Câu 1
Xác định luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, mục đích và quan điểm của người viết trong các văn bản nghị luận đã học dựa vào bảng sau (làm vào vở):
Hình ảnh (trang 113, SGK Ngữ Văn 10, tập hai)
Phương pháp giải:
- Đọc lại ba văn bản.
- Chú ý hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, mục đích, quan điểm của người viết trong ba bài.
Lời giải chi tiết:
Văn bản
Yếu tố |
Hịch tướng sĩ | "Nam quốc sơn hà" - bài thơ Thần khẳng định chân lí độc lập của đất nước |
Tôi có một giấc mơ |
Luận điểm | - Các trung thần được ghi trong sử sách đều là những người vượt lên cái tầm thường, hết lòng phò tá quân vương, bảo vệ đất nước. - Cần phải đánh bại quân giặc để trừ tai vạ về sau. - Cần phải nhìn chủ nhục mà biết lo, thấy nước nhục mà biết nghĩ, luyện binh đánh giặc. - Phải luyện theo Binh thư yếu lược đê đánh thắng giặc mới được coi là phải đạo thần chủ, còn nếu khinh bỏ sách này thì là kẻ nghịch thù. | - Chân lí độc lập chủ quyền của đất nước đã được tác giả khẳng định từ đầu bài thơ. - Câu thơ thứ hai tiếp tục khẳng định quyền độc lập và tính chất chính nghĩa của việc phân chia lãnh thổ. - Câu thơ thứ ba nêu lên hiện tượng, sự việc kẻ thù dám đến xâm phạm và khơi gợi tinh thần yêu nước, chỉ cho người nghe, người đọc hiểu được hành động ngang ngược của quân giặc và liên hệ đến ý thức trách nhiệm của mỗi người trước hiện tình đất nước. - Câu kết của bài thơ vang lên như một lời cảnh báo, lời hiệu triệu, lời tiên tri khẳng định quân Đại Việt nhất định thắng, quân giặc nhất định thua. | - Cần lên tiếng về thảm trạng người da đen bị đối xử bất công. - Trong quá trình chiến đấu giành lại địa vị xứng đáng của mình, những người đấu tranh không được phép hành động sai lầm. - Chỉ khi người da đen được đối xử bình đẳng thì cuộc đấu tranh mới dừng lại. |
Lí lẽ và bằng chứng | - Những tấm gương trung thần nghĩa sĩ. - Sự ngang ngược của quân giặc. - Những thú vui tiêu khiển hay sự giàu có không thể đánh bại giặc. - Chỉ có luyện binh đánh giặc, rửa nhục cho nước nhà, trung quân ái quốc mới có thể có cuộc sống yên ổn, ấm no, vui vẻ và tiếng thơm về sau. | - Phân tích từ "vương" trong bối cảnh xã hội phong kiến. - Phân tích cách nói "định phận tại thiên thư". - Phân tích các từ ngữ như "nghịch lỗ", "Như hà". - Phân tích các từ ngữ "nhữ đẳng", "thủ bại hư". | - Một trăm năm trước, Lin-cơn đã kí bản Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ. - Nhưng một trăm năm sau người da đen vẫn chưa được tự do. - Không được để cho cuộc phản kháng đầy sáng tạo sa vào bạo loạn. - Tinh thần chiến đấu quật cường mới vừa trào sôi trong cộng đồng người da đen không được đẩy đến chỗ ngờ vực tất cả người da trắng. - Giấc mơ bắt nguồn sâu thẳm trừ trong giấc mơ của nước Mỹ (niềm tin rằng nước Mỹ luôn tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, bất kể xuất thân, hoàn cảnh, địa vị xã hội,... |
Mục đích viết | Khích lệ lòng yêu nước bất khuất của các tướng sĩ để quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược. | Chứng minh bài thơ Nam quốc sơn hà là bài thơ thần khẳng định chân lí độc lập của đất nước. | Khẳng định quyền bình đẳng của người da đen và kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen. |
Quan điểm | Thể hiện sự căm phẫn quân giặc, phê phán việc thấu nước nhục mà không biết nghĩ, biết thẹn; nêu cao tinh thần trung quân ái quốc. | Nhận định, đánh giá bài thơ Nam quốc sơn hà là bài thơ khẳng định chân lí độc lập của Đại Việt, cũng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam. | Cần đấu tranh trước tình trạng người da đen không được đối xử công bằng. |
Câu 2
Các yếu tố biểu cảm có tác dụng như thế nào trong các văn bản nghị luận đã học trong bài?
Phương pháp giải:
Đọc những văn bản nghị luận có kết hợp yếu tố biểu cảm.
Lời giải chi tiết:
Các yếu tố biểu cảm có tác dụng tác động vào tình cảm của người đọc, tăng sức thuyết phục trong các văn bản nghị luận đã học.
Câu 3
Việc nhận biết, liên hệ bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội có tác dụng gì trong việc đọc hiểu các văn bản nghị luận trong bài?
Phương pháp giải:
Nêu nhận xét về cách liên hệ bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội có tác dụng gì trong việc đọc hiểu các văn bản nghị luận.
Lời giải chi tiết:
Việc nhận biết, liên hệ bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội có tác dụng trong việc đọc hiểu các văn bản nghị luận trong bài:
- Hiểu được mục đích, ý nghĩa của bài viết.
- Chuẩn bị tốt những kiến thức nền để đọc hiểu văn bản.
Câu 4
Khi viết bài luận về bản thân, bạn cần lưu ý điều gì? Ghi lại kinh nghiệm rút ra sau khi viết bài luận về bản thân.
Phương pháp giải:
Tự rút kinh nghiệm cho bản thân.
Lời giải chi tiết:
- Khi viết bài luận về bản thân, cần lưu ý:
+ Người viết trình bày được đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân.
+ Bài viết đưa ra được những bằng chứng để làm rõ cho những đặc điểm của bản thân.
+ Các thông tin đưa ra trong bài viết cần xác thực, đáng tin cậy.
- Kinh nghiệm rút ra sau khi viết bài luận về bản thân:
+ Cần nhận thức rõ về ưu, nhược điểm của bản thân.
+ Khi viết bài, cần có những dẫn chứng cụ thể, xác thực.
Câu 5
Hãy trình bày một số lỗi liên kết văn bản thường gặp và cách chỉnh sửa.
Phương pháp giải:
Đọc lý thuyết tại phần Tri thức Ngữ văn.
Lời giải chi tiết:
Một số lỗi liên kết văn bản thường gặp và cách chỉnh sửa:
- Lỗi không tách đoạn: Các ý không được tách ra bằng cách chấm xuống dòng (dấu hiệu hình thức).
→ Cách chỉnh sửa: Tách đoạn phù hợp với nội dung.
- Lỗi tách đoạn tùy tiện
→ Cách chỉnh sửa: Không tách đoạn mà chỉ viết một đoạn.
- Thiếu các phương tiện liên kết hoặc sử dụng các phương tiện liên kết chưa phù hợp
→ Cách chỉnh sửa: Sử dụng các từ ngữ liên kết phù hợp.
Câu 6
Ghi lại một số kinh nghiệm bạn rút ra được sau khi thực hiện bài thuyết trình về sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay.
Phương pháp giải:
Sau khi nghe nhận xét về bài thuyết trình, tự rút kinh nghiệm cho bản thân.
Lời giải chi tiết:
Một số kinh nghiệm tôi rút ra sau khi thực hiện bài thuyết trình về sự lựa chọn của giới trẻ hiện nay:
- Cần có số liệu dẫn chứng cụ thể để biết được giới trẻ hiện nay ưa thích nhóm ngành nghề nào.
- Khi thuyết trình nên sử dụng bảng biểu, đồ thị và nên có những phỏng vấn ngắn.
- Điều hành cuộc thảo luận theo đúng thời gian quy định, biết ngắt khi cần thiết.
- Nên tạo ra cuộc trao đổi giữa người nói và người nghe.
- Nói chậm hơn.
Câu 7
Bạn hãy tham quan một bảo tàng, di tích lịch sử ở địa phương, sưu tầm hình ảnh, tư liệu và viết bài thu hoạch ngắn để trả lời câu hỏi: Độc lập, tự do có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi cá nhân?
Phương pháp giải:
Chia sẻ cảm nghĩ cá nhân.
Lời giải chi tiết:
Em đã có dịp được tham quan Bảo tàng Nhân học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ở đây, tôi đã được trông thấy những công cụ bằng đá của văn hóa Hòa Bình có niên đại cách đây 10.000 năm. Ở Bảo tàng Nhân học, em còn được biết đến sự kiện phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột thời Lý và hiểu thêm về ý nghĩa văn hóa của ngôi chùa này. Có thể thấy, Bảo tàng Nhân học đã lưu giữ không chỉ lịch sử mà còn cả văn hóa của người Việt qua từng giai đoạn. Điều đó ngầm khẳng định Việt Nam là một nước không chỉ độc lập về lãnh thổ, mà còn độc lập cả về lịch sử và văn hóa. Với tôi, độc lập, tự do là điều tối quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc và cá nhân. Để có thể độc lập, tự do, ta cần phải có sự vững vàng về kinh tế, sự dày dặn về tri thức, văn hóa. Bảo tàng Nhân học đã cho tôi thấy được lịch sử của Việt Nam không chỉ là lịch sử chiến tranh, mà còn là lịch sử của kinh tế và văn hóa.