Câu 1
Câu 1 (trang 119, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
So sánh những vẻ đẹp của lựa chọn và hành động được thể hiện trong hai văn bản Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu).
Phương pháp giải:
Đọc kĩ hai văn bản để trả lời câu hỏi này.
Lời giải chi tiết:
- Ở văn bản “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ, ta thấy nổi bật trong đó là tinh thần của một người với lối sống cá tính, tự do, phóng khoáng và không bị gò bó bởi những luật lệ phong kiến hà khắc. Đó là hình ảnh ngạo nghễ, tự do tự tại của tác giả khi rời chốn quan trường, tận hưởng cuộc sống bình thường đáng quý.
- Ở văn bản “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu: Không khí chung của văn bản này là sự tang thương của nhân dân Nam Bộ trước sự ra đi của những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đó là niềm cảm thương, tiếc nuối, xót xa cho số phận của họ. Nhưng ẩn sâu trong đó là sự ca ngợi, niềm biết ơn của những người ở lại dành cho những người nghĩa sĩ dũng cảm đã sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ cuộc sống của người dân. Chiến công đó của họ sẽ mãi là bất tử và là bức tượng đài nghệ thuật vĩ đại nhất.
Câu 2
Câu 2 (trang 119, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Nêu định hướng giá trị toát lên từ các văn bản đọc trong bài. Điều gì có thể tạo nên sự kết nối giữa các văn bản, mặc dù chúng không cùng loại, thể loại, lại được viết ra trong những bối cảnh thời đại khác nhau?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ các tác phẩm và dựa vào hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi này.
Lời giải chi tiết:
Định hướng giá trị toát lên từ các văn bản đó là những triết lý nhân sinh, những bài học cuộc sống sâu sắc, hướng con người đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Như đối với Nguyễn Công Trứ, cuộc sống tốt đẹp là cuộc sống tự do, phóng khoáng được làm điều mình thích mà không bị gò bó bởi bất cứ điều gì. Với Nguyễn Đình Chiểu thì đó lại là một cuộc sống luôn chiến đấu, bảo vệ dân tộc, là sự biết ơn, kính trọng đối với những người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc… Tất cả đều mang những giá trị nhân sinh sâu sắc mà chúng ta nên học tập theo.
Điều tạo nên sự kết nối giữa các văn bản không chỉ nằm ở thể loại, lối hành văn, thể hiện cảm xúc mà nó còn thể hiện sự gặp gỡ của những quan niệm sống đúng đắn, chuẩn mực với đạo đức của thời đại. Mặc dù họ sống ở những thời đại khác nhau, tiếp thu hệ tư tưởng khác nhau nhưng những quan niệm nhân văn về đời sống, triết lý sống vẫn luôn tồn tại trong họ.
Câu 3
Câu 3 (trang 119, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Tìm đọc thêm những văn bản văn học hoặc nghị luận có đề cập chủ đề lựa chọn và hành động. Ghi chép khái quát những bài học mà bạn rút ra được cho mình từ những văn bản đó.
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi này.
Lời giải chi tiết:
Văn bản: Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn.
Qua việc đọc văn bản, ta có thể rút ra được những bài học sau:
- Đã là người dân nước Nam thì phải đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền
- Học hỏi theo tấm gương của những bậc tiền bối
- Tác phẩm góp phần củng cố lòng yêu nước trong lòng mỗi người, như một lời nhắc nhở chúng ta phải quyết tâm giữ và dựng xây đất nước, không đam mê tửu sắc, thói hưởng lạc mà ảnh hưởng đến việc dân, việc nước.
Câu 4
Câu 4 (trang 119, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Sưu tầm những bài viết về các tác phẩm nghệ thuật mà bạn yêu thích và viết về một số tác phẩm đã gây cho bạn ấn tượng sâu sắc.
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết của bản thân
Lời giải chi tiết:
Tác phẩm nghệ thuật mà em yêu thích đó là tác phẩm Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần – một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc. Tác phẩm lấy bối cảnh về một gia đình giàu có thời Tống mà xoay quay nhân vật chính là Giả Bảo Ngọc – một công tử quyền quý, vừa sinh ra đã sống trong cuộc sống xa hoa, phú quý. Toàn bộ tác phẩm là cuộc sống xa hoa, phóng túng của những nhân vật trong truyện, là đời sống hưởng lạc của một thời hoàng kim. Để rồi, khi gia đình đó sa sút, và cuối cùng gia đình đó đã tan tác và không còn gì.
Toàn bộ truyện đã tái hiện về một thời của lịch sử Trung Quốc, ở đó, con người được sống trong nhung lụa, thỏa sức thể hiện, bộc lộ cá tính của mình và nổi bật trên đó là mối tình đẫm nước mắt của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc. Kết thúc của câu chuyện tuy không tốt đẹp nhưng nó để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về sự sa sút của một gia đình quyền quý ngày xưa. Đặc biệt, nó để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc về sự tiếc nuối, thương xót và hoài niệm.
Câu 5
Câu 5 (trang 119, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Tổ chức thuyết trình trong nhóm học tập về một tác phẩm nghệ thuật đương đại đang tạo được tiếng vang trong dư luận (tác phẩm điện ảnh; tác phẩm âm nhạc; tác phẩm điêu khắc, hội hoạ, đồ hoạ;...).
Phương pháp giải:
Lựa chọn đề tài và triển khai.
Lời giải chi tiết:
Chắc hẳn những bộ phim về chiến tranh Việt Nam không còn quá xa lạ với thầy cô và các bạn. Nhưng có một bộ phim luôn khiến em tâm đắc và day dứt khi xem mà hôm nay em muốn giới thiệu đến mọi người.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những nỗi đau để lại dường như còn mãi, đặc biệt đối với những người có người con, người anh, người chị của mình đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. “Mùi cỏ cháy” là một bộ phim ấn tượng nói về Việt Nam năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị - nơi biết bao người thanh niên trẻ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Bộ phim như nhắc nhở chúng ta về cái giá phải trả cho độc lập tự do là quá lớn.
Mùi cỏ cháy là bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội và chiến tranh được công chiếu vào năm 2012. Bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chấp bút, dựa trên quyển Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đạo diễn phim là Nguyễn Hữu Mười – một đạo diễn tài năng và được nhiều người biết đến. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị.
Giá trị của phim không chỉ được kể đến bởi sự tỉ mỉ trong kịch bản, góc quay… mà nó đến từ nội dung đầy ý nghĩa, sâu sắc về thế hệ trẻ một thời hết lòng phụng sự cho Tổ quốc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về 4 chàng sinh viên Hà thành Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi đôi mươi, khi họ vừa mới bước chân và làm quen với môi trường đại học. Sống trong cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo và đứng trước lệnh tổng động viên của Chính phủ, 4 chàng thanh niên trẻ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, dấn thân vào chiến tranh và trở thành những chiến sĩ quả cảm. Tinh thần quả cảm, bất diệt đó của họ đã chiến thắng những ham muốn cuộc sống nhàn hạ, vui vẻ của tuổi đôi mươi, họ ra đi vì độc lập của Tổ quốc. Trong phim có một câu nói khiến em ấn tượng mãi đó là khi Thủ trưởng Phong hỏi bốn chàng thanh niên trẻ có thấy hối tiếc vì lựa chọn của mình không, Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”. Đó là câu trả lời chứa đựng đầy sự hồn nhiên, nhưng pha lẫn đầy khí phách của một chàng thanh niên tuổi đôi mươi nhưng thấu hiểu sự đời và hoàn cảnh của đất nước. Họ chính là đại biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, luôn mang trong mình nhiệt huyết dâng trào của tuổi trẻ, một lòng muốn phụng sự cho Tổ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng từ bỏ tất cả và đi vào chiến trường, chiến đấu để giành lấy độc lập cho Tổ quốc. Những người thanh niên trẻ ấy từ sự hồn nhiên của tuổi trẻ, được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; thú bắt ve sầu rồi áp tai nghe tiếng kêu ve ve của Thành và niềm đam mê chơi chọi dế của Thăng…” Và rồi, trải qua sự rèn luyện khắc nghiệt trong quân đội và trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, họ dần trưởng thành và trở thành những chiến sĩ dũng cảm, sống vì mục tiêu cao cả hơn.
Cùng với đó là những hình ảnh về sức tàn phá của chiến tranh, chân thực đến đau lòng. Bằng cách tạo dựng bối cảnh của cuộc chiến hết sức chân thật, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã khiến người xem không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom mìn khi vượt sông Thạch Hãn, máu nhuộm đỏ dòng sông; cảnh Long đứng giữa trời đạn bom kêu gào thảm thiết: “Đừng tấn công nữa!…” và bị bom giặc cướp mất tính mạng; hay hình ảnh một chiến sĩ mù vẫn cầm lựu đạn mò mẫm ra chiến trường chiến đấu với kẻ thù… Khung cảnh chiến tranh năm 1972 đó dường như đang được hiện hữu rõ ràng trước mắt người đọc, nó khiến chúng ta không khỏi xúc động, nghẹn ngào mà thậm chí là căm thù kẻ thù xâm lược, về những đau thương mà chúng gây ra cho chúng ta trong những năm tháng chiến tranh thảm khốc.
Bên cạnh đó, một chi tiết rất đắt giá vẫn được ekip làm phim thể hiện rất tài tình, đó là ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết đang cận kề ấy, đạo diễn vẫn dành cho những nhân vật của mình những giây phút bình yên suy ngẫm về gia đình, chiến tranh, tình cảm đồng chí, đồng đội… Đó là một dấu ấn mang đậm nét tình cảm của phim. Họ khẳng định dù trong hoàn cảnh sự sống luôn bị đe dọa như vậy, nhưng những tình cảm, cảm xúc chân thực của con người vẫn được thể hiện, họ vẫn tin yêu vào cuộc sống và đó chính là động lực để họ đứng đến đấu tranh và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đó đều là tình cảm chân thành, sự quý mến sâu sắc.
Như vậy, qua những trang nhật ký của Thăng, những vần thơ của Hoàng, những bức thư thấm đẫm nước mắt của Thành vĩnh biệt mẹ và lời hứa trở lại (không thực hiện được) của Long đối với một cô gái anh gặp trên đường hành quân… “Mùi cỏ cháy” đã tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đầy đủ nhất, chân thực và sinh động nhất. Không những thế, nó đã chạm đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc về tình người, về lẽ sống của cả một thế hệ trẻ thời chống Mỹ.