Đề 1
Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
(1) Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn lên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi
(2) Đó là mùa không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hóa thành thơ.
(3) Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không kể xiết
Gió bão hòa, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu
(4) Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
(5) Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
(Mùa hạ – Xuân Quỳnh, Thơ Xuân Quỳnh, NXB Văn học, 2016, tr. 34)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do
B. Thơ tám chữ
C. Thơ lục bát
D. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ in đậm:
A. Ẩn dụ B. So sánh C. Điệp cấu trúc D. Nói quá |
Câu 3. Câu thơ nào sau đây thể hiện sự biến chuyển của cây trái trong mùa hạ?
A. Đất thành cây, mật trào lên vị quả
B. Từ những miền cay đắng hóa thành thơ.
C. Gió bão hòa, mưa thành sông thành bể.
D. Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút.
Câu 4. Khổ (4) bài thơ miêu tả những âm thanh nào?
A. Tiếng mưa rơi và tiếng cuốc.
B. Tiếng bước chân người và chim reo.
C. Tiếng sáo diều và sóng biển.
D. Tiếng dế và tiếng cuốc.
Câu 5. Dòng nào dưới đây thể hiện đầy đủ những đặc điểm của bức tranh mùa hạ trong khổ thơ (1) và khổ thơ (2)?
A. Mùa hạ rực rỡ, căng tràn sức sống.
B. Mùa hạ xôn xao của tiếng chim reo, của sắc biếc trời xanh, của nắng vàng rực rỡ, cây cối trưởng thành cho đời mật ngọt, của biển xanh buồm trắng tinh khiết.
C. Mùa hạ đẹp đẽ, trong sáng, tinh khiết với biển xanh, buồm trắng.
D. Mùa hạ rực rỡ, nên thơ, tinh khiết khiến tâm hồn con người nhẹ nhàng, bay bổng.
Câu 6. Trong khổ thơ (3), mùa hạ gắn với giai đoạn nào của cuộc đời con người?
A. Thời thơ ấu hồn nhiên, trong sáng và đẹp đẽ
B. Giai đoạn trưởng thành nhiều thăng trầm, thử thách
C. Tuổi già thâm trầm, từng trải
D. Tuổi trẻ nhiều đam mê, khát vọng, hoài bão
Câu 7. Chọn phương án trả lời đúng nhất tâm trạng của nhân vật trữ tình trong khổ thơ (5):
A. Thảng thốt, tiếc nuối khi mùa hạ đã đi qua
B. Thảng thốt, tiếc nuối khi mùa hạ của mình đã qua và mong muốn níu giữ những khát khao tuổi trẻ
C. Thảng thốt, tiếc nuối tuổi trẻ và tin tưởng dù năm tháng qua đi nhưng những khát khao, ước mơ vẫn còn mãi.
D. Tin tưởng dù năm tháng đi qua nhưng những khát khao, ước mơ vẫn còn mãi
Trả lời câu hỏi:
Câu 8. Thông điệp nào trong bài thơ có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?
Câu 9. Câu thơ Bước chân người bỗng mở những đường đi gợi lên trong anh/chị suy nghĩ gì về sức mạnh của con người trong cuộc sống?
Câu 10. Nét độc đáo của Xuân Quỳnh trong bài thơ là từ mùa hạ của thiên nhiên đã liên hệ đến mùa hạ của đời người. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 5– 7 dòng làm sáng rõ nét độc đáo ấy.
II. VIẾT: (4,0 điểm)
Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.
Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.
Cuộc đời của gia đình bác Lê cứ như thế mà lặng lẽ qua, ngày no rồi lại ngày đói. Tuy vậy, cũng có những ngày vui vẻ. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà. Các người hàng xóm cũng làm như thế. Các bà mẹ ngồi rủ rỉ với nhau những câu chuyện kín đáo, các trẻ con nô đùa dưới quán chợ, còn các bà già thì ngồi rũ tóc tìm chấy ngoài bóng nắng. Bác Lê đem thằng Hi, con Phún ra gọt tóc cho chúng nó bằng một cái mảnh chai sắc. Thằng cả ngồi đan lại cái lờ, còn những đứa khác chơi quanh gần đấy. Trong ngày hè nóng nực, con bác Lê đứa nào cũng lở đầu - bác ta bảo là một cái bệnh gia truyền từ đời ông tam đại - nên bác lấy phẩm xanh bôi cho chúng nó. Trông mẹ con bác lại giống mẹ con đàn gà, mà những con gà con người ta bôi xanh lên đầu cho khỏi lẫn. Người phố chợ vẫn thường nói đùa bác Lê về đàn con đông đúc ấy. Bác Đối, kéo xe, người vui tính nhất xóm, không lần nào đi qua nhà bác Lê mà không bảo:
- Bác phải nhớ thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất.
Bác Lê bao giờ cũng trả lời một câu:
- Mất bớt đi cho nó đỡ tội!
Nhưng mọi người biết bác Lê quí con lắm. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu thằng Hi hơn cả, nó là con thứ chín, và ốm yếu xanh xao nhất nhà. Bác thường bế nó lên lòng, hôn hít, rồi khoe với hàng xóm: nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc. Rồi bác ôm con ngồi lặng yên một lát, như để nhớ lại chuyện gì đã lâu lắm.
(Trích Nhà mẹ Lê - Thạch Lam, Nhà xuất bản Đời nay, 1937)
Thực hiện yêu cầu:
Anh chị hãy viết bài văn phân tích, đánh giá về hình ảnh mẹ Lê trong đoạn trích trên.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đề 2
Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Văn học,1987, tr. 20)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do
B. Thơ tám chữ
C. Thơ lục bát
D. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
Câu 2: Đoạn thơ trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
A. Nghệ thuật
B. Chính luận
C. Biểu cảm
D. Thuyết minh
Câu 3. Đâu không phải là những hình ảnh diễn tả đôi lứa biệt li trong đoạn trích:
A. Người lên ngựa, kẻ chia bào
B. Trông người đã khuất
C. Rừng phong thu nhuốm màu quan san
D. Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Câu 4. Chỉ ra nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên:
A. Thuý Kiều, Từ Hải
B. Thuý Kiều, Thuý Vân
C. Kẻ ở, người đi
D. Người đi
Câu 5. Đoạn trích trên sử dụng bao nhiêu từ láy?
A. 4 từ
B. 3 từ
C. 2 từ
D. 1 từ
Câu 6. Từ “quan san” trong câu: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” được hiểu là:
A. Quan trường, thường được dùng để chỉ sự đấu tranh về quyền lực.
B. Quan trọng, nhấn mạnh vị trí của người đi trong lòng kẻ ở.
C. Quan sát, san sẻ dùng để chỉ sự chia li, cách biệt.
D. Quan ải, núi non, thường được dùng để chỉ sự xa xôi cách trở
Câu 7. Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích như thế nào?
A. Buồn bã, cô đơn, lo lắng
B. Đau thương, xót xa, cô đơn
C. Yếu đuối, lo lắng, bất an
D. Quyến luyến, bịn rịn không muốn chia xa.
Trả lời câu hỏi:
Câu 8. Nêu hiệu quả phép đối được sử dụng trong câu: Người lên ngựa kẻ chia bào
Câu 9. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ sau?
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Câu 10. Anh/chị hãy khái quát giá trị nội dung đoạn trích.
II. VIẾT: (4,0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã có những lần miêu tả dòng Sông Đà:
Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “ Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.
(Nguyễn Tuân - Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn 12, Tập 1)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp dòng Sông Đà trong đoạn văn trên, từ đó nhận xét về cái tôi tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đề 3
Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
1
Trên thế gian này, là con người, đâu chẳng yêu hoa!
Nhưng Tết tới thì người Việt Nam mình cái sự yêu, chơi hoa nơi ngựa xe như nước áo quần như nêm, bao giờ chả rộn ràng hơn.
Hà Nội của tôi những năm xa lắc ấy, nết chơi hoa đào và quất, vẫn để hai loài cây thả sức mà tung tăng đi đến từng nhà. Nhưng cũng tùy cảnh, tùy người, chọn cho mỗi ai, mỗi gian phòng vui Tết, thưởng hoa, đào to đào nhỏ, đào cắm hay đào cây, Hà Nội Tết Hoa vốn dĩ tùy cảnh tùy người?!
Nhà tôi cả thẩy bốn lần chuyển nhà trên phố phường; bốn lần là bốn chỉ số phòng khách và phòng ăn hay phòng làm việc khác nhau, để rồi Tết ấy, xuân ấy, định kỳ đến hẹn, cha tôi tha thẩn ở chợ hoa mà im lặng chọn ra cho mình một dáng, vừa vặn nơi ông dùng hoa làm duyên cho xuân, vui Tết. Có năm hoa đào vươn ra, hai vòng ôm không xuể; đào cắm mà rực rỡ no mắt cả nhà. Lâu quá rồi! Còn lại, hơn ba chục năm trên gác xép của ông chỉ là một cành đào khiêm tốn tới có thể. Sự tàn lụi của thời gian, có thể hẹp đi về kích cỡ, nhưng không thu hẹp tấm lòng hoa với người và, người với hoa. Chắc thế nên hôm nào, tôi cứ khoe mãi câu thơ mồ côi của Nguyễn Duy trước một cành đào thắm nhỏ cao vừa đúng bốn năm gang góc xép của ông: Hạnh phúc lớn vòng tay ôm không xuể. Tết mà! Lại năm ấy là đào mua ở hoa rong. Năm nay rét thế, mấy kẻ chợ bán hoa rong còn không? Có bán hoa được không?
Cha tôi thích tất cả các loài đào. Đào thắm ông thường dùng năm lẻ, khi mà năm lẻ, ai nam giới đều bị hợp sao tinh chiếu vào làm âm (âm nam). Ông ví như xuân thêm lửa, xua cái khí lạnh, giữ xuân ấy thêm ấm thêm nồng. Nhưng có lẽ ông yêu nhất, thứ đào phai. Tâm hồn họa sĩ của ông rung động nhiều hơn khi rước hoa từ chợ về. Đốt gốc, mang cái cát-tút 105 li, mua ở chợ trời Ha-le rồi bảo tôi đánh sạch: tự ông cẩn thận chèn cành đào đứng thẳng giữa ống đồng sáng chói. Xuân đầy nụ, chớm hoa khoe cái màu hồng tưởng phai mà chưa khi nào phai trước thời gian! ngắm đi con! Những giọt hoa đọng lại, lấp lánh cơn mưa ông phun bằng cái máy xịt tay vẫn dùng xịt nước hành bảo quản tranh sơn dầu.
Đào phai loại cánh kép, phơn phớt trước Tết rồi qua Tết, sang xuân mỗi bông tàn, chầm chậm nhả buông từng lớp cánh, dần dần rụng xuống sàn đá lạnh. Và, một hôm bất chợt he hé cái mầm quả xanh, để theo sau Tết, hình thành một trái Đào. Đào phai, từng bông nở chậm, khoe sắc ấm nồng cũng chầm chậm từng lớp, phai dần ở lớp cánh đầu tiên, chứ không nở bừng ra màu đỏ thắm khoảnh nhà, để mà tàn, úa rụng chốc lát, tan nát cả xuống đất một lần. Sự sống của hoa đào phai cánh kép, làm ông gật gù bảo, cái kiếp một bông hoa, một loài cây, dâng hiến cho đời từng lớp, từng lớp, cả mầu lẫn cánh... để cuối cùng hiện ra mầm sống mới, tựa hệt như vòng luân hồi của kiếp con người.
2
Trước Tết vài ngày, mẹ tôi cũng chọn chợ Đồng Xuân để sắm hàng Tết. Rồi tới cận ba mươi mới ra đầu chợ Hôm mà mua hoa cúng. Người chủ gia đình đàn ông đàn ang, sắm đào thì thôi quất. Người mẹ của chúng tôi lo hoa cho bàn thờ tổ tông. Bà chọn từng cành Huệ rất cẩn thận. Những búp hoa trắng muốt thoang thoảng hương thanh bạch, e ấp dấu mình trong kẽ xanh chỉ đợi hơi hương khói là nhao ra trắng muôn muốt.
Bắt đầu từ chiều ba mươi tới tận hôm hóa vàng, những bông huệ cứ âm thầm nhuộm một thứ hương như vậy loanh quanh bàn thờ. Có thay hoa mới cho lọ lục bình cổ, với các đường gốm ngọc rạn nứt, thì vẫn là những cành huệ, tươi mơn mởn, xanh như trước Tết, để khi nào cũng tinh khiết độc một loài hương. Thay vì lòng thành với tổ tiên đa dạng nữa, bên kia là những đóa hồng vàng hay thắm đỏ. Hoa cúng chọn cẩn trọng. Không cần to lắm, nhưng phải đều đặn công phu.
Mẹ tôi chưa khi nào quên đĩa hoa cho chùa Hai Bà hay chùa Vua gần đó. Thường là tháng ba mới rộ ngâu. Nhưng muốn tìm vẫn có. Những cành ngâu nhỏ, hoa vàng bé xíu, chín thoang thoảng, đặt bên những bông hồng cũng nhỏ, cẩn thận xếp bày lên đĩa „cho hộ vào chiếc làn để mợ sớm mai mồng một ra chùa“. Bông hồng thì nở, bông nhài thì thơm, hoa huệ định hình từ lúc mới ra bé xíu, móng rồng cũng vậy, cho tới sói, ngâu, mộc không nhìn rõ trong lớp lá, phải tựa vào hương mới biết là hoa, đều gọi chung là chín. Ngâu vừa chín con ơi. Cha tôi bảo.
3
Thường là ở phòng khách bao giờ cũng có lọ hoa lớn. Cha tôi rất thường đặt tại đó một bình violet. Mầu tím ngắt lốm đốm trong sắc xanh nhọn chua chúa vươn lên từ cái bình gốm màu không chỉ ấm lòng bè bạn, không chỉ cho khách xuân thực sự nào xuân. Cũng phải chọn đúng màu bình. Đừng lạnh mà cũng không nóng quá, vì cái thứ pha màu giữa nơi đặt nó đứng đấy cũng nghiêm cẩn làm sao. Đôi năm ông chơi cúc. Những đoá cúc đại đoá thường trầm tĩnh đứng trong phòng tranh. Đại đoá mua tới hơn vài chục bông, phải hướng cho từng đoá không chen nhau san sát để từng bông khoe hết vẻ đẹp riêng mình. Chơi cúc lâu tàn. Nó giữ xuân ở lại miên man sau Tết, để Tết lặn vào những bức tranh khi hết ngày rong chơi.
Anh tôi thì lại khác. Anh cứ thích giữa bàn nhà, phòng chính một bình hoa nhiều loại. Dăm bông Đồng tiền. Vài cành đủ nụ đủ hoa, đủ màu Thược dược. Giữa dăm loài hoa “quần chúng“ ấy, dân dã ấy, anh tôi vẫn dành lại, vượt lên là dăm cành violet, chắc là trọng cái nết yêu hoa của cha tôi. Để ông và tôi cứ tủm tỉm cười với nhau, và tôi khi nhớ ra ngày Tết vẫn cười đến tận giờ.
Vâng khi năm nay, bạn ơi - Hà Nội Hoa, tôi không về hương Tết, hoa Tết và ngoài kia tuyết gió hai tuần ù ù thổi...
Nguyễn Văn Thọ, Đức - Mùa giáp Tết
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?
A. Tuỳ bút
B. Tản văn
C. Truyện ngắn
D. Tiểu thuyết
Câu 2: Viết Hà Nội hoa, tác giả muốn thể hiện:
A. Hà Nội nổi tiếng với nhiều làng hoa.
B. Người Hà Nội giỏi trồng hoa
C. Thú chơi hoa tết của người Hà Nội
D. Hoa của Hà Nội đẹp
Câu 3. Nội dung các phần 1,2,3 trong văn bản được thể hiện theo trình tự là:
A. Chơi đào Tết, hoa cúng Tết, hoa chơi Tết.
B. Chơi đào Tết, chơi hoa Tết, hoa cúng Tết.
C. Chơi hoa Tết, hoa cúng Tết, chơi đào Tết.
D. Hoa cúng Tết, chơi hoa Tết, chơi đào Tết.
Câu 4. Trong đoạn 2, có tất cả bao nhiêu loài hoa nào được nhắc tới?
A. 8 loài hoa
B. 9 loài hoa
C. 10 loài hoa
D. 11 loài hoa
Câu 5. Đặc điểm của đào phai được tác giả miêu tả theo trình tự:
A. Nở chậm, nhiều nụ, màu hồng, cánh kép, mầm quả xanh
B. Nhiều nụ, màu hồng, cánh kép, nở chậm, mầm quả xanh
C. Màu hồng, nở chậm, nhiều nụ, mầm quả xanh, cánh kép
D. Nhiều nụ, màu hồng, cánh kép, mầm quả xanh, nở chậm.
Câu 6. Nội dung chính tác giả muốn thể hiện ở phần hai của văn bản là:
A. Ngày tết người Hà nội mua hoa về cúng
B. Người Hà Nội bán hoa tết
C. Mùi thơm của các loài hoa ngày tết
D. Người mẹ chọn, bày hoa cúng tết
Câu 7. Cách chơi hoa của hai cha con trong phần 3 văn bản thể hiện:
A. Sự khác biệt của hai người
B. Sở thích riêng của hai người
C. Sự tiếp nối của thế hệ sau với thế hệ trước
D. Sự cầu kì của người Hà Nội
Trả lời câu hỏi:
Câu 8. Từ văn bản, anh chị hãy nêu ý nghĩa của hoa đào ngày tết.
Câu 9. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung câu sau: Thay vì lòng thành với tổ tiên đa dạng nữa, bên kia là những đóa hồng vàng hay thắm đỏ. Hoa cúng chọn cẩn trọng. Không cần to lắm, nhưng phải đều đặn công phu.
Câu 10. Qua văn bản, hãy trình bày suy nghĩ của mình về thú chơi hoa của gia đình hoặc địa phương (khoảng 5-7 dòng).
II. VIẾT: (4,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Ở trên đời, mọi chuyện đều không có gì khó khăn nếu ước mơ của mình đủ lớn”.
Anh/chị hãy viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của bản thân về nhận định trên.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đề 4
Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản:
GIÁNG KIỀU GIẬN BỎ ĐI
(Trích Bích Câu kì ngộ)
Bích Câu kì ngộ (Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu) gồm 678 câu thơ. Bích Câu kì ngộ là câu chuyện tình yêu giữa Tú Uyên và Giáng Kiều, Tú Uyên là một thư sinh nghèo, cha mẹ mất sớm, nhờ chăm lo việc học hành, chàng trở thành một văn nhân nổi tiếng ở đất Thăng Long. Nhân ngày xuân, đi chơi hội chùa Ngọc Hồ, Tú Uyên đều thư xinh đẹp, nhưng chưa kịp làm quen thì nàng đã đi mất.
Về nhà, chàng tương từ rồi sinh bệnh. Theo lời một vị thần nhân trong mộng,
Tú Uyên ra Cầu Đông, đợi từ sáng đến tôi thì thấy một người bán bức tranh tố nữ hình dạng giống hệt người thiếu nữ đã gặp trong hội chùa. Chàng mua bức tranh, treo ở thư phòng, sớm khuya cùng người trong tranh tâm sự. Một hôm, Tú Uyên bận việc học nên về muộn. Về đến nhà, thấy có một mâm cơm thịnh soạn bày sẵn, chàng lấy làm lạ nhưng vẫn ngồi ăn. Sau, chàng giả vờ đến nơi học rồi về nhà quan sát. Điều kì lạ xảy đến thiếu nữ trong tranh ra, lo việc nhà cửa, cơm nước. Càng lạ lùng hơn, thiếu nữ đó lại chính là người con gái chàng đã gặp hôm đi chơi hội. Tú Uyên mừng rỡ, bước ra chào hỏi. Người thiếu nữ cho biết tên là Giáng Kiều, vốn người cõi tiên, vì có tiền duyên với chàng nên xuống hạ giới để kết duyên.
Cuộc sống đang hạnh phúc thì Tú Uyên rơi vào cảnh rượu chè. Giáng Kiều khuyên can nhưng không được, nàng bèn bỏ đi. Tỉnh rượu, Tú Uyên hết sức đau khổ và hỏi hận. Tuyệt vọng, chàng định tìm đến cái chết. Giáng Kiều hiện về tha lỗi cho chồng. Tình nghĩa hai người mặn nồng hơn xưa và họ sinh được một con trai đặt tên là Trần Nhi. Tú Uyên học phép tu tiên và hai vợ chồng cùng bay về cõi tiên. Ít lâu sau, Trần Nhi cũng cưỡi cá kình theo cha mẹ về tiên giới.
Đoạn sau đây kể việc Giáng Kiều bị ngược đãi, giận bỏ đi.
445. Ngán thay khuyên nhủ đến lời
Nước kia dội đá có mùi gì đâu
Thôi ngày trọn, lại đêm thâu
Cạn chung Lý Bạch, nghiêng bầu Lưu Linh
Ma men quanh quẩn bên mình
450. Cho đàn trễ phím, cho bình nhạt hương
Mải mê say tỉnh tâm trường
Liệu bài nàng lại tìm đường van lơn
Trái tai vả lại ngứa gan
Đang tay nỡ dập hoa tàn tả tơi
455. Dây đồng đứt hẳn làm đôi
Cánh bèo theo ngọn nước trôi cũng rầu!
Nàng càng tầm tã tuôn châu
Ngán nhân tình khéo ra màu thắm phai
Rằng: “Thôi, tôi đã quá lời
460. Xui lòng nghĩ lại một hai kẻo mà…”
Sinh đang vui chén la đà
Vẩn vơ tính quỉ hồn ma biết gì
Nói thôi, nói cũng chi chi
Nghe ra tiếng nặng như chì, giọng say!
465. Nàng rằng: “Duyên nợ bấy nay
Thương ôi nước đổ bốc đầy được đầu
Tiếc cho nỗi vợ chồng Ngâu
Doành thu nên để bắc cầu mấy phen!
Sá chi nữa, cái hoạ hèn
470. Nghĩ làm chi nữa cái duyên cũ càng
Đã lòng rẽ thúy chia hương
Đành lòng rẫy ngọc, ruồng vàng thì vâng
Thôi thôi, thôi cũng cầm bằng
Tơ hồng phó trả bà trăng cho rồi”
475. Lạy rồi, đứng lại sân ngoài
Bên bàn say tỉnh mặc người ngồi trợ.
(Theo Bích Câu kỳ ngộ, do Thi Nham Đinh Gia Thuyết đính chính, NXB Tân Việt, 1964)
Chọn đáp án đúng:
Câu 1: Văn bản trên là truyện thơ vì:
A. Có sự việc, cốt truyện, được kể bằng văn vần
B. Có sự việc, cốt truyện, nhân vật và được kể bằng thơ (lục bát).
C. Có sự việc, cốt truyện và được kể bằng ngôi thứ 3.
D. Có nhiều nhân vật đối thoại và được kể bằng thơ lục bát
Câu 2: Thủ các từ sau vào vị trí phần ngoặc kép cho hợp lí.
Tú Uyên rơi vào (vị trí 1), Giáng Kiều khuyến nhủ, van lơn không được. Có khi đang say, Tú Uyên (vị trí 2), nàng buồn rầu chỉ biết khóc lóc, nhận lỗi về mình. Quá buồn thảm vì (vị trí 3), Giáng Kiều đành nói lời từ biệt với Tú Uyên.
A. Còn đánh
B. Tình nhạt phai
C. Cảnh rượu chè
D. Chỉ biết khóc lóc
Câu 3: Văn bản trên được thuật kể bằng lời của:
A. Tú Uyên
B. Giáng Kiều
C. Người nhà
D. Người kể chuyện
Câu 4: Dòng nào nói đúng về các nhân vật trong văn bản đọc.
A. Tú Uyên, Giáng Kiều.
B. Tú Uyên, Giáng Kiều, thầy bói.
C. Giáng Kiều, người bán tranh.
D. Tú Uyên, người bán tranh.
Câu 5: Dòng nào nói lên cảm xúc chủ đạo của văn bản đọc?
A. Mỉa mai, châm biếm
B. Trân trọng, thương cảm
C. Thương cảm, phê phán
D. Khinh bỉ, đau xót
Câu 6: Đoạn sau là lời của ai, nói với ai về điều gì?
Ngán thay khuyên nhủ đến lời
Nước kia dội đá có mùi gì đâu
A. Lời của Giáng Kiều, khuyên Tú Uyên đừng uống rượu.
B. Lời của người kể chuyện: nói về tâm trạng của Giáng Kiều.
C. Lời của Tú Uyên: ngán lời Giáng Kiều.
D. Lời của Giáng Kiều diễn tả tâm trạng chán ngán của mình.
Câu 7: “Nước kia dội đá có mùi gì đâu” được hiểu như thế nào?
A. Nước dội vào đá mất hết mùi vị.
B. Tú Uyên là đá nên Giáng Kiều không nên khuyên nhủ.
C. Lời khuyên của Giáng Kiều không có tác dụng đối với Tú Uyên.
D. Lời nói của Giáng Kiều lạnh lẽo vô tình.
Câu 8: Hai dòng thơ sau gợi tả cảnh tượng nào trong gia đình Tú Uyên
Ma men quanh quẩn bên mình
Cho đàn trễ phím, cho bình nhạt hương
A. Cảnh nồng nàn với rượu đàn, hương.
B. Người chìm đắm trong rượu khiến nghĩa tình nhạt phai.
C. Mải rượu nên không thiết gì đàn, hương.
D. Say men rượu lười đánh đàn.
Trả lời câu hỏi/thực hiện yêu cầu:
Câu 9. Tâm trạng của Giáng Kiều được miêu tả như thế nào? Được xây dựng bằng nguồn cảm hứng nào?(1đ)
Câu 10. Em có đồng ý với cách ứng xử của Tú Uyên không? Vì sao? (0.5đ)
II. VIẾT (4 điểm)
Câu 1: Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi a,b (1đ)
Dây đồng đứt hẳn làm đôi Cánh bèo theo ngọn nước trôi cũng rầu! Nàng càng tầm tả tuôn châu Ngán nhân tình khéo ra màu thắm phai (Bích câu kì ngộ - Vũ Quốc Trân) | Trăm nghìn gửi lạy tình quân Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi Phận sao phận bạc như vôi? Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng (Truyện Kiều – Nguyễn Du) |
a. Xác định nét tương đồng về hình thức và nội dung của 2 đoạn thơ trên
b. Phân tích đôi nét sáng tạo trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh thơ để diễn tả tâm trạng trong 2 đoạn thơ trên
Câu 2: Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về giá trị nhân đạo trong một số trích đoạn/ tác phẩm (2 tác phẩm trở lên) truyện thơ mà em yêu thích
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đề 5
Môn: Ngữ văn lớp 11; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản:
TỜ HOA
(Nguyễn Tuân)
Tại một công trường làm đường Tây Bắc, 1966.
Tôi nhìn ra cái tàu lăn nghiến đá mặt đường mới, nhìn ra những kíp thợ xây dựng mở đường, nhìn ra một tổ ong của anh chị em làm đường vừa mang được ong chúa về. Cửa sổ buồng tôi viết, lúc nào cũng nhộn nhịp cánh tay người và những cánh ong quen dần với tổ mới. Ong bay trên trang sổ tay tôi. Ong tua tròn trên trang giấy chữ nhật trắng, như là tàu bay đảo nhiều vòng, chờ lệnh hạ cánh xuống. Buồng bên có người bị ong đốt. Bởi vì người đó hoảng hốt vừa giết ong một cách không cần thiết, và ngửi thấy mùi máu, bọn ong cùng tổ xông tới đốt. Rồi ong cũng lăn ra chết, linh hồn xuất theo luôn với nọc đốt. Con ong bé cũng như con với to, vốn tính lành nhưng khiêu khích chúng thì chúng đánh lại ngay, dẫu rằng có phải lấy bổn mạng ra mà trả lời. Anh cán bộ địa chất liền cho tôi mượn một số tạp chí khoa học có mấy trang về nuôi ong. Giờ tôi mới biết rằng đó là một thế giới đây sinh thủ. Đời sống con ong để lại cho người đọc nó là một bài học về tính kiên nhẫn, cần lao, về tích lũy, về chế tạo và sáng tạo. Người ta đã đánh dấu con ong, theo dõi nó, và thấy rằng cái giọt mật làm ra đó, là kết quả của 2.700.000 chuyến (bay) di, đi từ tổ nó đến khắp các nơi có hoa trong vùng. Và trong nửa lít mật ong đóng chai, phân chất ra được 5 vạn thứ hoa. Tính ra thành bước chân người thì tổng cộng đường bay của con ong đó là 8.000.000 cây số.
Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là mặc dầu không được một chuyến di bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích luỹ ở mình cũng ngày càng có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống. Đối hoa xuân, lắng ong mật mà thêm ngầm tới dàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào. Bước phù phiếm cũng bay vào hoa, nhưng cặp cánh hào nhoáng chẳng để lại gì. Từ ngày lịch sử tiến hoá loài người, chưa ai nói đến mật bướm.
Người ta hay nhắc đến mang nặng đẻ đau. Có những quá trình không phải là hoài thai, không đẻ gì (theo nghĩa hẹp và theo nghĩa đen sinh học) nhưng rất khổ đau và nặng nhọc đèo bòng. Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước rãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đầu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy cái hạt đau xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.
Buổi ban đầu vào nghề viết cách đây vài chục năm, khi nhìn chuỗi ngọc trên cổ người “con hát” một thời Thăng Long tôi mới chỉ liên hệ nhân cát ngọc với mảy bụi cát kiếp người nơi thập điều Kinh Thánh. Cho tới gần đây tôi mới biết rõ thân thể của ngọc trai. Biết nhìn nó không phải chỉ ở chặng thành tựu chót cùng nơi cổ nơi ngón con người ta, mà là nhìn thấy được nó ở một quá trình lâu dài, đầu kia quá trình là một vết thương lòng và đầu này là quá trình là một niềm vui. Đầu kia quá trình là một cơn giận dữ tự vệ, đầu này quá trình là một giọt tài nguyên. Tổ quốc ta bao la cát bãi.
Tôi đã lấy cách nhìn hạt ngọc mà nhìn vào sự biểu dương một công tác, một công trạng, một công trình. Cũng bằng cái cách đó mà hiểu được bước sinh trưởng của một đoá hoa thơm, trước khi nó được làm cái nụ đầu thai vào vườn người. Nhìn ngọn hoa sáng chói công khai giữa bầu giời mà không khỏi không bận lòng vì lũ rễ cái, rễ con trong bóng tối lòng đất kín: rễ trong kia chỉ liên lạc được với hoa ngoài đây bằng con đường nhựa đắng duy nhất của ruột mình. Nhìn bông hoa nở tập kết nơi đất Bắc (1963) càng thấy bồi hồi vì cái rễ máu mình đang thọc sâu rừng Tây Nguyên, rừng U Minh, thọc sâu và đội lên cả gạch đá phố Sài Gòn.
(Trích Tờ hoa, Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập 2), NXB Văn học, 1998, trang 5-7).
Câu hỏi:
Câu 1: Dòng nào không nói lên đặc điểm của văn bản Tờ hoa?
A. Chất trữ tình; chất khảo cứu.
B. Chất trữ tình; chất truyện.
C. Chất trữ tình; hồi ức/ hồi tưởng.
D. Dựa trên tiêu chí về đề tài.
Câu 2: Yếu tố tự sự và vai trò của chúng trong văn bản Tờ hoa là:
A. Cốt truyện, sự việc, nhân vật.
B. Các sự việc mà tác giả đã trải qua.
C. Câu chuyện/ các sự việc đời sống có liên quan đến mạch cảm xúc, liên tưởng và suy ngẫm của tác giả
D. Câu chuyện/ các sự việc đời sống khơi gợi mạch cảm xúc, tình cảm của tác giả.
Câu 3: Những số liệu trong đoạn văn Từ “Người ta ... của 2.700.000 chuyến (bay) đi… đến là 8.000.000 cây số” nhằm thể hiện suy ngẫm gì của người viết?
A. Dòng cảm xúc trước con người /cuộc sống
B. Mạch liên tưởng, suy tư trước sự việc, con người
C. Tình huống nhận thức
D. Bài học về tính kiên nhẫn, cần lao, về tích lũy, về chế tạo và sáng tạo.
Câu 4: Câu văn “Sự tích lũy ở mình cũng ngày càng có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống” thể hiện ý nghĩa gì trong nghề viết?
A. Quá trình thâm nhập thực tiễn đời sống sẽ tạo nên những tác phẩm hay cho đời
B. Nhà văn càng chịu khó học hỏi, thâm nhập cuộc sống sẽ đem đến giá trị, ý nghĩa cho tác phẩm
C. Nhà văn cần sống trọn vẹn với đời sống sẽ viết được những tác phẩm hay.
D. Quá trình thâm nhập, tích lũy vốn sống, vốn văn hóa sẽ giúp nhà văn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ý nghĩa.
Câu 5: Mạch gắn kết câu chuyện về con ong, về nghề văn và cách tạo ra ngọc trai thể hiện suy ngẫm độc đáo nào của tác giả?
A. Hành trình gian nan để tạo ra cái Đẹp trong cuộc đời.
B. Quá trình đạt thành tựu, kết quả trong cuộc sống.
C. Sự tương đồng/ khác biệt giữa vẻ đẹp tự nhiên và sáng tạo nghệ thuật.
D. Bất kỳ vẻ đẹp nào trong đời sống cũng bắt nguồn từ sự kiên nhẫn và khổ đau.
Câu 6: Dòng nào không nói lên những triết lí về lao động và sáng tạo nghệ thuật trong tùy bút trên?
A. Để hiểu thấu cuộc sống và sáng tạo, cần sống trọn vẹn/thâm nhập hiện thực.
B. Sáng tạo là quá trình phát hiện tình huống/sự kiện độc đáo của thực tiễn.
C. Cái Đẹp chân chính bắt nguồn từ quá trình lao động, sáng tạo thực sự.
D. Giá trị lao động thực sự sẽ tạo nên bản sắc của mỗi cá nhân.
Câu 7: Qua mạch liên tưởng về con ong và sự hình thành ngọc trai, tác giả đã phát hiện những vẻ đẹp nào của cuộc sống?
A. Vẻ đẹp của thế giới tự nhiên muôn màu.
B. Vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, địa lý.
C. Quá trình sáng tạo, lao động trong cuộc sống.
D. Vẻ đẹp của sự kiên nhẫn, sáng tạo, khổ đau âm thầm.
Câu 8: Dòng nào không nêu lên đặc điểm cái Tôi tác giả trong tùy bút Tờ hoa?
A. Mong muốn, khao khát khám phá những vùng đất mới của Tổ Quốc.
B. Ý thức với nghề, mong muốn thức tỉnh tâm linh con người về cái Đẹp.
C. Tự tin, tự hào với vẻ đẹp con người, dân tộc thời kỳ mới.
D. Say mê, khao khát khám phá cái Đẹp.
Trả lời câu hỏi/thực hiện yêu cầu:
Câu 9. Nhan đề Tờ hoa gợi cho em những suy ngẫm gì về vẻ đẹp của trang văn với trang đời? Từ đó, nhận xét cảm hứng chủ đạo trong văn bản (1đ)
Câu 10. Em có đồng ý với nhận định “Tôi đã lấy cách nhìn hạt ngọc mà nhìn vào sự biểu dương một công tác, một công trạng, một công trình” không? Vì sao?(0.5đ)
II. VIẾT (4 điểm)
Hãy lựa chọn một số từ ngữ sau, kết nối chúng để viết bài văn nghị luận với chủ đề: Giá trị tinh thần ý nghĩa nhất đối với tôi (từ 1,5- 2 trang)
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.