Đề thi
I. ĐỌC HIỂU:
Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:
THỀ NGUYỀN
(Trích Truyện Kiều)
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa (1) gương (2) giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh (3) hắt hiu
Sinh vừa tựa án (4) thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen (5) sẽ động giấc hòe (6),
Bóng trăng đã xế hoa lê (7) lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần(8).
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen (9) nối sáp lò đào (10) thêm hương.
Tiên thề (11) cùng thảo một chương,
Tóc mây (12) một món dao vàng(13)chia đôi.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ (14) căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng (15) đến xương.
Chú thích:
(1) Nhật thưa: (nhật: mau, dày) chỉ ánh trăng chiếu xuyên qua lá cây tạo thành những khoảng sáng không đều nhau, chỗ sáng nhiều chỗ sáng ít.
(2) Gương: ở đây chỉ mặt trăng.
(3) Trướng huỳnh: xưa có người nhà nghèo không có đèn để đọc sách, phải bắt đom đóm làm đèn học. Do đó, trướng huỳnh được dùng chỉ phòng học của nho sinh, đồng thời gợi ý hiếu học. Cả câu ở đây ý nói : nhìn từ bên ngoài vào thấy ánh sáng đèn từ phòng học của Kim Trọng lọt ra dìu diu.
(4) Án: cái bàn học xưa.
(5) Tiếng sen: tiếng bước chân nhẹ nhàng của người đẹp.
(6) Giấc hòe: Từ điển tích Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hoè, rồi mơ thấy mình ở nước Hoè An, được công danh phú quý rất mực vinh hiển. Sau bằng mắt tỉnh dậy thì hoá ra đó là giấc mộng, thấy dưới cành hoè phía nam chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đó điển này có ý: phú quý chỉ là một giấc chiêm bao.
(7) Hoa lê: hoa cây lê, ở đây chỉ người đẹp.
(8) Đinh Giáp non thần: bài Phú Cao Đường của Tống Ngọc kể rằng vua nước Sở chơi đất Cao Đường nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp, hỏi ở đâu, người đó nói là thần nữ núi Vu Giáp. Non thần: thần núi ấy. Cả câu có nghĩa là Kim Trọng cảm thấy Kiều xuất hiện như là thần nữ của núi Vu Giáp.
(9) Đài sen: cái đài hình hoa sen để đặt cây nến.
(10) Lò đào: cái lò hương hình trái đào. Cả câu ý nói Kim Trọng đặt thêm nến sáp cho thêm sáng, thắp thêm hương cho thêm thơm.
(11) Tiên thề: (tiên: tờ giấy) tờ giấy viết lời thể.
(12) Tóc mây: tóc xanh như mây.
(13) Dao vàng: chỉ con dao quý, cũng có thể đây chỉ là phép tu từ thuần tuý khi tả con dao mà Kiều và Kim Trọng dùng để cắt tóc thề nguyền, giống như trường hợp bút hoa, lệ hoa, thềm hoa,...
(14) Tóc tơ: chỉ những điều chỉ li, tỉ mỉ.
(15) Chữ đồng: chữ đồng tâm, đồng lòng.
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 2. Các từ vội, xăm xăm, băng được bố trí như thế nào và có hàm nghĩa gì?
Câu 3. Ghi lại những câu thơ miêu tả ánh sáng trong trích đoạn. Nhận xét về dụng ý của tác giả trong việc thay đổi sắc độ ánh sáng từ đoạn đầu đến đoạn cuối trong đoạn trích
Câu 4. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào trong những câu thơ sau? Nêu tác dụng
"Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Tóc tơ cân vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương."
Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 10 – 12 câu phân tích quan niệm tình yêu của Nguyễn Du được thể hiện trong trích đoạn Thề nguyền.
II. VIẾT
Viết bài văn khoảng 2/3 trang giấy phân tích, đánh giá đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Thề nguyền trên.
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Đáp án
Câu 1. Nêu nội dung chính của đoạn trích. |
Phương pháp:
Đọc đoạn trích, phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
Sau lần gặp gỡ đầu tiên trong buổi chiều thanh minh thơ mộng, Kim Trọng đi tìm nhà trọ học gần cạnh nhà Thúy Kiều cốt để tìm gặp lại nàng. Hai người đã gặp gỡ, trao kỉ vật làm tin. Một hôm, khi cả gia đình sang chơi bên ngoại, Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Chiều tà, nàng trở về nhà, được tin cả nhà vẫn chưa về, nàng quay lại gặp chàng. Hai người đã làm lễ thề nguyền gắn bó trước "vầng trăng vằng vặc".
Câu 2. Các từ vội, xăm xăm, băng được bố trí như thế nào và có hàm nghĩa gì? |
Phương pháp:
Đọc văn bản, suy luận.
Lời giải chi tiết:
- Các từ vội, xăm xăm, băng xuất hiện trong hai câu lục và bát. Đặc biệt, từ “vội” xuất hiện hai lần trong văn bản ; hai từ “xăm xăm”, “băng” được đặt liền kề nhau.
- Điều đó cho thấy sự khẩn trương, gấp gáp của cuộc thề nguyền. Kiều như đang chạy đua với thời gian để bày tỏ và đón nhận tình yêu, một tình yêu mãnh liệt, tha thiết... Mặt khác, các từ này cũng dự báo sự không bền vững, sự bất bình thường của cuộc tình Kim – Kiều.
Câu 3. Ghi lại những câu thơ miêu tả ánh sáng trong trích đoạn. Nhận xét về dụng ý của tác giả trong việc thay đổi sắc độ ánh sáng từ đoạn đầu đến đoạn cuối trong đoạn trích |
Phương pháp:
Đọc, tìm ý, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
- Những câu thơ
+ Nhặt thưa gương giọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu?
+ Vội mừng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp lò đào thêm hương
- Nhận xét: Sắc độ ánh sáng tăng dần theo thời gian làm rõ phù hợp với tâm trạng.
Câu 4. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào trong những câu thơ sau? Nêu tác dụng "Vừng trăng vằng vặc giữa trời, Đinh ninh hai miệng một lời song song. Tóc tơ cân vặn tấc lòng, Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương." |
Phương pháp:
Vận dụng kiến thức đã học về biện pháp tu từ.
Lời giải chi tiết:
- Biện pháp tu từ ẩn dụ và nhân hóa trong câu thơ
Tóc tơ cân vặn tấc lòng, (Nhân hóa - Ẩn dụ)
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương (Ẩn dụ)
- Tác dụng: Thể hiện lời thề trăm năm bền vững, thể hiện sự đồng lòng, một lòng một dạ cho tình yêu này.
Đó cũng là một niềm tin vào tình cảm mãi thủy chung sắt son của hai người.
Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 10 – 12 câu phân tích quan niệm tình yêu của Nguyễn Du được thể hiện trong trích đoạn Thề nguyền. |
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
- Học sinh khẳng định được quan niệm về tình yêu của Nguyễn Du: Quan niệm tình yêu tiến bộ, táo bạo vượt thời đại: sự chủ động trong tình yêu
- Học sinh đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng để bày tỏ quan điểm: Đồng tình hoặc không đồng tình với quan điểm này.
+ Tình yêu là nhu cầu lớn của mỗi người, con người được tự do và khát vọng trong tình yêu
+ Quan niệm xưa cũ gò bó con người, mong muốn người con gái phải giữ gìn khuôn phép, cha mẹ đặt dâu con ngồi đấy,....nhưng với Nguyễn Du tình yêu là sự chủ động đôi bên và là khát vọng cá nhân dù là nam hay nữ.
+ Tình yêu theo Nguyễn Du còn là tình cảm thủy chung, son sắt, bền chặt, gắn kết giữa hai người với nhau
....
PHẦN II – LÀM VĂN (4 điểm)
Viết bài văn khoảng 2/3 trang giấy phân tích, đánh giá đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Thề nguyền trên.
Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập văn bản.
Lời giải chi tiết:
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về một văn bản văn học.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Thề nguyền
Gợi ý:
1. Cảnh Kiều sang nhà Kim Trọng
"Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.
Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tinh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hoè,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rỏ mật đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao ?”
Tâm trạng và tình cảm của Thúy Kiều
- Theo như lễ giáo phong kiến thì con gái phải là để người con trai tỏ tình trước hay là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nhưng Kiều lại khác. Nàng một mình "xăm xăm băng lối" sang nhà Kim trọng.
+ Từ ngữ: "Xăm xăm", "băng": Hành động dứt khoát, táo bạo, mạnh mẽ, bất chấp quan niệm hà khắc của lễ giáo phong kiến → Thể hiện sự vội vàng và tình cảm lớn lao mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng.
+ "Nhặt thưa gương giọi đầu cành,...Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng": Hình ảnh Thúy Kiều quay trở lại gặp Kim Trọng trong không gian đầy trăng thơ mộng.
+ "Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,...Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao ?”: Lời Thúy Kiều.
+ "Khoảng vắng đêm trường": Là khoảng thời gian tất cả mọi vật đều chìm trong giấc ngủ. Nhưng Kiều không để thời gian chi phối tình cảm của mình mà đã xăm xăm đến nhà Kim trọng.
+ "Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa": Tình yêu hồn nhiên, trong sáng, tự do và tha thiết.
+ Hoa tượng trưng cho cái đẹp nhưng dễ phai tàn → Nó dự báo một cuộc đời bão táp của Kiều.
+ "Chẳng là chiêm bao": Băn khoăn về một sự tan vỡ.
→ Đoạn thơ thể hiện được tâm trạng và tình cảm của Thúy Kiều. Nàng đã nghe theo tiếng gọi của tình yêu và chính vì thế mà đã hành động mà không cần biết đến thứ lễ giáo phong kiến kia.
Tâm trạng và thái độ trân trọng của Kim Trọng
- Nhà thơ dùng những mỹ từ rất đẹp để nói về cảnh tượng ấy : “nhặt thưa”, “lọt”, "hắt hiu". Mọi thứ đều trở nên nhỏ nhẹ, hiền từ trước tình yêu
- Điển cố điển tích: tiếng sen, giấc xòe → để chỉ giấc mơ được gặp người đẹp của Kim Trọng
- Và đến khi biết là mình không phải là mơ nữa thì Kim Trọng nhanh chóng rước Kiều vào nhà
→ Đoạn thơ là một màn tình yêu giữa nàng và chàng. Thúy Kiều chủ động sang tìm Kim Trọng đủ thấy tình yêu trong nàng đã lớn như thế nào. Kim Trọng thì vốn đã phải lòng nàng nhưng vẫn còn sợ nàng không đồng ý. Hai người nhận ra tình cảm của nhau và chuẩn bị một lễ thề nguyền thiêng liêng hạnh phúc.
2. Cảnh Kiều và Kim Trọng thề nguyền
"Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương
Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi
Vừng trăng vàng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Tóc tơ cân vặn tấc lóng,
Trăm năm tạc một chữ đổng đốn xương"
- Không gian: Trong nhà giữa một đêm trăng sáng
- Thời gian: đêm tối
- Các hình ảnh:
+ Đài sen, lò đào thêm hương
+ Tiên thề: Tờ giấy viết lời thề
+ Dùng dao vàng cắt tóc thề nguyền
→ Quyết tâm chung đôi
- Ánh trăng: Nhân chứng cho cuộc thề nguyền của đôi trai gái
- Lời thề: Trăm năm bền vững.
+ Hai miệng một lời song song → Thể hiện sự đồng lòng, một lòng một dạ cho tình yêu này. Đó cũng là một niềm tin vào tình cảm mãi thủy chung sắt son của hai người
→ Đó quả là những vần thơ đẹp nhất hay nhất về tình yêu của chàng Kim và nàng Kiều. Chuyện tình của hai người chẳng khác nào cổ tích vậy. Vậy là một buổi thê nguyền đã diễn ra thật thiêng liêng và hạnh phúc.
Những tín vật tình yêu cùng những lời nói đồng lòng đã được vầng trăng kia chứng giám.
[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]