Nhận định về việc cống hiến và hưởng thụ có ý kiến cho rằng: "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa". "Cống hiến hết mình" là lối sống tích cực đối với mọi thời đại. Khi đem tài năng, sức lực, trí tuệ của bản thân để nỗ lực vì quyền lợi và sự phát triển chung, con người sẽ phát huy hết những tiềm lực, giá trị của bản thân. Đồng thời, khẳng định ý nghĩa tồn tại và giá trị đích thực của mình. Trong thời đại kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược, có biết bao người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc. Họ đã cống hiến tuổi xuân, tuổi đời: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" (Trích "Tây Tiến" - Quang Dũng) và hy sinh xương máu thực hiện lí tưởng cao đẹp. Còn trong thời đại ngày nay, có biết bao con người lao động, làm việc trong thầm lặng vì sự phát triển của đất nước. Họ không ngừng nỗ lực, cố gắng để góp sức mình vào sự nghiệp chung. Đó là những con người quên đi lợi ích cá nhân, quên đi cái "tôi" riêng và chỉ nghĩ đến cái "ta" chung theo lẽ sống "Mình vì mọi người". "Hưởng thụ tối đa" là lối sống vừa mang ý nghĩa tích cực vừa mang ý nghĩa tiêu cực. Quan điểm này chỉ mang ý nghĩa tích cực nếu con người tận hưởng, thu về những thành quả đạt được trong khuôn khổ và gắn bó, tỉ lệ thuận, hài hòa với sự cống hiến. Bởi khi lao động, làm việc hết mình, chúng ta hoàn toàn có quyền tận hưởng những điều xứng đáng để giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn và hình thành động lực để tiếp tục nỗ lực cống hiến. Tuy nhiên, khi tuyệt đối hóa tâm lí hưởng thụ, con người sẽ dễ dàng sa vào lối sống ăn chơi sa đọa, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và dần quên đi những lí tưởng cao đẹp của việc "cho đi", của lối sống cống hiến. Như vậy, con người cần biết xác lập cho mình những lí tưởng sống cao đẹp của việc "cho đi" để có thể "cống hiến hết mình" tâm - tài - sức vì sự phát triển chung của cộng đồng. Đồng thời, tận hưởng thành quả một cách cân đối, hài hòa và có chừng mực để duy trì những lẽ sống, hành động có ích và tránh xa sự cám dỗ của lối sống ăn chơi sa đọa.
Nguồn: sưu tầm
[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]