Trong bài thơ Con chào mào, nhân vật “tôi” là nhân vật trữ tình xuất hiện xuyên suốt bài thơ và thể hiện tư tưởng của văn bản. Khi nhìn thấy chú chào mào đẹp đẽ, nhân vật “tôi” đã khao khát được níu giữ vẻ đẹp của tự nhiên bằng cách vẽ ra một chiếc lồng trong tưởng tượng. Nhân vật trữ tình đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào. Vậy “chiếc lồng” của ông được đan bện bằng tưởng tượng với mục đích biểu đạt quyền sở hữu thiên nhiên, phô bầy cái đẹp của riêng tác giả. Và nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến mất, vuột mất. Đây là một câu thơ kỳ lạ. Từ vựng trong câu thơ đều mang ý nghĩa ràng buộc, giữ lại, bắt, bó hẹp… nhưng nội hàm câu thơ lại mở ra, trải rộng, bay bổng. Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do. Sau đó tác giả lại thốt lên: “Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”, hai câu thơ kết cho thấy “con chào mào” đã bay đi xa, trở về với thiên nhiên rộng lớn, với thế giới tự do và hồn nhiên của nó. Tác giả viết rằng “chẳng cần chim lại bay về” bởi ông đã cảm thấy đủ, thấy trọn vẹn một thiên nhiên tuyệt đẹp trong cõi hồn mình. Câu thơ đa nghĩa cho ta thấy nhà thơ đang tràn đầy hạnh phúc, mong cho con chào mào bay xa, bay cao hơn, nhưng cũng gợn một chút tiếc nuối dù rất nhỏ.
[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]