Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Vợ nhặt (KNTT)

2024-09-14 13:17:43

Tóm tắt

Mẫu 1:

Câu chuyện kể về nhân vật anh Tràng là một chàng trai nghèo, vì vậy nên anh không lấy được vợ. Anh Tràng làm công việc kéo xe thóc thuê lên tỉnh, vào một ngày đi làm về người ta bỗng thấy anh đi về cùng với một người đàn bà mọi người đồn đoán rằng đó là vợ anh cu Tràng, và đúng đó là vợ của anh cu Tràng thật. Người vợ này là người anh Tràng quen khi đang kéo xe thóc lên tỉnh, chỉ bằng vài câu bông đùa người đàn bà đã theo không anh về làm vợ. Bà cụ Tứ khi thấy con mình có vợ thì vừa lo lắng nhưng phần nào cũng vui mừng, chúc phúc cho cặp vợ chồng. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy Tràng thấy mọi sự thay đổi trong căn nhà của mình, sạch sẽ tươm tất gọn gàng và tất cả mọi người trong nhà ai nấy đều vui vẻ rạng rỡ hẳn lên. Bữa ăn đầu tiên đón con dâu mới của gia đình chỉ vỏn vẹn có món rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo những cả nhà đều ăn rất ngon lành và nói đến những chuyện vui về tương lai. Thị kể về chuyện những người đi phá kho thóc Nhật cho Tràng và bà cụ Tứ nghe, tưởng chừng như đó chỉ là những câu chuyện vô thưởng vô phạt nhưng nó lại chính là chìa khóa mở ra trong đầu anh Tràng lá cờ của Đảng và một cuộc sống mới trong tương lai hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp hơn.

Mẫu 2

Năm 1945 ở nước ta, nạn đòi hoành hành nghiêm trọng khiến người chết như rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma. Trong xã hội ấy có một chàng trai tên là Tràng. Anh sống ở xóm ngụ cư, xấu xí, thô kệch và ế vợ. Anh làm nghề kéo xe bò thuê và sống cùng người mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh, Tràng đã quen với một cô gái. Vài ngày sau gặp lại, Tràng đã không còn nhận ra cô gái ấy, bởi cô tiều tuỵ và hốc hác đi nhiều lắm. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau mấy câu nói nửa đùa, nửa thật mà cô gái đã theo anh về nhà làm vợ. Việc Tràng nhặt được vợ đã làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, nhất là bà Cụ Tứ (mẹ của Tràng) cũng bàng hoàng, ngạc nhiên và lo lắng nhưng rồi bà cụ cũng đã hiểu ra và chấp nhận người con dâu ấy. Trong bữa cơm "đón nàng dâu mới", họ chỉ ăn với nhau một bữa cháo và cháo cám. Nhưng trong bữa cơm ấy, bà cụ Tứ đã dành cho nàng dâu mới một tấm lòng độ lượng, bao dung. Tác phẩm kết thúc ở chi tiết vào buổi sáng hôm sau tiếng trống thúc thuế dồn dập, quạ đen bay vù như mây đen. Thị nói về chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật và Tràng nhớ lại hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới hôm nào.

Mẫu 3

Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, cơ cực ở xóm ngụ cư. Một ngày kia, trong buổi chiều ảm đạm vì đói, Tràng dẫn về một người phụ nữ. Đó là vợ anh - người vợ nhặt. Tràng đã bắt gặp vợ tương lai của mình đang cảnh đói rách. Chỉ qua vài câu nói bông đùa và bốn bát bánh đúc, anh với cô thị đanh đá chỏng lỏn đã trở thành vợ chồng với nhau mà không cưới hỏi hay yêu đương gì. Cô thị theo không anh về làm vợ, trên đường về khác với vẻ đanh đá thường thấy, khi bị trêu, cô thị tỏ ra ngượng ngùng. Về đến nhà, cô khép nép khác thường. Bà mẹ già của Tràng ban đầu còn ngạc nhiên, rồi lo lắng. Đến sau cùng cũng đành đón nhận người đàn bà khốn khổ ấy làm con dâu trong mối đau đớn và thương cảm. Tràng cảm thấy con người mình đổi khác. Từ chút đùa đến thoáng lo, bây giờ Tràng thấy niềm vui của một người đã có gia đình. Anh cảm thấy mình trở thành người có trách nhiệm lắm. Sáng hôm sau, dù bữa cơm đầu tiên của thị khi về nhà chồng không phải mâm cao cỗ đầy mà người mẹ nghèo chỉ đãi hai con ít cháo và nồi chè đặc biệt là một nồi cháo cám. Miếng cám chát, nghẹn cổ nhưng Tràng vẫn cùng vợ hướng về một cuộc sống đổi khác. Trong óc anh hiện ra đám người đói phá kho thóc và lá cờ đỏ bay phấp phới.



Bố cục

- Đoạn 1: Từ đầu đến “tự đắc với mình”: Đoạn văn kể lại việc anh Tràng dẫn người “vợ nhặt” về xóm ngụ cư

- Đoạn 2: Từ “Thị lẳng lặng theo hắn vào nhà” đến “rồi cùng đẩy xe bò về”: Đoạn văn kể lại câu chuyện hai người gặp nhau và cái duyên đưa họ trở thành vợ chồng.

- Đoạn 3: Từ “Tràng chợt đứng dừng lại” đến “nước mắt chảy dòng dòng”: Tràng giới thiệu người vợ nhặt với mẹ mình. Tâm trạng lo lắng nhưng vui mừng, phấn khởi của bà cụ Tứ trước hạnh phúc cả đời của các con.

- Đoạn 4: Đoạn còn lại: Những thay đổi tích cực của gia đình anh cu Tràng vào buổi sáng hôm sau. Niềm tin, hy vọng về sự đổi khác trong tương lai.



Nội dung chính

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau



Tìm hiểu chung

1. Xuất xứ

- In trong tập Con chó xấu xí (1962).

- Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

2. Đề tài

Người nông dân trước cách mạng tháng Tám

3. Phương thức biểu đạt

Tự sự, miêu tả, biểu cảm

4. Thể loại

Truyện ngắn

5. Ngôi kể

Ngôi thứ 3

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"