Viết bài văn Phân tích tác phẩm Sống mòn lớp 10

2024-09-14 10:58:03

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài: 

- Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri(1917-1951) tại Ninh Bình. Cả cuộc đời, nhà văn vừa cầm bút viết văn, vừa vác súng chiến đấu bảo vệ nước nhà.

- Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực, các tác phẩm của ông tố cáo cái bản chất xấu xa của xã hội và nhân tính hủ lậu của con người đương thời

- Ngòi bút của Nam Cao tập trung chủ yếu vào hai chủ đề: Người tri thức nghèo và người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội cũ. 

2.Thân bài:

a, Giới thiệu tác phẩm:

Sống mòn không phải là một áng văn chương để người đọc soi vào đó mà thấy được những mảnh đời u tối, bi thảm, chua xót, nhìn quanh bốn bề đều mịt mù ảm đạm.

b. Nhân vật Thứ:

- Hoàn cảnh:

+ Nhân vật chính của câu chuyện là một thầy giáo tên Thứ làm thầy giáo cho một trường tư của anh họ là Đích.

+ Anh từ bỏ cuộc sống chốn làng quê và gia đình lên Hà Thành với hy vọng thoát nghèo.

- Tâm trạng của Thứ sau khi lên Hà Thành:

+ Cuộc sống cơ cực nơi tha phương, nhiều mối lo đè nặng lên vai anh, từ chuyện tiền nhà trọ, tiền lương không đủ sống.

+ Không một người thân bên cạnh, bị người khác đối xử ích kỉ, hẹp hòi.- Thứ và vợ của anh

+ Liên, bị chia đôi hai ngã, gây ra nhiều hiểu lầm, những đau khổ, uất ức tủi hờn. Những đồng lương ít ỏi, những lo toan thường nhật, tình yêu của Thứ cũng bị cái nghèo làm mờ đi, anh lại chì chiết và lên án Liên thậm tệ.

→ Điều này làm cho Thứ có cảm giác như mình đang chết dần đi từng ngày bởi cái vòng lặp nghèo khổ oan nghiệt. Chính cái nghèo đã thay đổi con người anh và hơn hết là thay đổi cuộc đời của Thứ.

- Cuộc sống của Thứ sau khi lên Hà Thành:

+ Sống dưới mái nhà trọ xập xệ và cáu bẩn.

+Thứ biết thêm nhiều người mới cũng khổ đau và bất hạnh bởi nghèo:

+ Người mẹ trẻ túng bần phải làm quần quật cả ngày để nuôi hai đứa 

con thơ.

+ Oanh, một con người có học thức và gia giáo cũng vì cái nghèo mà 

trở nên ích kỷ nhỏ nhen.

+ Những đoàn người ăn mặc rách rưới bẩn thỉu nơi đầu đường xó chợ 

chỉ chực chờ sự bố thí của những kẻ giàu có để kiếm miếng ăn.

Nghèo còn khiến tâm hồn, lý tưởng của một con người bị mài mòn đi 

trong từng giờ khắc.

c. Ý nghĩa nhan đề của tác phẩm:

- Tiểu thuyết có tên là Chết mòn, một cái chết chậm rãi từng ngày, đó là bi kịch được dự báo trước từ lúc Thứ sinh ra trong một gia đình nghèo, cái nghèo bám riết anh từ thuở còn thơ.

- Tuy nhiên Nam Cao đổi tên thành Sống mòn, có lẽ ông muốn nhấn mạnh hơn về cái bi kịch mà Thứ đang phải chịu đựng.

- Cuộc đời anh có lẽ cũng sẽ rẽ sang một trang mới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn nếu số phận không khắc nghiệt như thế.

3.Kết bài:

- Tiểu thuyết có tên là Chết mòn, một cái chết chậm rãi từng ngày, đó là bi kịch được dự báo trước từ lúc Thứ sinh ra trong một gia đình nghèo, cái nghèo bám riết anh từ thuở còn thơ.

- Tuy nhiên Nam Cao đổi tên thành Sống mòn, có lẽ ông muốn nhấn mạnh hơn về cái bi kịch mà Thứ đang phải chịu đựng.

- Khẳng định tài năng của Nam Cao và bài học rút ra. 


Mẫu 1

Ngòi bút Nam Cao đã tạo nên tiểu thuyết lừng danh Sống Mòn lấy bối cảnh từ làng Đại Hoàng năm 1944. Điểm đặc biệt của những đứa con tinh thần được Nam Cao tạo ra đều được “thai nghén” từ những chất liệu mộc mạc, chân thực. Một lần nữa, hình ảnh những con người khốn khổ, nhỏ bé, ẩn mình trong một xã hội hèn mạt đầy bất công được tác giả lột tả rõ nét nhất.

Sống mòn Nam Cao không phải áng văn ca ngợi con người vượt qua cơ hàn mà là bức tranh sinh động của một cuộc sống quẩn quanh vì đói nghèo không lối thoát. Ít ai biết ban đầu, nhà văn của người nông dân Nam Cao đã đặt tên cho “con đẻ” của mình với tên gọi Chết mòn có nghĩa là một cái chết từ từ. Đó cũng là bi kịch của Thứ,  nhân vật bị nghèo khổ đeo bám ngay từ thuở lọt lòng. Cuối cùng nhà văn đã lấy tên Sống mòn để ấn định cho tác phẩm. Có thể nhà văn muốn nhấn mạnh vào tấn bi kịch mà nhân vật Thứ đang phải gánh chịu hàng ngày. Những đồng lương ít ỏi, đồng lương hàng tháng không đủ để Thứ vượt qua rào cản nghèo đói. Chính sự bần hàn đã bóp méo đi tình cảm trong con người anh để rồi mỗi đêm khi nhớ về vợ con, anh lại đay nghiến và lên án Liên. Cái nghèo đói đã vùi dập cuộc đời, ước mơ của một con người có tri thức như Thứ. Nếu cuộc sống không quá khó khăn, có lẽ một cuộc đời Thứ đã có một ngã rẽ tươi sáng hơn.

Bằng lối văn chân thực, gần gũi câu chuyện cuộc đời Thứ qua ngòi bút của Nam Cao trở lên chân thực. Ông đã đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để rồi tác phẩm ấy bao đời nay vẫn luôn trường tồn và gây tiếng vang lớn trong lòng người đọc.


Mẫu 2

Đa phần những tác phẩm của Nam Cao đều viết về những người nông dân sống ở chế độ cũ. Sống mòn Nam Cao là lần hiếm hoi nhà văn viết về tầng lớp trí thức nghèo trong xã hội. Một con người có đam mê, ước mơ nhưng lại bị vùi dập bởi những mưu sinh, vất vả cơm áo gạo tiền hàng ngày. Tác phẩm được nhà văn Nam Cao sáng tác năm 1944.

Có lẽ đây cũng là thực trạng ngày nay, khi có một bộ phận không nhỏ trí thức không thể sống đầy đủ, đàng hoảng nhờ đồng lương lương thiện mà mình có. Với Sống mòn, độc giả cảm nhận rõ được nỗi khổ đến tận cùng bị dồn nén từ mỗi câu chữ. Để mỗi lần đọc những câu chữ hiện lên dưới ngòi bút Nam Cao, người đọc như nghẹn thắt lại bởi cái nghèo của nhân vật. Tiểu thuyết Sống mòn Nam Cao không có quá nhiều những tình tiết gay cấn, giật gân. Câu chuyện chỉ xoay quanh những công việc thường nhật của những con người trong cái đói khổ. Và chính cái đói, cái nghèo đã vùi dập bản tính tốt của con người. Khiến con người chết dần chết mòn từ trong tâm hồn, họ trở lên cô độc, trở lên “xấu xa” hơn chỉ vì đồng tiền, bát gạo hàng ngày. Trong Sống mòn, ta bắt gặp anh Thứ - một thầy giáo đại diện cho tầng lớp tri thức nghèo thời bấy giờ. Anh Thứ đã bỏ lại quê hương và người vợ trẻ để lên Hà thành dạy học trong chính ngôi trường của người anh họ tên Đích với mong ước, hoài bão một cuộc sống tươi đẹp hơn.Thế nhưng, thực tế lại vô cùng khắc nghiệt, cuộc sống chẳng dễ dàng gì với anh cả. Dù xa quê bỏ xứ nhưng hoài bão của Thứ lại bị vùi dập bởi những mối lo toan nặng trĩu trên vai. Từ những đối xử ích kỷ của người xung quanh cho đến tiền ăn ở, tiền lương khiến cuộc sống của Thứ trở nên khó khăn, ngột ngạt. Những hy vọng trong lòng Thứ như đang chết dần, chết mòn, hoài bão cũng vì thế mà bỏ đi.

Cuộc đời một người tri thức trẻ như anh Thứ lại bị chính cái nghèo đói làm thay đổi. Chính nó là “thủ phạm” khiến Thứ và Liên phải đứt gánh giữa đường. Những hiểu lầm tai hại, uất ức đều là do cái đói khổ gây nên đã phá nát một gia đình, một con người.


Mẫu 3

Tiểu thuyết Sống mòn được nhà văn Nam Cao viết vào năm 1944, ban đầu có tên là “Chết mòn”, sau đó Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản tác phẩm lần đầu vào năm 1956 và đổi tên lại là “Sống mòn”. 

Nhân vật chính của tiểu thuyết là một thầy giáo tên Thứ, anh đã từ bỏ cuộc sống chốn làng quê và gia đình của mình để lên Hà Thành làm thầy giáo cho một trường tư của anh họ là Đích với mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng cuộc đời chưa bao giờ dễ dàng đến thế, những ước mơ của Thứ đã dần lụi tàn theo cuộc sống cơ cực nơi tha phương, nhiều mối lo đè nặng lên vai anh, từ chuyện tiền nhà trọ cho đến tiền lương không đủ sống hay bị đối xử ích kỷ, hẹp hòi bởi những người xung quanh. 

Tất cả những điều này khiến Thứ cảm giác như mình đang chết đi từng ngày, ước mơ khát vọng cũng vì thế mà quên lãng, cái vòng lặp nghèo khổ oan nghiệt của cuộc đời vẫn bám víu, làm thay đổi con người anh và hơn hết là thay đổi cả cuộc đời của Thứ. Nó đã khiến cho anh và Liên, vợ của mình phải chia đôi hai ngả và làm cho hiểu lầm chồng chất hiểu lầm. Tất cả những điều đó cũng vì cái nghèo mà ra thôi. Nam Cao đã thật sự thành công khi khắc họa thành công những day dứt khổ cực của Thứ phải trải qua, cái chết không đáng sợ mà điều đáng sợ chính là việc mỗi ngày thức dậy đều phải vì cơm áo gạo tiền mà sống rồi bỏ quên đi ước mơ của bản thân, sống nhỏ nhen, lay lắt, chết mòn chết héo trong những ngày tháng khổ đau nhất cuộc đời.

Sống mòn là một tiểu thuyết hiện thực thành công bậc nhất của Nam Cao, tác phẩm đã neo đậu lại trong lòng rất nhiều khán giả suốt một thời gian dài. Khi gấp lại cuốn tiểu thuyết, người đọc dường như vẫn còn chưa thoát khỏi sự ảm đạm, bí bách về một xã hội cùng cuộc sống khốn đốn, nghèo khổ bủa vây, hiện thực quá khắc nghiệt đến nỗi biến đổi bản chất của con người, vùi dập đi những tính tốt đẹp của họ.


Mẫu 1

Nhắc đến nhà văn Nam Cao người ta nhớ đến ngay một cây bút xuất sắc của văn học hiện thực phê phán. Ông để lại cho nền văn học nước nhà những tác phẩm có giá trị vô cùng to lớn, Bên cạnh những tác phẩm như “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Đời thừa”  người ta còn nhớ đến truyện ngăn “Sống mòn”, một tiểu thuyết dài hơn 200 trang của Nam Cao đã thể hiện được cảm quan về thời gian và không gian gắn liền với cảm quan về con người và cuộc đời, gắn bó với ước mơ và lí tưởng nhà văn.

Một trong những nét đặc sắc của thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Nam Cao là đã tạo ra một kiểu thời gian hiện thực hàng ngày. Trong đó các nhân vật của ông dường như bị giam hãm, tù túng, lẩn quẩn trong vòng những lo âu thường nhật: Nhà cửa, miếng cơm, manh áo.. "nhắp chén nước, vừa nghĩ đến cái vị nhạt phèo của đời y. Làm đến chết người đó, chỉ để được ngày vài bữa cơm rau đổ vào mồn rồi đêm ngủ một mình, tưởng nhớ đến vợ con, trong khi ở quê cũng vậy, làm, làm đến chết người, cũng chỉ vì mỗi ngày mấy bữa cơm, ngoài ra chẳng có một cái hy vọng gì hơn nữa. ". Cả thế giới nhân vật trong tiểu thuyết "bị áo cơm ghì sát đất" như xuôi đi trong cái vòng lẩn quẩn của thời gian hàng ngày mòn mỏi, khiến cho thời gian trong tác phẩm như đông đặc lại. Có thể nói, cùng với việc phác họa những chi tiết chân thật, mô tả những mối quan hệ nhân sinh, Nam Cao đã sáng tạo ra trong tác phẩm một kiểu thời gian hiện thực hàng ngày với những lo âu về kinh tế, mòn mỏi về tâm hồn, góp phần tạo nên hình ảnh một cuộc sống bế tắc, ngột ngạt.

Bên cạnh thời gian hiện tại, Nam Cao nhiều khi còn sử dụng thời gian hồi tưởng. Trong tác phẩm, hồi tưởng hiện ra từ từ, nó không tồn tại độc lập mà trong mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với hệ thống thời gian nghệ thuật. Trong Sống mòn, những kỉ niệm cũ hiện lên thông qua sự hồi tưởng của nhân vật có thể trong sáng, ấm áp nhưng bao giờ cũng gợi lên một nỗi buồn. Đó là lúc Thứ nghe Mô kể chuyện cưới vợ: "Lúc này đây, y cũng buồn, tuy Mô đang sung sướng nói về vợ nó với y. Nó nhắc y nhớ đến những phút sung sướng đã qua, đến vợ con, đến gia đình. Y ngước mắt nhìn một vì sao, ngậm ngùi tưởng tượng ra vợ y đang ôm con, ngồi ở ngưỡng cửa, lặng lẽ và buồn rầu như đá Vọng Phu..". Đối với họ, những cảnh vật ngày hôm nay như khêu như gợi những kỉ niệm của ngày qua. Và kỉ niệm cũ hiện về chỉ làm tăng thêm nỗi buồn chán khổ đau trước mắt. 

Trong tác phẩm, Nam Cao còn miêu tả thêm viễn cảnh của tương lai. Hiện tại tối tăm, ảm đạm còn tương lai cũng nhuốm màu xám xịt. Hiện tại đối với Thứ thật mòn mỏi, nhưng tương lai còn thê thảm hơn nhiều: "Nhưng nay mai mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y, rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!". Song tương lai ấy cũng không hoàn toàn tuyệt vọng, trong cái thế giới nghệ thuật nhuốm màu ảm đạm của Nam Cao đôi khi cũng lóe lên những hy vọng. Ở đoạn kết tác phẩm, Thứ cũng hy vọng vào một sự đổi thay: "Lòng Thứ đột nhiên lại hé ra một tia sáng long lanh. Thứ lại thấy hy vọng một cách vu vơ. Tuy nhiên, tia sáng lạc quan cách mạng ấy, nhìn chung còn rất mong manh, chưa có cơ sở vững chắc trong thế giới quan của nhà văn, vì thế không đủ sức xua tan không khí bi quan ảm đạm bao trùm toàn bộ tác phẩm.

Các kiểu thời gian riêng biệt nói trên liên hệ với nhau, tác động lẫn nhau tạo nên nhịp điệu chung của sự vận động trong tác phẩm, một nhịp điệu chậm, nặng nề, nhàm chán và mòn mỏi. Trong cái nhịp điệu chung ấy, đời sống các nhân vật của ông như bị tù đọng, ứ lại. Từ cảnh sống mòn mỏi của Thứ, San đến cuộc sống đơn điệu, tẻ ngắt của gia đình ông Học.. tất cả hiện lên tạo thành một bức tranh tổng hợp về lối sống mòn mà nhà văn muốn đề cập đến trong tiểu thuyết này.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm trước hết là không gian thành thị. Các nhân vật hướng tới nó với niềm hi vọng tìm thấy lối thoát cho cuộc sống cùng quẫn, buồn chán và tẻ nhạt ở quê nhà. Sài Gòn, Hà Nội hiện ra, nơi mà các nhân vật của Nam Cao gửi gắm biết bao hy vọng, háo hức nhưng rồi lại bị chết dần, chết mòn những mơ ước ở đó, cuối cùng như một quy luật họ buộc phải quay về quê hương đem theo cả sự nghèo đói, cả sự suy sụp cả về tinh thần lẫn thể xác.

Không gian thứ hai trong tác phẩm là không gian vùng nông thôn, những căn nhà nơi thôn dã.. Khác với làng Đông Xá huyên náo, dồn dập tiếng trống thúc sưu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nông thôn trong Sống mòn có cái vẻ vắng lặng, hoang vu của một làng quê xơ xác, đói nghèo. Từ không gian thành thị đến không gian làng quê, tuy địa điểm có khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là không gian sống của những kiếp người nghèo khó. Làng quê thì vắng lặng, hoang vu, thành thị mà cụ thể là ở vùng ngoại ô Hà Nội, một phố nhem nhuốc, lổn nhổn đủ hạng người.. cũng chật chội, cũng lam lũ, ảm đạm không khác gì nhau. Nam Cao đã phản ánh chân thật cuộc sống tù đọng đến mức ngột ngạt của xã hội Việt Nam vào những đêm trước cách mạng tháng Tám. Những tiếng mắng diếc, hắt hủi, dằn vặt, khóc lóc hàng ngày đã làm mòn dần những rung động, những ước mơ của Thứ, San. Những xích mích vặt vãnh, những ghen tuông, đố kị nhỏ nhen của Thứ, San, Đích, Oanh cũng phơi bày hết trong cái không gian chật hẹp ở trường tư ngoại ô Hà Nội, trong căn gác xép hoặc căn buồng thuê của ông Học. Các nhân vật của Nam Cao dường như muốn thoát ra khỏi không gian ngột ngạt, tù túng ấy nhưng đánh bất lực

Ở ngoại ô làng Thụy, trong căn buồng thuê của gia đình ông Học, Thứ thường nằm dài trên giường suy nghĩ rất lung về cái kiếp sống mòn của mình. Qua dòng tâm tưởng của Thứ, người đọc thấy không gian tâm tưởng hiện ra chủ yếu là không gian làng quê trong quá khứ; không gian ngôi nhà, làng xóm với những cảnh rất đỗi quen thuộc mà Thứ đã từng gắn bó. Không gian làng quê hiện ra trong tâm tưởng Thứ cùng với những kỉ niệm buồn, với những nỗi xót xa, trăn trở dằn vặt, hối hận với gia đình mình. Với không gian tâm tưởng, Nam Cao đã để nhân vật của mình tự phơi bày đời sống phức tạp bên trong con người mình: Ý nghĩa cuộc sống, tình yêu, sự ghen tuông, cách xử thế với bạn, với mọi người xung quanh..

Ở cuối tác phẩm, trong không gian tâm tưởng xuất hiện hai hình ảnh đối lập nhau: Một là hình ảnh "một xó nhà quê", "đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mục ra".. hiện ra trong tâm trạng bi quan, tuyệt vọng của Thứ khi anh rời Hà Nội về quê, hai là hình ảnh về "một tia sáng mong manh. Thứ lại thấy hy vọng một cách vu vơ. Sau chiến tranh này, có lẽ cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, công bằng hơn.. đẹp đẽ hơn..", không gian nghệ thuật của Sống mòn vì thế là không gian mở, gợi ra cho người đọc nhiều suy nghĩ khác nhau.

Là một nhà văn bậc thầy, Nam Cao đã sử dụng linh hoạt các yếu tố thời gian và không gian trong tiểu thuyết Sống mòn. Từ không gian làng quê, thành thị, cho đến căn buồng, nhà ở, Nam Cao đã vươn tới không gian tâm tưởng của con người với những trăn trở, dằn vặt, suy tư.. của các nhân vật trong tác phẩm. Cùng với việc đổi thay không gian, thời gian nghệ thuật cũng được mở ra nhiều chiều, tạo cho tác phẩm có được một giá trị sâu sắc, giúp cho người đọc thấy được cái nhìn và thái độ của nhà văn đối cuộc đời, với xã hội thời bấy giờ. Đó là một cái nhìn vừa thẳng thắn, khách quan vừa giàu chất nhân văn.

Tiểu thuyết Sống mòn với những suy nghĩ, trăn trở về cách sống, mục đích cuộc đời trong niềm xót xa, dằn vặt khôn nguôi đã thể hiện được một cái nhìn thấu suốt của nhà văn về con người, về những uẩn khúc rối ren của cuộc đời. Sống mòn không có những xung đột căng thẳng, không đao to búa lớn mà cứ đời thường giản dị, thông qua các tình huống, các cuộc đời nhân vật, đã nêu bật những giằng xé trong nội tâm, những ước mơ về một tương lai tốt đẹp. Bằng văn phong điềm đạm, cốt truyện đơn giản, Nam Cao đã phản ánh được những điều tồi tệ, nhỏ nhen, tha hóa của nhân cách con người và lòng khát khao thay đổi cuộc sống nhọc nhằn bằng một cuộc đời tốt đẹp và nhân bản hơn. Có thể nói bao trùm lên toàn tác phẩm là một tấm lòng nhân ái, tình người thẫm trong từng trang viết của ông.


Mẫu 2

Sau hơn mười lăm năm cầm bút, Nam Cao đã để lại cho đời sau một khối lượng truyện ngắn cùng tiểu thuyết đồ sộ, tên tuổi ông gắn liền với những tác phẩm văn học nổi tiếng như “Chí Phèo”, “Lão Hạc” hay “Đời thừa”. Trong đó không thể không nhắc đến Sống mòn, một thiên tiểu thuyết hiện thực neo đậu vững chắc trong lòng độc giả xuyên suốt theo năm tháng.

 Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, ông sinh năm 1917 tại huyện Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nam và mất vào năm 1951 tại Ninh Bình. Cả cuộc đời, nhà văn vừa cầm bút viết văn, vừa vác súng chiến đấu bảo vệ nước nhà. Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực, các tác phẩm của ông đã lột tả cho người đọc thấy được cái bản chất xấu xa của xã hội và nhân tính hủ lậu của con người đương thời. Ngòi bút của Nam Cao tập trung chủ yếu vào hai chủ đề: Người tri thức nghèo và người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội cũ, phong cách viết của ông vừa chân thực vừa trữ tình, trào phúng lại không thiếu phần tinh tế.

Tác phẩm Sống mòn được xuất bản vào 1956 với tên ban đầu là Chết mòn, tuy nhiên tiểu thuyết đã hoàn thành vào năm 1944 và được nhà văn Tô Hoài giữ bản thảo trong suốt những năm tháng kháng chiến. Sống mòn là một thiên tiểu thuyết hiện thực dưới ngòi bút của nhà văn thiên tài Nam Cao. Tác phẩm là một bức tranh lột tả cuộc sống cơ cực của những kiếp người bất hạnh bị cái nghèo, cái đói biến thành nô lệ. Sống mòn không phải là một áng văn chương dịu dàng lãng mạn hay trữ tình đẹp đẽ, nó là một tấm gương lớn đặt giữa xã hội đương thời, để người đọc soi vào đó mà thấy được những mảnh đời u tối, bi thảm, chua xót, nhìn quanh bốn bề đều mịt mù ảm đạm.

Mạch văn của tiểu thuyết không nhanh không chậm, xuyên suốt câu chuyện, người đọc dường như chỉ thấy một màu sắc u ám, ảm đạm của cuộc sống quẩn quanh trong hai chữ nghèo khổ. Sống mòn để cho người đọc cảm nhận được một nỗi thống khổ dồn nén trong từng câu từ, như có một cái gì nghẹn lại ở ngực, muốn khóc lại không thể khóc.

Tiểu thuyết không có quá nhiều nhân vật, cũng không có những tình tiết cao trào hay giật gân, nó chỉ xoay quanh cuộc sống thường nhật của những con người sống trong cái kiếp nghèo khổ để rồi bản tính tốt của người ta lại bị bào mòn trong cái đói, cái kém ấy.

Nhân vật chính của câu chuyện là một thầy giáo tên Thứ, anh từ bỏ cuộc sống chốn làng quê và gia đình của mình để lên Hà Thành làm thầy giáo cho một trường tư của anh họ là Đích với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên những mơ ước của Thứ đã dần lụi tàn theo cuộc sống cơ cực nơi tha phương, nhiều mối lo đè nặng lên vai anh, từ chuyện tiền nhà trọ, tiền lương không đủ sống hay bị đối xử ích kỷ, hẹp hòi bởi những người xung quanh. Điều này đã làm cho Thứ có cảm giác như mình đang chết dần đi từng ngày bởi cái vòng lặp nghèo khổ oan nghiệt của cuộc đời. Chính cái nghèo đã thay đổi con người anh và hơn hết là thay đổi cả đời của Thứ.

Nó khiến cho anh và Liên, vợ của mình phải chia đôi hai ngả và làm cho hiểu lầm chồng chất hiểu lầm, những đau khổ, uất ức, tủi hờn của cuộc đời đều do cái nghèo, cái đói gây nên. Cái chết không đáng sợ, đáng sợ là chết trong lúc sống, sự bám riết mòn mỏi và dai dẳng của cái nghèo khiến người ta có cảm tưởng mỗi ngày thức dậy là mỗi ngày tiến gần hơn đến tang lễ của mình. Thứ cũng không ngoại lệ, anh cho rằng rồi mai đây “đời y sẽ sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê…rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống”. Sống dưới mái nhà trọ xập xệ và cáu bẩn, Thứ biết thêm nhiều người mới cũng khổ đau và bất hạnh bởi nghèo.

Như người mẹ trẻ túng bần phải làm quần quật cả ngày để nuôi hai đứa con thơ, chen chúc trong một căn nhà lá chật chội, hàng ngày nhẫn nhục nhìn cảnh chồng quấn quýt, chung chạ với người vợ hai mà không thèm đoái hoài gì đến mình. Như Oanh, một con người có học thức và gia giáo cũng vì cái nghèo mà trở nên ích kỷ nhỏ nhen, cô làm đủ mọi cách để không phải chịu đói, thậm chí Oanh còn sợ phải đứng ra lo ma chay cho vị hôn thê đang hấp hối của của mình, cô không muốn làm điều đó mà cũng chẳng có khả năng làm. Như những đoàn người ăn mặc rách rưới bẩn thỉu nơi đầu đường xó chợ chỉ chực chờ sự bố thí của những kẻ giàu có để kiếm miếng ăn. Cái nghèo bao trùm lên cuộc đời của tất cả những con người ở tầng lớp thấp. Nó khiến người ta trở nên cục súc, cáu bẳn hơn bao giờ hết và nghèo còn khiến tâm hồn, lý tưởng của một con người bị mài mòn đi trong từng giờ khắc.

Như thế có thể thấy, tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao được thu lại trong cuộc sống thường nhật của người tri thức nghèo, không tô vẽ cũng không làm hoa mỹ tình tiết, tuy nhiên vẫn giữ được tính thẩm mỹ của câu từ.

Bằng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả ngay từ những trang văn đầu tiên. Sống mòn là một thiên tiểu thuyết hiện thực thành công bật nhất của Nam Cao, mặc dù không thể vượt qua cái bóng của Chí Phèo nhưng tác phẩm này cũng đã neo đậu lại trong lòng rất nhiều khán giả suốt một thời gian dài.

Đến khi gấp lại cuốn tiểu thuyết, người đọc dường như vẫn chưa thoát ra được khỏi sự ảm đạm và bí bách mà nó mang lại, một bức tranh về hiện thực khắc nghiệt về quá trình biến đổi bản chất của con người trong sự nghèo đói. Sống mòn giống như tiếng gọi đàn, là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu, một điều không thể phủ nhận, cuốn tiểu thuyết này chính là kiệt tác vĩ đại thăng hoa từ mảnh đất hiện thực màu mỡ, rất đáng để chúng ta đọc một lần.


Mẫu 3

Nhắc đến Nam Cao, độc giả nhớ ngay đến phong cách viết chân thực và giản dị nhưng có khả năng nâng tầm những điều bình thường thành nghệ thuật. Những áng văn tinh tế nhất của Nam Cao luôn nằm ở các đoạn miêu tả nội tâm giằng xé của nhân vật.
Sống mòn đã tái hiện chân thực cuộc đấu tranh tư tưởng giữa theo đuổi ước mơ hay chạy theo cơm áo gạo tiền của thầy Giáo Thứ – nhân vật chính trong truyện xuất thân là một thanh niên được học hành tử tế, có hoài bão, có chí hướng cống hiến cho đời. Sau khi lấy được bằng Thành chung, Thứ vào Sài Gòn bắt đầu con đường mưu sinh. Sau 3 năm vật lộn nơi đất khách quê người, sống vất vả giữa nghèo khó và bệnh tật, Thứ phải bỏ về quê và chịu cảnh thất nghiệp. Thứ được anh họ mời về giảng dạy tại một trường tư. Ban đầu, Thứ dốc hết lòng với nghề giáo nhưng bất mãn vì chỉ được trả đồng lương còm cõi, lại còn bị bớt xén khẩu phần ăn hàng ngày. Khó chịu, chán nản, có những lúc Thứ muốn phản kháng nhưng lại tự vấn bản thân vì xấu hổ và ân hận… Chẳng biết từ khi nào, vì điều gì, những ước mơ thuở thiếu thời của y đã bị thui chột.

Thứ bị cái nghèo, cái nhỏ nhen đẩy đến cảnh sống mòn. Đến kỳ nghỉ hè, Thứ những mong tâm hồn được nghỉ ngơi nhưng lại phải đối mặt với những chuyện khó chịu ngay tại thôn quê và trong chính gia đình mình. Trở lại Hà Nội, Thứ gặp chuyện bất ngờ khi trường học phải đóng cửa. Thứ buộc lòng phải trở về quê, anh chua chát nghĩ lại cuộc đời phải chết khi chưa kịp sống. Lúc này, anh chấp nhận với tình cảnh khốn khổ sẽ đến ngay với mình. Tuy nhiên khi nghĩ về tình thế chiến tranh đang xảy ra, đột nhiên trong đầu anh chợt có một niềm tin len lỏi rằng mọi thứ trong tương lai sẽ tốt đẹp và rộng mở hơn.
“Nhưng nay mai, mới thật buồn”. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!... Nghĩ thế thì y thấy nghẹn ngào, thấy uất ức vô cùng!"
Về tên tác phẩm, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu chia sẻ: Bản thảo tiểu thuyết SỐNG MÒN (1944) ban đầu vốn được tác giả đặt tên là CHẾT MÒN. Đã có nhiều nghiên cứu phân tích hàm ý có thể được gợi ra từ hai nhan đề này, trong đó phổ biến nhất có lẽ là nhận định cho rằng cái tên SỐNG MÒN làm nổi bật ý nghĩa bi kịch của tác phẩm. Đó là bi kịch của những con người "chết ngay trong lúc sống" - một tình trạng mà Thứ, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, tự nghiệm về bản thân cũng như những kiếp sống xung quanh. Thứ cay đắng và chua chát khi nhận ra rằng, dù anh có nhường cơm của mình cho mọi người thì cũng chả ai dám ăn. Kết thúc đoạn trích là cảnh Thứ ngồi ăn cơm một mình mà “Y ngồi thần mặt, buông đũa, quên cả đường ăn. Y chợt nhận ra bà y, mẹ y, vợ y, các em y thật là khổ… Miếng cơm nghẹn lại, y phải duỗi cổ ra để nuốt đi. Và thiếu một chút nữa là y đã òa lên khóc…”. Miếng cơm nghẹn lại hay cũng chính là sự bất lực và bế tắc của Thứ trước cuộc sống nghèo khổ của bản thân và gia đình.
Nhân vật của Nam Cao thường băn khoăn vì sao con người ta vẫn cứ có thể chịu đựng để sống một đời sống không đúng nghĩa, nơi sống, rốt cục, biến thành việc hành hạ lẫn nhau và hành hạ bản thân mình. Thứ đã tự ý thức rất rõ: sống - theo nghĩa trọn vẹn nhất của nó - cần phải trở nên như thế nào. Sống, với Thứ, phải gắn với ý nghĩa, phải tạo nên ý nghĩa, phải vượt lên trên trạng thái tồn tại bản năng đơn thuần và vượt lên cả giới hạn của một đời sống cá nhân.

 Nhà văn Nam Cao đã thành công khi miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của Thứ, cũng là của những người trí thức nghèo trong xã hội đương thời trước 1945, những “giáo khổ trường tư” là những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có hoài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý nhưng lại bị gánh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa trong xã hội. Nhà văn kịch liệt phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người. Đồng thời nói lên khát vọng, một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.

Tiểu thuyết Sống mòn tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả tâm lý của nhà văn Nam Cao ở đề tài trí thức tiểu tư sản khi đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật ông giáo Thứ với những mâu thuẫn giằng xé giữa một bên là nhu cầu tối thiểu của bản thân và một bên là gánh nặng và trách nhiệm với gia đình. Nam Cao đã chân thực đến tàn nhẫn, bóc tách từng lớp lang sâu kín ở lòng người. Cũng như cuộc đời, đôi khi ở đó sự ích kỷ tầm thường chiến thắng, nhưng trong phần lớn trường hợp, nhân vật Thứ – với bản chất trung thực và khả năng tự kiểm điểm mình sâu sắc – vẫn hướng tới những điều trong lành, tốt đẹp.
Sống mòn là một tiểu thuyết văn học hiện thực lột tả đời sống thường ngày của tầng lớp trí thức trong xã hội xưa, nhưng những vấn đề vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Qua đó nhà văn Nam Cao kịch liệt phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người. Đồng thời nói lên khát vọng, một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"