Bài 20. Quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin - SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 11 Chân trời sáng tạo

2024-09-14 14:54:41

Mở đầu

Trả lời câu hỏi trang 141 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc thông tin dưới đây và thực hiện yêu cầu

THÔNG TIN

Khoản 2 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự năm 1966 quy định: “Mọi người có quyền tự do biểu đạt. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kì phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ."

- Cho biết những quyền tự do dân chủ được đề cập trong thông tin trên.

- Em hãy chia sẻ hiểu biết của mình về những quyền tự do dân chủ đó.

Phương pháp giải:

- Đọc thông tin và cho biết những quyền tự do dân chủ được đề cập trong thông tin.

- Chia sẻ hiểu biết của mình về những quyền tự do dân chủ đó.

Lời giải chi tiết:

- Quyền tự do dân chủ được đề cập trong thông tin trên là: quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin.

- Những quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin:

+ Công dân có quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Khi thực hiện các quyền này, công dân có nghĩa vụ tuân thủ và chấp hành pháp luật về các quyền này và các nghĩa vụ khác có liên quan.

+ Mọi người được tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dưới hình thức bằng lời nói, văn bản hoặc dưới bản điện tử hay dưới hình thức khác.

+ Công dân được sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in theo quy định pháp luật.

+ Công dân được chủ động tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ việc thực hiện quyền này theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

+ Công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin của người khác. Pháp luật nghiêm cấm lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

+ Hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin của người khác tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lí kỉ luật, xử lí hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.


1

Trả lời câu hỏi mục 1 trang 150 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc thông tin sau, trường hợp sau và thực hiện yêu cầu

Trường hợp 1

Lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn huyện Y, một số cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, tạo tâm lí hoang mang và gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Biết được sự việc, Công an huyện Y đã triệu tập, xử lí nghiêm những đối tượng đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 2

Trong quá trình sản xuất, Công ty X xả nước thải chưa qua xử lí ra môi trường. Người dân sinh sống xung quanh khu vực đã phản ánh thông tin vụ việc này cho chính quyền địa phương và Toà soạn báo K. Toà soạn đã cử phóng viên đến làm việc, xác minh thông tin kịp thời, viết bài đưa lên báo chí. Tuy nhiên, Công ty X đã có hành vi ngăn cản, đe doạ, không cho phóng viên tác nghiệp.

- Trình bày nội dung quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin được thể hiện qua các thông tin trên.

- Cho biết các chủ thể trong trường hợp 1, 2 đã vi phạm quy định nào của quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin.

- Em hãy cho biết công dân có quyền gì trong tiếp cận thông tin. Cho ví dụ về các loại thông tin được tiếp cận.

Phương pháp giải:

- Đọc thông tin và trình bày nội dung quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin được thể hiện qua các thông tin đó.

- Chỉ ra quy định của quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin mà các chủ thể trong trường hợp 1, 2 đã vi phạm.

- Em hãy cho biết công dân có quyền gì trong tiếp cận thông tin. Cho ví dụ về các loại thông tin được tiếp cận.

Lời giải chi tiết:

* Nội dung quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin được thể hiện qua các thông tin:

- Công dân có quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Khi thực hiện các quyền này, công dân có nghĩa vụ tuân thủ và chấp hành pháp luật về các quyền này và các nghĩa vụ khác có liên quan.

- Biểu hiện của quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin:

+ Mọi người được tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dưới hình thức bằng lời nói, văn bản hoặc dưới bản điện tử hay dưới hình thức khác.

+ Công dân được sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in theo quy định pháp luật.

+ Công dân được chủ động tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ việc thực hiện quyền này theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

* Hành vi của các chủ thể tại trường hợp 1, 2 đã vi phạm quy định pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí; cụ thể: đăng tải thông tin gây hoang mang và cản trở phóng viên tác nghiệp hợp pháp.

* Nội dung Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tiếp cận thông tin của công dân:

+ Công dân có quyền:

a) Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

b) Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.

+ Công dân có nghĩa vụ:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.

b) Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp.

c) Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

(Theo: Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016)

- Ví dụ: Chị Lan muốn tìm hiểu thông tin về bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với hộ gia đình khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện mình để xây dựng các công trình công cộng. Chị Lan đến Uỷ ban nhân dân huyện đề nghị được cung cấp thông tin về những nội dung này. Sau khi chị Lan trình bày về mong muốn của mình, chị đã được cung cấp đầy đủ những thông tin mà chị đề nghị và được giải thích rõ về những nội dung trong thông tin.


2.1

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 151 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và thực hiện yêu cầu

THÔNG TIN

Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lí kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.”

Trường hợp 1

Qua công tác kiểm tra, Đội Quản lí thị trường số 10 (Chi cục Quản lí thị trường thành phố H) đã niêm phong và tịch thu hơn hai tấn xúc xích của Công ty V vì cho rằng trong sản phẩm của công ty này có chất Sodium nitrate 251 có thể gây ung thư. Thông tin này được ông M (nhân viên Công ty V) cung cấp cho báo chí và đăng tải khá nhiều. Tuy nhiên, không lâu sau đó, các cơ quan chuyên môn đã kết luận chính thức rằng Sodium nitrate 251 là chất phụ gia thực phẩm an toàn. Cơ sở này được minh oan, nhưng vì những thông tin sai sự thật được đăng tải trên báo chí trước đó nên công ty không thể tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù nỗ lực, Công ty V chỉ khôi phục được khoảng 20% sản lượng hàng bán ra so với giai đoạn trước đó, gây thiệt hại hàng tỉ đồng doanh thu.

Trường hợp 2

Do có mâu thuẫn với A từ trước nên B đã đăng tải nhiều bài viết bịa đặt, nói xấu A trên mạng xã hội vì cho rằng mình có quyền tự do ngôn luận, do vậy có thể đăng bài viết với bất kì nội dung nào. A phát hiện sự việc, yêu cầu B xoá bài đăng và xin lỗi mình nhưng B không thực hiện.

- Chỉ ra hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp 1, 2.

- Em hãy xác định và phân tích hậu quả do hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp 1, 2 gây ra.

Phương pháp giải:

- Đọc thông tin, trường hợp và chỉ ra hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp 1, 2.

- Xác định và phân tích hậu quả do hành vi vi phạm của các nhân vật trong trường hợp 1, 2 gây ra.

Lời giải chi tiết:

-  Hành vi vi phạm trong các trường hợp:

+ Trường hợp 1: Ông M đã cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa được sự kiếm chứng của cơ quan chức năng có thẩm quyền về sản phẩm xúc xích của Công ty V sử dụng chất phụ gia có thể gây ung thư.

+ Trường hợp 2: B đã đăng tải nhiều bài viết bịa đặt, nói xấu A trên mạng xã hội; khi bị A phát hiện, yêu cầu B xóa bài đăng và xin lỗi nhưng B không thực hiện.

- Hậu quả do hành vi vi phạm của các nhân vật gây ra:

+ Trường hợp 1: Công ty V chi khôi phục được khoảng 20% sản lượng hàng bán ra so với giai đoạn trước đó, gây thiệt hại hàng tỷ đồng doanh thu.

+ Trường hợp 2: Gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của A.


2.2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 152 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi

Trường hợp 1

Chị A có nhu cầu tìm hiểu thông tin về thu hồi đất và phương án bồi thường trên địa bàn tỉnh B. Chị đã liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh B để được cung cấp thông tin. Thực hiện quy định pháp luật về tiếp cận thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp đầy đủ thông tin mà chị B đề nghị, đồng thời hướng dẫn chị theo dõi thông tin đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử về tài nguyên và môi trường của tỉnh.

Trường hợp 2

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh C biết được dự thảo Luật Đất đai đang trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân. Anh muốn tham gia đóng góp ý kiến nhưng anh D cho rằng người dân chỉ cần tập trung vào việc làm ăn, không cần quan tâm đến việc sửa đổi luật hay các vấn đề xã hội khác.

- Em có nhận xét như thế nào về việc làm của nhân vật, cơ quan nhà nước trong các trường hợp trên?

- Theo em, anh C nên tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai không? Vì sao?

Phương pháp giải:

- Đọc các trường hợp và nhận xét về việc làm của nhân vật, cơ quan nhà nước trong các trường hợp đó.

- Nêu quan điểm của bản thân về việc anh C nên tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai không và giải thích.

Lời giải chi tiết:

- Nhận xét về việc làm của các nhân vật, cơ quan nhà nước:

+ Trường hợp 1: Việc làm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh B cung cấp đầy đủ thông tin mà chị B đề nghị, đồng thời hướng dẫn chị theo dõi thông tin đăng tài công khai trên cổng thông tin điện tử về tài nguyên và môi trường của tỉnh là phù hợp quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; việc làm của chị A chủ động tìm hiểu thông tin về thu hồi đất và phương án bồi thường trên địa bàn tỉnh B và liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cung cấp thông tin là phù hợp với quy định của pháp luật về quyền được tiếp cận thông tin của công dân.

+ Trường hợp 2: Việc anh C muốn tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai là phù hợp với quy định của pháp luật về quyền được tiếp cận thông tin của công dân; việc làm của anh D không phù hợp với quy định của pháp luật về quyền được tiếp cận thông tin của công dân.

- Anh C nên tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai để thực hiện quyền dân chủ của công dân.


1

Trả lời câu hỏi 1 trang 153 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em đồng tình hay không đồng tình với nhận định nào sau đây? Vì sao?

a. Theo quy định của pháp luật, quyền tự do ngôn luận không bị giới hạn.

b. Công dân có quyền sáng tạo sản phẩm báo chí và cung cấp thông tin cho báo chí.

c. Công dân không bị giới hạn trong việc tiếp cận các loại thông tin.

d. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

e. Pháp luật nghiêm cấm lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm hại quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.

Phương pháp giải:

Đọc các nhận định định và bày tỏ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình về nhận định đó. Giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. Không đồng tình vì theo quy định của Hiến pháp năm 2013, việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân không được xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

b. Đồng tình vì theo quy định tại Điều 10 Luật Báo chí năm 2016, công dân có quyền sáng tạo sản phẩm báo chí và cung cấp thông tin cho báo chí.

c. Không đồng tình vì theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, có một số loại thông tin công dân không được tiếp cận hoặc tiếp cận có điều kiện.

d. Không đồng tình vì theo quy định tại Điều 10 Luật tiếp cận thông tin năm 2016, cơ quan nhà nước chỉ cung cấp những thông tin công dân được phép tiếp cận theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

e. Đồng tinh vì Hiến pháp năm 2013 nghiêm cấm hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm hại quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.


2

Trả lời câu hỏi 2 trang 153 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Theo em, những hành vi sau đây có phù hợp với quy định về quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin không? Vì sao?

a. Theo quy định của pháp luật, quyền tự do ngôn luận không bị giới hạn.

b. Công dân có quyền sáng tạo sản phẩm báo chí và cung cấp thông tin cho báo chí.

c. Công dân không bị giới hạn trong việc tiếp cận các loại thông tin.

d. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

e. Pháp luật nghiêm cấm lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm hại quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.

Phương pháp giải:

Đọc các hành vi và phân tích hành vi đó có phù hợp với quy định về quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin không và giải thích.

Lời giải chi tiết:

a. Hành vi tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Trẻ em (sửa đổi) của bạn A là phù hợp với quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện quyền tự do ngôn luận.

b. Hành vi viết những tin ngắn tuyên truyền về Hiến pháp năm 2013 của bạn B để đăng lên bản tin của phường nơi mình cư trú là phù hợp với quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện quyền tự do báo chí.

c. Hành vi yêu cầu được tiếp cận thông tin liên quan đến an ninh quốc gia của ông Y là không phù hợp với quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân vì đây là loại thông tin công dân không được tiếp cận.

d. Hành vi liên hệ Tòa soạn báo C để phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở địa bàn mình cư trú của anh D là phù với với quy định về quyền tự do báo chí của công dân.

e. Hành vi không cho B tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin trên địa bàn sinh sống của mẹ B là không phù hợp với quy định về quyền tự do ngôn luận vì mẹ B đã cản trở B thực hiện quyền của mình.


3

Trả lời câu hỏi 3 trang 153 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy thực hiện các bài tập sau:

a. Ông B yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện D cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai và bảng giá đất trên địa bàn. Sau khi được cung cấp thông tin, ông B đã chỉnh sửa, làm sai lệch thông tin và chia sẻ cho nhiều người. Biết được sự việc, bà C khuyên ông nên dừng ngay những hành vi vi phạm nghĩa vụ công dân về tiếp cận thông tin. Nhưng ông B cho rằng những thông tin này đã cung cấp cho ông thì ông có quyền chỉnh sửa, thay đổi.

b. Nhằm phổ biến quy định về quyền tự do ngôn luận đến người dân, huyện Y triển khai tuyên truyền bằng các hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi. Sau các hoạt động này, người dân trên địa bàn đã hiểu rõ hơn về quyền tự do ngôn luận, qua đó, thực hiện tốt quy định pháp luật về quyền này.

- Em hãy nhận xét, đánh giá về hành vi của các chủ thể trong hai trường hợp trên.

- Em hãy nêu một số hậu quả của hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin mà em biết.

Phương pháp giải:

Đọc các trường hợp và thực hiện yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

- Nhận xét, đánh giá về hành vi của các chủ thể trong hai trường hợp:

a. Hành vi ông B chỉnh sửa, làm sai lệch thông tin về quy hoạch đất đai và bảng giá đất trên địa bàn và chia sẻ cho nhiều người là hành vi xâm phạm quyền tiếp cận thông tin. Hành vi này sẽ làm sai lệch thông tin, gây khó khăn cho cơ quan quản lí nhà nước khi giải quyết các vấn đề về đất đai trên địa bàn. Bà C cần giải thích cho ông B về quyền và nghĩa vụ khi tiếp cận thông tin, và hành vi này sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

b. Hành vi huyện Y triển khai tuyên truyền bằng các hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi để phổ biến quy định về quyền tự do ngôn luận đến người dân là hoàn toàn đúng pháp luật. Điều này sẽ giúp người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật, nắm được quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện tốt hơn.

- Một số hậu quả của hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin:

+ Thông tin thiếu minh bạch, không tin cậy sẽ làm cho việc đưa ra các quyết định bị nhầm lẫn.

+ Gây hoang mang dư luận, giảm lòng tin đối với đất nước.

+ Làm ảnh hưởng đến việc quản lí hành chính, an ninh trật tự, chính trị - xã hội.


4

Trả lời câu hỏi 4 trang 146 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy đọc trường hợp sau và thực hiện yêu cầu.

Qua tìm hiểu thông tin, bạn D (học sinh lớp 11) được biết báo M đang tuyển cộng tác viên cho mảng tin tức học đường. D đã mạnh dạn liên hệ với Toà soạn báo M và nhận được thư mời cộng tác. Từ đó, D đã có nhiều bài viết lan toả những thông tin tích cực về ngôi trường D đang theo học.

- Em hãy đánh giá về việc làm của bạn D.

- Em hãy kể ra ba hành vi tuân thủ quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin mà em biết.

Phương pháp giải:

Đọc trường hợp và thực hiện yêu cầu.

Lời giải chi tiết:

- Việc làm của bạn D đã lan tỏa những thông tin tích cực về ngôi trường D đang theo học. Điều này thật đáng khen ngợi.

- Những hành vi tuân thủ quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin:

+ Đưa ra những thông tin về thành phần, thời hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng về các sản phẩm trước khi đem ra thị trường tiêu thụ.

+ Phản ảnh những hành vi vi phạm về môi trường, trật tự an ninh cho cơ quan chức năng, báo chí.

+ Chia sẻ những thông tin lên mạng từ nguồn tin chính thống của nhà nước.


1

Trả lời câu hỏi 1 trang 154 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Em hãy sưu tầm một số hoạt động thể hiện việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin ở địa phương nơi em sinh sống.

Phương pháp giải:

Sưu tầm một số hoạt động thể hiện việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin ở địa phương nơi em sinh sống.

Lời giải chi tiết:

Một số hoạt động thể hiện việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân về tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin ở địa phương nơi em sinh sống, bao gồm:

1. Tham gia các hoạt động của cộng đồng để tìm hiểu thông tin về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, môi trường,...

2. Viết bài, đăng tải thông tin trên các phương tiện truyền thông để chia sẻ với mọi người. Có thể sử dụng các phương tiện như blog cá nhân, trang web, mạng xã hội.

3. Tham gia tranh luận, bình luận và đưa ra ý kiến của mình về các vấn đề xã hội, chính trị trên các diễn đàn, hội thảo,...

4. Tham gia các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ để nâng cao nhận thức về các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin.

5. Tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đánh giá một vấn đề một cách khách quan.

6. Đòi hỏi, kiến nghị cho các cơ quan chức năng về việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về các vấn đề quan trọng đối với cộng đồng.

7. Giúp đỡ và hỗ trợ những người khác trong việc tiếp cận thông tin, phát triển kỹ năng tư duy, phân tích thông tin.

8. Quan sát, phản ánh và báo cáo các hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin.


2

Trả lời câu hỏi 2 trang 154 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Hãy viết một đoạn văn ngắn chia sẻ việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin của bản thân em hiện nay.

Trả lời câu hỏi 2 trang 154 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo

Phương pháp giải:

Viết một đoạn văn ngắn chia sẻ việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí và tiếp cận thông tin của bản thân em hiện nay.

Lời giải chi tiết:

Tự do ngôn luận là sự tương tác giữa học sinh và nhà trường

Quyền tự do ngôn luận là một nhu cầu thiết yếu trong quá trình tồn tại và phát triển của con người trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tự do ngôn luận là nền tảng để thực hiện nhiều quyền con người khác (Ví dụ: phải được nói lên để được thực hiện quyền tự do hội họp, lập hội; phải được bày tỏ quan điểm, ý kiến để thực hiện quyền ứng cử, bầu cử,…). Chính vì vậy, tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người không phân biệt văn hóa, chính trị, tôn giáo, dân tộc,…hay bất kỳ yếu tố nào khác; nó có mối quan hệ chặt chẽ với các quyền con người khác. Tự do ngôn luận trong nhà trường là yếu tố cốt lõi phát triển giáo dục: nó là phương tiện mở rộng kiến thức và tư duy của sinh viên, cũng như kinh nghiệm của giảng viên. Mục đích của giáo dục không phải là để khẳng định niềm tin của học sinh vào thông tin nhà trường truyền dạy mà nên hướng tới một môi trường cởi mở có tính chất vấn, đối đáp: Việc học sinh đối đáp chứng tỏ được sự quan tâm và hiểu biết, điều đó kích thích phát triển tư duy, sáng tạo hơn là chỉ được lắng nghe. Nhưng để việc chất vấn, đối đáp được diễn ra hiệu quả thì cần có được sự tôn trọng quyền ngôn luận của học sinh từ phía giáo viên và nhà trường. Nếu việc phát biểu đóng góp cá nhân tạo nên cảm giác chống đối, đả kích về phía nhà trường thì rõ ràng quan điểm về quyền tự do ngôn luận của học sinh chưa được cởi mở. Những cuộc đối thoại đang dần mất đi trong trường học: Không hẳn học sinh ngày nay thụ động, mà việc tự do ngôn luận nhận lại phản ứng không thân thiện khiến nhận thức của học sinh ngày nay gói gọn trong quan điểm thầy cô luôn đúng và sợ sai. Chính vì vậy, là một học sinh có văn hóa, có hiểu biết chúng ta nên sử dụng quyền tự do ngôn luận trên tinh thần văn minh, thiện chí, trong sáng để mang lại lợi ích chung. Và có thể khẳng định rằng, sự tiến bộ trong giáo dục phụ thuộc vào tự do ngôn luận, suy nghĩ cởi mở, suy luận hợp lý chứ không phải tiếp nhận hết những thông tin truyền đến.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"