Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Bài ca dao là lời tâm tình tha thiết nỗi nhớ quê, nhớ người con gái làng quê của người con trai khi đi xa. Ở hai câu đầu, ba chữ “nhớ” diễn tả nỗi nhớ triền miên, day dứt, khôn nguôi. Nhớ quê nhà là nhớ ông bà, mẹ cha, anh em; là nhớ mái rạ, hàng cau, mảnh vườn, chiếc cầu ao, lũy tre; là nhớ đồng lúa xanh, cánh cò trắng, con diều biếc…nhớ bạn bè tuổi thơ. Xa quê, anh nhớ cái hương vị đậm đà của quê bương qua bát canh rau muống, bát cà dầm tương. Tuy bình dị nhưng mang một vị rất riêng. Hai câu cuối, từ nỗi nhớ quê, hương vị quê nhà, anh chuyển sang nhớ người. Nỗi nhớ ấy hướng về những người thân thương ở quê nhà đã dãi nắng dầm sương, chân lấm tay bùn vất vả hay cả người mà anh không quen biết – nỗi nhớ man mác, bâng khuâng. Chỉ với bốn câu lục bát, tác giả đã diễn tả một tình cảm đẹp: tình thương nhớ quê nhà. Cái hay, cái đẹp của bài ca dao là nhớ quê hương, nhớ cô thôn nữ từng hẹn ước đã làm cho nỗi nhớ quê nhà thêm tha thiết, sâu nặng.