Đề thi
I. Đọc - hiểu (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
THẦN MƯA - SỰ TÍCH CÁ CHÉP HÓA RỒNG
Thần Mưa là thần hình rồng, thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. Thần Mưa có tật hay quên, có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán ở hạ giới, có vùng lại đến luôn, làm thành lụt lội.
Bức xúc vì hạn hán kéo dài, ngày kia có một con Cóc kéo binh đoàn Gấu, Cọp, Cua, Gà và Ong lên thiên đình kiện Trời, đánh binh đoàn nhà trời tơi tả, đến Thần Sét cũng bại trận tan tành. Trời phải đích thân ra nghênh tiếp, và phát hiện ra Thần Mưa đã ngủ quên cả năm trời. Trời cuống quýt sai Thần Mưa xuống hạ giới làm mưa gấp. Rồi dặn Cóc rằng hễ trời hạn hán thì hãy nghiến răng, Trời sẽ biết mà làm mưa. Từ đó có câu:
“Con cóc là cậu ông trời
Ai mà đánh nó thì trời đánh cho”
Sau vụ đó, Trời nhận ra công việc phân phối nước cho khắp mặt đất rất nặng nề, một mình thần Mưa có khi không làm hết, nên Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng hút nước phun mưa giúp sức thần Mưa. Cuộc thi rồng đó Trời đã chọn lấy địa điểm ở cửa Vũ (Vũ Môn) thuộc Hà Tĩnh ngày nay.
Cuộc thi gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt qua cả ba đợt thì mới đậu để được hóa Rồng. Trong một tháng trời, bao nhiêu loài thủy tộc đến thi đều bị loại, vì không con nào vượt trót được cả ba đợt sóng. Có con cá rô nhảy qua được một đợt, đợt sau thì bị rớt. Có con tôm nhảy qua được hai đợt, ruột gan vây vẩy râu đuôi đã gần hóa rồng. Khi đến đợt ba, đuối sức bị té nên lưng cong lại.
Đến lượt có một con cá chép vào cuộc thi, con cá này bản chất của nó đã là quý hiếm đặc biệt, vì trong miệng nó có ngậm một viên ngọc trai. Thần Gió thấy lạ bay đến để xem, gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao trỗi dậy, đưa cá chép ào ào vượt qua cả ba đợt sóng tới Vũ Môn nhả ngọc hóa rồng. Do đó mà trong dân gian đã có câu ca dao về việc cá chép hóa rồng.
“Mồng ba cá đi ăn thề
Mồng bốn cá về cá vượt Vũ Môn”
(Thần Mưa - truyện thần thoại Việt Nam)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Ngôi kể trong văn bản trên là ngôi kể thứ mấy:
A. Ngôi kể thứ ba
B. Ngôi kể thứ nhất
C. Ngôi kể thứ hai
D. Ngôi kể không xác định
Câu 2. Xác định các vị thần được nhắc đến trong văn bản trên là:
A. Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét, Cóc, Cá chép.
B. Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét, Cá chép.
C. Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét.
D. Trời, Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét, Cóc, Ong.
Câu 3. Công việc của Thần Mưa làm trong văn bản trên là gì:
A. Thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi.
B. Thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi.
C. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi.
D. Thường xuống hạ giới hút nước biển. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi.
Câu 4. Xác định thời gian trong văn bản trên
A. Trời đất thuở sơ khai
B. Trên thiên đình và dưới trần gian
C. Trời đất mới sinh, đã có cỏ cây, muông thú mà chưa có loài người.
D. Không xác định
Cầu 5. Văn bản trên lí giải hiện tượng gì của tự nhiên?
A. Lí giải hiện tượng mưa, lũ, hạn hán. Nguồn gốc, sự ra đời của một loài thuỷ sản.
B. Lí giải hiện tượng mưa, hạn hán.
C. Lí giải hiện tượng mưa, lũ. Sự ra đời của một loài thuỷ sản.
D. Giải thích hiện tượng mưa, lũ, hạn hán. Nguồn gốc của một loài thuỷ sản.
Câu 6. Vì sao có hiện tượng cóc nghiến răng khi trời mưa?
A. Vì hạn hán kéo dài do thần Mưa ngủ quên.
B. Vì Cóc lên thiên đình kiện trời, Trời phát hiện thần Mưa ngủ quên cả năm trời.
C. Vì hạn hán kéo dài. Cóc lên thiên đình kiện trời, Trời phát hiện thần Mưa ngủ quên cả năm trời, dặn Cóc rằng hễ trời hạn hán thì hãy nghiến răng, Trời sẽ biết mà làm mưa.
D. Vì thần Mưa ngủ quên. Cóc lên thiên đình kiện trời, Trời phát hiện thần Mưa ngủ quên cả năm trời, dặn Cóc rằng hễ trời hạn hán thì hãy nghiến răng, Trời sẽ biết mà làm mưa.
Câu 7. Việc cá chép hóa rồng thể hiện điều gì trong dân gian xưa?
A. Cá chép hoá rồng là hình ảnh biểu tượng cho sự nỗ lực, may mắn và biết tận dụng cơ hội để thành công của người xưa.
B. Cá chép hoá rồng là hình ảnh biểu tượng cho sự may mắn.
C. Cá chép hoá rồng là việc biết tận dụng cơ hội để thành công.
D. Cá chép hoá rồng là hình ảnh biểu tượng cho sự nỗ lực, may mắn và thành công.
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Ý nghĩa của nhân vật thần mưa trong việc thể hiện quan niệm, nhận thức về thế giới tự nhiên và khát vọng của người cổ đại?
Câu 9. Những đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện.
Câu 10. Nhận xét về thái độ, tình cảm của người xưa đối với thế giới tự nhiên. Viết đoạn văn ngắn từ 5 đến 7 dòng.
II. Viết (4,0 điểm)
Em hãy viết bài văn nghị luận về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 | Câu 2 | Câu 3 | Câu 4 | Câu 5 | Câu 6 | Câu 7 |
A | C | B | D | A | C | A |
Câu 1. Ngôi kể trong văn bản trên là ngôi kể thứ mấy: A. Ngôi kể thứ ba B. Ngôi kể thứ nhất C. Ngôi kể thứ hai D. Ngôi kể không xác định |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về ngôi kể
Lời giải chi tiết:
Ngôi kể của văn bản: Ngôi thứ ba
→ Đáp án A
Câu 2. Xác định các vị thần được nhắc đến trong văn bản trên là: A. Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét, Cóc, Cá chép. B. Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét, Cá chép. C. Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét. D. Trời, Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét, Cóc, Ong. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Liệt kê các vị thần được nhắc đến trong văn bản
Lời giải chi tiết:
Các vị thần được nhắc đến trong văn bản trên là: Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét
→ Đáp án C
Câu 3. Công việc của Thần Mưa làm trong văn bản trên là gì: A. Thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. B. Thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. C. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. D. Thường xuống hạ giới hút nước biển. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý các chi tiết nói về công việc của thần mưa
Lời giải chi tiết:
Công việc của Thần Mưa: Thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi.
→ Đáp án B
Câu 4. Xác định thời gian trong văn bản trên A. Trời đất thuở sơ khai B. Trên thiên đình và dưới trần gian C. Trời đất mới sinh, đã có cỏ cây, muông thú mà chưa có loài người. D. Không xác định |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý các chi tiết miêu tả thời gian trong văn bản
Lời giải chi tiết:
Thời gian trong văn bản: Không xác định
→ Đáp án D
Câu 5. Văn bản trên lí giải hiện tượng gì của tự nhiên? A. Lí giải hiện tượng mưa, lũ, hạn hán. Nguồn gốc, sự ra đời của một loài thuỷ sản. B. Lí giải hiện tượng mưa, hạn hán. C. Lí giải hiện tượng mưa, lũ. Sự ra đời của một loài thuỷ sản. D. Giải thích hiện tượng mưa, lũ, hạn hán. Nguồn gốc của một loài thuỷ sản. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Văn bản trên lí giải hiện tượng: Lí giải hiện tượng mưa, lũ, hạn hán. Nguồn gốc, sự ra đời của một loài thuỷ sản.
→ Đáp án A
Câu 6. Vì sao có hiện tượng cóc nghiến răng khi trời mưa? A. Vì hạn hán kéo dài do thần Mưa ngủ quên. B. Vì Cóc lên thiên đình kiện trời, Trời phát hiện thần Mưa ngủ quên cả năm trời. C. Vì hạn hán kéo dài. Cóc lên thiên đình kiện trời, Trời phát hiện thần Mưa ngủ quên cả năm trời, dặn Cóc rằng hễ trời hạn hán thì hãy nghiến răng, Trời sẽ biết mà làm mưa. D. Vì thần Mưa ngủ quên. Cóc lên thiên đình kiện trời, Trời phát hiện thần Mưa ngủ quên cả năm trời, dặn Cóc rằng hễ trời hạn hán thì hãy nghiến răng, Trời sẽ biết mà làm mưa. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Có hiện tượng cóc nghiến răng khi trời mưa vì: Vì hạn hán kéo dài. Cóc lên thiên đình kiện trời, Trời phát hiện thần Mưa ngủ quên cả năm trời, dặn Cóc rằng hễ trời hạn hán thì hãy nghiến răng, Trời sẽ biết mà làm mưa.
→ Đáp án C
Câu 7. Việc cá chép hóa rồng thể hiện điều gì trong dân gian xưa? A. Cá chép hoá rồng là hình ảnh biểu tượng cho sự nỗ lực, may mắn và biết tận dụng cơ hội để thành công của người xưa. B. Cá chép hoá rồng là hình ảnh biểu tượng cho sự may mắn. C. Cá chép hoá rồng là việc biết tận dụng cơ hội để thành công. D. Cá chép hoá rồng là hình ảnh biểu tượng cho sự nỗ lực, may mắn và thành công. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý chi tiết cá chép hóa rồng và đưa ra lý giải của bản thân
Lời giải chi tiết:
Việc cá chép hóa rồng là hình ảnh biểu tượng cho sự nỗ lực, may mắn và biết tận dụng cơ hội để thành công của người xưa.
→ Đáp án A
Câu 8. Ý nghĩa của nhân vật thần mưa trong việc thể hiện quan niệm, nhận thức về thế giới tự nhiên và khát vọng của người cổ đại? |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Phân tích ý nghĩa của nhân vật thần mưa
Lời giải chi tiết:
- Quan niệm: Vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn).
- Nhận thức: sự tưởng tượng về các vị thần dựa trên đặc điểm của hiện tượng tự nhiên
→ Ý nghĩa: thể hiện khát vọng khống chế, chinh phục tự nhiên, muốn tự nhiên theo ý mình.
Câu 9. Những đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về đặc điểm xây dựng nhân vật trong thể loại thần thoại
Chú ý những đặc sắc trong việc xây dựng nhân vật của truyện
Lời giải chi tiết:
Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Nhân vật được miêu tả với vóc dáng kì vĩ, hình dạng dị thường, tính cách đơn giản gắn với công việc cụ thể.
- Nhân vật được xây dựng bằng thủ pháp cường điệu, phóng đại, tượng trưng, kết hợp các chi tiết tả thực và tưởng tượng, hư cấu,…
Câu 10. Nhận xét về thái độ, tình cảm của người xưa đối với thế giới tự nhiên. Viết đoạn văn ngắn từ 5 đến 7 dòng.
Phương pháp giải:
Dựa vào phần phân tích ở trên
Đưa ra quan điểm của bản thân
Lời giải chi tiết:
Học sinh có thể viết theo hướng:
- Thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ của người xưa với thế giới tự nhiên.
- Thể hiện sự gắn bó, gần gũi của con người với tự nhiên trong cuộc sống hang ngày.
II. Viết (4,0 điểm)
Em hãy viết bài văn nghị luận về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống
Phương pháp giải
Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết bài văn đã học
Lời giải chi tiết
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.
Sau đây là một hướng gợi ý:
- Hợp tác là chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, lĩnh vực nào đó vì mục đích chung.
- Tinh thần hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân được hiểu là thái độ sống tích cực, cùng liên kết, giúp đỡ lẫn nhau để đạt hiệu quả cao trong công việc, trong học tập, vì lợi ích chung.
- Thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân được thể hiện ở việc biết lắng nghe ý kiến của mọi người; biết chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công việc; tin tưởng và đặt niềm tin vào người khác; sẵn sàng góp ý trên tinh thần trách nhiệm, thân ái và xây dựng.
- Sự hợp tác, đoàn kết giúp con người gắn kết với nhau, tạo nên sức mạnh to lớn cả về tinh thần lẫn vật chất, làm được những việc lớn lao và chắc chắn thành công trong công việc.
- Nếu không có tinh thần hợp tác với mọi người, bản thân sẽ làm việc đơn độc, không nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của tập thể, khó vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt công việc. Người không muốn hợp tác thường tách mình ra khỏi tập thể, sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm. Những người như thế thật đáng chê trách.
- Rút ra bài học cho bản thân: rèn luyện tinh thần hợp tác với bạn bè, tích cực tham gia các hoạt động chung của tập thể và cộng đồng, xây dựng mối liên kết bền chặt với những người xung quanh, không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện bản thân để trở thành người hữu ích, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.
[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]