Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho yêu nước cuối thế kỉ 19. Cuộc đời của ông đầy những bất hạnh. Nhưng bằng nghị lực phi thường: Ông trở thành tấm gương sáng về nhiều mặt... “Với Văn tù nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên bức tượng đài bi tráng về người nông dân nghĩa sĩ đánh Pháp cuối thế kỉ XIV”. Lời đánh giá trên rất xứng đáng với thành công của tác phẩm. Hơn một thế kỉ qua, đọc lại bài văn tế ấy, ai không dạt dào xúc động, bởi “nước mắt anh hùng” có bao giờ ráo khô?
Mở đầu tác phẩm, tác giả đã cất lên tiếng than:
Hỡi ôi! Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ!
Đây chính là hoàn cảnh, là cái nền mà trên đó, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng nên bức tượng đài bất hủ. Đất nước bị xâm lăng. Súng giặc đã rền khắp núi sông. Kẻ thù hung hãn đã tới. Xã tắc chao đảo trước “tàu thiếc, tàu đông, súng nổ”. Phải chăng, đây là lúc:
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
Cũng chính là lúc:
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dát bay
(Chạy Tây - Nguyễn Đình Chiểu)
Từ hoàn cảnh khốc liệt, tan tác, đau thương này, tấm lòng của người dân đã rực sáng giữa trời xanh!
Họ là ai?
Họ không phải là những sĩ phu, những chí sĩ, cũng không phải những đại gia từng được ơn vua lộc nước hậu hĩnh. Họ chỉ là những người:
Côi cút làm ăn, lo toan nghèo khó...
... Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó
Họ hoàn toàn là nông dân, nông dân 100% những con người quanh năm chưa từng bước ra khỏi lũy tre làng! Hơn thế, họ còn là những nông dân nghèo, nghèo lắm. Hai chữ “côi cút” của cụ Đồ mới xót xa làm sao! Có nghĩa là, ngày thường, những tháng năm dài dặc kia, họ chẳng được “chăn dắt” như mạo nhận của bọn vua quan. Một đời, nhiều đời thui thủi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời! Thế nhưng, chính những con người bị bỏ rơi ấy lại là những người đầu tiên đứng lên, cho dù chẳng phải quân cơ, quân vệ. Họ chỉ vì nghĩa lớn mà tập hợp dưới cờ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu
Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó
Với hai câu văn trên, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã cho ta thấy họ quả là những nghĩa sĩ, những con người có trách nhiệm lớn với non sông, những con người mang trong mình dòng máu bất khuất. Cho nên, chính họ đã quyết “Phen này xin ra sức đoạn kình... Chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.
Đó chính là tư tưởng của những Triệu Thị Trinh, Bố cái Đại vương Phùng Hưng từng chém cá kình ở biển Đông, bắt hổ dữ ở rừng sâu trong lịch sử dân tộc.
Nhưng Cụ Đồ Bến Tre vẫn không quên chính họ là những người chân đất có tấm lòng căm thù giặc tới tận xương tủy:
Bữa thấy bòng bong che trăng lốp, muốn tới ăn gan
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ!
Chính sự sôi máu này khiến họ vượt qua khó khăn thiếu thốn, không đợi trang bị vũ khí, ăn mặc, không đợi luyện tập quân sự, không sợ kẻ địch vũ khí tối tân, có lính đánh thuê hung hãn, có bọn Việt gian thâm hiểm nhất quyết ngay một lúc vào trận với những vũ khí tự tạo thô sơ: “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi/ Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay”, nghĩa là có gì đánh nấy, miễn là giết được giặc! Nếu không có tấm lòng vì nghĩa lớn, làm sao có được cái gan ấy?
Và khi vào trận, họ quả là phi thường:
Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rào lướt tới; coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô của vông vào liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.
Quả là một trận chiến dũng mãnh, quyết liệt đến liều mạng của lòng căm thù! Các động từ mạnh như “đạp - lướt - xô - xông - đâm ngang - chém ngược...” khiến cho người đọc hàng trăm năm sau còn như thấy trước mất khí thế vũ bão ào ào của nghĩa quân. Trong ánh lửa bập bùng, loang loáng những bắp tay trần, loang loáng ánh thép dao phay, rầm rập những bước chân, ầm ầm tiếng thét giết tươi kẻ thù...
Trong văn học Việt Nam đến thời điểm ấy, hiếm có một bức tranh công đồn nào hiện thực sinh động như thế! Khòng một chút ước lệ, ngòi bút kí sự, đặc tả của Nguyễn Đình Chiểu, mới quý giá biết bao! Vì sao một người quanh mình chỉ có bóng đêm” mà lại nhìn sáng tỏ đến như thế? Tài năng hay tấm lòng? Có lẽ là tất cả!
Chính tinh thần quyết chiến ấy của người nghĩa sĩ đã làm nên những chiến công rất đáng ca ngợi. Họ đã tiêu diệt được tên chỉ huy ác ôn, đã đốt háy ổ gián điệp, tức là kẻ thù nổi, kẻ thù chìm, kẻ thù bằng xương băng thịt, kẻ thù tư tưởng (nhà dạy dạo)... Càng có ý nghĩa lớn khi những chiến công ấy được lập lên từ những vũ khí rất thô sơ! Bức tượng đài hoành tráng ấy càng lẫm liệt.
Xót xa thay! Họ đã ngã xuống! Sự hi sinh anh dũng của họ đã làm đau xót cả đất trời Nam Bộ:
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.
Đất trời mờ mịt! Người người khóc thương! Nỗi sầu thảm này biết mấy xót xa! Đằng sau cái chết của người anh hùng sẽ là:
Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn, đèn khuya leo lét trong lều; Não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Có thể nói, Nguyễn Đình Chiểu đã hòa máu và nước mắt để viết nên những câu văn nẫu lòng như thế!
Mặc dù Nguyễn Đình Chiểu đã gạt lệ để ngợi ca tấm gương hi sinh oanh liệt của người chiến sĩ với tấm lòng son vằng vặc ánh trăng rằm, “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ linh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”, nghĩa là những con người ấy chết mà vẫn sống. Nhưng lòng chúng ta vẫn không sao ngăn được ngậm ngùi xót thương đau đớn!
Bức tượng đài bi tráng mà Nguyễn Đình Chiểu đã dựng nên bằng ngòi bút của mình sẽ mãi mãi tồn tại cùng non sông đất Việt. Đây là bức tượng đài đầu tiên về người nông dân đánh giặc! Chúng ta đều biết, người Việt ta từ khi biết dùng cành cây chọc lỗ gieo hạt cũng là lúc biết vót nhọn ngọn tầm vông, chuốt nhọn mũi chông tre để chống lại mọi kẻ thù bốn chân và kẻ thù hai chân! Họ thực là chủ nhân của đất nước. Nhưng trong văn học chính thống trước thời Nguyễn Đình Chiểu, họ chưa một lần trở thành nhân vật trung tâm! Nay, Nguyễn Đình Chiểu đã trả lại địa vị chính đáng cho những người chân lấm tay bùn này. Nguyễn Đình Chiểu đả trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nước ta cuối thế ki XIX có phần đóng góp xứng đáng của “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”! “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” mãi mãi là “bài ca về những người anh hùng thất-thế” (Phạm Văn Đồng).
Xin được thắp một nén tâm hương tưởng nhớ, hai lần tưởng nhớ, tưởng nhớ người anh hùng liệt sĩ, tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]