Bài 7. Môi trường và bảo vệ môi trường - Chuyên đề học tập Lí 10 Chân trời sáng tạo

2024-09-14 11:39:14

CH

1. Dựa vào kiến thức đã học ở môn Khoa học tự nhiên, hãy trình bày những hiểu biết của em về môi trường và cho một số ví dụ về các loại môi trường trong tự nhiên.

2. Dựa vào định nghĩa về môi trường của Luật Bảo vệ môi trường, em hãy nhận xét về mức độ đóng góp của môn Vật lí trong bảo vệ môi trường

Lời giải chi tiết:

1. Môi trường là nơi sống của sinh vật, bao gồm tất cả những gì bao quanh chúng. Có 4 loại môi trường chủ yếu, đó là: môi trường trên cạn, môi trường nước, môi trường trong đất và môi trường sinh vật. Ví dụ: Môi trường rừng rậm nhiệt đới, môi trường hoang mạc, môi trường nước mặn, môi trường nước ngọt, môi trường đất cát, môi trường thân cây (nấm kí sinh vào thân cây), môi trường ruột động vật (nơi ở của giun, sán).

2. Từ định nghĩa về môi trường của Luật bảo vệ môi trường, chúng ta thấy rằng môn Vật lí đóng vai trò rất quan trọng vì nó nghiên cứu sự vận động và chuyển động trạng thái của các yếu tố vật chất tạo thành môi trường (bao gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác). Từ việc nghiên cứu sự vận động của các yếu tố vật chất này mà ta cảm nhận thấy được sự thay đổi (tích cực và tiêu cực) của môi trường, đồng thời đề ra giải pháp để duy trì sự tích cực và phương án để khắc phục những tình huống tiêu cực đến từ môi trường. Ngoài ra, những thành tựu của Vật lí hiện đại cũng đang được ứng dụng để góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường như phát triển công nghệ xử lí chất thải, tận dụng và phát huy các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển các vật liệu mới thân thiện với môi trường,...


CH

Liệt kê những yếu tố đang ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta? Những yếu tố này có tác động tích cực hay tiêu cực đến môi trường?

Lời giải chi tiết:

Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường:

- Ô nhiễm môi trường: là việc thâm nhập các chất làm hại cho sức khỏe của sinh vật vào môi trường. Các chất này có thể từ thiên nhiên (như khói bụi từ núi lửa phun ra) hoặc được sinh ra bởi các hoạt động của con người

- Biến đổi khí hậu: Trong những thập kỉ gần đây, vấn đề biến đổi khí hậu được xem như “báo động đỏ” cho toàn nhân loại. Gần đây nhất, báo cáo thứ sáu của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) vào tháng 8/2021 chỉ ra rằng: nhiệt độ bề mặt toàn cầu trong giải đoạn 2011-2020 cao hơn 1,090 C so với giai đoạn 1850 – 1900; trong 5 năm qua, Trái Đất có nhiệt độ nóng nhất kể từ năm 1850; mức độ dâng nước biển gần đây tăng nhanh gấp 3 lần so với giai đoạn 1901 – 1971

- Phát triển dân số: Dân số thế giới hiện nay khoảng 7,9 tỉ người với tốc độ gia tăng trung bình hằng năm vào khoảng 1,05%, tức mỗi năm tăng thêm khoảng 81 triệu người. Điều này gây áp lực rất lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có giới hạn trên Trái Đất. Dân số tăng đồng nghĩa là những yêu cầu về thức ăn, nhà ở, nước, y tế, năng lượng, giao thông,... tăng mạnh. Đồng thời, dân số đông có thể dẫn đến rủi ro mức độ cao cho sự phát triển của dịch bệnh như đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019.


VD

Kể tên một số chiến dịch bảo vệ môi trường mà em biết? Chia sẻ trải nghiệm hoặc dự định của em về việc tham gia vào những chiến dịch có ý nghĩa quan trọng này.

Lời giải chi tiết:

Chiến dịch bảo vệ môi trường mà em biết là: “Làm cho thế giới sạch hơn” do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 và được tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm. Đến nay, chiến dịch này đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam.


CH

Phân tích sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường

Lời giải chi tiết:

Chúng ta cần phải bảo vệ môi trường vì mục đích hướng đến sự phát triển bền vững của nhân loại. Môi trường là không gian sinh sống, phát triển của con người và các sinh vật khác, đồng thời là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Vì thế việc bảo vệ môi trường không phải là vấn đề của một số cá nhân hay một đất nước mà là mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại.


CH

Hãy nhận xét về việc các chính phủ ở các nước kể cả Việt Nam tham gia vào hành động bảo vệ môi trường (Hình 7.4)

Lời giải chi tiết:

Dựa vào Hình 7.4, ta có thể thấy sự quan tâm của các quốc gia về vấn đề bảo vệ môi trường khi số lượng nước xây dựng Luật Bảo vệ môi trường đã tăng rất nhanh từ năm 1972 đến năm 2017. Đến năm 2017, hầu hết các nước trên thế giới đã xây dựng hoàn chỉnh Luật Bảo vệ môi trường.

Vì tầm ảnh hưởng quan trọng của môi trường, nên chính phủ của các nước (có cả Việt Nam) đều đề ra những chiến lược quan trọng tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường như ban hành luật quốc gia về môi trường, các hiệp ước quốc tế và ngày thế giới về môi trường (Ngày Trái Đất, chương trình môi trường Liên hợp quốc, Giao thức Montreal,...) và các hiệp ước đa phương và song phương của các quốc gia với mục đích hỗ trợ khác nhau trong việc bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam đã có những hành động cụ thể siết chặt việc bảo vệ môi trường như đề ra các nguyên tắc liên quan đến môi trường tự nhiên trong văn bản chỉnh sử Luật bảo vệ môi trường (vào năm 2020), bên cạnh đó là tổ chức các chiến dịch môi trường thường xuyên và lan rộng. Điều này đều hướng đến mục đích bảo vệ và cải thiện môi trường chất lượng tốt và đảm bảo quyền được sống trong môi trường an toàn của nhân dân.


LT

Tìm hiểu và trình bày hiểu biết của em về “Ngày Trái Đất”.

Lời giải chi tiết:

Ngày Trái Đất được đề xuất lần đầu tiên là ngày 21/03/1970 bởi một người Mỹ là John McConnell vào năm 1970. Cũng trong năm đó, ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng dân chủ bang Wisconsin, Mỹ, đã phát động các hoạt động bảo vệ môi trường Trái Đất vào ngày 22/4/1970 với 20 triệu người tham gia. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: “Là cha đẻ của Ngày Trái Đất, Nelson đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái Đất, đó là Luật bảo vệ môi trường, Luật Không khí sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống an toàn”. Đến năm 2009, Ngày Trái Đất đã được Liên hợp quốc chính thức công nhận. Trong ngày Trái Đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.


CH 1

1. Liệt kê một số ví dụ về ô nhiễm môi trường và cho biết hiểu biết của em về một số chiến lược bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

2. Hãy liệt kê một số hoạt động cụ thể để bảo vệ moi trường tại Việt Nam liên quan đến:

a) Xử lí rác

b) Trồng rừng

c) Xử lí nước thải đặc biệt là xử lí nước thải công nghiệp.

Lời giải chi tiết:

1. Các ví dụ về ô nhiễm môi trường:

+ Xả rác thải bừa bãi và xử lí rác không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường đất

+ Nước từ các nhà máy chưa được xử lí đổ thẳng ra sông và biển gây ô nhiễm môi trường nước

+ Khí thải từ sinh hoạt và nhà máy phát ra gây ô nhiễm không khí

+ Lạm dụng quá nhiều ánh sáng nhân tạo kể cả khi không càn thiết gây ô nhiễm ánh sáng

- Một số chiến lực bảo vệ môi trường:

+ Chỉnh sửa Luật Bảo vệ môi trường vào những năm 2020. Trong luật này có 7 nguyên tắc thiết yếu với những mội dung liên quan đến môi trường tự nhiên như: Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với quản lí tài nguyên. Ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lí rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng

+ Dự án “Tầm nhìn đến năm 2050” đặt ra mục đích bảo vệ và cải thiện môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp được hình thành và phát triển.

2. Một số hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam:

- Đối với việc xử lí rác:

+ Các địa phương tiến hành thực hiện các phương án xử lí rác thải sinh hoạt đúng quy định

+ Các chương trình thu gom và tái sử dụng rác thải nhựa được tiến hành như chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa”,...

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lí rác thải y tế

- Đối với việc trồng rừng:

+ Khởi động “Chương trình 1 tỉ cây xanh” trên cả nước.

+ Thực hiện chương trình “Phát động trồng cây, phủ xanh đồi trọc” tại tỉnh Lào Cai.

- Đối với việc xử lí nước thải đặc biệt là nước thải công nghiệp:

+ Tổ chức hàng loạt chương trình kiểm tra hệ thống xử lí rác thải

+ Xây dựng các nhà máy xử lí nước thải ở các địa phương.


LT

Liệt kê, sắp xếp theo thời gian thành lập và nêu ý nghĩa của các tổ chức hỗ trợ bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Lời giải chi tiết:

Các tổ chức thành lập hỗ trợ bảo vệ môi trường ở Việt Nam:

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập năm 2006

- Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) được thành lập năm 2002

- Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) được thành lập năm 2007

- Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) được thành lập năm 2021.


VD

Tìm hiểu và viết bài luận ngắn về quy trình xử lí chất thải của một số nước trên thế giới hoặc ở Việt Nam.

Lời giải chi tiết:

Quy trình xử lí chất thải ở Mỹ

Quản kí chất thải xây dựng là một khía cạnh quan trọng trong xây dựng bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, quản lí chất thải xây dựng bao gồm việc loại bỏ, giảm thiểu và tái sử dụng chất thải xây dựng. Hoạt động quản lí chất thải đã xác định việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải là cần thiết trong việc quản lí bền vững các nguồn tài nguyên.

Hầu hết các chất thải từ các công trình xây dựng ở Mỹ được xử lí tại các bãi chôn lấp theo quy định của Liên bang. Các doanh nghiệp xây dựng hoặc công dân Mỹ đã tiêu hủy một cách hợp pháp hàng triệu tấn chất thải xây dựng tại các bãi chôn lấp chất thải rắn mỗi năm. Hiện nay, quy trình xử lí các chất thải rắn từ các công trình xây dựng đã được chuyển hướng, khối lượng ngày càng lớn chất thải được đưa qua khâu tái chế, tái sử dụng trong một số trường hợp trước khi đưa ra bãi chôn lấp.

Để quản lí hiệu quả chất thải xây dựng đòi hỏi sự phối hợp hành động của chính phủ, các doanh nghiệp và các nhóm, tổ chức chuyên nghiệp. Một số tổ chức xã hội phi chính phủ ở Lỹ đã thúc đẩy sự phối hợp hành động của các bên liên quan và sự cam kết trong thiết kế và xây dựng của các tổ chức và cá nhân phù hợp với thực tiễn công nghệ, thị trường ổn định đối với các vật liệu tái chế, tái sử dụng. Những mục tiêu cụ thể bao gồm:

Loại bỏ chất thải: Một số loại chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng có thể được loại bỏ như chất thải kim thải có trong bê tông. Các chất thải loại này dễ dàng tháo dỡ và tái sử dụng trong các dự án khác. Gỗ phế thải kết hợp với khuôn ván để tạo gỗ dán và gỗ xẻ. Loại bỏ các chất thải này có lợi cho việc giảm tác động đến sức khỏe của con người và môi trường.

Giảm thiểu chất thải. Một số chất thải xây dựng có thể được giảm thiểu trên cơ sở lựa chọn thiết kế, sản xuất và vận chuyển với bao bì tối thiểu

Tái sử dụng vật liệu. Một số loại vật liệu có thể được tái sử dụng như cửa sổ, cửa ra vào trong tình trạng tốt có thể thay thế cho các sản phẩm mới, sử dụng các dự án khác. Quy trình xử lí chất thải xây dựng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Cânda bao gồm những khâu như sau:

Thứ nhất, phân loại rác thải từ công trường. Xác định và phân loại nguyên vật liệu là một yếu tố quan trọng trong việc quản lí chất thải rắn. Người quản lí dự án sử dụng thông số kĩ thuật được cung cấp bởi các kĩ sư và các kiến trúc sư để biết thông tin về tỉ lệ vật liệu với các yêu cầu hiệu suất chung. Chủ công trình và nhà thầu có những hướng dẫn và chính sách cụ thể để cải thiện yêu cầu cụ thể của dự án. Vật liệu được phân loại vào các container được cung cấp bởi các công ty dịch vụ chuyên về quản lí chất thải tại công trường.

Thứ hai, thu gom và chuyên chở. Các container chứa chất thải xây dựng đã thu gom sẽ được vận chuyển bằng các xe tải hạng nhẹ và trung bình loại chuyên dùng phổ biến ở Mỹ và canada. Xe tải và container được kết hợp với nhau tăng khả năng cơ động và tương tác.

Thứ ba, đưa đến bãi phết thải. Xác định tải trọng của chất thải là một bước quan trọng trong việc đảm bảo vật liệu được xử lí một cách thích hợp. Vật liệu có tải trọng không thích hợp sẽ không được đưa vào bãi phết thải. Các vật liệu được chấp nhận sẽ được xử lí tại bãi phế thải. Các đặc điểm của chất thải nguy hại là sự ăn mòn, phản ứng hóa học, có độc tính.

Thứ tư, xử lí tại bãi phết thải. Chất thải xây dựng thường được xử lí với các thiết bị đặc biệt để hỗ trợ tải nặng và chống ăn mòn. Vật liệu được đổ từ container xuống sàn nghiêng có mái che. Vật liệu được vận chuyển bằng máy xúc thủy lực. Các vật liệu như thanh thép gia cường, lót thảm, miếng gỗ lớn, bê tông và các vật liệu có kích thước lớn được phân loại trước khi xử lí. Các vật liệu xây dựng được tái chế sản phẩm mới haowcj được xử lí để tái sử dụng. Vật liệu được xử lí ở bãi chôn lấp bao gồm những vật liệu không thể tái chế, tái sử dụng, vật liệu bị ô nhiễm. Tỉ lệ xử lí chất thải xây dựng ở Lỹ phát sinh tại một khu vực đô thị trong năm 2014 cho thấy như sau: Kim loại đen và kim loại màu 9%; Bìa carton và giấy 3%; nhựa 1%; gỗ 30%; bê tông 5%; chất thải công nghiệp ổn định 25%; gravel, vật liệu tổng hợp 20%; kính 0,15%; Thảm 0,85%; vách thạch cao 3%; tấm lợp asphalt 5%.


CH 2

1. Liệt kê một số việc làm thiết thực mà em có thể thực hiện hằng ngày để bảo vệ môi trường.

2. Tìm hiểu và phân tích tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường

Lời giải chi tiết:

1. Một số hành động thiết thực mà HS có thể thực hiện để bảo vệ môi trường:

- Hạn chế sử dụng đồ nhựa và tham gia tái chế đồ nhựa

- Bỏ rác đúng nơi quy định

- Phân loại rác sinh hoạt

- Tắt điện và các máy móc khi không sử dụng

- Xử lí pin sau khi sử dụng đúng cách, không được vứt pin cũ vào thùng rác

2. Rác thải nhựa có thời gian phân hủy rất dài (có thể lên đến cả 100 năm, thậm chí là 1000 năm), sau đó chúng bị phân hủy thành những hạt vi nhựa. Các hạt vi nhựa này có ảnh hưởng cực xấu đến sức khỏe con người và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm đến hệ hô hấp và hệ thần kinh. Do đó, người ta luôn tìm cách ngăn chặn các hạt vi nhựa thâm nhập vào môi trường đất, nguồn nước và không khí bằng cách xử lí rác thải nhựa đúng quy định.


LT

Hãy sáng tạo một câu khẩu hiệu để phát động phong trào bảo vệ môi trường ở trường em.

Lời giải chi tiết:

Học sinh tự nghĩ ra câu khẩu hiệu mà mình muốn đặt

Ví dụ:

+ Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp

+ Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sức khỏe...


VD

Hãy tái chế rác thải nhựa thành một vật dụng mà em có thể dùng trong học tập

Lời giải chi tiết:

Học sinh tự tái chế

Ví dụ: li nhựa, li giấy, chai nhựa, vỏ hôpk có thể làm thành ống đựng bút và các ngăn chứa đồ; chai nhựa, nắp chai làm một số thí nghiệm khoa học.


Bài 1

Sáng ngày 29/06/2021, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về chương trình “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh”.

a) Trình bày ý nghĩa của việc trồng cây đối với việc bảo vệ môi trường.

b) Em sẽ tham gia chương trình này như thế nào?

Lời giải chi tiết:

a) Trong xã hội hiện đại, nhu cầu phục vụ đời sống con người càng tăng cao, điều này càng gây áp lực cho môi trường, vì thế sự biến đổi khí hậu toàn cầu và vấn đề môi trường đang cần được quan tâm và cải thiện. Việc trồng cây xanh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với công cuộc bảo vệ môi trường. Đầu tiên, cây xanh có tác dụng chủ yếu trong việc cải thiện khí hậu, giúp cải thiện bầu không khí trong lành. Bên cạnh đó, việc trồng cây, gây rừng giúp giảm xói mòn đất, chống sạt lở và lũ quét, rừng ngập mặn còn giúp hạn chế thủy triều, sóng và bão lớn. Vì thế việc trồng cây góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ cho chúng ta một không gian xanh.

b) Học sinh tham gia chương trình và chia sẻ lại.


Bài 2

Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn

a) Có bao nhiêu loại rác sinh hoạt? Em cho ví dụ mỗi loại rác này.

b) Tại sao chúng ta cần phải thực hiện cách phân loại rác này? Gia đình em có thường xuyên phân loại rác sinh hoạt ở nhà không? Có những khó khăn, thuận lợi gì?


Lời giải chi tiết:

a) Có 3 loại rác thải sinh hoạt:

- Rác thải tái chế là loại rác thải khó phân hủy nhưng có thể tái chế được nhằm phục vụ cuộc sống của con người. Ví dụ: chai nhựa, túi nhựa, vỏ hộp, giấy báo,...

- Rác thải hữu cơ là loại rác thải dễ phân hủy, thường được dùng làm phân hữu cơ hoặc làm thức ăn cho động vật nuôi. Ví dụ: hoa, quả, rau, củ, bã trà, cà phê, thức ăn thừa,...

- Rác thải vô cơ là loại rác thải không thể tái sử dụng hoặc tái chế, chỉ có thể xử lí bằng cách mang ra các khu chôn lấp rác thải. Ví dụ: các loại bao bì bọc bên ngoài chai/hộp thực phẩm, các loại túi nilon, bao xốp được bỏ đi sai khi đựng thực phẩm và một số vật dụng sinh hoạt khác.

b) Việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lí chất thải, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại rác thải đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lí rác thải.


Bài 3

Tìm hiểu về mô hình “Nông nghiệp không chất thải” ở Việt Nam và trình bày những ưu, nhược điểm của mô hình này.

Lời giải chi tiết:

Mô hình “Nông nghiệp không chất thải” ở Việt Nam được mô tả trong hình dưới đây

Cơ chế của mô hình là một vòng lặp khép kín, đầu ra của quá trình này là đầu vào của quá trình kia. Mô hình tổng quát là sự kết hợp vườn-ao-chuồng-biogas.


Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"