Đề thi
Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Văn học,1987, tr. 20)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do
B. Thơ tám chữ
C. Thơ lục bát
D. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
Câu 2: Đoạn thơ trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
A. Nghệ thuật
B. Chính luận
C. Biểu cảm
D. Thuyết minh
Câu 3. Đâu không phải là những hình ảnh diễn tả đôi lứa biệt li trong đoạn trích:
A. Người lên ngựa, kẻ chia bào
B. Trông người đã khuất
C. Rừng phong thu nhuốm màu quan san
D. Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Câu 4. Chỉ ra nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên:
A. Thuý Kiều, Từ Hải
B. Thuý Kiều, Thuý Vân
C. Kẻ ở, người đi
D. Người đi
Câu 5. Đoạn trích trên sử dụng bao nhiêu từ láy?
A. 4 từ
B. 3 từ
C. 2 từ
D. 1 từ
Câu 6. Từ “quan san” trong câu: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” được hiểu là:
A. Quan trường, thường được dùng để chỉ sự đấu tranh về quyền lực.
B. Quan trọng, nhấn mạnh vị trí của người đi trong lòng kẻ ở.
C. Quan sát, san sẻ dùng để chỉ sự chia li, cách biệt.
D. Quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở
Câu 7. Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích như thế nào?
A. Buồn bã, cô đơn, lo lắng
B. Đau thương, xót xa, cô đơn
C. Yếu đuối, lo lắng, bất an
D. Quyến luyến, bịn rịn không muốn chia xa.
Trả lời câu hỏi:
Câu 8. Nêu hiệu quả phép đối được sử dụng trong câu: Người lên ngựa kẻ chia bào
Câu 9. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ sau?
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Câu 10. Anh/chị hãy khái quát giá trị nội dung đoạn trích.
II. VIẾT: (4,0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã có những lần miêu tả dòng Sông Đà:
Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “ Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.
(Nguyễn Tuân - Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn 12, Tập 1)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp dòng Sông Đà trong đoạn văn trên, từ đó nhận xét về cái tôi tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0.5đ) | Câu 2 (0.5đ) | Câu 3 (0.5đ) | Câu 4 (0.5đ) | Câu 5 (0.5đ) | Câu 6 (0.5đ) | Câu 7 (0.5đ) |
C | A | C | C | D | D | A |
Câu 1 (0.5 điểm)
Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? A. Thơ tự do B. Thơ tám chữ C. Thơ lục bát D. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Xác định thể thơ
Lời giải chi tiết:
Bài thơ trên được viết theo thể thơ: Lục bát
→ Đáp án C
Câu 2 (0.5 điểm)
Đoạn thơ trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? A. Nghệ thuật B. Chính luận C. Biểu cảm D. Thuyết minh |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Xác định phong cách ngôn ngữ
Lời giải chi tiết:
Đoạn thơ trên thuộc phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật
→ Đáp án A
Câu 3 (0.5 điểm)
Đâu không phải là những hình ảnh diễn tả đôi lứa biệt li trong đoạn trích: A. Người lên ngựa, kẻ chia bào B. Trông người đã khuất C. Rừng phong thu nhuốm màu quan san D. Vầng trăng ai xẻ làm đôi |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn văn
Tìm những hình ảnh diễn tả sự biệt li được thể hiện trọng đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh không diễn tả đôi lứa biệt li trong đoạn trích: . Rừng phong thu nhuốm màu quan san
→ Đáp án C
Câu 4 (0.5 điểm)
Chỉ ra nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên: A. Thuý Kiều, Từ Hải B. Thuý Kiều, Thuý Vân C. Kẻ ở, người đi D. Nguyễn Du |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Xác định nhân vật trữ tình
Lời giải chi tiết:
nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên: Thuý Kiều (người ở) và Thúc Sinh (kẻ đi)
→ Đáp án C
Câu 5 (0.5 điểm)
Đoạn trích trên sử dụng bao nhiêu từ láy? A. 4 từ B. 3 từ C. 2 từ D. 1 từ |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Xác định từ láy
Lời giải chi tiết:
Các từ láy được sử dụng trong đoạn trích: Xa xôi
→ Đáp án D
Câu 6 (0.5 điểm)
Từ “quan san” trong câu: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” được hiểu là: A. Quan trường, thường được dùng để chỉ sự đấu tranh về quyền lực. B. Quan trọng, nhấn mạnh vị trí của người đi trong lòng kẻ ở. C. Quan sát, san sẻ dùng để chỉ sự chia li, cách biệt. D. Quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Từ “quan san” trong câu: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” được hiểu là: Quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.
→ Đáp án D
Câu 7 (0.5 điểm)
Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích như thế nào? A. Buồn bã, cô đơn, lo lắng B. Đau thương, xót xa, cô đơn C. Yếu đuối, lo lắng, bất an D. Quyến luyến, bịn rịn không muốn chia xa. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi
Lời giải chi tiết:
Tâm trạng của nhân vật trữ tình: . Buồn bã, cô đơn, lo lắng.
→ Đáp án A
Câu 8 ( 0.5 điểm)
Nêu hiệu quả phép đối được sử dụng trong câu: Người lên ngựa kẻ chia bào |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Hiệu quả của phép đối: đối giữa 2 hình ảnh: “Người lên ngựa” và “kẻ chia bào”
+ Diễn tả cảnh chia li cách trở của người đi (Thúc Sinh) và kẻ ở (Thúy Kiều)
+ Nhấn mạnh nỗi buồn thương, lưu luyến của kẻ ở và người đi.
Câu 9: (1.0 điểm)
Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ sau? Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
Nội dung của hai câu thơ:
- Nhấn mạnh sự chia lìa của Thúy Kiều và Thúc Sinh sau khi từ biệt.
- Diễn tả nỗi buồn thương, xót xa, lo âu, phấp phỏng của Thúy Kiều sau khi từ biệt Thúc Sinh.
Câu 10: (1.0 diểm)
Anh/chị hãy khái quát giá trị nội dung đoạn trích. |
Phương pháp giải:
HS vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Đoạn trích đã tái hiện được cảnh chia li lưu luyến, bịn rịn giữa kẻ ở (Thúy Kiều) và người đi (Thúc Sinh) cùng với dự cảm tan vỡ của Thúy Kiều.
- Diễn tả sâu sắc tâm trạng của nhân vật; thể hiện sự đồng cảm của tác giả với niềm khát khao hạnh phúc và bi kịch đau đớn của con người.
II. VIẾT (4đ)
Câu 1. (4 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã có những lần miêu tả dòng Sông Đà: Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “ Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên. (Nguyễn Tuân - Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn 12, Tập 1) Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp dòng Sông Đà trong đoạn văn trên, từ đó nhận xét về cái tôi tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân. |
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn
Lời giải chi tiết:
Viết bài Nghị luận cảm nhận về vẻ đẹp dòng Sông Đà trong đoạn văn trên, từ đó nhận xét về cái tôi tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân. | ||
Phần chính | Điểm | Nội dung cụ thể |
Mở bài | 0,5 | - Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận |
Thân bài | 2,5 | Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý: * Khái quát chung về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận. * Cảm nhận vẻ đẹp dòng sông Đà qua đoạn văn: - Nội dung: đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Đà: +Thác ghềnh lúc này chỉ còn là nỗi nhớ. Thuyền tôi trôi...câu văn mở đầu toàn thanh bằng gợi cảm giác lâng lâng, mơ màng; phép điệp “thuyền tôi trôi....lặng tờ, thuyền tôi trôi...không bóng người, thuyền tôi trôi....lững lờ” nhắc lại trùng điệp như một điểm nhấn của cảm xúc, cảm giác làm cho đoạn văn như một dòng cảm giác, cảm xúc cứ tràn đi, lan toả, bâng khuâng. + Con sông bây giờ không hẳn chỉ là của hiện tại, mà nó trôingược về quá khứ. Bởi người ngắm nó - người đang lênh đênh giữa dòng sông, đang chìm trong hoài niệm, mạch cảm xúc bơi ngược về với lịch sử dân tộc “Hình như từ đời Lí, đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi”. + Thiên nhiên hài hòa mang vẻ đẹp trong trẻo, nguyên sơ, kì thú được cảm nhận bằng hệ thống hình ảnh phù hợp, hô ứng với nhau để tạo cảm giác, ấn tượng về vẻ hoang sơ và tĩnh lặng của không gian: đó là những hình ảnh non tơ nhất, tươi tắn và tinh khiết nhất như lá ngô non đầu mùa, búp cỏ gianh đồi núi, vạt cỏ gianh với những nõn búp đẫm sương đêm, con hươu thơ ngộ, đàn cá dầm xanh... Trong không gian ấy, ngay cả một âm thanh rất hiện đại là tiếng còi tàu cùng được cổ tích hoá, huyền thoại hoá: tiếng còi sương. Trong một không gian như thế, sự tương giao giữa lòng người và tạo vật là một tất yếu nên một người khách sông Đà đã nghe được câu hỏi của con hươu thơ ngộ về sự tồn tại của một tiếng còi sương..... + Nguyễn Tuân đã trải lòng mình ra với dòng sông, hoá thân vào nó để lắng nghe và xúc động: “Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”. Qua mỗi dặm đường đất nước, nhà văn đều thấy cảnh vật và con người gắn quyện với nhau rất chặt chẽ. Yêu sông Đà cũng chính là yêu Tổ quốc và yêu con người Việt Nam. -Nghệ thuật: +Giọng văn vừa trang trọng, trầm lắng, vừa da diết bâng khuâng vì thế tràn đầy xúc cảm. Từng câu, từng chữ, từng nhịp đi của hơi văn đều làm lộ ra cái dạt dào đó của cảm xúc. +Ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế và giàu khả nàng gợi cảm: Những từ “lặng tờ” “hoang dại”, “hồn nhiên”, “con hươu thơ ngộ”, “tiếng còi sương” được dùng rất đắt, có sức lột tả tính chất của hình tượng. Cách so sánh độc đáo: so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng để trừu tượng hoá, thi vị hoá một hình ảnh cụ thể nhằm gây ấn tượng cảm giác hơn là gây ấn tượng thị giác “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Sức tưởng tượng phong phú khiến Nguyễn Tuân hình dung và mô tả được nỗi niềm của cả con sông và của cả những sinh vật sinh sống trên bờ sông ấy. → Đoạn văn đã góp phần quan trọng trong việc tái hiện vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà, của thiên nhiên đất nước gấm vóc nên thơ đồng thời góp phần khẳng định tài năng của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật viết tùy bút. * Nhận xét cái tôi tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân: + Tài hoa: Ở lối viết uyển chuyển, linh hoạt; cách so sánh, liên tưởng nhiều tầng bậc, bất ngờ, độc đáo. Ông nhìn sự vật bằng con mắt của người họa sĩ, dưới góc độ thẩm mĩ; tài hoa thể hiện ở những rung động, say mê của nhà văn trước vẻ đẹp mĩ lệ của thiên nhiên đất nước. + Uyên bác: thể hiện ở cách nhìn và khám phá hiện thực theo chiều sâu, ở sự vận dụng kiến thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú; ở sự giàu có về chữ nghĩa. Hình ảnh dòng sông Đà được nhà văn miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ nhiều góc nhìn, với những chi tiết điển hình, tiêu biểu; những liên tưởng, so sánh bất ngờ, thú vị. Tất cả đều cho thấy khả năng quan sát và sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện của Nguyễn Tuân. |
Kết bài | 0,5 | - Khẳng định lại vấn đề |
Yêu cầu khác | 0,5 | - Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. - Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo. |
[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]