Hướng dẫn phân tích để bài
- Kiểu bài:
+ “Văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng” là văn bản do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân xây dựng. Trong đó, nội quy nêu ra các quy định, yêu cầu còn bản hướng dẫn đưa ra các chỉ dẫn về phương hướng, cách thức thực hiện các hoạt động nơi có sự tham gia của nhiều người.
-Yêu cầu đối với kiểu bài:
+ Văn bản phải có cấu trúc chặt chẽ phù hợp với mẫu cấu trúc chung của văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn nơi công cộng
+ Nội dung văn bản thể hiện rõ những hành vi cần thực hiện hoặc không được thực hiện trong không gian công cộng, phù hợp với yêu cầu, quy định của cơ quan, tổ chức ban hành, phù hợp với quy định của pháp luật
+ Ngôn ngữ khách quan, chính xác, rõ ràng, dễ hiểu.
Dàn bài chung
Phần mở đầu văn bản
- Tên của tổ chức ra thông báo: Được viết ở góc trái, phía trên của văn bản
- Tên của văn bản nội quy: Nêu rõ không gian công cộng và nhóm hành vi được yêu cầu (nội quy sử dụng thư viện, nội quy tham quan bảo tàng,…) được viết bằng chữ in hoa, khổ lớn.
- Lời dẫn: Là câu dẫn dắt vào nội dung cụ thể của nội quy, hướng dẫn
Phần nội dung văn bản
- Các mục: Nêu rõ các yêu cầu, quy định của tổ chức, các hành vi cần được thực hiện hoặc không được phép thực hiện. Mỗi mục thường được đánh dấu bằng các kí hiệu như số thứ tự, gạch đầu dòng,…
Phần kết thúc văn bản
- Nêu rõ tên tổ chức, cơ quan lập văn bản nội quy hoặc văn bản hướng dẫn.
Mẫu 1
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG A
NỘI QUY, QUY ĐỊNH CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG THPT A
Thư viện trường THPT A yêu cầu các cán bộ, nhân viên, học sinh trong trường khi đến thư viện cần thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy định sau:
I. Nội quy chung
1. Yêu cầu bắt buộc
- Xuất trình Thẻ Cán bộ/Học sinh và check in qua đầu đọc mã vạch tại cửa ra vào.
- Tuân thủ các nội quy, quy định của Thư viện về tra tìm tài liệu, đọc, mượn, truy cập tài liệu, giữ gìn cơ sở vật chất, trang thiết bị.
- Phải giữ gìn tài liệu, trang thiết bị, tài sản, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa trong ăn mặc, giao tiếp tại Thư viện.
- Không được dùng Thẻ của người khác và không cho người khác sử dụng Thẻ của mình.
- Không được làm hư hại, xáo trộn tài liệu, tài sản; không tự ý thay đổi các chương trình liên quan đến phần mềm trên máy tính.
- Không tự ý sao chụp tài liệu dưới mọi hình thức.
- Không được truy cập thông tin có nội dung không lành mạnh, sử dụng, khai thác, chuyển tải các nguồn tin bất hợp pháp, gây hại cho lợi ích Quốc gia.
- Trước khi chuyển công tác (đối với cán bộ, nhân viên) hoặc trước khi ra trường (đối với HS), cần phải trả các tài liệu, sau đó được cấp Giấy xác nhận “Đã trả hết sách Thư viện”.
- Học sinh phải học chương trình “Hướng dẫn sử dụng thư viện” mới được sử dụng tài liệu tại các phòng của Thư viện.
2. Trường hợp bị mất Thẻ
- Đối với học sinh cần phải làm đơn xin cấp lại Thẻ, có xác nhận của GVCN, sau đó xin xác nhận tại Thư viện để được cấp lại thẻ.
- Đối với cán bộ, nhân viên cần làm đơn xin cấp lại Thẻ, có xác nhận của Hiệu trưởng, sau đó xin xác nhận tại Thư viện để được cấp lại thẻ.
3. Các hình thức xử lý vi phạm nội quy
3.1. Trường hợp vi phạm nội quy thông thường
- Tự ý mang sách của phòng Đọc về nhà: Thu Thẻ, tước quyền sử dụng Thư viện trong thời gian 06 tháng.
- Quá hạn: sách giáo khoa 500đ/ ngày; sách tham khảo 1.000đ/ngày; sách khác 1.500đ/ngày.
- Rách sách: thu kinh phí đóng sách.
- Cắt xén tài liệu: tước quyền sử dụng Thư viện thời hạn 01 năm, nộp phạt gấp 3-10 lần tùy mức độ nghiêm trọng.
- Viết, vẽ bẩn vào sách: Thu Thẻ
- Mất nhãn mã số mã vạch: 5.000 đ/nhãn.
- Làm mất sách: mua mới (nếu có)+10.000đ (xử lý nghiệp vụ)
- Phô tô (nếu không có) + 20.000đ (xử lý nghiệp vụ+bản gốc)
- Các trường hợp khác gặp Quản lý thư viện
3.2. Trường hợp vi phạm nội quy nghiêm trọng
- Giả mạo chữ ký, sử dụng thẻ của người khác (cho người khác mượn thẻ), lấy sách của Thư viện: thu Thẻ từ 06 tháng trở lên. Tùy theo mức độ nghiêm trọng Trung tâm sẽ thông báo trường hợp đó cho Lớp và Trường xem xét xử lý.
II. Thời gian phục vụ:
- Thư viện phục vụ các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 7).
- Thời gian cụ thể:
+ Sáng: Từ 7h đến 11h30
+ Chiều: Từ 13h đến 17h
Thư viện trường THPT A
Mẫu 2
Phòng GD & ĐT …. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Trường …… Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
NỘI QUY LỚP HỌC
Điều 1: Tôn trọng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Kính trọng người lớn, lễ phép với thầy cô giáo, hòa nhã với bạn bè; không đánh nhau gây mất đoàn kết trong lớp học; không nói tục, chửi bậy.
Điều 2: Thi đua học tốt: Đi học đúng giờ (có mặt ở trường trước 15 phút khi buổi học bắt đầu), Nghỉ học phải có lý do, phải có giấy xin phép được phụ huynh ký xác nhận; Học bài, làm bài tập trước khi đến lớp.
Điều 3: Đến lớp học: phải học bài và làm bài tập đầy đủ; phải có đủ đồ dùng học tập; đầu tóc, quần áo gọn gàng nghiêm túc, mặc đồng phục theo đúng quy định của nhà trường; giữ gìn vệ sinh chung của lớp của trường; không xả rác, vứt rác bừa bãi; có ý thức giữ gìn bảo vệ của công.
Điều 4: Học sinh có mặt trong lớp sau khi kết thúc hiệu lệnh báo hiệu bắt đầu tiết học. Trường hợp lớp chưa có giáo viên thì phải giữ trật tự, lớp trưởng hoặc bí thư lên báo cáo với ban giám hiệu.
Điều 5: Trong lớp trật tự chú ý nghe giảng, có ý thức tham gia xây dựng bài; không được nói chuyện riêng, làm việc riêng trong lớp. Chỉ được phát biểu hoặc trình bày ý kiến khi được giáo viên cho phép.
Điều 6: Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể.
Điều 7: Tất cả học sinh phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các điều trong nội quy học sinh. Nếu vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và quy định xử lý học sinh vi phạm của trường.
Mẫu 3
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI THAM GIA HỘI LIM
Hội Lim là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 11 - 14 tháng giêng ở trung tâm thị trấn Lim và những khu vực lân cận quanh Lũng Giang, Lũng Sơn, Nội Duệ, Đình Cả. Đây là một lễ hội lớn, hàng năm thu hút hàng vạn khách tham quan từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của quê hương Kinh Bắc.
Hội Lim vốn bắt nguồn từ lễ hội hàng Tổng, ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Để tưởng nhớ những người có công lao với quê hương, hàng năm dân chúng mở hội, rước đồ tế lễ lên trên đình Lim, chùa Hồng Ân. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hội Lim dần có sự thay đổi về hình thức, thời gian tổ chức. Sau thống nhất là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 11 - 14 tháng giêng âm lịch, được mở mang với quy mô lớn, đồ cúng, tế ngày càng hoành tráng hơn để thể hiện tấm lòng thành kính của nhân dân dành cho người có công với quê hương.
Du khách thập phương về hội Lim chơi hội ngoài tìm hiểu kỹ các thông tin về thời gian, tiến trình tổ chức, cũng cần chú ý một số lưu ý của Ban tổ chức hội Lim như sau:
Ngày chính của hội Lim là ngày 13/1 âm lịch. Trong ngày sẽ có các nghi thức tế lễ, hát hò và nhiều hoạt động sinh hoạt phong phú khác. Chính ngày này sẽ rất đông đúc nên quý khách tham quan cần chú ý về phương tiện di chuyển, đi lại đảm bảo an toàn nhất.
Khi dâng hương, cúng bái trong đình Lim chỉ nên cúng đồ chay, hương hoa nhẹ nhàng, hạn chế đốt quá nhiều hương khói.
Ở phần hội sẽ có hát quan họ trên sông. Du khách tuyệt đối không được lại gần bờ sông để nghe hát quan họ, vì rất dễ xảy ra tình trạng trượt chân, rơi xuống hồ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chuẩn bị đồ ăn nhẹ, nước uống đầy đủ để có thể tham gia được các hoạt động vui chơi, giải trí của hội Lim.