Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông) lớp 6

2024-09-14 15:49:57

Dàn ý chi tiết

a) Mở đoạn

- Dẫn dắt bằng đề tài tình cảm gia đình, cha con.

- Giới thiệu bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông.

- Cảm xúc chung của em về bài thơ.

b) Thân đoạn:

* Cảm xúc về nội dung cả bài thơ:

- Bài thơ ca ngợi tình cảm gia đình, cụ thể là tình cha con thân thiết, gắn bó.

+ Tình cảm thân thiết của cha dành cho đứa con bé nhỏ: sự ân cần, chăm sóc, của cha đối với con.

+ Hình ảnh cha dắt con đi được lặp đi lặp lại nhiều lần vừa thể hiwwnj tình cảm yêu thương, trìu mến của người cha vừa gợi lên sự chở che của cha trên đường cùng con hướng tới tương lai.

+ Người cha cảm thấy hạnh phúc khi gặp lại chính mình trong ước mơ của con.

Những khát vọng, hoài bão, lí tưởng cao đẹp ngày xưa còn dang dở.

- Sự yêu thương, niềm tin tưởng mà con dành cho cha:

+ Con lắc tay cha và hỏi về những điều con băn khoăn, chưa biết.

+ Lề đề nghị thơ ngây của con dành cho cha đã cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối của con. Đối với con, cha luôn là nguười bạn, người đồng hành tin cậy, luôn ủng hộ, giúp đỡ con trên mọi chặng đường.

* Cảm xúc về nghệ thuật của bài thơ:

- Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả.

- Từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm: “lênh đênh”, “rực rỡ”, “rả rích”, “phơi phới”, “thầm thì”,….

- Các biện pháp tư từ độc đáo: điệp ngữ “không”, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Ánh nắng chảy đầy vai”.

c) Kết đoạn: Khái quát cảm xúc về bài thơ.


Mẫu 1

  “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông đã đem đến cho người đọc thật nhiều cảm xúc. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh người cha đang dắt con đi trên bãi biển. Sau một đêm mưa, khung cảnh thiên nhiên vô cùng tinh khôi, khiến người đọc cảm thấy say mê, thích thú. Ánh mặt trời xuất hiện đầy rực rỡ, nước biển trong xanh và cát thì mịn màng. Đặc biệt là hình ảnh gợi ra tình cảm cha con ấm áp - chiếc bóng của cha dài lênh khênh, còn bóng con tròn chắc nịch. Khi lắng nghe tiếng bước chân của con, lòng cha cảm thấy trong lòng phơi phới. Ngắm nhìn thế giới rộng lớn ngoài kia, con nói với cha hãy mượn cho con cánh buồm trắng, để con đi. Lời đề nghị của con khiến cho người cha như tìm thấy chính mình. Khi còn là một cậu bé, cha cũng từng mong ước như con. Và từ đó, chúng ta thấy được mong ước của người cha là đứa con có thể thực hiện ước mơ thay mình. Bài thơ nói về tình cảm cha con ấm áp, cũng như ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ - đó là những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.


Mẫu 2

Trong những bài thơ viết về tình cha con, em đặc biệt yêu thích tác phẩm Những cánh buồm. Bởi lời thơ và cách thể hiện tình cảm vô cùng mộc mạc, giản dị. Nó giống như cách mà những người cha thể hiện tình cảm với con của mình. Cha như một cây cổ thụ to lớn, yên lặng mà che mưa chắn gió, đem đến bình yên cho con. Người cha trong bài thơ đã dành thời gian để cùng con đi dạo trên bờ biển. Cầm tay con, xoa đầu con, trả lời những câu hỏi của con. Sự kiên nhẫn, ân cần và yêu thương dịu dàng ấy khiến em như được nhìn thấy hình ảnh chính người cha của mình. Tâm hồn em đã đồng điệu với người con ở trong tác phẩm, để cảm nhận tình cha ấm áp vô bờ. Những cảm xúc tuyệt vời ấy, chính bài thơ Những cánh buồm đã đem đến cho em.


Mẫu 3

Bài thơ “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông được viết bằng thể thơ tự do với các câu thơ dài ngắn khác nhau, không bị gò ép vào một quy tắc nào cả. Nhờ vậy mà mạch cảm xúc của nhà thơ được trải ra một cách tự nhiên nhất. Bài thơ là bức tranh một bãi biển mênh mông vào buổi sớm mai trong lành. Trên nền cát vàng, người cha đang dắt tay con trai một cách dịu dàng, trìu mến. Bóng dáng cha cao lớn và vững chãi, kiên nhẫn dìu dắt con bước đi từng bước và trả lời từng câu hỏi của con. Người cha vừa là cha nhưng cũng vừa là người thầy đầu tiên của con. Bằng sự yêu thương, bao dung và yêu chiều, cha đồng hành với con trên con đường bắt đầu chinh phục ước mơ. Cánh buồm trắng trong bài thơ là hình ảnh biểu tượng cho những khát khao, ước vọng to lớn trong tương lai. Cánh buồm đó đã gắn kết cha và con, nối liền hai thế hệ, hai cuộc đời. Rồi mai đây con sẽ lớn khôn, sẽ bước đi riêng trên một hành trình khác không có cha kề bên. Nhưng chắc chắn, những ngày đầu có cha bên cạnh, những điều mà cha dạy dỗ vẫn sẽ mãi khắc ghi trong tâm trí của người con. Tình cảm phụ tử thiêng liêng, ấm áp và sự gắn kết sâu sắc giữa cha và con đó đã được nhà thơ Hoàng Trung Thông gửi gắm trong lời thơ “Những cánh buồm”. Hiểu được những tình cảm, suy tư ấy, em lại càng say mê hơn những vần thơ của ông.


Mẫu 4

Bài thơ “Những cánh buồm” của tác giả Hoàng Trung Thông đã để lại cho em rất nhiều cảm xúc. Trước hết là hình ảnh người cha “dắt con đi” được lặp lại nhiều lần cho thấy tình yêu thương, sự che chở dẫn dắt của người cha trên hành trình đến tương lai. Tiếp theo hình ảnh đứa con thể hiện sự tin tưởng, yêu thương dành cho cha. Người con đề nghị “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/Để con đi”. Những cánh buồm chính là nơi để gửi gắm ước mơ của con. Cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát được đi xa để khám phá, hay cũng chính là nơi chất chứa hình cha thuở trước. Người cha cảm thấy tự hào khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ, lí tưởng cao đẹp. Qua bài thơ, tác giả cũng ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ, những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tươi sáng hơn. Bằng giọng thơ chân thành giản dị, “Những cánh buồm” đã lưu lại dấu ấn sâu sắc trong lòng em.


Mẫu 1

Đến với bài thơ “Những cánh buồm”, chúng ta như được bước vào một thế giới tuyệt đẹp. Ở đó, khung cảnh xung quanh chính là bãi biển. Sau một đêm mưa, ánh mặt trời xuất hiện trở lại đầy rực rỡ, nước biển trong xanh còn bãi cát thì mịn màng. Hình ảnh trung tâm trong bài là người cha đang dắt con đi dạo trên bãi biển. Bóng của người cha và đứa con gợi ra khoảng cách giữa hai thế hệ. Bóng cha dài lênh khênh, bóng con tròn chắc nịch. Khi nhìn về phía chân trời, con đã thắc mắc ở ngoài đó có những gì. Cha đã giải thích cho con rằng theo cánh buồm trắng ở ngoài nơi xa sẽ có nhà, cửa - cũng chính là tổ quốc thân yêu. Lời đề nghị của đứa con “mượn cánh buồm trắng để con đi” đã khiến cha nhớ lại về mong ước của bản thân khi còn nhỏ. Lời chân thành của đứa con làm người cha bồi hồi cảm động. Trong bài thơ, tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh những cánh buồm. Đó là một hình ảnh mang tính biểu tượng, những cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát muốn đi xa để khám phá của con, hay cũng chính là cha thuở trước. Qua đó, hình ảnh này đã thể hiện niềm tự hào của người cha khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp, được khám phá cuộc sống của trẻ thơ, những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.


Mẫu 2

Đến với bài thơ “Những cánh buồm”, tôi đã cảm nhận được tình cha con vô cùng đẹp đẽ. Mở đầu tác phẩm, Hoàng Trung Thông đã khắc họa hình ảnh người cha đang dắt con đi dạo trên bờ biển. Khung cảnh bãi biển sau đêm mưa hiện lên đầy sức sống với ánh nắng rực rỡ, nước biển trong xanh và bãi cát vàng mịn. Khi ngắm nhìn về phía chân trời xa, đứa trẻ đã hỏi cha bằng một giọng điệu đầy hồn nhiên, ngây thơ: “Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời/Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?. Lắng nghe câu trả lời của cha, người con mong muốn được mượn “cánh buồm trắng” để đi đến nơi xa đó, khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Ước muốn của con khiến cha nhớ lại bản thân khi còn nhỏ. Khi còn là một cậu bé, người cha cũng từng mong ước được khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Và giờ, những ước mơ chưa thể thực hiện của người cha nay được gửi gắm trong con. Đứa con sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ đó thay cho người cha. Điều đó càng khiến cha thêm tự hào, tin tưởng và yêu thương đứa con của mình nhiều hơn. Bài thơ nhẹ nhàng nhưng lại gửi gắm giá trị thật to lớn.


Mẫu 3

Bài thơ “Những cánh buồm” của tác giả Hoàng Trung Thông là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình cảm gia đình, đặc biệt là về tình cha con tha thiết, đậm sâu. Mở đầu bài thơ là hình ảnh “cha dắt con đi” được lặp đi lặp lạo nhiều lần như đang minh chứng cho tình cảm cha con đong đầy. Cha sẽ nắm tay con đi trên tất cả mọi nẻo đường, đưa con đến bến bờ của hạnh phúc. Khung cảnh thiên nhiên thật tươi đẹp làm sao với “ánh mặt trời rực rỡ”. “biển xanh”, “ánh mai hồng”, “ánh nắng chảy đầy vai”. Đứng trước những mênh mông roongj lớn của biển cả, đứa con ngây ngô hỏi những điều băn khoăn, chưa biết. Với ngôn từ ngọt ngào, ngập tràn những cảm xúc trìu mến, người cha đã “mỉm cười xoa đầu” rồi từ tốn giải thích. Những tình cản ân cần cha dành cho con dường như đã tạo thêm niềm tin vững chắc trong lòng đứa trẻ. Lời đề nghị thơ ngây “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/ Để con đi…” nhưng đó là lời khẳng định niềm tin tuyệt đối của con đối với cha. Đến đây “tiếng lòng cha từ một thời xa thẳm” lại vang lên, kí ức dội về ào ạt như những hoài bão thời thơ trẻ, những khát vọng dang dở cha chưa thực hiện được. Và cha sẽ gửi gắm tất cả vào con- đứa con ngây thơ, bé nhỏ. Bên cạnh những giá trị mà nội dung mang lại thì việc vận dụng các biện pháp nghệ thuật trong bài thơ cũng là một thành công của tác giả. Cách sử dụng biện pháp tu từ, điệp ngữ độc đáo “không”, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Ánh nắng chảy đầy vai” cùng hệ thống từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm “lênh khênh”, “rực rỡ”, “rả rích”, “phơi phới”, “thầm thì”,….Hoàng Trung Thông đã nhấn mạnh một cách sâu sắc những tình cảm trìu mến, sâu đậm mà cha dành cho con cũng như niềm tin của con đối với cha. Bên cạnh việc đan xen yếu tố biểu cảm kết hợp với yếu tộ tự sự và miêu tả cũng góp phần làm nổi bật lên đề tài mà bài thơ hướng tới. Trong từng nhịp thơ sâu lắng, bài thơ “Những cánh buồm” đã để lại trong em những cảm xúc, suy tư về tình cảm gia đình, tình cha con sâu nặng.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"