Viết bài văn Nghị luận về hiện tượng bán hàng rong lớp 10

2024-09-14 10:58:18

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận - hiện tượng bán hàng rong ở Việt Nam

2. Thân bài

a. Hàng rong ở Việt Nam:
- Bán hàng rong có thể được xem là một trong những hoạt động bán lẻ truyền thống của nước ta.
- Đến ngày hôm nay đất nước đã có nhiều thay đổi thế nhưng gánh hàng rong cũng không vì thế mà mất đi hoàn toàn, chỉ khác rằng những thức bán đã thay đổi, cách bán cũng đổi khác đi nhiều.
- Hình thức: Các loại xe thồ, xe đẩy được chế tạo phù hợp với công việc bán buôn, mặt hàng phong phú, đa dạng từ hoa quả, đồ ăn, đồ gia dụng...

- Lý do tồn tại:
+ Tâm lý thích những cái đơn giản, tiện lợi chưa quen với hàng quán của nhiều người lao động Việt Nam.
+ Giá cả thấp nên hàng rong phù hợp với đa số cư dân có mức thu nhập thấp như công nhân, sinh viên, người lao động chân tay.
+ Cái "thú" hàng rong đã có từ lâu đời của ông cha ta, luôn cảm thấy những món ăn ở vỉa hè có một cái vị ngon, dân dã hơn so với việc bước vào hàng quán cầu kỳ.
→ Không thể nói rằng bán hàng rong là một nét đẹp trong văn hóa đô thị, thế nhưng đó cũng lại là một đặc trưng rất riêng của Việt Nam ta.

b. Thực trạng:
- Việc buôn bán hàng rong đang ngày càng làm mất mỹ quan, ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội.
- Những quán hàng rong khó có thể đáp ứng được nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm:
+ Bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như ruồi nhặng, khói bụi ô nhiễm,...
+ Bàn ghế, chỗ ngồi tạm bợ, dụng cụ ăn uống lại không được vệ sinh kỹ càng.
+ Người bán hàng rong cũng ít khi chu toàn đến việc bố trí sọt rác.
+ Giá cả cạnh tranh, những gánh hàng rong thường cung cấp thức ăn với giá rẻ hơn rất nhiều so với những hàng quán khác →Nguồn nguyên liệu đầu vào có thực sự đảm bảo?
→ Nguy cơ nhiễm bệnh, ngộ độc thực phẩm khi ăn uống ở những quán hàng rong là vô cùng lớn, khiến chúng ta phải cân nhắc.
- Việc buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, gây mất mỹ quan đô thị, ách tắc giao thông, đây không chỉ là hành vi chiếm dụng của công, mà còn vi phạm luật dân sự, có thể bị phạt hành chính.
- Hình ảnh người bán hàng rong chặt chém khách, chèo kéo gây phiền nhiễu đã để lại một hình ảnh xấu trong mắt bạn bè quốc tế, ảnh hưởng lớn đến việc quảng bá ngành du lịch Việt Nam.

3. Kết bài

- Nêu cảm nhận cá nhân.


Mẫu 1

Xã hội đương đại mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển và lựa chọn nghề nghiệp, từ bác sĩ, giáo viên đến kiến trúc sư,... Tuy nhiên, vẫn có những người vì khó khăn mà chọn con đường kinh doanh hàng rong, đi qua mọi khó khăn để kiếm miếng cơm manh áo. Dù ở bất kỳ ngành nghề nào, đó cũng là một công việc chân chính, kiếm sống bằng sức lao động của mình. Nhưng việc hàng loạt các gánh hàng rong trên đường phố cũng đặt ra nhiều vấn đề và lo ngại cho xã hội.

Gánh hàng rong đã từng là biểu tượng của sự đa dạng và phong cách bán lẻ trong nền văn minh xưa, nơi bà con hội tụ để giao lưu, chia sẻ món ngon. Thế nhưng, dù thời gian đã thay đổi, hình ảnh đó đã phai nhạt, nhường chỗ cho sự hiện đại với các loại xe bán di động. Mặc dù vậy, nghề bán hàng rong vẫn tồn tại và phát triển, thu hút người lao động thu nhập thấp với mong muốn giữ gìn nét văn hóa ẩm thực truyền thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự hiện đại không phải lúc nào cũng gặp nhau thân thiện với nét truyền thống, khi hàng rong đôi khi gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tạo nên những lo ngại cho xã hội hiện đại.

Dù đã có những đóng góp tích cực vào văn hóa ẩm thực, nhưng bán hàng rong cũng mang theo những thách thức đối mặt với sự mất mỹ quan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đô thị. Việc này không chỉ là vấn đề nội dung, mà còn là hình ảnh và ảnh hưởng đến ngành du lịch, khi mà quốc tế đặt nhiều mong đợi vào sự giao thoa văn hóa và môi trường sống sạch sẽ. Đồng thời, giá cả cạnh tranh và thiếu minh bạch về nguồn nguyên liệu cũng làm tăng nguy cơ về an toàn thực phẩm, khiến người tiêu dùng phải đặt ra những nghi ngờ về chất lượng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Cần có sự đồng thuận và giải pháp từ cả cộng đồng để giữ gìn vẻ đẹp văn hóa, đồng thời đảm bảo an toàn và sạch sẽ trong bối cảnh đô thị hiện đại ngày nay.

Để giải quyết những tình trạng nói trên, mong rằng chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp hợp lý để quản lý việc kinh doanh hàng rong, nhằm tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng. Mặc dù vấn đề này không phải là điều dễ dàng giải quyết ngay trong thời gian ngắn, nhưng cần sự nỗ lực từ toàn bộ xã hội qua từng giai đoạn, để hướng tới một xã hội văn minh, sạch sẽ và an toàn.


Mẫu 2

Hiện nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu của con người ngày càng tăng cao. Nhưng hàng rong vẫn duy trì cách buôn bán theo kiểu cũ, điều này đã gây ra không ít bức xúc trong xã hội. Cách chế biến thực phẩm sơ sài, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán lấn chiếm vỉa hè lòng đường gây ách tắc giao thông, rác thải xả bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường…

Vấn đề bán hàng rong, chính quyền đã nhiều lần vào cuộc, nhắc nhở, cảnh cáo và đến mức phải tịch thu hàng hóa của một số cá nhân bán rong dù họ không muốn. Tất cả chỉ để trật tự đô thị được đảm bảo, tuy nhiên mặc kệ mọi sự cấm cản, những gánh hàng rong vẫn cứ thế hoạt động. Né tránh thu hẳn gian hàng khi có lực lượng trật tự đô thị đi qua và sau đó mọi thứ đâu lại vào đấy, không hề có thái độ nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ.

Đi đường, hết tránh anh bán cóc, đến chị bán ổi rồi lại cô bán cam,… và rất nhiều mặt hàng khác nữa. Gây ùn tắc đã đành, các gánh hàng rong có thể cũng chính là nguyên nhân gây tai nạn giao thông khi khách mua hàng đỗ xe đột ngột, đỗ xe không đúng chỗ, đột ngột rẽ hướng mua hàng.

Các gánh hàng rong cũng gây ảnh hưởng không tốt đến mỹ quan đô thị, rất nhiều các gánh hàng rong buôn bán rồi xả rác bừa bãi, làm xấu đi cảnh quan môi trường. Cô Nguyễn Thị Thu - Nhân viên bảo vệ môi trường thủ đô cho biết: “Hàng ngày chúng tôi phải đi quét dọn trên khắp các tuyến phố nhưng khi vừa quét xong đi khỏi sang bên kia đường quay lại thì đâu lại đây, bảo sao môi trường không thể sạch được vì những gánh hàng rong cứ đua nhau bày ra.”

Bên cạnh đó, rất nhiều câu hỏi được đặt ra rằng liệu thực phẩm từ những gánh hàng rong có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Gánh hàng rong luôn được biết đến và ưa chuộng bởi giá rẻ nhưng về độ an toàn thì không có căn cứ gì để đảm bảo.

Tuy nhiên nhìn ở góc độ nào đó, những người bán hàng rong họ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, kiếm chút tiền gửi về nuôi con ăn học ở quê. Cô Nguyễn Thị Hạnh quê tại Hưng Yên lên Hà Nội sinh sống cho biết: “Tôi là người dân thập phương đến đây đi làm để nuôi sống gia đình, tiền không có làm vốn để thuê địa điểm nên phải đi bán hàng rong trên thế này vì cuộc sống mưu sinh và cũng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.”

Tuy vậy, không thể vì nghèo, vì quá khó khăn mà xem nhẹ luật pháp, không cấm việc buôn bán hàng rong nhưng phải buôn bán sao cho đúng cách, đảm bảo trật tự an toàn đô thị, góp phần tạo nên mỹ quan đẹp cho thành phố.


Mẫu 3

Bán hàng rong là một việc làm chân chính, những người bán hàng rong là những người lao động chân chính, đáng tôn trọng. Tuy nhiên, do ý thức công cộng chưa cao nên họ đã để lại những hệ quả xấu đến môi trường, đến giao thông. Việc bán hàng rong trên đường phố hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Thật vậy, trong cuộc sống hôm nay, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh và trình độ văn hóa của con người ngày càng được nâng cao. Một trong những việc chúng ta cần phải có ý thức và hành động góp phần làm cho đường phố ngày càng văn minh hơn, đó chính là chúng ta phải biết bảo vệ môi trường, nghĩa là chúng ta phải giữ gìn đường phố sạch đẹp, không vứt rác bừa bãi xuống đường phố. Thế nhưng, còn rất nhiều người thiếu ý thức về việc này, trong đó có những người bán hàng rong. Bán hàng rong là một nghề lao động chân chính, không có gì xấu xa cả. Những người bán hàng rong là những người lao động nghèo thật thà, chất phác, quanh năm vất vả với gánh hàng rong của mình để nuôi cả gia đình. Những gánh hàng rong của họ như những gánh bún, gánh chè, gánh đậu hũ, những xe đẩy trái cây, bắp nâu, bắp xào, xôi, dừa… của họ đã phục vụ khá hiệu quả cho đời sống những người lao động nghèo, có thu nhập thấp, nhất là tầng lớp công nhân. Nhưng bên cạnh đó, những người bán hàng rong đã để lại nhiều vấn đề mà cả xã hội quan tâm như vấn đề vệ sinh thực phẩm, vấn đề môi trường, vấn đề giao thông.
Chúng ta mong sao nhà nước ta có nhiều biện pháp, nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của họ về môi trường, về trật tự giao thông, về văn minh đô thị để họ trở thành một nhân tố góp phần xây dựng một nếp sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn.


Mẫu 1

Trong cuộc sống, con người chúng ta có nhiều cách để mưu sinh: có người sống bằng những thành quả học tập, nghiên cứu khoa học của mình như những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo; có người sống bằng kinh doanh; có người sống bằng sức lao động chân tay của mình; và bên cạnh đó có những người dân lao động nghèo khổ sống bằng nghề bán hàng rong. Việc bán hàng rong trên đường phố hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Thật vậy, trong cuộc sống hôm nay, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh và trình độ văn hóa của con người ngày càng được nâng cao. Một trong những việc chúng ta cần phải có ý thức và hành động góp phần làm cho đường phố ngày càng văn minh hơn, đó chính là chúng ta phải biết bảo vệ môi trường, nghĩa là chúng ta phải giữ gìn đường phố sạch đẹp, không vứt rác bừa bãi xuống đường phố. Thế nhưng, còn rất nhiều người thiếu ý thức về việc này, trong đó có những người bán hàng rong. Bán hàng rong là một nghề lao động chân chính, không có gì xấu xa cả. Những người bán hàng rong là những người lao động nghèo thật thà, chất phác, quanh năm vất vả với gánh hàng rong của mình để nuôi cả gia đình. Những gánh hàng rong của họ như những gánh bún, gánh chè, gánh đậu hũ, những xe đẩy trái cây, bắp nấu, bắp xào, xôi, dừa… của họ đã phục vụ khá hiệu quả cho đời sống những người lao động nghèo, có thu nhập thấp, nhất là tầng lớp công nhân. Nhưng bên cạnh đó, những người bán hàng rong đã để lại nhiều vấn đề mà cả xã hội quan tâm như vấn đề vệ sinh thực phẩm, vấn đề môi trường, vấn đề giao thông.

Những người bán hàng rong phần lớn ít quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Những thức ăn của họ không được bao bọc cẩn thận, mặc sức cho bụi bặm và ruồi nhặng bám vào, thực phẩm của họ không đảm bảo vệ sinh, nên người tiêu dùng sử dụng những thức ăn ấy dễ bị ngộ độc. Hơn nữa những người bán hàng rong còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường, họ thường xả rác bừa bãi trên đường phố, hè phố, vứt rác xuống sông và kênh rạch làm mất vẻ mỹ quan thành phố, làm nghẽn dòng chảy của những dòng sông và kênh rạch ấy. Chính họ là những người góp phần hủy hoại môi trường sống. Ngoài ra, những người bán hàng rong còn lấn chiếm lòng đường, lề đường để buôn bán, gây trở ngại rất nghiêm trọng việc giao thông. Nhiều lần họ đã được các cấp chính quyền như cảnh sát bảo vệ môi trường, cảnh sát giao thông, dân phòng nhắc nhở nhiều lần nhưng họ vẫn tiếp tục vi phạm đến nỗi vật dụng và phương tiện buôn bán của họ bị thu giữ, nhưng rồi họ lại tái phạm.

Việc dẹp nạn bán hàng rong trên đường phố là một việc không phải dễ, rất phức tạp, chúng ta phải làm sao cho có lý, có tình, hợp với lòng nhân đạo. Để làm được việc này, tôi thiết nghĩ trước tiên chúng ta phải giáo dục ý thức công cộng thường xuyên cho đội ngũ này, sau đó nếu họ cố tình vi phạm chúng ta phải dùng biện pháp mạnh, về lâu, về dài nhà nước cần phải hỗ trợ, quy hoạch, tạo công ăn việc làm cho những người lao động này thì mới mong dứt điểm việc bán hàng rong bừa bãi trên hè phố.

Tóm lại, bán hàng rong là một việc làm chân chính, những người bán hàng rong là những người lao động chân chính, đáng tôn trọng. Tuy nhiên, do ý thức công cộng chưa cao nên họ đã để lại những hệ quả xấu đến môi trường, đến giao thông. Chúng ta mong sao nhà nước ta có nhiều biện pháp, nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của họ về môi trường, về trật tự giao thông, về văn minh đô thị để họ trở thành một nhân tố góp phần xây dựng một nếp sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn.


Mẫu 2

Ở các thành phố lớn, đông dân, bán hàng rong là việc không thể tránh khỏi, nhất là ở các khu tập trung đông công nhân, học sinh, sinh viên. Thậm chí gần các trung tâm thương mại dịch vụ, vào giờ nghỉ ăn trưa, thì cơm trưa lưu động là cách giải quyết nhanh nhất, tiện gọn cho các cô gái bán hàng từ các shop túa ra.

Tôi còn nhớ, trước đây ở khu vực công viên Chi Lăng quận 1, tôi đã gặp khá nhiều các cô gái mặc váy ngắn đồng phục, hay các anh trai áo sơ mi tay dài, cà vạt, xúm quanh các gánh cơm. Xét cho cùng, việc các nhân viên bán hàng môi son má hồng, đầm ngắn váy túm, nhưng phải chân thấp chân cao, ghé mông trên các bờ xi măng công viên để ăn vội vàng dĩa cơm trong tư thế chồm hổm có, bẹp chân đại trên bờ lề có, nhìn vào thật là kỳ cục, nhưng có còn cách nào khác nữa khi các ông bà chủ không cho mang theo lon, hũ đựng cơm trưa và không được ngồi ăn trong quầy hàng và quan trọng nữa là thời gian cho phép ăn trưa thường thường chỉ là khoảng 15-30 phút, một khoảng thời gian quá eo hẹp để có thể chạy xe tới các hàng quán khác.

Các gánh cơm, xe đẩy cơm lưu động đã kịp thời đáp ứng nhu cầu này. Tương tự cảnh này cũng thường thấy ở các công trường xây dựng với lượng công nhân lên tới con số vài trăm thợ, hay ở quanh các trường đại học,cao đẳng, số sinh viên đi tìm cơm trưa lên tới con số ngàn.

Hàng rong không chỉ có cái ăn, cái uống. Nó còn phục vụ đủ các nhu cầu của người mua. Hễ có mua là có bán. Bán tận tay, bán kịp thời. Người mua là dân ít tiền thì người bán cũng là dân nghèo khó. Người mua cần món gì thì người bán sẽ đáp ứng ngay. Một cơ hội giao thương nhanh chóng diễn ra. Không cần mặt bằng tốn tiền thuê, không cần chi phí trang trí, quảng cáo trên báo, đài. Không bandroll, tờ bướm, không cần đèn chớp đỏ, chớp xanh. Không phải nộp thuế gì hết. Và thường người bán cũng không nói thách nhiều.

Đa số người bán loại này là dân từ các vùng quê nghèo khổ, lên thành phố mưu sinh độ nhật, và cũng là loại người buôn bán bị chính quyền "hốt" nhiều nhất vì vi phạm trật tự lòng lề đường. Đã khổ càng thêm khổ. Vốn liếng đã ít lại nhiều nguy cơ mất trắng vì không có tiền nộp phạt để lấy lại tài sản, hàng hóa kinh doanh (thực chất chỉ là cái xe đạp cũ mèm, hay gióng gánh, xoong nồi, chẳng đáng bao nhiêu tiền so tiền phạt). Loại hàng rong này lại là nguyên nhân gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Thậm chí không phải là hàng thực phẩm nhưng cũng góp phần lây truyền bệnh như bán quần áo cũ.

Một vấn đề đặt ra cho chúng ta là giải quyết như thế nào đối với những người bán hàng rong loại này? Đối với những người bán các mặt hàng không phải là nhóm hàng thực phẩm (như quần áo, sách lậu, nón dép, gốm sứ…), vi phạm là chiếm dụng lề đường và làm mất vẻ đẹp công cộng thì có cần xử lý mạnh tay như nhau không? Tôi đã từng chứng kiến vào một buổi sáng trên đường phố của một quận trung tâm, sau khi đi một vòng nhằm dọn dẹp lề đường, mặc dù rất nhiều hàng quán bày bàn ghế, xe cộ, bảng hiệu chiếm hết lối đi bộ, nhưng sau cùng trên chiếc xe hơi chở tang vật về phường chỉ là gióng gánh của một chị bán bánh tàn ong, bông lan (có lẽ để có cái mà… báo cáo). Luật pháp đã không được thực hiện nghiêm minh và công bằng. Những kẻ có giấy phép kinh doanh và có đủ người để kéo ngay các vật dụng vi phạm lề đường của mình vào sát lề thì lọt lưới, còn ai buôn bán cô đơn, chậm tay chậm chân thì bị túm là điều chắc chắn.

Nhưng nếu nói về hàng rong ăn uống, chỉ đề cập đến người bán nghèo khổ thì chưa hẳn đủ. Có những xe đẩy tủ kính, inox sáng choang, trên xe đầy tú hụ các món ăn hấp dẫn, dĩ nhiên là giá không bình dân chút nào, người bán có khi đeo vàng đầy tay, gia nhân đi xe máy xịn, nhưng vẫn bán rong! Họ là ai? Chắc chắn không phải dân nhập cư nghèo khó như đã nói ở trên. Có gọi họ là hàng rong được không? Được, bởi vì họ không bán cố định trong nhà mà đẩy đi bán ở lề đường, thậm chí chiếm luôn cả lòng đường để kê bàn ghế cho khách ngồi. Không, bởi vì họ không thuộc loại nghèo khổ, kiếm lời độ nhật. Thôi, tạm gọi họ là “hàng rong cao cấp” vì hầu như họ chẳng bao giờ bị bắt, bị tịch thu phương tiện. Có thể gặp dạng này ở quanh khu trung tâm thành phố và nhiều nơi sang trọng khác.”Buôn có ô, bán có dù”. Chỉ khi nào nhà nước có chiến dịch lớn, được thông báo ngầm, thì họ tạm xếp gọn lại cho qua chiến dịch!

Một dạng hàng rong khác nữa là kính mát, bưu thiếp, bản đồ, áo thun… đeo bám du khách nước ngoài. Đeo dai như đĩa và nói thách trên trời. Giành khách chửi thề vang rân. Miệng thì mời khách nhưng nếu khách mất cảnh giác thì trổ ngón nghề móc túi khách. Loại hàng rong này thiết nghĩ phải dẹp ngay. Nhưng họ có vi phạm cụ thể gì đâu để mà dẹp? Họ có lấn chiếm lề đường đâu? Họ có gây ô nhiễm đường phố đâu? Nếu có gây, thì chỉ làm mang tiếng xấu bộ mặt du lịch Việt Nam, nhưng luật pháp chưa quy định để xử phạt và cụ thể là địa phương khó mà có cớ để tịch thu phương tiện bán hàng của họ. Chỉ khi nào họ gây lộn giành khách, gây rối trật tự công cộng thì mới bị bỏ lên xe về phường lập biên bản!

Cuối cùng là dạng hàng rong “chợ trời”. Dọc đường Phó Đức Chính quận 1, họ bày bán công khai cả ngày đủ các món hàng phụ tùng điện máy, giày dép… Có thể là hàng chôm chỉa, hàng dỏm đánh bóng lừa bịp khách nhẹ dạ.

Thực sự mà nói, chỉ ở thành phố, nơi đông dân mới có phát sinh nhiều hàng rong. Hàng rong không chỉ là dạng nghèo như đã kể mà còn biến tướng như bán hàng bằng xe gắn máy (bán nước ngọt, cà phê ở vòng vòng các khu phố sang trọng như Phú Mỹ Hưng). Hay bán bằng xe tải nhẹ đậu dọc lề đường ở các vùng hơi xa trung tâm (bánh ngọt, thơm, dưa hấu…). Họ có đóng thuế không? Chắc chắn là không.

Nói đến chuyện bắt, tịch thu hàng hóa bán rong thì có lẽ người ta nghĩ nhiều đến những người bán rong buổi tối, khi mặt trời đã lặn,khi giờ hành chính đã khép, nhưng lực lượng trật tự đô thị của phường vẫn còn hoạt động sôi nổi. Khi “xe cây” của phường chạy qua (có lẽ chỉ những quý độc giả lứa tuổi trung niên trở lên mới có thể liên tưởng đến danh từ “xe cây” hồi trước 1975), thì “hàng rong cao cấp” vẫn bình chân như vại, chỉ “hàng rong tép riu”, “hàng rong nhái bén” nếu không nhanh mắt, nhanh tay tém dẹp lẹ thì chắc chắn hàng hóa, phương tiện bán hàng sẽ được hân hạnh lên xe cây về nghỉ ngơi ở kho tang vật. Bán hàng lấn chiếm lề đường thì phải bị tịch thu, mặc dù có khi cái lề đường rộng mênh mông, miếng nilon trải ra bày bán chỉ vỏn vẹn 1 mét vuông. Nhưng vẫn là vi phạm. Cái đáng nói ở đây là hàng rong cao cấp. Khách bộ hành phải “xuống đường” chen chân cùng xe cộ dập dìu, vì lề đường để dành cho bàn, ghế, dù….thậm chí nắp cống cũng bị xây bít để khách ăn không bị mùi metan xộc vào mũi. Mưa lớn, nước mưa không có đường rút, đường biến thành sông là vì thế!

Bán hàng rong cỏn con như trên chẳng ai làm giàu được, chỉ cầu mong có chén cơm, bát cháo sống qua ngày, bán để kiếm chút đồng lời làm người lương thiện, để tránh cảnh “bần cùng sinh đạo tặc”. Chỉ mong sao nhà nước tạo nhiều công ăn việc làm hay tạo lập nơi chốn cho người cùng khổ buôn bán hợp pháp trong hoàn cảnh quá khốn khó này. Mong người người góp sức, giúp ý kiến để mai này xã hội ta không còn cảnh buôn bán luộm thuộm, bầy hầy. Mong lắm thay!


Mẫu 3

Hàng rong đã có từ rất lâu, là một phần của cuộc sống con người Việt Nam từ xa xưa. Về nguồn gốc, gánh hàng rong xuất phát từ họp chợ – nơi người ta mang vác, gánh thồ món hàng của mình để bán, trao đổi với người khác. Dần dần, để tăng doanh thu, người ta mang món hàng của mình đến từng làng, con hẻm, khu dân cư, nơi tập trung đông người để bán buôn.

Hàng rong đáp ứng nhu cầu rẻ, tiện lợi do hàng rong được bán bởi đa số là dân nghèo, vất vả lao động để kiếm sống, gánh nặng món hàng khắp nẻo đường để mang đến cho khách hàng. Ngày nắng thì cực nhọc, ngày mưa thì người bán hàng rong tràn ngập nỗi lo ế ẩm.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu con người ngày càng được tăng cao. Hàng rong vẫn duy trì cách bán buôn theo kiểu cũ, gây ra những bức xúc nhất định như chế biến thực phẩm sơ sài, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… và gần đây là cao điểm lấn chiếm lòng lề đường, bị nhân viên trật tự đô thị "hốt" gây phản cảm, bức xúc cho dư luận.

Về pháp luật, lòng đường, lề đường, hè phố được sử dụng cho mục đích giao thông. Không một cá nhân, tổ chức nào được tự ý chiếm lòng đường, lề đường, hè phố để sử dụng cho mục đích cá nhân. Hàng rong cũng không ngoại lệ (Điều 35 khoản 2 điểm a Luật Giao thông đường bộ 2008 – "Không được thực hiện các hành vi sau đây: – Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ").

Phương tiện, tang vật của người bán hàng rong là chiếc xe đẩy tay, cái xô, cái nồi, bàn, ghế cho đến cái nhỏ nhất có thể là bịch bánh, trái cây… Phương tiện, tang vật có thể bị tạm giữ hoặc tịch thu (Điều 26 – Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Về thẩm quyền xử lý thì lực lượng trật tự đô thị được UBND thành phố, quận thành lập dưới sự chỉ đạo của mình để kiểm tra, xử lý về vấn đề buôn bán, để xe lấn chiếm lòng, lề đường và các nhiệm vụ khác.

Chính vì vậy, công việc của họ là hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật bảo hộ. Những cảm nghĩ của một số người thiếu hiểu biết về pháp luật thường là cảm giác cá nhân và hoàn toàn không có căn cứ về luật pháp.

Cuộc sống cũng có mảng tối, mảng sáng. Con người luôn hướng tới cái thiện, cái đẹp, thậm chí phớt lờ mảng tối để nhìn nơi có ánh sáng tươi sáng. Thế nhưng mảng tối vẫn tồn tại khách quan và không bao giờ biến mất theo lối tư duy: không biết là không có.

Gánh hàng rong tạo điều kiện cạnh tranh không công bằng về giá cả thực phẩm chế biến đối với quán ăn, nhà hàng. Nguyên nhân: quán ăn, nhà hàng đều phải đóng thuế kinh doanh, chi phí mặt bằng, đào tạo an toàn vệ sinh thực phẩm, dụng cụ chế biến phải được rửa sạch sẽ, khô ráo và được kiểm tra thường xuyên.

Hàng rong thì không! Tô chén, đũa muỗng được tráng qua bằng một xô nước nhỏ rồi lau khô bằng một giẻ lau cáu bẩn. Bán nơi này xong, họ lại di chuyển nơi khác. Khi người ăn bị ngộ độc thực phẩm như: tiêu chảy, ói mửa thì câu trả lời (nếu như gặp lại người bán) là: người ta ăn có bị gì đâu?! Chắc tại anh/chị bụng yếu! Thế là trách nhiệm được đổ vào chính quyền quản lý.

Thế nhưng… người bán hàng rong đa phần là dân nghèo: một số ít tại địa phương và phần lớn là dân nhập cư. Họ vì miếng cơm manh áo, phải mang gánh, vác nặng, thậm chí phải vay nóng để lấy vốn buôn bán. Họ sẵn sàng đánh nhau để tranh giành chỗ bán có đông người. Một số ít không tranh giành được thì đi thuê hoặc mua lại phần lề đường mà người bán trước buôn bán để lại với giá không tưởng; hoặc phải gánh hoặc đẩy hàng rong trên các nẻo đường. Họ là những tầng lớp bần cùng nghèo khổ của xã hội…

Ai cũng biết TP.HCM là nơi tập trung kinh tế, văn hóa, dịch vụ hàng hóa đứng đầu của cả nước. Người nghèo cũng nghĩ vậy! Họ di dân vào thành phố, thuê nhà trong những phòng trọ rẻ tiền, chật chội, nóng nực để buôn bán hàng rong, nấu nướng trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, thậm chí có thể gây hỏa hoạn giữa khu ổ chuột, để mong được đổi đời giữa thành phố tráng lệ.

Họ thà sống trong cực khổ, kiếm cái ăn hằng ngày với mong ước đổi đời còn hơn quay lại quê hương để mãi sống trong kiếp nghèo.

Họ bị xua đuổi bởi những người bán khác, bị lực lượng trật tự đô thị tạm giữ (để phạt) hay tịch thu tang vật là chiếc xe đẩy, là gióng gánh hay cái nồi, cái lò nướng… khi buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, xả rác, đổ nước thải gây mất vệ sinh…cuộc sống nghèo càng khổ thêm trong nền kinh tế khó khăn chung.

Mặt khác, giữa thành phố quá đông dân cư và khách du lịch, những điểm đen về hàng rong chèo kéo, chặt chém giá, thậm chí dàn cảnh để trộm, móc túi của khách du lịch đã gây nên hình ảnh xấu xí, méo mó về một đất nước Việt Nam xinh đẹp mà họ nhìn thấy trên các tờ bướm du lịch. Những người khách du lịch xui xẻo thề sẽ không bao giờ quay lại Việt Nam.

Là người Việt, bạn nghĩ như thế nào?

Đã biết bao trang báo, đài nói lên thực trạng hàng rong, những giải pháp chẳng ai đề ra được. Nguyên nhân là: không cơ quan nào đủ sức kiểm soát được hàng rong, trong khi dân nhập cư vốn không ổn định về chỗ ở và bán buôn không cố định ở nơi nào và điệp khúc đuổi, dọn dẹp vẫn diễn ra hằng ngày.

Bao công sức làm việc, dọn dẹp lòng lề đường của người đô thị bỏ sông, bỏ biển vì: dọn nơi này, họ bán nơi khác; quét nơi này, họ xả nơi khác. Vấn đề cơ bản là: người nghèo còn là còn buôn bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường. Vấn đề này không phải một năm, hai năm có thể giải quyết được!

Đây không phải là vấn đề nhỏ. Đã đến lúc các cơ quan, ban ngành cần bắt tay nhau giải quyết để không còn xảy ra sự việc đáng tiếc như vụ ở phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) mới đây. Dù ai đúng ai sai thì hình ảnh không phù hợp với cuộc sống văn minh đô thị phải được loại trừ.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"