Bài 13. Cảm ứng ở động vật trang 85, 86, 87, 88, 89, 90, 91, 92 SGK Sinh 11 - Cánh diều

2024-09-14 14:31:51

Ch tr 85

MĐ:

Quan sát hình 13.1 và cho biết: Khi tay bị chạm vào gai trên cây xương rồng thì phản ứng của tay sẽ như thế nào?

 

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

Khi tay bị chạm vào gai trên cây xương rồng sẽ có phản ứng rụt tay lại ngay lập tức.

CH:

Quan sát hình 13.2 và nêu đặc điểm cấu tạo của hệ thần kinh dạng lưới. Sứa phản ứng như thế nào khi bị kích thích vào một điểm trên cơ thể?

Phương pháp giải:

Quan sát hình 13.2 và mô tả hệ thần kinh ở sứa.

 

Lời giải chi tiết:

Sứa có hệ thần kinh dạng lưới, cấu tạo gồm các tế bào thần kinh liên kết với nhau thành mạng lưới.

Khi bị kích thích vào một điểm trên cơ thể, xung thần kinh sẽ lan truyền khắp mạng lưới thần kinh và làm toàn bộ cơ thể co lại.


Câu hỏi trang 86

CH:

Quan sát hình 13.3 và nêu đặc điểm cấu tạo của hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.

Giun đốt có phản ứng như thế nào khi bị kích thích vào một điểm trên cơ thể?

 

Phương pháp giải:

Dựa vào hình 13.3 và mô tả cấu tạo của hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.

Lời giải chi tiết:

Hệ thần kinh dạng chuỗi hạch được cấu tạo gồm các tế bào thần kinh tập hợp lại thành các hạch, các hạch thần kinh nối với nhau thành chuỗi nằm dọc cơ thể; các hạch phần đầu có kích thước lớn tạo thành não.

Giun đốt khi bị kích thích, cơ thể trả lời cục bộ.

CH: 

Quan sát hình 13.4 và nêu cấu trúc hệ thần kinh người.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về hệ thần kinh dạng ống.

Lời giải chi tiết:

Hệ thần kinh người được chia thành 2 phần: thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên.

  • Thần kinh trung ương: tập hợp lượng lớn neuron tạo thành ống nằm ở phía lưng (tủy sống); phần đầu ống hát triển mạnh tạo thành não bộ.
  • Thần kinh ngoại biên: gồm các dây thần kinh liên hệ giữa thần kinh trung ương và cơ quan thụ cảm với cơ quan cảm ứng.

Câu hỏi trang 87

LT:

Những khẳng định nào dưới đây là đúng khi so sánh đặc điểm cảm ứng của các dạng hệ thần kinh.

A. Tốc độ cảm ứng nhanh nhất ở hệ thần kinh dạng lưới.

B. Độ chính xác của cảm ứng lớn nhất ở hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.

C. Độ phức tạp của cảm ứng lớn nhất ở hệ thần kinh dạng ống.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về các hình thức cảm ứng ở động vật.

Lời giải chi tiết:

Những khẳng định đúng là:

A. Tốc độ cảm ứng nhanh nhất ở hệ thần kinh dạng lưới.

C. Độ phức tạp của cảm ứng lớn nhất ở hệ thần kinh dạng ống.

CH:

Quan sát hình 13.5, mô tả quá trình truyền tinh qua synapse hóa học.

 

Phương pháp giải:

Quan sát hình 13.5 và mô tả quá trình lan truyền tin qua synapse hóa học.

Lời giải chi tiết:

Quá trình truyền tin qua synapse hóa học chia thành 6 bước:

(1) Xung thần kinh lan truyền đến kích thích Ca2+ đi từ ngoài vào trong chùy synapse.

(2) Ca2+ kích thích giải phóng các chất truyền tin hóa học vào khe synapse theo con đường xuất bào.

(3) Chất truyền tin hóa học gắn vào thụ thể tương ứng ở màng sau synapse.

(4) Xuất hiện và lan truyền tiếp xung thần kinh ở màng sau synapse.

(5) Enzyme phân giải chất truyền tin hóa học thành các tiểu phần.

(6) Tiểu phần được vận chuyển trở lại màng trước, đi vào chùy synapse, là nguyên liệu tổng hợp chất truyền tin hóa học chứa trong các bóng.


Câu hỏi trang 88

CH: 

Quan sát hình 13.6 và cho biết một cung phản xạ gồm những khâu nào. Nêu vai trò của mỗi cơ quan, bộ phận trong một cung phản xạ.

Phương pháp giải:

Dựa vào sơ đồ 1 cung phản xạ trong hình 13.6 mô tả các khâu.

Lời giải chi tiết:

Một cung phản xạ gồm 5 khâu:

  • Thụ thể: tiếp nhận kích thích, hình thành xung thần kinh.
  • Neuron cảm giác: dẫn truyền xung thần kinh đến trung ương thần kinh.
  • Trung ương thần kinh (não và tủy sống): xử lí thông tin, quyết định trả lời kích thích, lưu giữ thông tin.
  • Neuron vận động: dẫn truyền xung thần kinh từ trung ương thần kinh đến cơ quan trả lời.
  • Cơ quan trả lời (cơ hoặc tuyến): trả lời phản ứng lại kích thích.

Tìm hiểu thêm:

Một người bị tai biến mạch máu não, chụp cộng hưởng từ cho thấy người này bị tổn thương vùng điều khiển vận động ở bán cầu não trái. Hãy tìm hiểu và cho biết khả năng vận động của người này sẽ thay đổi như thế nào so với người bình thường. Giải thích.

Phương pháp giải:

Vận dụng hiểu biết thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

Theo tìm hiểu, người này có thể bị suy giảm chức năng vận động hoặc liệt phần thân phải. Vì hầu hết sợi thần kinh vận động từ mỗi bán cầu bắt chéo tạo thân não nên khi bị tổn thương vùng điều khiển vận động ở bán cầu não trái sẽ ảnh hưởng tới khả năng vận động của nửa người bên phải.


Câu hỏi trang 89

CH: 

Quan sát hình 13.7a và phân tích quá trình cảm nhận hình ảnh của cơ quan cảm giác thị giác.

Quan sát hình 13.7b và phân tích quá trình cảm nhận âm thanh của cơ quan cảm giác thính giác.

Phương pháp giải:

Dựa vào hình 13.7 để mô tả cơ chế cảm nhận hình ảnh và âm thanh.

Lời giải chi tiết:

Cơ chế cảm nhận hình ảnh của cơ quan thị giác: Ánh sáng từ vật → giác mạc, thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc → ánh sáng kích thích tế bào thụ cảm ánh sáng hình thành xung thần kinh về trung khu thi giác ở não bộ. Trung khu thị giác phân tích cho cảm nhận về hình ảnh của vật.

Cơ chế cảm nhận âm thanh của cơ quan thính giác: sóng âm thanh qua ốc tai tác động làm màng nhĩ, xương tai giữa dao động → dao động dịch ốc tai → kích thích tế bào thụ cảm âm thanh hình thành xung thần kinh → trung khu thính giác cho cảm nhận về âm thanh.


Câu hỏi trang 90

CH: 

Dựa vào bảng 13.2, nêu đặc điểm của phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện.

Phương pháp giải:

Dựa vào bảng 13.2 và chỉ ra điểm đặc trưng của phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện.

Lời giải chi tiết:

Phản xạ không điều kiện là phản xạ bẩm sinh với các tác nhân kích thích nhất định, di truyền, đặc trưng cho loài, rất bền vững.

Phản xạ có điều kiện là phản xạ hình thành qua quá trình học tập, được hình thành với tác nhân bất kì, mang tính cá thể, không bền vững.

LT:

Các phản xạ dưới đây phản xạ nào là phản xạ có điều kiện, phản xạ không điều kiện. Giải thích.

-   Bạn A toát mồ hôi khi hoạt động thể lực mạnh.

-   Bạn B tiết nước bọt khi nghe từ “nước chanh”

-   Bạn C dừng xe khi thấy đèn giao thông chuyển sang màu đỏ.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện.

Lời giải chi tiết:

Phản xạ toát mồ hôi khi hoạt động thể lực mạnh là phản xạ không điều kiện. Vì toát mồ hôi là cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể khi nhiệt độ môi trường cao.

Phản xạ tiết nước bọt khi nghe từ “nước chanh” và dừng xe khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ là phản xạ có điều kiện. Vì chỉ sau khi trải qua quá trình học tập (đã từng nếm qua vị nước chanh và học về luật an toàn giao thông) thì cơ thể mới hình thành phản xạ.


Câu hỏi trang 91

CH 1:

Hãy nêu một số bệnh do tổn thương hệ thần kinh làm mất khả năng vận động, mất khả năng cảm giác.

Phương pháp giải:

Vận dụng hiểu biết thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

Một số bệnh do tổn thương hệ thần kinh làm mất khả năng vận động, mất khả năng cảm giác là:

  • Tổn thương võng mạc ở mắt, viêm dây thần kinh thị giác, tổn thương thùy chẩm dẫn đến mù.
  • Tai biến mạch máu não gây liệt.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng dẫn đến giảm khả năng cảm giác.

CH 2: 

Quan sát hình 13.9 và cho biết cơ chế của cảm giác đau.

Phương pháp giải:

Dựa vào hình 13.9 và mô tả cơ chế cảm giác đau.

Lời giải chi tiết:

Khi tay bị tổn thương, viêm …, tác nhân gây đau tác động vào thụ thể đau ở đầu ngón tay, kích thích hình thành xung thần kinh truyền về tủy sống tới trung khu cảm giác ở não bộ. Trung khu cảm giác phân tích và cảm nhận cảm giác đau.


Câu hỏi trang 92

LT:

Tại sao không nên lạm dụng chất kích thích và sử dụng chất gây nghiện?

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

Chất kích thích thường gây hưng phấn thần kinh, có thể làm thay đổi chức năng bình thường của cơ thể theo hướng làm cơ thể phụ thuộc vào chất đó.

Sử dụng thường xuyên chất kích thích sẽ dẫn đến nghiện, rối loạn trí nhớ, trầm cảm …

Việc cai nghiện rất khó khăn do cơ thể đã hình thành phản xạ có điều kiện bền vũng với các chất kích thích và bị tổn thương khó phục hồi trên não.

VD:

Giải thích tại sao việc học kiến thức, học kĩ năng là quá trình hình thành phản xạ có điều kiện.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức đã học về đặc điểm của phản xạ có điều kiện.

Lời giải chi tiết:

Việc học kiến thức, học kĩ năng là quá trình hình thành phản xạ có điều kiện vì: kiến thức và kĩ năng không có sẵn từ khi sinh ra mà chỉ được hình thành qua quá trình học tập, ôn luyện và thi cử lặp lại nhiều lần.

Kiến thức và kĩ năng của mỗi cá thể khác nhau và có thể bị mai một nếu không được ôn luyện.


Lý thuyết

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"