Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Kết nối tri thức - Đề số 5

2024-09-14 13:26:10

Đề thi

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I

Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023

Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề

I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau :

(1) Sau Tết Nguyên Đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt vầ ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm. Điều ấy một phần là do mưa xuân

(2) Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da.

(3) Chính dịp đó ông Diểu đi săn.

(4) Ý nghĩ đi săn nảy sinh khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng. Khẩu súng tuyệt vời, nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi, thật nằm mơ cũng không thấy được. Ở tuổi sáu mươi, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống.

(5) Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề. « Thôi tao phóng sainh cho mày ! » - Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ bãi nước bọt dưới chân mình. Lưỡng lự giây phút rồi ông vội vã bước đi. Hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến con khỉ đực nằm.

(6) ÔngDiểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyết nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa từ huyền cứ ba chục năm mởi nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.

 (Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp, Tập truyện Tình yêu, tội ác và trừng phạt, NXB Trẻ, 2012)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích:

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Câu 2. Trong đoạn (1), tác giả đã sử dụng phép liên kết hình thức nào?

A. Phép nối

B. Phép lặp

C. Phép thế

D. Phép điệp

Câu 3. Ý nghĩ đi săn của ông Diểu nảy sinh khi nào?

A. Khi cây cối đều nhú lộc non

B. Khoảng thời gian rừng xanh ngắt và ẩm ướt

C. Khi ông sáu mươi tuổi

D. Khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng

Câu 4. Tính từ “tuyệt thú” là sự kết hợp của 2 từ nào? 

A. Tuyệt vời, thú vị.

B. Tuyệt bích, hứng thú. 

C. Tuyệt vời, thú vui.

D. Tuyệt vời, hứng thú

Câu 5. Xét theo cấu trúc ngữ pháp, câu văn sau thuộc loại câu gì?

Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú.

A. Câu ghép

B. Câu đơn

C. Câu miêu tả

D. Câu trần thuật

Câu 6.Tại sao tác giả lại cho rằng: Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da. ?

A. Tác giả muốn nhấn mạnh con sóc có thể xua đi những suy nghĩ xấu xa của con người

B. Tác giả muốn khẳng định sự thú vị của việc đi vào rừng ngắm cảnh thiên nhiên

C. Tác giả muốn nhấn mạnh việc ngắm nhìn, hòa mình vào thiên nhiên có thể thanh lọc tâm hồn con người 

D. Cả ba ý trên

Câu 7. Xác định các phép liên kết hình thức được sử dụng trong những câu văn sau: Loài hoa từ huyền cứ ba chục năm mởi nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng?

A. Phép nối

B. Phép lặp

C. Phép thế

D. Cả B và C

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Theo anh (chị), tại sao ông Diểu lại phóng sinh cho con khỉ đực?

Câu 9. Hình ảnh hoa tử huyền có ý nghĩa biểu tượng gì?

Câu 10. Từ văn bản, anh(chị) hãy nêu quan điểm của bản thân về cách con người nên ứng xử với thiên nhiên.

II. VIẾT: (4,0 điểm)

“Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” – Hoài Thanh. Bằng sự hiểu biết của em, hãy phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu để làm sáng tỏ ý kiến trên.

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.


Đáp án

 Phần I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

(0.5đ)

Câu 2 (0.5đ)

Câu 3

(0.5đ)

Câu 4

(0.5đ)

Câu 5

(0.5đ)

Câu 6

(0.5đ)

Câu 7

(0.5đ)

A

C

D

A

B

C

D

Câu 1 (0.5 điểm)

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích:

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Xác định phương thức biểu đạt chính

Lời giải chi tiết:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: Tự sự

→ Đáp án A

Câu 2 (0.5 điểm)

Trong đoạn (1), tác giả đã sử dụng phép liên kết hình thức nào?

A. Phép nối

B. Phép lặp

C. Phép thế

D. Phép điệp

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn (1)

Xác định phép liên kết

Lời giải chi tiết:

Trong đoạn (1), tác giả đã sử dụng phép thế

→ Đáp án C

Câu 3 (0.5 điểm)

Ý nghĩ đi săn của ông Diểu nảy sinh khi nào?

A. Khi cây cối đều nhú lộc non

B. Khoảng thời gian rừng xanh ngắt và ẩm ướt

C. Khi ông sáu mươi tuổi

D. Khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn

Chú ý đoạn (4)

Lời giải chi tiết:

Ý nghĩ đi săn của ông Diểu nảy sinh khi: Thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng

 → Đáp án D

Câu 4 (0.5 điểm)

Tính từ “tuyệt thú” là sự kết hợp của 2 từ nào? 

A. Tuyệt vời, thú vị.

B. Tuyệt bích, hứng thú. 

C. Tuyệt vời, thú vui.

D. Tuyệt vời, hứng thú

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Tính từ “tuyệt thú” là sự kết hợp của 2 từ: Tuyệt vời, thú vị.

 → Đáp án A

Câu 5 (0.5 điểm)

Xét theo cấu trúc ngữ pháp, câu văn sau thuộc loại câu gì?

Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú.

A. Câu ghép

B. Câu đơn

C. Câu miêu tả

D. Câu trần thuật

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

 Lời giải chi tiết:

Xét theo cấu trúc ngữ pháp, câu văn trên thuộc loại câu đơn.

  → Đáp án B

Câu 6 (0.5 điểm)

Tại sao tác giả lại cho rằng: Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da. ?

A. Tác giả muốn nhấn mạnh con sóc có thể xua đi những suy nghĩ xấu xa của con người

B. Tác giả muốn khẳng định sự thú vị của việc đi vào rừng ngắm cảnh thiên nhiên

C. Tác giả muốn nhấn mạnh việc ngắm nhìn, hòa mình vào thiên nhiên có thể thanh lọc tâm hồn con người 

D. Cả ba ý trên

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Tác giả lại cho rằng: Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da vì: Tác giả muốn nhấn mạnh việc ngắm nhìn, hòa mình vào thiên nhiên có thể thanh lọc tâm hồn con người.

→ Đáp án C

Câu 7 (0.5 điểm)

Xác định các phép liên kết hình thức được sử dụng trong những câu văn sau: Loài hoa từ huyền cứ ba chục năm mởi nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng?

A. Phép nối

B. Phép lặp

C. Phép thế

D. Cả B và C

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi

Lời giải chi tiết:

Phép liên kết hình thức được sử dụng trong những câu văn trên: Phép thế, phép nối.

→ Đáp án D

Câu 8 ( 0.5 điểm)

Theo anh (chị), tại sao ông Diểu lại phóng sinh cho con khỉ đực?

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

Ông Diểu phóng sinh vì nhìn thấy con khỉ đực này còn có gia đình, có trách nhiệm với gia đình của khỉ đực; vì ông nhận ra hành động đi săn sẽ giết chết con khỉ đực, phá hoại một gia đình.

Câu 9: (1.0 điểm)

Hình ảnh hoa tử huyền có ý nghĩa biểu tượng gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh hoa tử huyền gợi đến nhiều ý nghĩa:

- Kết tinh vẻ đẹp của núi rừng thiên nhiên.

- Hình ảnh mang tính chất đánh giá và dự báo

Câu 10: (1.0 diểm)

Từ văn bản, anh(chị) hãy nêu quan điểm của bản thân về cách con người nên ứng xử với thiên nhiên.

 Phương pháp giải:

HS vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.

Lời giải chi tiết:

- HS nêu quan điểm của bản thân

- Gợi ý:

- Bản thân mỗi cá nhân có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên.

- Học sinh chỉ ra được những hành động cụ thể, thể hiện được trách nhiệm của mình với thiên nhiên như không chặt phá rừng, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường...

II. VIẾT (4đ)

“Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” – Hoài Thanh.

Bằng sự hiểu biết của em, hãy phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Phương pháp giải:

 Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn

Lời giải chi tiết:

Viết bài Nghị luận phân tích “ Tình cảm của tác giả đối với làng quê và mảnh đất quê hương”

Phần chính

Điểm

Nội dung cụ thể

Mở bài

0,5

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm:

+ Xuân Diệu (1916 - 1985) là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam, được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình" nổi tiếng với nhiều tác phẩm đặc sắc viết về tình yêu.

+ "Vội vàng" là một trong những tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng của Xuân Diệu, là tiếng nói con tim của một kẻ đang say mê trong tình yêu với những cung bậc cảm xúc khác nhau.

- Dẫn dắt vấn đề và trích dẫn nhận định của Hoài Thanh: "Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới".

Thân bài

2,5

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý:

a) Giải thích ý kiến nhận định

- Xuân Diệu là nhà thơ “mới nhất” do thơ ông tiếp thu có sáng tạo luồng tư tưởng, văn học văn hóa phương Tây, nhất là văn học lãng mạn và tượng trưng của thơ ca Pháp.

- Thơ ông có phong cách nghệ thuật hiện đại rõ nét nhất trong các nhà thơ mới.

b) Phân tích bài thơ Vội vàng

- Luận điểm 1: Tình yêu thiên nhiên tha thiết và niềm say mê của tác giả

+ Điệp từ "tôi muốn" nhấn mạnh những ước muốn tưởng chừng như vô lí, viển vông của Xuân Diệu: "tắt nắng đi", "buộc gió lại".

→ Xuân Diệu muốn cưỡng lại quy luật của tự nhiên, những vận động của đất trời để lưu giữ những vẻ đẹp tự nhiên của đất trời bên mình một cách trọn vẹn, mãi mãi.

+ “Thiên đường trên mặt đất”: bức tranh thiên nhiên

+ “Ong bướm tuần tháng mật”, “hoa của đồng nội xanh rì”, “yến anh khúc tình si”, “ánh sáng chớp hàng mi” → Hình ảnh thơ tươi vui, trẻ trung, có đôi có cặp, tất cả như đang tràn trề ra

+ Điệp từ “này đây” bộc lộ niềm vui phơi phới, hân hoan của tác giả khi được đắm say trong khung cảnh tuyệt vời.

→ Một bức tranh thiên nhiên đầy ánh sáng mới mẻ, tinh khôi, đầy âm thanh rộn rã, đầy màu sắc, hương thơm và đầy tình tứ.

+ "Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần". Trong bức tranh ấy, tất cả vạn vật dường như đều căng tràn sự sống và đanh chếnh choáng trong men say của luyến ái, của tình yêu.

→ Niềm vui sướng, hân hoan, vội vàng muốn tận hưởng “thiên đường trên mặt đất” của cái tôi trữ tình.

- Luận điểm 2: Nỗi băn khoăn trước thời gian và cuộc đời.

+ Điệp từ “nghĩa là”

+ "Đương tới / đương qua; còn non / sẽ già": cú pháp đối lập diễn tả sự trôi đi của thời gian và tuổi trẻ.

→ Xuân Diệu có một quan niệm mới mẻ về thời gian, về tuổi trẻ. Quan niệm về thời gian, tuổi trẻ: thời gian, tuổi trẻ của mỗi người là một quãng thời gian hữu hạn, chật hẹp, nó sẽ trôi chảy theo nhịp tuyến tính và một đi không trở lại.

+ Điệp từ: "phải chăng"

+ Hình ảnh thơ đối lập: “lòng tôi rộng” – “lượng trời chật”, “xuân tuần hoàn” – “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, “còn trời đất” – “chẳng còn tôi mãi”

→ Tâm trạng nuối tiếc, ngậm ngùi trước sự chảy trôi của thời gian, của tuổi trẻ.

- Luận điểm 3: Khát vọng sống cuồng nhiệt của tác giả

+ Điệp từ “ta muốn”  thể hiện nỗi khát khao cháy bỏng, muốn sống, muốn yêu, muốn đi ngược với tự nhiên và tạo hóa để đoạt lấy tuổi trẻ.

+ “ôm” – “riết” – “say” – “thâu” – “cắn” → động từ mạnh theo cấp độ tăng dần. Diễn tả một cách trọn vẹn và sâu sắc lời giục giã sống vội vàng, sống sôi nổi và luôn trân quý thời gian, tuổi trẻ của của tác giả.

→ Biểu hiện của một cái tôi khát khao sống, khát khao tận hưởng những vẻ đẹp giữa chốn trần gian.

+ "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi"

→ Khát khao đã không còn là khát khao nữa mà là muốn chiếm đoạt, muốn giữ lấy cho riêng mình mùa xuân của tuổi trẻ.

c) Chứng minh nhận định:

 Về nội dung tư tưởng:

- Thơ ông là tiếng nói cá nhân tự ý thức. Cái tôi trong thơ ông rất cô đơn, luôn ám ảnh bởi thời gian trôi chảy nên khao khát giao cảm với đời. Một trong những cách giao cảm với đời đó là tình yêu, nên đặc sản của thơ Xuân Diệu là tình yêu, bởi tình yêu là một nhịp cầu giao cảm tuyệt vời nhất. Và một cách giao cảm khác đó là cái tôi của ông tương ứng, vang hưởng cùng với sự tương ứng, vang hưởng cùng với mọi hiện tượng sự vật trong trời đất và con người trong cuộc sống.

- Tình yêu theo quan niệm của Xuân Diệu là sự giao hòa, giao cảm giữa thể sáng và linh hồn của hai cá thể. Vì thế vũ trụ trong thơ ông là vũ trụ xuân và tình. Thơ ông không lơ lửng ở trên không mà đặt nền móng rất vững, rất sâu trên mảnh đất trần gian.

Ông cũng thể hiện trong thơ tư tưởng nhân sinh mới mẻ, tạo một bước phát triển hơn về tư tưởng nhân văn trong văn học dân tộc. Đó là ý nghĩa và giá trị một đời người không ở chỗ sống dài hay sống ngắn mà ở chất lượng sống mà chất lượng sống cao nhất là tuổi trẻ và tình yêu là phẩm chất, năng lượng của tuổi trẻ.

Về nghệ thuật:

- Với ông, làm thơ là thả một chiếc lá thơ vào dòng thời gian để bất tử hóa chính mình, vì thơ là năng lực siêu việt thời gian. Thơ là sản xuất cá thể với cảm xúc mới nên “ý văn xô đẩy, khuôn khổ câu văn phải lung lay” (Hoài Thanh).

- Thiên nhiên trong thơ ông bao giờ cũng được cảm nhận bằng ánh mắt phong tình ái ân. - Thiên nhiên được tái tạo bằng bút pháp mĩ nhân hóa.

- Ông hoạt động cả 5 giác quan để khám phá và miêu tả sự vật bằng tất cả những biến thái tinh vi nhất.

- Cách đặt câu, dùng câu trong thơ ông rất mới, rất Tây

Kết bài

0,5

- Khẳng định giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

- Khẳng định sự đúng đắn của nhận định, bày tỏ cảm xúc cá nhân.

Yêu cầu khác

0,5

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo.

[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"