"Huyện Trìa xử án" thuộc lớp XIII trong vở tuồng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" là một đoạn trích đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Thông qua văn bản, tác giả dân gian muốn tố cáo, phê phán bọn tham quan, ô lại trong xã hội phong kiến. Đoạn trích đã kể lại cảnh xử án của tên Huyện Trìa nơi công đường.
Để làm nổi bật chủ đề của văn bản, tác giả dân gian đã tập trung khắc họa các nhân vật. Trước hết, qua lời xưng danh, người đọc có được những hình dung ban đầu về tên Huyện Trìa. Hắn là kẻ đứng đầu chốn nha môn của một huyện. Mọi người vẫn thường khen hắn "Cầm đường ngày tháng vào ra,/ Hoa nguyệt hôm mai thong thả". Thực chất, câu nói này là sự châm biếm, mỉa mai của dân làng đối với tên tri huyện.
Mặc dù giàu tiền bạc, uống rượu bằng chén tiện làm từ sừng tê giác nhưng cuộc sống hôn nhân của hắn với mụ huyện lại không hạnh phúc, tròn đầy. Vì tính hay ghen nên mụ thường lớn tiếng với chồng. Mỗi lần đi ra ngoài, Huyện Trìa lại rúm ró, sợ sệt. Ở nhà thì lòng bực tức không yên. Thật khác hẳn với một tri huyện đạo mạo, hống hách nơi công đường!
Không chỉ trăng hoa tên tri huyện còn là kẻ tham lam, hống hách, chuyên ức hiếp dân lành. Hắn vô cùng đề cao đồng tiền, luôn "Thẳng tay một mực ăn tiền". Không kể gái, trai, già, trẻ, tên tri huyện đều xử phạt bằng đòn roi. Là người thực thi công lí nhưng hắn lại làm việc theo cảm tính, không đề cao pháp luật "Luật không hay (thời ta) xử theo trí" khiến lòng người không phục.
Thậm chí, hắn còn là một kẻ tráo trở, chuyên luồn cúi, nịnh hót quan trên. Chỗ nào "tốt tiền tốt bạc", dù phải tốn nhiều công sức, của cải, hắn cũng sẵn lòng đi lo.
Bộ mặt xấu xa, đê tiện của tên quan huyện được thể hiện rõ nhất qua cảnh xử án. Hắn phân xử bừa bãi, làm việc thiếu nghiêm minh. Khi nghe Thị Hến trình bày về tình cảnh của bản thân, thói háo sắc liền trỗi dậy. Hắn động lòng thương xót, một mặt thì tỏ vẻ nghiêm nghị "Cứ mực thẳng, cung cho ngay, bày cho thiệt/ Kẻo hai đàng cua nói có, vọ nói không", mặt khác lại tạo điều kiện cho Thị Hến thoát tội. Biết được Thị Hến chấp thuận với lời đề nghị của mình, tên Huyện Trìa liền kêu Đề Hầu làm tờ khai cho Thị Hến. Cuộc xử án kết thúc bằng việc vợ chồng Trùm Sò nhận tội, "lui về bổn quán". Hắn tuyên án xằng bậy, không đúng tội trạng dù vật chứng, tang chứng rõ rành rành. Người có tội trong phút chốc vô tội, còn kẻ kêu cầu bỗng trở thành phạm nhân.
Bên cạnh nhân vật Huyện Trìa, Đề Hầu cũng được khắc họa một cách sinh động, rõ nét. Hắn là tay sai, giúp sức cho Huyện Trìa thực hiện hành vi của mình. Qua lời miêu tả của Huyện Trìa, Đề Hầu hiện lên với tấm lưng dài cùng khuôn mặt đầy râu ria "Lưng cù chầy hình khéo bơ sờ,/Mồm xà cáng vinh râu ngoe ngoét.". Ngoại hình của hắn vô cùng dị hợm, ghê gớm. Chẳng thế, hắn cũng có thói xu nịnh không khác gì Huyện Trìa "Đã biết mặt lão Đề hay nói bậy/ Còn giơ hàm chú Lại nói cò cưa". Trong lòng thì ghét Huyện Trìa, định bụng sẽ mách mụ huyện "Ông Huyện cũng xằng,/ Phen này ông bày mặt thú lang/ Huếch với mụ ắt râu trụi lủi" nhưng ngoài mặt lại đồng thuận với lời kết tội của lão "Lão Trùm Sò ăn nói trầm trây,/ Thị Hến oan, tình hình tỏ rõ".
Trong cuộc xử án đầy bất công này, không thể không nhắc tới Thị Hến. Thị ta là người đàn bà góa bụa. Tính cách thì gian manh, chuyên "ăn không nói có". Rõ ràng, Thị Hến đã tiêu thụ vật phẩm ăn trộm nhưng trước mặt Huyện Trìa lại chối bay chối biến "Mua của chiên việc ấy vốn không/ Vì ai giận nên khai rằng có". Biết tên Huyện Trìa trước nay háo sắc, Thị Hến đã cố tình lấy lòng thương. Nghe hắn nói "phải năng lên hầu gần quan", Thị Hến liền cảm ơn, đồng thuận.
Nếu như Huyện Trìa, Đề Hầu đại diện cho những kẻ thống trị, gian ác thì vợ chồng Trùm Sò lại đại diện cho những người dân "thấp cổ bé họng". Mặc dù là người bị hại nhưng vợ chồng Trùm Sò không những không đòi được của đã mất mà còn bị kết tội ức hiếp quả phụ. Cuối cùng, họ không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận:
"Trời cao kêu chẳng thấu,
Quan lớn dạy phải vâng,
Cúi đầu tạ dưới sân,
Xin lui về bổn quán."
Bằng việc khắc họa nhân vật thông qua lời nói hành động, nghệ thuật châm biếm đặc sắc kết hợp với ngôn từ giản dị, mộc mạc, tác giả dân gian đã thể hiện thái độ mỉa mai đối với những tên quan ô lại. Đồng thời, phê phán bọn đứng đầu bộ máy cai trị chuyên đi nhũng nhiễu, làm hại người dân.
Qua lớp tuồng này, ta càng thêm đồng cảm với nhân dân trong xã hội phong kiến. Vở tuồng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" sẽ mãi là tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc trong nền nghệ thuật dân gian Việt Nam.