1
Đọc thông tin và quan sát hình 11.1, hãy:
- Nêu đặc điểm vị trí địa lí và lãnh thổ của khu vực Đông Nam Á.
- Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đến sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục I.1 và quan sát hình 11.1
Lời giải chi tiết:
* Đặc điểm vị trí địa lí và lãnh thổ của khu vực Đông Nam Á:
- Phạm vi lãnh thổ:
+ Đông Nam Á có diện tích đất khoảng 4,5 triệu km2, được chia thành hai khu vực là lục địa và hải đảo.
▪ Khu vực lục địa gồm các nước: Việt Nam, Lào, Cam-pu chia, Thái Lan, Mi-an-ma.
▪ Khu vực hải đảo gồm các nước: Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Phi-líp-pin và Ti-mo Lét-xtê.
+ Ngoài phần đất, Đông Nam Á còn có vùng biển rộng, gồm nhiều biển như: Biển Đông, Gia-va, Ban-đa, Ti-mo,...
- Vị trí địa lí
+ Đông Nam Á kéo dài từ khoảng vĩ độ 28°B đến khoảng vĩ độ 10°N, nằm ở phía đông nam châu Á, trong khu vực nội chí tuyến và trong khu vực hoạt động của gió mùa.
+ Đông Nam Á có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm trên con đường biển quốc tế từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương; là cầu nối châu Âu, châu Phi, khu vực Nam Á với khu vực Đông Á; nối lục địa Á - Âu với Ô-xtrây-li-a.
+ Đông Nam Á nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động châu Á - Thái Bình Dương, ở nơi giao thoa của các vành đai sinh khoáng lớn, các luồng sinh vật và các nền văn hóa lớn.
* Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đến sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á:
- Lãnh thổ rộng, vị trí địa lí thuận lợi đã tạo điều kiện cho Đông Nam Á trong giao lưu phát triển các ngành kinh tế, đẩy mạnh các ngành kinh tế biển, tạo cho Đông Nam Á một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
- Nằm ở nơi có nhiều thiên tai: động đất, núi lửa, sóng thần, bão, sạt lở đất,… ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất.
2
Đọc thông tin và quan sát hình 11.1, hãy:
- Nêu đặc điểm về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của khu vực Đông Nam Á.
- Phân tích ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục I.2 và quan sát hình 11.1
Lời giải chi tiết:
a) Địa hình, đất
- Đặc điểm
+ Địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, nhiều dãy núi cao, nhiều núi lửa đang hoạt động. Đất feralit là chủ yếu
+ Các đồng bằng châu thổ rộng lớn, ngoài ra còn có đồng bằng ven biển với đất phù sa màu mỡ.
+ Địa hình bờ biển đa dạng, nhiều vũng, vịnh, đầm, phá, bãi cát.
- Ảnh hưởng: Địa hình và đất đai tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hoạt động sản xuất và đời sống của cư dân:
+ Khu vực đồi núi: trồng cây công nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, tạo cảnh quan cho phát triển du lịch.
+ Khu vực đồng bằng: giao thương, trồng lúa nước và các cây hàng năm khác.
+ Vùng núi cao gây khó khăn cho giao thông vận tải, vùng trũng thấp dễ ngập úng, khiến cho các hoạt động kinh tế gặp khó khăn.
b) Khí hậu
- Đặc điểm
+ Phân hóa đa dạng với các đới và kiểu khí hậu khác nhau: cận nhiệt đới, nhiệt đới gió mùa, xích đạo và cận xích đạo. Khu vực núi cao có khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới.
+ Nhiệt độ cao, trung bình năm trên 20°C, lượng mưa trung bình từ 1300mm đến 2000mm, độ ẩm lớn trên 80%.
+ Phía bắc của Mi-an-ma và Việt Nam có mùa đông lạnh.
- Ảnh hưởng:
+ Tạo điều kiện cho phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, đa dạng sản phẩm; rừng nhiệt đới phát triển quanh năm.
+ Một số khu vực thường xảy ra thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.
c) Sông, hồ
- Đặc điểm:
+ Mạng lưới sông ngòi dày đặc, các sông nhiều nước, hàm lượng phù sa lớn, chế độ nước sông theo mùa. Các sông lớn tập trung ở khu vực lục địa: sông Mê Công, sông Hồng, sông Mê Nam…
+ Có nhiều hồ, quan trọng nhất là Biển Hồ ở Cam-pu-chia.
- Ảnh hưởng:
+ Mạng lưới sông tạo điều kiện thuận lợi phát triển giao thông đường thủy, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, tạo cảnh quan du lịch. Các sông vùng núi có giá trị thủy điện. Tuy nhiên, vào mùa mưa sông thường xuyên gây lũ lụt ảnh hưởng đời sống và sản xuất.
+ Hồ có vai trò điều tiết nước, hạn chế lũ lụt
d) Biển
- Đặc điểm:
+ Vùng biển rộng, nhiều ngư trường lớn, nhiều bãi biển đẹp;
+ Có nguồn khoáng sản và sinh vật biển phong phú.
- Ảnh hưởng:
+ Thuận lợi để phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.
+ Trong quá trình khai thác tài nguyên biển, cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường.
e) Sinh vật
- Đặc điểm:
+ Tài nguyên sinh vật rất phong phú và đa dạng.
+ Diện tích rừng lớn 2 triệu km2(2020), chủ yếu là rừng mưa nhiệt đới và rừng nhiệt đới ẩm có tính đa dạng sinh học cao, thành phần loài đa dạng.
- Ảnh hưởng:
+ Tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác và chế biến lâm sản, du lịch.
+ Rừng ngập mặn ven biển thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.
+ Chú ý bảo vệ môi trường và đảm bảo đa dạng sinh học.
g) Khoáng sản
- Đặc điểm: Đa dạng khoáng sản: sắt, ni-ken, đồng, thiếc, than, chì, dầu mỏ, khí tự nhiên… nhiều khoáng sản giá trị lớn.
- Ảnh hưởng: khoáng sản là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp và cũng là các mặt hàng xuất khẩu của nhiều nước.
1
Đọc thông tin, dựa vào bảng 11.1 và quan sát các hình 11.2, 11.3, hãy:
- Nêu đặc điểm dân cư của khu vực Đông Nam Á.
- Phân tích tác động của đặc điểm dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục II.1 và quan sát các hình 11.2, 11.3 để trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Nêu đặc điểm dân cư của khu vực Đông Nam Á:
+ Số dân đông và tăng nhanh, đạt 668,4 triệu người năm 2020, chiếm 8,6% dân số thế giới. Tỉ lệ tăng dân số giảm dần nhưng vẫn ở mức cao.
+ Dân cư phân bố không đồng đều, tập trung đông ở các đồng bằng, hạ lưu sông và vùng ven biển. Mật độ dân số năm 2020 là 148 người/km2, có sự chênh lệch giữa các quốc gia.
+ Đô thị hóa đang được đẩy mạnh, tỉ lệ dân thành thị chưa cao (năm 2020 là 49%).
+ Là khu vực có nhiều dân tộc sinh sống.
- Phân tích tác động của đặc điểm dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á.
+ Có nhiều dân tộc sinh sống đã tạo nên cho khu vực có nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc.
+ Tạo cho khu vực có nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn, thuận lợi để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
+ Sức ép về giải quyết các vấn đề việc làm, nhà ở, an sinh xã hội,…
2
Đọc thông tin, dựa vào bảng 11.2, hãy:
- Trình bày đặc điểm xã hội của khu vực Đông Nam Á.
- Phân tích tác động của đặc điểm xã hội đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục II.2 và dựa vào bảng 11.2
Lời giải chi tiết:
- Đặc điểm xã hội của khu vực Đông Nam Á:
+ Nằm ở nơi giao nhau của các nền văn hóa, lịch sử phát triển lâu đời đã tạo nên nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
+ Giáo dục được chú trọng đầu tư phát triển, tỉ lệ người biết chữ và số năm đến trường đã tăng lên, ngành y tế cũng phát triển với tốc độ khá nhanh.
+ HDI có xu hướng tăng và khác nhau ở mỗi quốc gia.
+ Đông Nam Á là khu vực có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, như: Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Ki-tô giáo.
- Phân tích tác động của đặc điểm xã hội đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á:
+ Nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc là điều kiện để phát triển du lịch, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
+ Khó khăn trong quản lí, ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước.
+ Phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa có nhiều nét tương đồng, là cơ sở để các nước trong khu vực hợp tác cùng phát triển.
1
Đọc thông tin và dựa vào bảng 11.3, hãy trình bày và giải thích về tình hình phát triển kinh tế chung của khu vực Đông Nam Á.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin và dựa vào bảng 11.3
Lời giải chi tiết:
- Tình hình phát triển kinh tế chung:
+ GDP của khu vực Đông Nam Á tăng khá nhanh, từ 2527 tỉ USD năm 2015 lên đến 3083,3 tỉ USD năm 2020.
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự khác nhau giữa các giai đoạn và giữa các nước. Giai đoạn 2010 - 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 5,5%, giai đoạn 2015 - 2020 chỉ đạt 4 - 5%.
+ Cơ cấu kinh tế ở phần lớn các nước Đông Nam Á có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.
- Giải thích: từ cuối thập kỉ 80 đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX, các nước Đông Nam Á đã tiến hành đổi mới kinh tế, nền kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ngày càng có vị thể trong nền kinh tế châu Á và thế giới.
2
a. Đọc thông tin và quan sát hình 11.4, hãy:
- Kể tên một số cây trồng, vật nuôi chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và trình bày sự phân bố của các cây trồng, vật nuôi đó.
- Cho biết nhân tố nào đã giúp Đông Nam Á có ngành lâm nghiệp và thủy sản phát triển.
- Kể tên một số ngành công nghiệp quan trọng của Đông Nam Á.
- Nêu những nguyên nhân làm cho công nghiệp của Đông Nam Á phát triển.
Phương pháp giải:
a. Đọc thông tin mục III.2 và quan sát hình 11.4
Lời giải chi tiết:
a.
- Một số cây trồng, vật nuôi chủ yếu ở Đông Nam Á và sự phân bố:
+ Lúa gạo: trồng nhiều ở các nước In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Việt Nam.
+ Cao su: trồng nhiều ở các nước In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Việt Nam, Ma-lai-xi-a.
+ Cà phê: trồng nhiều ở các nước Việt Nam, In-đô-nê-xi-a
+ Dừa: trồng nhiều ở các nước Phi-líp-pin, Thái Lan, Việt Nam, Ma-lai-xi-a.
+ Lợn: nuôi nhiều ở các nước Việt Nam, Phi-líp-pin, Mi-an-ma
+ Trâu: nuôi nhiều ở: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Phi-líp-pin, Mi-an-ma
+ Bò: nuôi nhiều ở các nước Việt Nam, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma
- Sự giàu có, phong phú về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành lâm nghiệp và thủy sản ở Đông Nam Á.
- Một số ngành công nghiệp quan trọng của Đông Nam Á: cơ khí, điện tử - tin học, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, khai thác khoáng sản…
- Những nguyên nhân làm cho công nghiệp của Đông Nam Á phát triển:
+ Nguồn nguyên liệu dồi dào
+ Lao động đông
+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn.
- Dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh các hoạt động kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường. Phát triển với tốc độ khá nhanh, tỉ trọng đóng góp ngày càng cao trong cơ cấu GDP của khu vực (năm 2020 là 49,7%).
- Cơ cấu ngành dịch vụ ngày càng đa dạng, nhiều nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng dịch vụ.
+ Giao thông vận tải: các loại hình giao thông vận tải rất đa dạng, mạng lưới giao thông rộng khắp, các phương tiện vận tải được nâng cấp và đổi mới.
+ Bưu chính viễn thông đang phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hàng hóa và nhu cầu ngày càng cao của người dân. Quy mô ngày càng lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh. Nhiều nước đang chú trọng áp dụng khoa học - công nghệ, đổi mới phương tiện, phương thức vận chuyển…nhằm hội nhập với kinh tế thế giới.
+ Du lịch: đang phát triển với tốc độ rất nhanh, trở thành ngành mũi nhọn của nhiều nước. Các nước có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, nhiều di sản UNESCO, nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng…
+ Thương mại: có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của khu vực, tổng giá trị hàng hóa - dịch vụ xuất - nhập khẩu tăng nhanh từ 2887,5 tỉ USD năm 2015 lên 3202,9 tỉ USD năm 2020.
+ Tài chính ngân hàng: đang được mở rộng, từng bước hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển và hợp tác sâu rộng với thế giới. Xin-ga-po là trung tâm tài chính ngân hàng lớn hàng đầu trên thế giới.
1
Quan sát hình 11.3, hãy đọc tên các nước có mật độ dân số trên 200 người/km2 và các đô thị có số dân từ 5 đến dưới 10 triệu người, từ 10 triệu người trở lên ở khu vực Đông Nam Á.
Phương pháp giải:
Dựa vào hình 11.3
Lời giải chi tiết:
- Các nước có mật độ dân số trên 200 người/km2: Việt Nam, Phi-lip-pin.
- Các đô thị có số dân từ 5 đến dưới 10 triệu người: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Y-a-gun, Kua-la Lăm-pơ, Xin-ga-po.
- Các đô thị có số dân từ 10 triệu người trở lên: Ma-ni-la, Băng Cốc, Gia-các-ta.
2
Quan sát hình 11.4, hãy hoàn thành bảng thông tin phân bố các cây trồng, vật nuôi chủ yếu ở Đông Nam Á theo mẫu sau vào vở ghi.
Phương pháp giải:
Dựa vào hình 11.4
Lời giải chi tiết:
Vận dụng
Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ sau:
- Nhiệm vụ 1. Lựa chọn và giới thiệu về một ngành công nghiệp của Đông Nam Á
- Nhiệm vụ 2. Hãy tìm hiểu về một địa điểm du lịch ở Đông Nam Á và giới thiệu về địa điểm du lịch này với bạn bè.
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết thực tế của bản thân kết hợp tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác nhau
Lời giải chi tiết:
Với hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ vô cùng kĩ vĩ, sống động, vịnh Hạ Long đã nhiều lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách cả nước và quốc tế.
Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo ở phía Đông Bắc của Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh; phía Tây Bắc và Bắc kéo dài từ huyện Yên Hưng, qua thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, đến hết phần biển đảo huyện Vân Đồn; phía Tây Nam giáp đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng). Tên gọi Hạ Long được bắt nguồn từ 1 truyền thuyết dân gian từ những buổi đầu dựng nước. Khi nước ta bị giặc ngoại xâm đến xâm chiếm bằng đường thủy, Ngọc Hoàng đã sai một đàn rồng xuống giúp đỡ nhân dân. Khi đoàn thuyền của quân địch ào ạt tấn công, đàn rồng đã phun ra vô số châu báu xuống vịnh và chúng hóa thành những đảo đá sừng sững, chặn đường tấn công của địch. Thuyền của quân địch bị chặn lại đột ngột đã đâm vào những đảo đá đó và bị đắm xuống đáy biển. Sau trận đánh, đàn rồng đã ở lại chốn hạ giới và hóa thân thành những đảo đá huyền thoại của nơi đây. Cái tên vịnh Hạ Long được đặt tên từ đó. Chính cái tên ấy đã thể hiện rằng vùng đất này được loài rồng thiêng liêng che chở, luôn luôn phát triển vững mạnh trước mọi thế lực thù địch.
Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo bởi nơi đây chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của mẹ thiên nhiên. Tại đây có sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, nhiều hang động kì thú tạo thành quần thể vừa sinh động, hấp dẫn vừa huyền bí. Bên cạnh đó, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình, hàng nghìn loài động - thực vật vô cùng phong phú. Nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa - lịch sử hào hùng của dân tộc.
Vịnh Hạ Long là một hệ thống đảo và các hang đá tuyệt đẹp, được công nhận trên toàn thế giới. Hàng trăm hòn đảo nhỏ có, lớn có, mỗi đảo mang một hình dáng khác nhau và vô cùng sinh động, trong đó phải kể đến hòn Trống Mái được đánh giá là hòn đảo đặc trưng của vịnh Hạ Long cùng với nhiều hòn đảo khác như đảo Ti Tốp, hòn Con Cóc, hòn Lư Hương... Phía trong những đảo đá lớn lại hấp dẫn bởi những hang động đẹp đẽ, kỳ lạ. Hang Đầu Gỗ gợi cảm giác choáng ngợp, với những nhũ đá muôn hình dáng vẻ. Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mỹ lệ. Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung, với vô số nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu. Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ, với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước, cùng với nhiều hình hài khác, như mở ra một thế giới cổ tích. Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long… mỗi hang có những vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú.
Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, cảnh quan đặc sắc, hệ thống hang động, bãi biển đẹp, Vịnh Hạ Long còn chứa đựng trong đó những giá trị lịch sử, văn hoá phong phú. Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ, với ba nền văn hoá tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm đó là: Văn hoá Soi Nhụ, văn hoá Cái Bèo và văn hoá Hạ Long. Đây cũng là nơi ghi dấu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Vịnh Hạ Long là nơi phát triển của hệ sinh thái rừng kín, mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển, ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái, trong đó có 14 loài thực vật và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại vịnh.
Một trong những thế mạnh nữa của Hạ Long là giao thông, cảng biển và đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo có khí hậu phân hóa 2 mùa rõ rệt: mùa hạ nóng ẩm với nhiệt độ khoảng 27 - 29°C và mùa đông khô lạnh với nhiệt độ 16 - 18°C, nhiệt độ trung bình năm dao động trong khoảng 15 - 25°C. Lượng mưa trên vịnh Hạ Long vào khoảng từ 2.000mm - 2.200mm điều kiện thuận lợi về địa hình, khí hậu, thuỷ văn rất an toàn cho việc neo đậu tàu thuyền.
Sự phát triển mạnh mẽ của Vịnh Hạ Long là niềm tự hào không chỉ với người dân vùng đất mỏ mà còn của cả đất nước Việt Nam. Điều đó cũng gợi cho chúng ta những suy nghĩ về ý thức và trách nhiệm của bản thân mình đối với di sản Vịnh Hạ Long nói riêng, danh lam thắng cảnh của đất nước nói chung. Cùng nhau chung tay giữ gìn, bảo vệ thắng cảnh, góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi vẻ đẹp của nước nhà… đó chính là những hành động nhỏ bé nhưng giàu ý nghĩa, góp phần cho sự phát triển vững bền của đất nước.