Đọc hiểu Lẽ ghét thương

2024-09-14 13:22:13

 I - Tìm hiểu chung

1. Trước 1858, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác để tuyên truyền và giáo dục đạo đức, nổi tiếng có truyện thơ Truyện Lục Vân Tiên. Sau 1858, sáng tác của ông thể hiện tấm lòng tha thiết với đất nước, với dân tộc trước nạn ngoại xâm, ca ngợi những tấm gương anh hùng đã đứng lên chống giặc, dù họ là ai, tướng lĩnh, binh sĩ hay nhân dân…

   Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn, nhà giáo yêu nước, có tấm lòng tha thiết với dân tộc. Cuộc đời Đồ Chiểu là tấm gương sáng ngời về nghĩa khí, về đạo đức. Là một người mù loà, không thể trực tiếp cầm gươm đánh giặc, Đồ Chiểu đã sử dụng ngòi bút của mình như một thứ vũ khí sắc bén để chiến đấu chống kẻ thù. ông luôn ca ngợi những người đã dám anh dũng đứng lên cầm gươm giết giặc và đã viết những bài văn tế xúc động về họ, như Thơ điếu Phan TòngVăn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

   Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu chất phác, giản dị và có giá trị tư tưởng lớn. Đó đều là những tác phẩm được sáng tác theo quan điểm:

                                       Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

                                       Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

2. Truyện Lục Vân Tiên là truyện thơ, được viết dưới hình thức thơ lục bát. Truyện thơ Nôm là thể loại văn học khá phát triển trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX. Đó là những thành tựu đáng tự hào của nền văn học dân tộc.

3. Đoạn trích này nằm ở phần đầu của truyện, từ câu 473 đến câu 504 trong tổng số 2082 câu của truyện thơ. Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực kết nghĩa anh em, rồi cùng tới kinh đô ứng thí. Họ vào nghỉ trong một quán trọ, ở đây, họ gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm. Bốn người cùng làm thơ để trổ tài cao thấp. Thấy Tiên, Trực làm thơ nhanh và hay, Kiệm và Hâm có ý nghi ngờ hai người sao chép thơ cổ. Trước tình cảnh ấy, ông quán tỏ ra khinh bỉ vô cùng những kẻ bất tài lại hay đố kị.

4. Đọc đoạn trích theo cách gieo vần của thơ lục bát. Chú ý ngắt giọng giữa câu (Quán rằng :/…, Tiên rằng :/…).

II - Kiến thức cơ bản

   Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn của văn học Việt Nam. Cũng như Truyện KiềuTruyện Lục Vân Tiênđược rất nhiều người Việt Nam yêu thích. Tác phẩm đã đi vào đời sống nhân dân và các nhân vật của truyện đã được dân gian hoá. Lục vân Tiên trở thành biểu tượng về một đấng nam nhi ngay thẳng tốt bụng, sẵn sàng cứu giúp người yếu thế. Kiều Nguyệt Nga trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng chung thuỷ, mẫu mực của người phụ nữ phương Đông đoan trang, nết na… Mỗi nhân vật của tác phẩm đều đã đi vào đời sống dân gian và trở thành một yếu tố của nền văn hoá dân gian. Truyện Lục Vân Tiênlà tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác trước 1858 của Nguyễn Đình Chiểu, đó là giai đoạn sáng tác theo quan điểm “văn chương chở đạo”. “Đạo” ở đây là những quan niệm đạo đức truyền thống phương Đông theo quan niệm của Nho giáo. Tính cách của nhân vật tốt – xấu, ngay – gian rất rõ ràng. Qua thế giới nhân vật ấy, tác giả thể hiện những quan niệm của mình về đạo đức, về con người và lẽ sống.

   Đoạn trích Lẽ ghét thương (từ câu 473 đến câu 504 của tác phẩm) là lời của một nhân vật trong truyện, đó là nhân vật ông Quán trong cuộc đàm đạo giữa ông và các nho sĩ trẻ tuổi. Quan điểm yêu ghét của ông Quán chính là quan điểm của tác giả – nhà thơ, nhà văn, ông đồ Nguyễn Đình Chiểu.

   Đoạn trích chia làm hai phần rất rõ rệt: phần nói về những điều mà ông Quán ghét, và phần kể về những điều ông Quán thương. Từ ghétthương ở đây cũng không đơn giản là chỉ tình cảm đối với một ai đó mà được dùng để thể hiện sự đồng tình và phản đối của người nói đối với điều được nói tới. Cũng không phải là chuyện ghét thương những điều liên quan đến cá nhân người nói. Chuyện ghét thương được nhìn nhận xuất phát từ quyền lợi của nhân dân.

   Cấu trúc ngôn ngữ trong đoạn trích có vẻ đơn điệu bởi sự lặp lại nhiều lần hình thức điệp đối. Song chính điều đó lại tạo nên hiệu quả nghệ thuật trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác giả. Lặp lại hình thức những thay đổi sự việc, nhân vật trong mỗi câu thơ để nhấn mạnh, khẳng định thái độ yêu ghét rõ ràng của nhà thơ. Để thể hiện thái độ ghét thương với từng đối tượng cụ thể, ông Quán có lời nhận xét chung “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. Chuyện ghét thương ở đây có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thái độ “ghét” là hệ quả của sự “thương” mà thôi. Nỗi ghét – thương là sự trăn trở của ông về cuộc đời, về cuộc sống của nhân dân lao động. Vì thương nhân dân cực khổ lầm than, vì trân trọng những con người biết vì dân mà ghét những kẻ tàn bạo, đi ngược với đạo lí làm người, đẩy nhân dân vào cảnh cơ cực lầm than.

   Trước hết, tác giả nói chuyện “ghét”. Ông Quán ghét những ai? Tại sao ông lại ghét họ. Với mỗi đối tượng, ông đều có lời giải thích rõ ràng. Không ghét chung chung, mà ghét điều cụ thể.

                                       Quán rằng “Ghét việc tầm phào

                                       Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm.

  Đối tượng ghét có tính khái quát rất cao, ghét tất cả những việc vớ vẩn, vô ích đối với dân với nước. Phàm những việc gì không có ích cho cuộc sống, có hại đối với con người thì đều là điều đáng ghét, điều xấu xa. Mức độ ghét cũng rất dứt khoát, rõ ràng và quyết liệt. Điều này thể hiện ở việc tách từ, điệp từ. Ba từ ghét được lặp lại trong câu thơ tám chữ thể hiện thái độ rất quyết liệt. Đó là thái độ không khoan nhượng, không dung tha đối với điều xấu.

   Những đối tượng tiếp theo được nhắc đến gắn với thái độ ghét của ông Quán đều có một điểm chung. Đó là những nhân vật nổi tiếng tàn ác, những triều đình nổi tiếng nhiễu nhương, xấu xa trong lịch sử Trung Quốc: Đó là Kiệt, Trụ mê dâm, U, Lệ đa đoan, Ngũ bá phân vân, thúc quý phân băng. ý thơ rất cân đối trong việc kể. Trước hết là hai cặp nhân vật nổi tiếng tàn bạo trong lịch sử phong kiến Trung Hoa thời cổ đại, những tên vua tàn ác mà tên tuổi đều gắn với những giai thoại về sự độc ác khôn cùng. Tiếp đến là hai thời kì đen tối của lịch sử Trung Hoa, kẻ cầm quyền tranh giành quyền lực đẩy nhân dân vào nạn binh đao. Kẻ thì ăn chơi, hưởng thụ sa đoạ, người thì say sưa tranh giành quyền lực nhưng tất cả bọn chúng đều gây ra một hậu quả chung là đẩy nhân dân vào cuộc sống vô cùng khổ cực. Những điều ông Quán ghét không liên quan gì đến cuộc sống của cá nhân ông. Tóm lại, ông ghét những kẻ làm nhân dân phải chịu khổ cực. Cả bốn câu ông đều nhắc đến dân, nhắc đến những hậu quả mà nhân dân lao động phải chịu : dân “sa hầm sẩy hang”, dân chịu “lầm than”, dân “nhọc nhằn” và “lằng nhằng rối dân”. Bốn đối tượng ghét cụ thể ấy đã khái quát nên một đối tượng ghét rất chung: ông ghét những kẻ đi ngược lại với quyền lợi của dân.

   Còn thái độ thương của ông thì sao? Ông thương những đối tượng nào? Thương không chỉ là sự thương cảm mà thương ở đây là thái độ đồng tình, kính trọng của ông dành cho đối tượng. ông không ghét những chuyện vặt vãnh nên cũng không nói đến thương những chuyện bình thường.

                                       Thương là thương đức thánh nhân,

                                       Khi nơi Tống, Vệ  lúc Trần, lúc Khuông.

                                        

   Đối tượng “thương” là nhân vật cụ thể, có thực trong lịch sử Trung Hoa. Đó là: Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Họ đều là những con người nổi tiếng về tài và đức. Họ có cùng một điểm chung là luôn cố gắng mang tài năng ra giúp đời song lại gặp toàn chuyện không may mắn. Sự nghiệp dù lẫy lừng song rồi lại dang dở. Nhưng tất cả họ đều là người có nhân cách cao cả, đều hết lòng thương yêu dân chúng, sống trọn đạo bề tôi, giữ vững phẩm cách của nhà nho. Đối tượng “thương” đều là những người tài đức vẹn toàn. Vì vậy, thái độ thương ở đây bao gồm cả sự cảm thông, trân trọng và kính phục của tác giả.

   Nhà thơ đã mượn chuyện bàn luận về ghét thương, về lịch sử để thể hiện thái độ của mình đối với nhân dân. Việc ghét thương gắn chặt với quyền lợi của nhân dân lao động.

   Tác giả đã sử dụng rất thành công các phương tiện ngôn ngữ như điệp từ, từ láy, thành ngữ, tiểu đối để thể hiện thái độ ghét thương rất rõ ràng, dứt khoát và quyết liệt của mình. Đặc biệt nhà thơ đã sử dụng rất hiệu quả biện pháp nghệ thuật điệp từ. Đó là từ ghét và từ thương. Đối tượng của “ghét” và “thương” thì luôn sóng đôi nhau từng cặp. “Kiệt, Trụ” và “U, Lệ” ; Ngũ bá và thúc quý. Đối tượng “thương” thì phong phú hơn. Điều đó thể hiện rõ hơn thái độ thương ghét rõ ràng, dứt khoát của ông Quán. Ông Quán dẫn toàn những chuyện sử sách Trung Quốc. Đây là những câu chuyện mà bất cứ nhà nho nào cũng biết đến. Ở thời của các nhà nho như Nguyễn Đình Chiểu, những nhân vật và những thời điểm lịch sử ấy đã trở nên rất quen thuộc và đã mang ý nghĩa khái quát hoá.

   Mượn lời ông Quán, tác giả đã thể hiện quan điểm của một nhà nho chân chính. Nhà nho ấy tuy là đệ tử của chốn cửa Khổng sân Trình nhưng lại có tư tưởng rất tiến bộ. Đó là sự nối tiếp tư tưởng của Nguyễn Trãi thể hiện ở Bình Ngô đại cáo, đó là : “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Cái tiêu chuẩn để “ghét thương” ở đây là quyền lợi của nhân dân, đi trái với quyền lợi của nhân dân là đáng ghét, là đáng phê phán. Tác giả đã dùng hình thức đàm đạo về ghét thương giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi để thể hiện thái độ, quan điểm tư tưởng của mình về thời cuộc và nhân tình thế thái.

III - Liên hệ

                                       “Quán rằng: ghét việc tầm phào,

                                       Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.”

   Chính thái độ yêu ghét dứt khoát mãnh liệt ấy đã tạo cho truyện Lục Vân Tiên một tinh thần đấu tranh, một tinh thần phấn khởi lôi kéo người đọc…

   … Thương và ghét đều vì nhân dân. Làm lợi cho dân thì thương, làm hại cho dân thì ghét :

                                          Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm

                                          

                                          Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân.

  Nguyễn Đình Chiểu cũng đứng trên lập trường nhân nghĩa của nhân dân mà có một thái độ dứt khoát : yêu và ghét, “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”… Thái độ thật dứt khoát ấy được xây dựng trên một lí tưởng vững chắc bền bỉ, không gì lay chuyển nổi. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga tiêu biểu cho cái lí tưởng ấy. Trong truyện Lục Vân Tiên mỗi nhân vật chính diện đều theo đuổi một lí tưởng như vậy.

[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]
Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"