1. Khái niệm cơ chế thị trường
Cơ chế thị trường là cách thức vận hành của nền kinh tế, trong đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại với nhau để phân bổ các nguồn lực, hình thành giá cả, xác định khối lượng và cơ cấu sản xuất, tiêu dùng tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế.
2. Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường
- Ưu điểm của cơ chế thị trường
+ Cơ chế thị trường có những ưu điểm nổi bật. Đó là điều tiết sản xuất, lưu thông và tiêu dùng một cách tối ưu, tạo động lực sáng tạo cho các chủ thể kinh tế, thúc đẩy cải tiến kĩ thuật, hợp lí hóa sản xuất để hạ thấp chi phí; phát huy tốt nhất tiềm năng của mọi chủ thể, vùng miền, thúc đẩy liên kết kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
+ Tuy nhiên, những ưu điểm của cơ chế thị trường cần có các điều kiện để biểu hiện ra, đó là các yếu tố sản xuất được di chuyển dễ dàng, giá cả thị trường có tính linh hoạt, thông tin thị trường nhanh nhạy, các chủ thể tham gia thị trường phải nắm được đầy đủ thông tin liên quan.
- Nhược điểm của cơ chế thị trường
+ Cơ chế thị trường có những nhược điểm vốn có, đó là: tiềm ẩn rủi ro khủng hoảng kinh tế khi có sự mất cân đối giữa sản xuất với tiêu dùng; có thể dẫn đến lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, gây suy thoái môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; dẫn đến phân hóa xã hội về thu nhập, không công bằng về cơ hội tiếp cận các nguồn lực kinh tế,..
+ Do cơ chế thị trường tồn tại những nhược điểm nêu trên nên trong thực tế, Nhà nước thường tham gia điều tiết nền kinh tế ở mức độ nhất định để khắc phục những nhược điểm của cơ chế thị trường.
3. Giá cả thị trường và chức năng của giá cả thị trường
a) Giá cả thị trường
Giá cả thị trường là giá hàng hóa và dịch vụ hình thành do tác động qua lại giữa các chủ thể kinh tế tham gia hoạt động mua bán trên thị trường tại một thời điểm, địa điểm nhất đinh.
b) Chức năng của giá cả thị trường
Giá cả là yếu tố trung tâm của thị trường, là mối quan tâm của các chủ thể kinh tế khi tham gia thị trường. Thông qua sự biến động của giá cả, các chủ thể kinh tế nhận biết được sự khan hiếm hoặc dư thừa tương đối của hàng hóa, từ đó điều chỉnh hành vi của mình. Giá cả còn giúp thị trường điều tiết và phân bổ lại các nguồn lực giữa các ngành sản xuất theo hướng có lợi nhất cho các chủ thể kinh tế.