Đề thi học kì 1 Văn 10 Chân trời sáng tạo - Đề số 9

2024-09-14 10:55:56

Đề thi

 

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I

 

Môn: Ngữ văn lớp 10; Năm học 2022 - 2023

 

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau, trả lời các câu hỏi bên dưới:

"Thần Mưa là vị thần hình rồng, thường bay xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. Thần Mưa có tính hay quên, có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán ở hạ giới, có vùng lại đến luôn, làm thành lụt lội. Do đó mà có lần ở hạ giới phải lên kiện trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày. Công việc phân phối nước cho khắp mặt đất rất nặng nề, một mình thần Mưa có khi không làm hết, nên có lần Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng hút nước phun mưa giúp sức thần Mưa. Cuộc thi rồng đó Trời đã chọn lấy địa điểm ở cửa Vũ (Vũ Môn) thuộc Hà Tĩnh ngày nay. Do đó mà trong dân gian đã có câu hát về việc cá gáy hóa rồng. Mồng ba cá đi ăn thề, Mồng bốn cá về cá vượt Vũ Môn.

Khi trời đất mới sinh, thì chính Trời phải làm mưa cho dân sự làm ăn. Sau vì khó nhọc quá, Trời không làm lấy mưa nữa. Trời mới sai Rồng lấy nước phun xuống làm ra mưa. Nhưng vì số Rồng trên trời ít, không đủ làm mưa cho điều hòa khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kỳ thi kén các vật lên làm Rồng gọi là thi Rồng. Khi chiếu Trời ban xuống dưới Thuỷ phủ, vua Thuỷ Tề loan báo cho các giống dưới nước ganh đua mà dự thi. Trời cắt một viên Ngự sử ra sát hạch. Hạch có ba kỳ, mỗi kỳ vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức đủ tài, vượt được cả ba đợt, thì mới lấy đỗ mà cho hóa Rồng. Trong một tháng trời, bao nhiêu loài Thủy tộc đến thi đều bị loại cả, vì không con nào vượt qua được cả ba đợt sóng. Sau có con cá rô nhẩy qua được một đợt thì bị rơi ngay, nên chỉ có một điểm. Có con tôm nhẩy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi đã gần hóa Rồng, thì đến lượt thứ ba, đuối sức ngã bổ xuống lưng cong khoăm lại và chất thải lộn lên đầu. Hai con cùng phải trở lại yên nghiệp ở đồng như trước. Đến lượt cá chép vào thi, thì gió thổi ào ào, mây kéo đầy trời, chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sống, vào lọt cửa Vũ Môn. Cá chép đỗ, vây đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, dạng bộ oai nghi, cá chép hóa Rồng phun nước làm ra mưa.

(Trích Thần Mưa, Tuyển tập văn chương nhi đồng, Doãn Quốc Sĩ, NXB Sáng Tạo, 1970, T. 32 – T. 33)

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại gì?

A. Thần thoại

B. Truyền thuyết

C. Truyền kì

D. Truyện ngắn

Câu 2. Về phương diện thể loại, đoạn trích Thần Mưa giống đoạn trích nào đã học trong bài 1?

A. Hê-ra-clet đi tìm táo vàng

B. Chiến thắng Mtao Mxây

C. Thần trụ trời

D. Ra-ma buộc tội.

Câu 3. Đoạn trích lí giải hiện tượng hạn hán hoặc lụt lội ở hạ giới là do:

A. Thần Mưa có tính hay quên, có vùng cả năm không đến, có vùng lại đến luôn...

B. Thần mưa làm theo lệnh của Trời - khi Trời muốn trừng phạt một vùng nào đó;

C. Thần Mưa không kiểm soát được lượng mưa mình làm ra;

D. Thần Mưa làm việc theo cảm tính, thích thì mưa nhiều, không thích thì mưa ít.

Câu 4. Theo đoạn trích, có cuộc thi vượt Vũ Môn là vì:

A. Vì công việc phun nước làm mưa rất nặng nhọc nên trời sai Rồng làm nhưng số lượng Rồng trên Trời lại ít;

B. Vì hạ giới lên kiện trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày;

C. Vì các loài thủy tộc xin trời mở cuộc thi để được hóa Rồng;

D. Vì có quá nhiều loài thủy tộc xin được hóa Rồng nên Trời mở cuộc thi để tuyển chọn.

Câu 5. Cuộc thi vượt Vũ Môn có liên quan đến thành ngữ, tục ngữ dân gian nào sau đây:

A. Rồng đến nhà Tô

B. Cá chép hóa Rồng

C. Mưa tháng tư hư đất.

D. Nước mưa là cưa trời.

Câu 6. Ý nghĩa của cá chép vượt vũ môn hóa Rồng:

A. Thi cử là môi trường rèn luyện con người

B. Nhân tài được chọn lọc qua các kì thi

C. Muốn trở nên xuất sắc, phải vượt qua các đối thủ khác

D. Muốn thành công, hãy nỗ lực, can đảm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách

Câu 7. Theo đoạn trích, thần Mưa mang những đặc điểm gì của nhân vật thần thoại?

Câu 8. Cuộc thi vượt Vũ Môn được miêu tả là cuộc thi như thế nào? Theo em, cuộc thi vượt vũ môn của các loài thủy tộc có nét tương đồng với các cuộc thi chuyển cấp, thi đại học ngày nay không?

Câu 9. Không chỉ giải thích hiện tượng mưa, đoạn trích còn lí giải điều gì về đặc điểm giống loài của một số con vật?

Câu 10. Lí giải vì sao trong văn hóa dân gian, người Việt lại thích treo tranh cá chép, trưng bày tượng cá chép?

II. PHẦN VIẾT

Dù chỉ là một chú cá nhỏ bé nhưng cá chép đã không nản lòng, quyết tâm vượt qua được Vũ Long Môn và hóa Rồng. Từ chi tiết này của truyện, em hãy viết đoạn văn nghị luận bàn về sức mạnh của tinh thần bất khuất.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

 

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại gì?

A. Thần thoại

B. Truyền thuyết

C. Truyền kì

D. Truyện ngắn

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Dựa vào dấu hiệu nhận biết thể loại để đưa ra câu trả lời

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên thuộc thể loại thần thoại (thể loại truyện kể ra đời sớm nhất kể về thế giới thần linh, thể hiện quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của người xưa)

→ Đáp án A

Câu 2. Về phương diện thể loại, đoạn trích Thần Mưa giống đoạn trích nào đã học trong bài 1?

A. Hê-ra-clet đi tìm táo vàng

B. Chiến thắng Mtao Mxây

C. Thần trụ trời

D. Ra-ma buộc tội.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Liên hệ đến những văn bản đã học

Lời giải chi tiết:

Đoạn trích Thần Mưa giống với thể loại văn bản Thần trụ trời

→ Đáp án C

Câu 3. Đoạn trích lí giải hiện tượng hạn hán hoặc lụt lội ở hạ giới là do:

A. Thần Mưa có tính hay quên, có vùng cả năm không đến, có vùng lại đến luôn

B. Thần mưa làm theo lệnh của Trời - khi Trời muốn trừng phạt một vùng nào đó

C. Thần Mưa không kiểm soát được lượng mưa mình làm ra

D. Thần Mưa làm việc theo cảm tính, thích thì mưa nhiều, không thích thì mưa ít

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Đoạn trích lí giải hiện tượng hạn hán hoặc lụt lội ở hạ giới là do thần Mưa có tính hay quên, có vùng cả năm không đến, có vùng lại đến luôn

→ Đáp án A

Câu 4. Theo đoạn trích, có cuộc thi vượt Vũ Môn là vì:

A. Vì công việc phun nước làm mưa rất nặng nhọc nên trời sai Rồng làm nhưng số lượng Rồng trên Trời lại ít

B. Vì hạ giới lên kiện trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày

C. Vì các loài thủy tộc xin trời mở cuộc thi để được hóa Rồng

D. Vì có quá nhiều loài thủy tộc xin được hóa Rồng nên Trời mở cuộc thi để tuyển chọn.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Theo đoạn trích, có cuộc thi vượt Vũ Môn là vì công việc phun nước làm mưa rất nặng nhọc nên trời sai Rồng làm nhưng số lượng Rồng trên Trời lại ít

→ Đáp án A

Câu 5. Cuộc thi vượt Vũ Môn có liên quan đến thành ngữ, tục ngữ dân gian nào sau đây:

A. Rồng đến nhà Tôm

B. Cá chép hóa Rồng

C. Mưa tháng tư hư đất.

D. Nước mưa là cưa trời

Phương pháp giải:

Nhớ lại những câu thành ngữ, tục ngữ liên quan

Sử dụng phương pháp loại trừ

Lời giải chi tiết:

Cuộc thi vượt Vũ Môn có liên quan đến thành ngữ, tục ngữ dân gian Cá chép hóa Rồng

→ Đáp án B   

Câu 6. Ý nghĩa của cá chép vượt vũ môn hóa Rồng:

A. Thi cử là môi trường rèn luyện con người

B. Nhân tài được chọn lọc qua các kì thi

C. Muốn trở nên xuất sắc, phải vượt qua các đối thủ khác

D. Muốn thành công, hãy nỗ lực, can đảm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách

Phương pháp giải:

Dựa vào phân tích văn bản để lựa chọn câu trả lời đúng

Lời giải chi tiết:

Ý nghĩa của cá chép vượt vũ môn hóa Rồng: Muốn thành công, hãy nỗ lực, can đảm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách

→ Đáp án D

Câu 7. Theo đoạn trích, thần Mưa mang những đặc điểm gì của nhân vật thần thoại?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Theo đoạn trích, thần Mưa mang những đặc điểm của nhân vật thần thoại:

- Hình dáng khác thường: hình rồng

- Hành động, năng lực khác thường, gắn với những chi tiết kì ảo: bay xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa; là sự hóa thân của cá chép

Câu 8. Cuộc thi vượt Vũ Môn được miêu tả là cuộc thi như thế nào? Theo em, cuộc thi vượt vũ môn của các loài thủy tộc có nét tương đồng với các cuộc thi chuyển cấp, thi đại học ngày nay không?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, chú ý chi tiết miêu tả cuộc thi vượt Vũ Môn

Lời giải chi tiết:

Cuộc thi vượt Vũ Môn được miêu tả là cuộc thi khó khăn, khốc liệt, đòi hỏi phải có năng lực và quyết tâm như cá chép mới có thể vượt qua;

Theo em, cuộc thi vượt vũ môn của các loài thủy tộc vẫn còn nhiều nét tương đồng với các cuộc thi chuyển cấp, thi đại học ngày nay: như mức độ khó khăn, chọn lọc và yêu cầu phải có năng lực, nỗ lực mới có thể đỗ đạt...

Câu 9. Không chỉ giải thích hiện tượng mưa, đoạn trích còn lí giải điều gì về đặc điểm giống loài của một số con vật?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Không chỉ giải thích hiện tượng mưa, đoạn trích còn lí giải về đặc điểm giống loài của một số con vật: cá rô nhảy lên bờ khi mưa rào, tôm cong lưng và nội tạng ở trên đầu, cá chép có râu...

Câu 10. Em có thể lí giải vì sao trong văn hóa dân gian, người Việt lại thích treo tranh cá chép, trưng bày tượng cá chép?

Phương pháp giải:

Dựa vào những kiến thức đã học và tìm hiểu của bản thân để đưa ra lý giải

Lời giải chi tiết:

Trong văn hóa dân gian, người Việt lại thích treo tranh cá chép, trưng bày tượng cá chép vì nhiều ý nghĩa tốt đẹp:

- Cá chép vượt Vũ Môn tượng trưng cho sự khát vọng của con người luôn muốn vươn lên đến tầm cao mới, "viên ngọc quý" mà cá chép ngậm, tượng trưng cho lòng kiên trì, sự nhẫn nại và không ngại khó khăn, gian khổ của con người để đạt được thành công trong cuộc sống.

- Cá chép hóa rồng phun mưa cho mùa màng cây cối tươi tốt tượng trưng cho sự tốt đẹp, thịnh vượng...

II. PHẦN VIẾT

Sức mạnh của tinh thần bất khuất:

Giới thiệu vấn đề;

Giải thích: tinh thần bất khuất là không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách;

Phân tích, bình luận:

- Có tinh thần bất khuất, con người sẽ không bị gục ngã, nản lòng trước khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại;

- Tinh thần bất khuất giúp con người chinh phục được thử thách, có được thành công trong cuộc sống;

- Tinh thần bất khuất không chỉ có ý nghĩa với cá nhân mà còn với tập thể: giúp tập thể đoàn kết, vững mạnh, phát triển...;

- Dân tộc có tinh thần bất khuất sẽ luôn chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc...;

- Nếu không có tinh thần bất, con người dễ thỏa hiệp, buông xuôi, khó có được thành công...;

Dẫn chứng chứng minh: các chiến sĩ cách mạng như Võ Thị Sáu, Nguyễn văn Trỗi...

Kết thúc vấn đề.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"