Đọc hiểu Nhớ đồng

2024-09-14 13:23:49

Đề bài

Đọc hiểu Nhớ đồng

Lời giải chi tiết

I - Gợi dẫn

1. Tác giả (xem bài Từ ấy). 2. Bài Nhớ đồng được viết vào tháng 7 – 1939 trong nhà lao Thừa Phủ ở Huế. Bài thơ thuộc phần Xiềng xích trong tập Từ ấy.

   Bài thơ thể hiện tâm trạng của tác giả trong những ngày bị giam cầm trong nhà tù thực dân. Ở trong tù, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi hướng ra bên ngoài bằng một tình yêu thương vô bờ đối với quê hương, với cuộc đời. Tâm trạng đó thể hiện nỗi khao khát tự do của người tù trẻ tuổi.

   Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình được phát triển như sau:

- Xác nhận tâm trạng chính là nhớ thương bằng một câu nghi vấn tu từ mở đầu và được lặp lại 4 lần trong toàn bài.

- Nhân vật trữ tình hướng ra cuộc sống bên ngoài bằng một dòng hồi tưởng:

+ Hồi tưởng về quê hương với những hình ảnh thân quen, bình dị nhưng đượm buồn. Đó là đồng ruộng, luỹ tre, ngôi nhà và những con người lam lũ trong cảnh nô lệ lầm than, những linh hồn người xưa.

+ Hồi tưởng về những chặng đường đến với cách mạng: những ngày băn khoăn, bế tắc vì chưa tìm ra lí tưởng cuộc đời và những ngày hạnh phúc vì đã tìm thấy và bắt gặp ánh sáng cách mạng.

   Dòng hồi tưởng ấy thể hiện nỗi khao khát tự do của nhân vật trữ tình.

3. Đọc chậm, giọng thiết tha, tình cảm sâu lắng.

II - Kiến thức cơ bản

   Nhớ đồng là bài thơ trữ tình chính trị tiêu biểu cho phong cách thơ cách mạng Tố Hữu. Năm 1938, nhà thơ bị bắt khi đang say sưa với lí tưởng cách mạng. Những ngày nằm trong tù, nhà thơ đã hướng ra cuộc sống bên ngoài với tất cả nỗi nhớ, tình yêu và khát khao tự do. Tâm trạng ấy được khái quát trong câu thơ:

   Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

   Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

   Câu thơ với hình thức câu nghi vấn tu từ được lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh và làm nổi bật tâm trạng của nhân vật trữ tình. Nhà thơ đã rất thành công khi dùng hình thức trữ tình để thể hiện lí tưởng cộng sản.

   Câu thơ đã khái quát nội dung cảm xúc của toàn bài. Đó là tâm trạng cô đơn, là nỗi buồn của người tù đang say mê lí tưởng đột ngột bị giam cầm trong bốn bức tường lạnh lẽo của xà lim. ở Tâm tư trong tù, tâm trạng ấy được thể hiện sôi nổi, bức xúc và mạnh mẽ hơn. Còn ở Nhớ đồng lại sâu lắng hơn. Nhớ đồng là cách nói hình tượng, có ý nghĩa tượng trưng. Tuy trong nỗi nhớ của nhân vật hình ảnh đồng ruộng quê hương có xuất hiện nhưng nỗi nhớ ấy là nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ những ngày đã qua.

   Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình được phát triển theo các giai đoạn: Nhớ đồng quê, nhớ những bóng hình quen, những hồn, những ngày xưa… và cuối cùng tổng kết lại bằng một câu thơ có nội dung khái quát:

   Tôi mơ qua cửa khám bao ngày

   Tôi thu tất cả trong thầm lặng

   Như cánh chim buồn nhớ gió mây.

   Hình ảnh “chim buồn nhớ gió mây” đã khái quát thực chất nỗi “nhớ đồng” là nỗi khát khao tự do.

   Lần theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình – người tù, chủ thể của nỗi nhớ – để tìm hiểu giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của thi phẩm.

   Câu thơ mở đầu và cũng là ý thơ được lặp lại nhiều lần (4 lần) có ý nghĩa khẳng định sự mãnh liệt của nỗi nhớ. Gì sâu bằng là cấu trúc có ý khẳng định “không gì sâu (mạnh) hơn”. Những trưa thương nhớ là những ngày trong cảnh tù đày. Cấu trúc nghi vấn tu từ kết hợp với từ đâu khiến điệu thơ da diết, sâu lắng nhưng không kém phần mãnh liệt. ở đây nhà thơ đã dùng nghệ thuật đảo trật tự thành phần để làm nổi bật thành phần một tiếng hò. “Tiếng hò” là âm thanh gợi nhớ tới quê hương, nó giống như âm thanh của “tiếng guốc đi về” ở Tâm tư trong tù. Đó là âm thanh dội về từ kí ức. Cái âm thanh gợi từ tưởng tượng ấy đã dẫn dắt các hình ảnh cụ thể của cuộc sống bên ngoài. Thế giới bên ngoài lần lượt xuất hiện trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình với các hình ảnh thân quen và gần gũi.

   Hình ảnh quê hương của những ngày yên vui thanh bình và cả những khổ đau, cực nhọc:

   Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi

   Đâu ruồng tre mát thở yên vui

     …..

   Giữa dòng ngày tháng âm u đó

   Không đổi nhưng mà trôi cứ trôi…

   Những hình dáng thân thương, bình dị và đượm nỗi buồn cũng lần lượt hiện về trong nỗi nhớ. Tất cả đều hiện lên với vẻ cực nhọc “lưng cong xuống luống cày”, thấm đẫm nỗi buồn đau, xơ xác “lúa mềm xao xác”, giọng hò đưa hố “não nùng”, “mẹ già xa đơn chiếc”. Đó là những hình ảnh gợi tả cảnh quê hương đau thương trong những ngày nô lệ lầm than, đó là những hình ảnh đã in sâu trong kí ức của người tù, nó là động lực tạo nên sức mạnh chiến đấu của người cộng sản. Nỗi nhớ ngày càng được thể hiện mãnh liệt hơn với giọng điệu da diết:

   Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi

   Sao mà cách biệt, quá xa xôi

   Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ

   Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!

   Một loạt từ cảm thán xuất hiện đã diễn tả tình cảm thiết tha đối với cuộc sống, với con người. Dường như nhân vật trữ tình đang chìm đắm trong nỗi nhớ, trong dòng hồi tưởng. Nó khiến người đọc cảm nhận rõ tâm trạng cô đơn, đau buồn của người tù. Không chỉ nhớ người sống, người của hiện tại mà còn nhớ cả những người đã ra đi (những hồn).

   Trong dòng hồi ức của nhân vật trữ tình, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất, đậm đặc nhất là hình ảnh những con người lao động lầm than gắn với ruộng đồng quê hương. Những hình ảnh đó thật thân thương nhưng thật buồn. Buồn bởi đó là hình ảnh quê hương còn trong cảnh nô lệ. Sự nghiệp cách mạng còn đang dang dở, mơ ước giải phóng quê hương khỏi cảnh nô lệ lầm than chưa thực hiện được mà lại phải nằm trong tù nên nỗi nhớ thương quê hương vẫn canh cánh bên lòng và nó hiện hình thành những hình ảnh ấy.

   Sau hình ảnh quê hương buồn đau trong nô lệ là kí ức về những ngày đầu tiên tìm đến với cách mạng. Mạch cảm xúc phát triển đúng lôgíc tâm lí. Hai giai đoạn trong chặng đường đi kiếm tìm chân lí đã được khái quát lại trong hai khổ thơ:

   Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi

   Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời

   Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn

   Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời

   Đó là những ngày chưa bắt gặp lí tưởng, chưa có ánh sáng lí tưởng cộng sản soi đường. Nhớ lại những ngày tăm tối ấy để cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc, nỗi vui mừng khi gặp ánh sáng cách mạng:

   Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi

   Nhẹ nhàng như con chim cà lơi…

   Nhịp thơ đột ngột chuyển sang vui vẻ, phấn chấn. Nhớ lại những ngày đầu hăng say bước đi trên con đường cách mạng với bao nhiêu hi vọng, với niềm lạc quan tin tưởng ấy càng làm cho người chiến sĩ nhận thức rõ hơn cảnh ngộ của mình. Và anh chợt bừng tỉnh sau những giây phút đắm mình trong suy tư, nhớ thương:

   Cho tới chừ đây, tới chừ đây

   Cảnh ngộ được tái hiện và thu gọn trong những câu thơ cuối cùng. Câu thơ kết có sự lặp lại kết cấu câu thơ đầu nhưng ý có khác tạo nên kết cấu vòng tròn cho bài thơ. Kết cấu ấy thể hiện một điều rằng nhân vật trữ tình lại tiếp tục đắm chìm trong nỗi thương nhớ ấy.

   Bài thơ kết thúc nhưng cảm xúc thơ lại được mở ra một chu trình mới. Bằng một hình thức trữ tình, nhà thơ đã diễn tả thành công dòng nội tâm của nhân vật trữ tình người tù cộng sản trong cảnh tù đày. Những nỗi nhớ thương được lặp lại nhiều lần ấy thể hiện sự khát khao hướng ra bên ngoài, khao khát tự do của người tù trẻ tuổi có trái tim đang căng đầy nhựa sống và tràn trề nhiệt huyết cách mạng.

III - liên hệ

   Trong những ngày bị giam cầm tại nhà tù Lao Bảo, nhà thơ Tố Hữu viết nhiều bài thơ khẳng định khí tiết của người cộng sản – trong đó có bài Trăng trối:

Từ thuở ấy, quăng thân vào gió bụi

Đến hôm nay phút chết đã kề bên

Đến hôm nay kiệt sức, tôi nằm rên

Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu.

 

Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là g­ươm kề tận cổ, súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa

Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa

Bạn đời ơi ! ta đã hiểu nhau rồi.

 

Nếu mai đây có chết một thân tôi

Hai m­ươi tuổi, tim đang dào dạt máu

Hai mư­ơi tuổi, hồn quay trong gió bão

Gân đang săn và thớ thịt căng da

Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!

Hai mư­ơi tuổi mới qua vòng thơ bé

Dù phải chết, chết một đời trai trẻ

Liệm thân tàn bằng một mảnh chiếu con

Rồi chôn xương rục thối dư­ới chân cồn

Hay phơi xác cho một đàn quạ rỉa ?

Tôi chẳng tiếc, chỉ cười trông mai mỉa

Bao nhiêu hình ảnh đó vẽ quanh tôi.

 

Tiếc làm gì? Thế cũng đã sống rồi.

Trường giông tố mấy năm trời vật lộn

Với cách mạng, tôi không hề đùa bỡn

Và không hề dám chối một nguy nan.

Dẫu bao nhiêu thành quả của thanh xuân

Tôi mới hái một đôi lần ít ỏi

Và bên bạn, chỉ là tên lính mới

Gót chân tơ chưa dày dạn phong trần

Tôi vẫn hằng tự nghĩ: “Miễn quên thân

Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa

Thế cũng được, lựa chi nhiều tài trí

Mới là tên lính quý của đoàn quân?

Và lòng vui, trí nhẹ đủ trăm phần

Tôi sẽ chết bình yên, không hối hận

Tôi sẽ chết như­ bao nhiêu số phận

Nẻo đường xa, đã mạnh dấn chân vào

Đã từng lăn trong máu dưới gươm trào

Thân đã nặng bởi bao gông xiềng xích!

Tôi sẽ chết, tuy chưa về tới đích

Nhưng cần chi, đã có bạn chung đời

Tung hoành trên mặt đất bốn phư­ơng trời

Trường giao chiến không một giờ phút lặng!

Rồi chiến thắng sẽ về ta, chiến thắng

Và tương lai, ta sẽ chiếm về ta!

Trường đấu tranh là một bản hùng ca

Ta sẽ chết trong điệu đàn tranh đấu.

 

Đây là tiếng, hỡi bạn đời yêu dấu

Của một người bạn nhỏ, trư­ớc khi đi

Đây là lời trăng trối để chia li

Hãy đón nó, bạn đời ơi, đón nó!

Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ

Sống đã vì cách mạng, anh em ta

Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!

Vui vẻ chết như­ cày xong thửa ruộng

Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

Vui nhẹ đến trên môi cười hi vọng.

Lao Bảo, tháng 11 - 1940

    (Trong những ngày tuyệt thực)

[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"