Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một truyện ngắn không có cốt truyện nhưng lại hấp dẫn và gợi lên trong người đọc nhiều suy nghĩ. Anh (chị) hãy trả lời một cách ngắn gọn, điều gì đã làm nên sức hấp dẫn ấy và nó đã gợi lên trong anh (chị) những suy nghĩ gì ?
Dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Thạch Lam
- Giới thiệu truyện ngắn Hai đứa trẻ
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
a. Hai đứa trẻ là truyện ngắn không có cốt truyện.
- Chỉ là một buổi chiều tối ở phố huyện nghèo nàn, tăm tối với tiếng trống thu không rời rạc và cảnh chợ chiều hiu hắt.
- Chỉ là một chõng hàng nước, một gánh hàng phở, một gia đình bác xẩm lê la trên đất cát, một bà già điên nghiện rượu, hai chị em Liên và An thu dọn hàng rồi chờ chuyến tàu khuya.
- Không có tình huống gay cấn, éo le và chẳng có xung đột gì.
b. Truyện Hai đứa trẻ hấp dẫn và gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ:
+ Sức hấp dẫn của truyện.
- Thiên nhiên, cảnh vật một miền quê nghèo hiện lên thật buồn nhưng cũng rất đỗi yên ả, hiền hòa và trữ tình.
- Truyện lôi cuốn người đọc là những mảng tối tràn ngập vây quanh những cuộc đời tội nghiệp thành nỗi ám ảnh thao thức lòng người.
- Truyện lôi cuốn người đọc bằng chi tiết ngọn đèn dầu leo lét của chõng nước nhà chị Tí lặp lại đến những bảy lần gây ấn tượng và giàu ý nghĩa tượng trưng.
- Lối kể chuyện nhẹ nhàng, duyên dáng, điềm tĩnh, đậm sâu và khắc khoải.
+ Truyện đã gợi cho người đọc những suy nghĩ.
- Truyện như một bài thơ trữ tình đầy xót thương về những con người nhỏ bé, khắc khổ và lay lắt trong xã hội cũ.
- Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của thiên truyện không chỉ mong muốn mang đến một đời sống vật chất no đủ mà mang đến một thế giới tinh thần ấm áp.
- Tác giả còn muốn lay tỉnh những tâm hồn đang khắc khoải, uể oải, đang lụi tắt hướng đến cuộc sống có ý nghĩa hơn.
- Tác giả đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần và trân trọng dẫu cho đó là “ước vọng mơ hồ” vươn đến ánh sáng cuộc đời của những đứa trẻ đáng thương trong xã hội đầy bóng tối nô lệ trước Cách mạng tháng Tám.
- Truyện đã để lại nhiều dư vị, dư âm ấm áp tình người, tình đời.
3. Kết bài
- Khái quảt lại vấn đề
Xem các dàn ý tham khảo khác tại đây:
Bài mẫu
BÀI LÀM
Truyện ngắn của Thạch Lam có một phong cách riêng. Đó là những truyện ngắn dường như không có cốt truyện, hoặc cốt truyện thường đơn giản nhưng lại hấp dẫn và gợi lên trong người đọc nhiều suy nghĩ. Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách đó của Thạch Lam .
Trước hết, Hai đứa trẻ đúng là rất tiêu biểu cho loại “truyện không có truyện”. Bởi lẽ, cốt truyện chỉ là cảnh một buổi chiều tối ở một phố huyện nghèo nàn, tăm tối, với tiếng trống thu không, cảnh chợ chiều hiu hắt, với một chõng hàng nước, một gánh hàng phở, một gia đình bác xẩm, một bà già điên uống rượu cười sằng sặc và hai chị em cô hàng xén Liên, An cố thức chờ chuyên tàu đêm đi qua... Chỉ có vậy thôi, chẳng có tình huống gay cấn, éo le cũng không có mâu thuẫn xung đột . Nhưng truyện lại hấp dẫn và gợi lên trong người đọc nhiều suy nghĩ. Truyện là một bài thơ trữ tình đầy xót thương, trong đó sô phận những con người nhỏ bé vô danh đã được tác giả kể lại bằng một giọng kể cảm động và vẽ lên bằng những nét vẽ đời thường mà khắc sâu. Một vầng sáng con con trên chõng hàng nước chị Tí, một ánh lửa hắt ra từ thùng phở bác Siêu, cảnh gia đình bác xẩm ngủ gục trên mảnh chiếu rách... và nhất là tâm trạng nôn nao thức đợi tàu của hai đứa trẻ.
Truyện tâm tình, với nghệ thuật xoáy sâu vào tình cảm người đọc bằng giọng văn nhỏ nhẹ, thủ thỉ, điềm tĩnh và lắng sâu, nhiều dư vị, dư vang, bằng một hình tượng nghệ thuật có sức lay động và ám ảnh sâu sắc. Cái bóng tối bao phù kín mít phố huyện đã được nhà văn đặc tả rất kĩ càng, tỉ mí gây ấn tượng mạnh mẽ... Đặc biệt, Hai đứa trẻ đã đem đến cho người đọc những rung động sâu xa từ tấm lòng nhân đạo của Thạch Lam đối với những kiếp người nghèo khổ tội nghiệp trong cảnh đời cũ trước Cách mạng tháng Tám. Đó chính là sức hấp dẫn của truyện. Nhưng cũng cần phải nói thêm, có loại tạo nên hấp dẫn nhất thời, lại có loại khiến ta nhớ mãi. Hai đứa trẻ của Thạch Lam thuộc loại hấp dẫn thứ hai. Vì truyện đã gợi lên cho người đọc nhiều suy nghĩ.
Trước hết đó là số phận những con người sống âm thầm, lay lất tàn lụi trong bóng tối của cuộc đời cũ. Họ là những kiếp người nhỏ bé vô danh, không bao giờ được biết đến ánh sáng và hạnh phúc. Cuộc sống mãi mãi bị chôn vùi trong tăm tối, nghèo đói, buồn chán ở một nơi xa vắng nào, ở thiên truyện này suy rộng ra, ở trên đất nước còn chìm đắm trong cảnh nô lệ và đói nghèo. Chúng ta đồng cảm sâu sắc với niềm xót thương vô hạn của Thạch Lam đối với những con người nhỏ hạnh đó.
Sau nữa, qua hình ảnh hai đứa trẻ, truyện còn muốn nói lên một điều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đâu phải chỉ là cuộc sống cơm áo mà còn là cuộc sống tinh thần, tình cảm của con người. Cuộc sống đơn điệu, buồn chán và ngưng đọng ở cái phố huyện nghèo nàn tăm tối quả thực là một điều đáng sợ cho hai đứa trẻ và cũng là điều khiến ta phải suy nghĩ. Qua tâm trạng Liên, tác phẩm muốn lay tỉnh ở những tâm hồn uể oải, đang lụi tắt ngọn lửa của lòng khao khát được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, khao khát thoát khỏi cuộc đời tăm tối đang muốn chôn vùi họ. Truyện đánh thức trong lòng người đọc những ước mơ, khát vọng đẹp, nqay cà khi phải sống trong cành buồn chán, tẻ nhạt.
Tuy không có cốt truyện li kì, nhưng Hai đứa trẻ vẫn sống lâu bền trong lòng người đọc bao thế hệ. Bởi truyện là một bài thơ trữ tình đầy xót thương, là tấm lòng nhân hâụ cao cả của Thạch Lam với nhiều dư vị, dư vang ấm áp của tình người, tình đời trong một xã hội khổ đau bất hạnh.
hoctot.me