Dàn ý
I - MỞ BÀI
- Vị trí bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong cuộc đời và trong sự nghiệp văn học của Nguyền Đình Chiểu.
- Giới thiệu ý kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng.
II- THÂN BÀI
1. Thân phận, tình huống éo le của người nghĩa quân cần Giuộc.
- Những người nông dân hết sức bình thường, “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”.
- Sơ sài về tri thức quân sự, rất ít được huấn luyện, tập tành.
- Sơ sài về vũ khí, trang bị.
- Đảm đương sứ mệnh đánh giặc, cứu nước giữa lúc triều đình bạc nhược, làm ngơ trước sự hung hãn, lấn lướt của kẻ thù.
2. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Khúc ca hùng tráng về những con người hiên ngang, dũng cảm.
- Vào trận và xả thân với lòng hoàn toàn tự nguyện, với những trang bị sẵn có hết sức thô sơ.
- Khí thế xung trận dũng mãnh khác thường được dựng tả trong cảm hứng tự hào, phấn chấn Nguyễn Đình Chiểu.
- Nguồn sức mạnh lớn lao để người nghĩa sĩ xả thân cao cả như thế là lòng căm thù giặc sâu sắc, là nhận thức đúng đắn về lẽ sống, chết ở đời.
3. Cảm hứng bi hùng của Nguyễn Đình Chiểu trong lúc viết Văn tề nghĩa sĩ Cần Giuộc.
- Đau xót, bi thương trước sự hi sinh của những người nghĩa sĩ.
- Cảm phục, tự hào trước tấm gương "nghìn năm tiết rỡ”.
III- KẾT BÀI
- Khẳng định vị trí đặc biệt của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong lịch sử văn học dân tộc: Lần đầu tiên dựng lên một tượng đài nghệ thuật đầy tính chất bi tráng về những người nông dân đánh giặc cứu nước.
Bài mẫu
Nguyễn Đình Chiểu được biết đến không chỉ là một nhà Nho tiết tháo mà còn là một nhà thơ với tinh thần yêu nước nồng nàn. Bởi vậy, đau đớn trước cảnh các nghĩa sĩ hi sinh thân mình vì đất nước, nhà thơ đã sáng tác "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" để bày tỏ nỗi xót thương với họ. Nhận xét về tác phẩm, đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng: "Bài thơ là khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang".
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng đau thương. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu, nhiều người nông dân đã tập kích đồn giặc ở Cần Giuộc. Cuộc khởi nghĩa đã giết được một tên quan hai của Pháp và chi viện nhưng lại bị dập tắt đẫm máu khiến cho 20 nghĩa sĩ hi sinh. Bài văn tế được đọc trong buổi lễ truy điệu những người nghĩa sĩ, khiến ai ai cũng không khỏi cảm thấy xót xa.
Trước tiên, ở những người nghĩa sĩ ấy người đọc thấy được tượng đài sừng sững hiên ngang của tinh thần quả cảm không ngờ. Họ vốn xuất thân là những người nông dân áo vải và hoàn toàn xa lạ với công việc của người lính:
"Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu,ở trong làng bộ".
Vậy mà, khi nghe tiếng "súng giặc đất rền", họ căm thù chúng sâu sắc "trông tin quan như trời hạn trông mưa", "ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ". Ẩn dưới cách nói khẩu ngữ của người nông dân ấy là nhận thức sâu sắc về chủ quyền dân tộc, để rồi họ lâm trận với manh áo vải làm đồng còn lấm lem bùn đất: "Ngoài cật có một manh áo vải", "trong tay cầm một ngọn tầm vông". Đối lập với những trang thiết bị hiện đại, quân lính chuyên nghiệp của kẻ thù là võ trang thô sơ, sơ sài của những người nghĩa sĩ. Họ ra trận chỉ có tấm lòng và tinh thần dũng cảm vô song, nhưng họ chiến đấu bằng tất cả những gì họ có với khí thế ngùn ngụt: "Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ", "Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có". Những động từ mạnh như "đạp rào lướt tới", "xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có", "kẻ đâm ngang, người chém ngược" đã miêu tả sự quyết liệt , dữ dội của trận đấu cùng với những hành động quyết đoán của nghĩa sĩ Cần Giuộc. Kết quả là, họ đã làm nên chiến thắng to lớn, uy hiếp khiến kẻ thù lo sợ: "mã tà ma ní hồn kinh, bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ".
Qua ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu, người nông dân được ca ngợi với những chiến công hiển hách, nhưng nhà thơ cũng không thể tránh được cảm xúc đau lòng: "Đoái sông Cần Giuộc: Cỏ cậy mấy dặm sầu giăng; Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ". Nỗi xót xa ấy càng tăng thêm gấp bội với nỗi bất hạnh cuả những gia đình đang đánh mất trụ cột duy nhất: "Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ".
Càng thấm thía nghịch cảnh éo le của những người nghĩa sĩ bao nhiêu, Nguyễn Đình Chiểu lại càng đề cao, ca ngợi công lao của họ, để rồi hình tượng người nghĩa sĩ hiện lên vĩnh viễn hóa, bất tử hóa. Họ hiên ngang không chỉ trong chiến đấu, mà ngay cả khi thất thế, ở họ ta vẫn thấy tầm vóc hùng hũng, lớn lao: "Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ", "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ bình, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó". Vẻ đẹp bi tráng với lí tưởng và lòng trung hiếu của những người nông dân áo vải ấy đã, đang và sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian, như một chân lí không thể thay đổi. Bài thơ vì thế đau thương nhưng cũng trở nên hào hùng hơn bao giờ hết.
Thật vậy, lời nhận xét của đồng chí Phạm văn Đồng về những người nghĩa sĩ quả thực rất chính xác. Tuy rằng cuộc chiến của họ bị dập tắt nhưng vượt lên tất cả, vẻ hiên ngang oai hùng của họ sẽ luôn sống mãi với thời gian. Tượng đài bi tráng ấy sẽ vĩnh viễn hóa, bất tử hóa cùng với nhân dân, dân tộc.
Nguồn: Sưu tầm
Xem các bài tham khảo khác tại đây:
hoctot.me