa chúng ta đến với đất nước Tây Ban Nha thơ mộng qua một trận đánh kì quặc “có một không hai” trong lịch sử nhân loại. Từ đó giúp ta càng hiểu rõ và thêm yêu quý nhân dân, đất nước Tây Ban Nha. Họ có quyền tự hào và kiêu hãnh, một đất nước có nhà văn Xéc-van- téc, có cuốn tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê sống bất hủ với thời gian.