Chiến thắng Mtao Mxây
1. Xuất xứ
a. Sử thi Đăm Săn
- Đăm Săn (hay còn gọi là Bài ca chàng Đăm Săn) là pho sử thi nổi tiếng của người Ê-đê
- Sử thi Đăm Săn thường được diễn xướng theo lối kể khan, trong đó già làng vừa kể, hát, vừa sử dụng nét mặt, điệu bộ để diễn tả câu chuyện bên bếp lửa nhiều đêm liền, trong các nhà dài trên chòi rẫy, vào dịp lễ hội hay lúc nông nhàn
- Nghe kể Đăm Săn là một truyền thống văn hóa của người Ê-đê
b. Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây
- Nội dung chính: Nhân lúc Đăm Săn cùng các nô lệ lên rẫy, Mtao Mxây đã đến phá buôn làng và bắt Hơ Nhị về làm vợ. Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến để cứu người vợ của mình. Lần đầu, chàng thách Mtao Mxây đọ dao nhưng hắn sợ không dám đồng ý. Khi Đăm Săn dọa đốt nhà, hắn mới chịu xuống và múa khiên. Mtao Mxây rung khiên múa, tiếng kêu lạch cạch; đến lượt Đăm Săn, mỗi lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh, chạy vun vút trong khi Mtao Mxây chỉ bước thấp bước cao chạy hết bãi đông sang bãi tây. Mtao Mxây bảo Hơ Nhị quăng cho một miếng trầu nhưng Đăm Săn đỡ được, ăn vào thì sức lực tăng lên gấp bội. Đăm Săn lại múa khiên, đâm Mtao Mxây nhưng không thủng được áo giáp của hắn. Nhờ Trời giúp đỡ, Đăm Săn ném một cái chày tròn vào tai của kẻ địch, nên giành được chiến thắng, cắt đầu của Mtao Mxây đem bêu ra đường. Chàng cứu được vợ, và tất cả tôi tớ của Mtao Mxây nguyện đi theo Đăm Săn. Dân làng mở tiệc mừng chiến thắng của Đăm Săn và đón chào những dân làng mới.
- Vị trí đoạn trích: là đoạn giữa của sử thi
2. Thể loại
- Sử thi là tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
- Nội dung của sử thi có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, biểu hiện toàn bộ đời sống văn hóa, lịch sử của cộng đồng, thể hiện quá trình vận động của tộc người đó qua các giai đoạn khác nhau.
- Nghệ thuật: sử thi là những câu chuyện kể văn xuôi xen lẫn văn vần, có sử dụng các yếu thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ, hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian.
- Phân loại: sử thi có 3 loại:
+ Sử thi anh hùng dân gian
+ Sử thi cổ điển
+ Sử thi anh hùng
3. Bố cục
- Phần 1: Từ đầu đến “Đăm Săn giết chết Mtao Mxây”: Cảnh trận đánh giữa hai tù trưởng với phần thắng thuộc về Đăm Săn.
- Phần 2: tiiếp đến “Họ đến bãi ngoài làng, rồi vào làng”: Cảnh Đăm Săn cùng nô lệ ra về sau chiến thắng.
- Phần 3 (Còn lại): Cảnh Đăm Săn ăn mừng chiến thắng.
4. Tìm hiểu chi tiết
a. Hình tượng Đăm Săn trong trận chiến với Mtao Mxây
* Khi vào cuộc chiến
- Hiệp một:
+ Trong khi Mtao Mxây múa khiên trước, Đăm Săn vẫn giữ thái độ bình tĩnh, thản nhiên → Điều này thể hiện bản lĩnh của chàng.
+ Mtao Mxây đã lộ rõ sự kém cỏi nhưng vẫn nói những lời huênh hoang.
- Hiệp 2:
+ Đăm Săn múa khiên làm cho Mtao Mxây hốt hoảng trốn chạy với bước cao bước thấp → thể hiện sức mạnh cả Đăm Săn và sự yếu sức của Mtao Mxây.
+ Mtao Mxây cầu cứu Hơ Nhị quăng cho miếng trầu → càng yếu sức
+ Đăm Săn cướp được miến trầu → sức mạnh của chàng tăng lên
- Hiệp ba:
+ Đăm Săn múa dũng mãnh và đuổi theo Mtao Mxây
+ Đăm Săn đâm trúng áo Mtao Mxây nhưng không thủng được áo hắn. Chàng phải cầu cứu thần linh
- Hiệp bốn:
+ Đăm Săn được thần linh giúp sức
+ Chàng đuổi theo và giết chết kẻ thù
→ Với lối mô tả song hành, lối so sánh phóng đại, Đăm Săn hơn hẳn Mtao Mxây về cả tài năng, sức lực, phẩm chất và phong độ. Đòi vợ chỉ là cái cớ, cao hơn chính là mở mang bờ cõi, làm nổi uy danh cộng đồng → Đăm Săn là một nhân vật anh hùng sử thi đích thực
b. Thái độ của mọi người đối với chiến thắng của Đăm Săn
* Dân làng Mtao Mxây
- Ba lần Đăm Săn kêu gọi thì cả ba lần mọi người đều hưởng ứng ( số 3 tượng trưng cho số nhiều ): “Không đi sao được, tù trưởng chúng tôi đã chết, lúa chúng tôi đã mục, chúng tôi còn ở với ai.”
→ Họ nhất trí xem Đăm Săn là tù trưởng, là anh hùng của họ.
- Mỗi lần đối đáp có sự khác nhau, biến đổi, phát triển
→ Qua ba lần hỏi – đáp, lòng trung thành tuyệt đối của mọi nô lệ đối với Đăm Săn ngày càng được tô đậm.
- Mọi người cùng ra về theo Đăm Săn đông vui như đi hội: “Đoàn người đông như bầy cà tông, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối.”
- Ý nghĩa:
+ Thể hiện sự thống nhất cao độ giữa quyền lợi, khát vọng cá nhân anh hùng đối với cộng đồng, bộ tộc.
+ Thể hiện lòng yêu mến, sự tuân phục của tập thể cộng đồng đối với cá nhân anh hùng → Đây cũng là biểu hiện của ý thức dân tộc.
* Thái độ của dân làng Đăm Săn
- Hân hoan chào đón người anh hùng chiến thắng trở về
- Đồng lòng hưởng ứng lời kêu gọi của tù trưởng: mở tiệc ăn mừng chiến thắng → phấn khởi, vui mừng, tự hào
* Thái độ của các tù trưởng xung quanh
- “Nhà Đăm Săn...các vị tù trưởng đều từ phương xa đến” → kéo đến ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn như ăn mừng chiến thắng của chính mình
→ Người anh hùng được toàn thể cộng đồng suy tôn tuyệt đối
c. Cảnh ăn mừng chiến thắng
- Hình ảnh Đăm Săn được miêu tả hòa vào cùng với dân làng trong niềm vui chiến thắng:
+ Đông vui nhộn nhịp
+ Ăn mừng hoành tráng
- Đăm Săn hiện lên ngoài vẻ đẹp hình thể còn là sức mạnh uy vũ, vô biên trong con mắt ngưỡng mộ của dân làng → cách miêu tả phóng đại tạo ấn tượng với độc giả
d. Giá trị nội dung
Trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình và thiết tha với cuộc sống bình yên, phồn vinh của thị tộc – đó là những tình cảm cao nhất thôi thúc Đăm Săn chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
e. Giá trị nghệ thuật
* Nghệ thuật so sánh, phóng đại:
- So sánh tương đồng: như lốc gài, như những vệt sao băng
- So sánh tăng cấp:
+ Đoạn tả cảnh Đăm Săn múa khiên
+ Đoạn tả cảnh đoàn người đông đảo: “Tôi tớ...cõng nước.”
+ Đoạn mô tả thân hình lực lưỡng của Đăm Săn: “bắp chân...xà dọc.”
- So sánh tương phản: tả cảnh múa khiên của Đăm Săn và Mtao Mxây
- Các hình ảnh, sự vật được đem ra làm chuẩn so sánh được lấy từ thế giới thiên nhiên , từ vũ trụ bao la.
→ Để cao tầm vóc lớn lao của người anh hung, khát vọng không có giới hạn cộng đồng Ê-đê về một tương lai hùng mạnh, thịnh vượng.
Sơ đồ tư duy - Chiến thắng Mtao Mxây