Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát: Hoa bìm lớp 6

2024-09-14 15:50:01

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu tác giả, bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.

2. Thân đoạn:

- Nêu cảm xúc về nội dung:

+ Hình ảnh làng quê bình yên.

+ Những trò chơi thú vị gắn liền với tuổi thơ.

+ Những âm thanh sống động, quen thuộc nơi chốn thôn quê.

- Nêu nhận xét về nghệ thuật của bài thơ:

+ Hình ảnh thơ gần gũi.

+ Ngôn ngữ giản dị.

+ Các biện pháp tu từ đặc sắc.

3. Kết đoạn:

- Khái quát được cảm xúc về bài thơ


Mẫu 1

Bài thơ "Hoa bìm" của tác giả Nguyễn Đức Mậu là một bài thơ hay viết về vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên thôn quê Việt Nam. Mở đầu bài thơ, em ấn tượng với hình ảnh sắc hoa bìm bên bờ giậu "Rung rinh bờ giậu hoa tím". Những bông hoa bìm màu tim tím hòa mình trong gió đã gợi lại dòng chảy kí ức tuổi thơ của nhân vật trữ tình. Xuôi theo dòng chảy ấy, em thấy được khung cảnh thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Khu vườn với ánh nắng dịu êm bao trùm như ru con người vào giấc trưa yên ả. Sự phong phú, đa dạng của thế giới loài vật nhỏ bé "con chuồn ớt lơ ngơ", "con nhện giăng tơ", "ri ri tiếng dế mèn",... đã gợi lên những hình ảnh quen thuộc với tuổi thơ. Tác giả còn tiếp tục phác họa bức tranh thiên nhiên qua âm thanh tươi vui, nhộn nhịp "ri ri tiếng dế mèn", "trưa yên ả rụng vài một vài tiếng chim". Bên cạnh đó, sự xuất hiện của con người cùng các trò chơi thân thuộc như đưa người đọc trở về năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh. Cánh diều cùng con thuyền giấy bên dòng nước sông đã chất chứa bao ước mơ non trẻ. Bằng ngôn ngữ giản dị, hình ảnh gần gũi, các biện pháp liệt kê và điệp từ, tác giả đã lột tả vẻ đẹp yên bình của làng quê Việt Nam. Bài thơ cũng thể hiện tình yêu quê hương thiết tha cùng sự trân quý những kỉ niệm tuổi thơ ấm áp của tác giả.


Mẫu 2

Thiên nhiên, cỏ hoa với vẻ đẹp tinh khiết đã đi vào bao áng thi ca nhạc họa một cách tự nhiên, tài tình. Bài thơ Hoa bìm của tác giả Nguyễn Đức Mậu là một bài thơ viết về loài hoa với những vẻ đẹp mộc mạc, chân quê:

Rung rinh bờ giậu hoa bìm
Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ

Câu thơ đầu mở ra khung cảnh bình dị, gần gũi, thanh bình của làng quê Việt Nam với giậu hoa bìm tim tím gần gũi thân thương. Tác giả không chọn những loài hoa sắc nước hương trời như hoa lan, hoa hồng, hoa mai mà lại chọn giậu hoa bìm mọc ven đường giản dị. Vì đây chính là sự gần gũi, thân thuộc, là nơi chất chứa những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ trong mỗi đứa trẻ nông thôn Việt Nam. Đó là nơi có chú chuồn chuồn ớt lơ ngơ đậu hờ trên nhành gai ươm hồng cả một trời tuổi thơ của trẻ em. Là mảnh vườn đầy nắng với cây hồng trĩu quả ngọt ngào ru êm cho buổi trưa mùa hè yên ả. Là cánh diều tuổi thơ, là bến nước, con thuyền và những con côn trùng cất bản đồng ca cho tuổi thơ thêm thi vị. Tất cả đã được cảm nhận và tái hiện lại trong đôi mắt trong veo của nhà thơ về một thời ấu thơ êm đềm đã qua bên bờ giậu bìm tím. Và cuối bài thơ, tác giả buông một câu hỏi tu từ không có lời đáp “Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?”. Dường như tác giả đã tái hiện để nhắc nhớ người bạn nào đó về những kí ức tuổi thơ êm đềm để rồi đặt ra câu hỏi bâng khuâng cuối bài, tại sao người cũ vẫn chưa về. Qua những sự vật được khắc họa, nhà thơ đã tái hiện vẻ đẹp bình yên của làng quê đồng thời thể hiện tình yêu thầm kín đối với quê hương thôn dã, và sự trân quý với những kỉ niệm bình yên của mình.


Mẫu 3

Nhà Thơ Nguyễn Đức Mậu là một nhà thơ có hồn thơ mang đậm hơi thở của đồng quê. Với chất liệu là những hình ảnh dân dã, mộc mạc của vùng nông thôn nước ta trong quá khứ. Ông đã sử dụng thể thơ lục bát, để dệt tất cả lại thành một tác phẩm thơ chạm đến trái tim người đọc. Đến với Hoa Bìm, người đọc được sống lại những kỉ ức tuổi thơ đang nằm trôi trong dòng sông kí ức. Ở đó có những khu vườn xanh tốt, có chú chuồn chuồn ớt, có con nhện giăng tơ, có anh cào cào, dế mèn, đom đóm. Những con vật nhỏ bé ấy từng là cả một kho tàng đồ chơi đến từ thiên nhiên thú vị, làm say đắm bao đứa trẻ. Chúng nằm lẫn trong sắc xanh của cỏ cây, sắc tím của hoa bìm, sắc đỏ cam của hồng chín. Những gam màu ấy tô điểm cho tuổi thơ mộc mạc thêm phần rực rỡ. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã giúp em có một trải nghiệm tuyệt vời khi đắm mình vào bầu không xưa cũ ấy. Em như thực sự được sống cùng với tuổi thơ của ông bà, cha mẹ mình. Chính những cảm xúc ngỡ ngàng, yêu thích, quyến luyến và tiếc nuối về một thời đã qua ấy, khiến em yêu mến và trân trọng những vần thơ của Hoa Bìm.


Mẫu 1

Trong những áng thơ viết về quê hương, em đặc biệt ấn tượng với bài thơ Hoa Bìm của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Khác với những bài thơ hào hùng, tha thiết khác khi viết về quê hương, Hoa Bìm đem lại cho em một cảm giác bình yên đến khó tả. Đó là sự thoải mái, thích thú đến từ sâu trong tâm hồn, khi được trở về với nguồn cội, trở về với bến đỗ tuổi thơ. Với những hình ảnh giản dị mà thân thuộc, nhà thơ đã tái hiện lại miền quê trong kí ức của mình. Từng chi tiết nhỏ bé đã được ông khắc họa dưới góc nhìn của một đứa trẻ thơ. Đó là thế giới loài vật nhỏ như con chuồn chuồn ớt, con nhện, cào cào, dế mèn, đom đóm. Là thế giới vườn cây thân thuộc, với bờ giậu đầy những hoa bìm tim tím, với cây hồng trĩu quả. Bên cạnh đó, là những không gian quen thuộc ở dòng sông nước đục, những đứa trẻ chơi trò thả thuyền giấy. Hay những trưa hè oi ả, trốn ngủ theo bạn bè ra vườn chơi. Những kỉ niệm, những hình ảnh ấy là từng khung ảnh của miền kí ức. Mà hiện tại, tác giả dùng những gam màu trong sáng nhất, tinh khôi nhất để vẽ nên. Nhờ vậy, người đọc đã có thể đồng điệu được với nhà thơ, để cảm nhận được tình yêu quê hương tha thiết trong lòng ông. Đồng thời tận hưởng được một miền quê tươi đẹp mà tác phẩm đã khắc họa trong Hoa Bìm.


Mẫu 2

Tuổi thơ là dòng suối mát lành mà ai đi qua cũng nhớ về để trân trọng, để mỉm cười, để yêu thương. Bài thơ “Hoa bìm” của Nguyễn Đức Mậu đã tái hiện lại những mảng ký ức tuổi thơ trong mát nơi thôn quê bình dị. Từ giậu hoa bìm tím, tác giả mường tượng lại những mảng màu kỉ niệm qua một loạt những sự vật tuổi thơ:

Có con chuồn ớt lơ ngơ
Bay lên bắt nắng đậu hờ nhành gai
Có cây hồng trĩu cành sai
Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim
Có con mắt lá lim dim
Cánh diều ai thả nổi chìm trên mây
Bến quê nước đục sông gầy
Có con thuyền giấy chở đầy mộng mơ
Cánh bèo con nhện giăng tơ
Cào cào tránh nắng đậu nhờ tàn sen
Có ri ri tiếng dế mèn
Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu
Có con cuốc ở bờ lau
Kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa

Mọi thứ trở nên đẹp đẽ và có hồn qua lăng kính tuổi thơ mà tác giả cảm nhận. Đoạn thơ đã tái hiện đặc sắc những hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên bình dị và gắn liền với tuổi thơ của mỗi người con nông thôn. Đó là chú chuồn chuồn ớt làm hồng cả khoảng trời thơ. Là cây hồng trĩu cành sau vườn nhà che bóng cho chú chim líu lo ca hát. Là đôi mắt lim dim đầy mộng mơ của những cô bé, cậu bé đang lon ton đôi chân đuổi theo cánh diều vào một chiều nhiều gió. Là con thuyền giấy chở theo những mộng mơ của tuổi nhỏ đi xa, đến bến bờ của chờ đợi, niềm tin và hi vọng. Những sự vật hiện lên một cách đẹp đẽ, trong mát làm tô đậm bức tranh bình yên nơi thôn quê. Đoạn thơ còn đặc sắc bởi sự tô điểm của các âm thanh ri ri của dế mèn và tiếng kêu dài của chú cuốc vào buổi chiều xa. Tất cả đã hoàn thiện và vẽ ra trước mắt ta một bức tranh tuổi thơ đầy gió mát bởi những sự vật tươi đẹp. Ai đã từng lớn lên từ nông thôn lam lũ hẳn không thể nào quên được bầu trời tuổi thơ đẹp đẽ trong “Hoa bìm”.


Mẫu 3

"Hoa bìm" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã mang đến cho em những rung động sâu sắc về khung cảnh nông thôn Việt Nam tươi đẹp. Bài thơ mở ra bức tranh thiên nhiên hài hòa giữa hình ảnh, âm thanh, màu sắc của cảnh vật. Trước hết, em thấy được thế giới của các loài vật nhỏ bé "con chuồn ớt lơ ngơ", "con nhện giăng tơ", "dế mèn",... Tiếp đó, tác giả còn khắc họa hình ảnh khu vườn "cây hồng trĩu cành sai" đang đắm mình trong ánh nắng dịu nhẹ. Không gian yên bình của cuộc sống thôn quê trở nên sống động, nhộn nhịp nhờ những giai điệu tự nhiên với "ri ri tiếng dế mèn", "trưa yên ả rụng vài một vài tiếng chim". Tất cả âm thanh ấy đã tạo nên bản đồng ca tươi vui, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Bên cạnh đó, nhà thơ còn tinh tế khi để con người xuất hiện với các hoạt động thú vị. Đó là ngày tháng mải mê thả diều rồi cùng nhau ngắm nhìn cánh diều bay cao trên bầu trời xanh. Hay còn là trò chơi gấp thuyền giấy và thả trôi lững lờ theo dòng nước "đục sông gầy". Tất cả như đưa chúng ta trở về năm tháng tuổi thơ êm đềm, mộng mơ. Những hình ảnh thơ gần gũi, ngôn ngữ giản dị kết hợp với các biện pháp tu từ như điệp ngữ "có", nhân hóa "Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu" đã mang đến cảnh sắc gần gũi, thân thuộc của chốn thôn quê. Từ bài thơ, em cảm nhận được tình yêu cùng nỗi nhớ thầm kín mà tác giả dành cho quê hương. Qua đây, em càng thêm trân trọng và yêu mến những vẻ đẹp thiên nhiên bình dị, mộc mạc.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"